Mở cửa du lịch: Thích ứng-Đón thời cơ

Mở cửa du lịch: Thích ứng-Đón thời cơ - Ảnh 1.

Khách quốc tế đến Khánh Hòa dịp cuối năm 2021. Ảnh: VGP/Diệp Anh

* Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu du khách quốc tế năm 2026

Đại dịch COVID-19 là biến cố chưa từng có đối với ngành du lịch toàn cầu cũng như đối với Du lịch Việt Nam. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cũng ghi nhận đây là điều tồi tệ nhất trong chuỗi lịch sử phát triển của du lịch thế giới từ năm 1950.

Đến nay, sau 2 năm chống chọi với đại dịch, nhiều quốc gia đã dần điều chỉnh quan điểm chống dịch COVID-19, từ “không COVID” chuyển sang “thích ứng, chung sống với COVID” nhằm tái khởi động, sớm đưa cuộc sống, trong đó có hoạt động du lịch, trở lại bình thường trong bối cảnh mới.

Năm 2021, ngành du lịch tại nhiều nước cũng đã có những bước đi đầu tiên để dần phục hồi. Các nước Singapore, Thái Lan cho phép đón khách du lịch quốc tế, Liên minh châu Âu mở cửa cho việc đi lại nội khối và cho phép công dân các nước thứ ba nhập cảnh với các điều kiện và giải pháp như: Đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 được công nhận ít nhất 14 ngày trước khi nhập cảnh; hoặc có giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh; có chứng nhận xét nghiệm RT-PCR âm tính COVID-19 trong thời gian 72 giờ trước khi xuất cảnh; một số nước đã công bố danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ được phép nhập cảnh.

Diễn đàn Du lịch ASEAN – ATF 2022 tại Sihanoukville, Campuchia từ ngày 16- 22/1/2022 cũng đã thống nhất thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm mở cửa trở lại du lịch ASEAN với mục tiêu phục hồi và phát triển bền vững sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Liều thuốc tinh thần” khích lệ các doanh nghiệp du lịch phục hồi

Đối với ngành du lịch Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan đang xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc sớm mở cửa rộng rãi đón khách quốc tế trên tinh thần thống nhất lộ trình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Theo Tổng cục Du lịch, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (tháng 11/2021) tính đến ngày 8/2/2022, Việt Nam đã đón được hơn 8.900 khách du lịch quốc tế. Khách du lịch chủ yếu từ Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada…

Đến nay, đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 82 cơ sở lưu trú du lịch; 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ; 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn 1.

Hoạt động du lịch trong kì nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần nói riêng sôi động trở lại tại một số trung tâm du lịch lớn trên cả nước, tạo đà phục hồi cho ngành du lịch năm 2022. Nhiều địa phương đã xây dựng sản phẩm du lịch mới, chỉnh trang cơ sở lưu trú và khu, điểm du lịch để phục vụ khách du lịch, đồng thời đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng chống dịch.

Một số địa phương như Khánh Hoà, Đà Nẵng, Kiên Giang,… đã phối hợp với các hãng hàng không (Vietnam Airlines, Bamboo Airways) và doanh nghiệp du lịch (Saigontourist, TTC Travel…) tổ chức lễ đón  du khách “xông đất” đầu năm, đồng thời bày tỏ hi vọng về một năm mới  du lịch Việt Nam phát triển hơn.

Trong 9 ngày Tết (từ ngày 29/1/2022-6/2/2022), ngành du lịch đã phục vụ 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Khách du lịch quốc tế đến theo chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine đạt 467 người.

Sau khi tham gia chương trình thí điểm, du khách nước ngoài đều có phản hồi tích cực khi được trải nghiệm các loại hình du lịch thể thao, giải trí sôi động, hấp dẫn, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Du khách thể hiện sự hài lòng về chất lượng dịch vụ, bày tỏ sự tin tưởng về các biện pháp phòng chống dịch, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam.

Với việc triển khai chương trình thí điểm, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực cũng như trên thế giới mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế một cách chủ động, qua đó thể hiện uy tín và năng lực phòng chống dịch COVID-19 của đất nước thời gian qua, khẳng định chủ trương đúng đắn về “chiến lược vaccine” của Đảng, Chính phủ.

Việc triển khai chương trình là động lực tích cực, là “liều thuốc tinh thần” khích lệ các doanh nghiệp du lịch quyết tâm khôi phục lại hoạt động sau 2 năm gần như đóng cửa, chủ động kết nối lại thị trường, nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch mới, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, qua đó góp phần lan tỏa, thúc đẩy phục hồi hoạt động du lịch quốc tế.

Công tác xúc tiến thị trường, truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam về Chương trình thí điểm được tăng cường, với nhiều phương thức đa dạng, qua đó đã hỗ trợ hiệu quả việc kết nối lại với các thị trường khách du lịch trọng điểm của Việt Nam, thể hiện qua việc lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đã tăng đáng kể trong thời gian qua.

Thông qua việc triển khai chương trình thí điểm, các địa phương và doanh nghiệp du lịch hoàn thiện phương án đón khách du lịch đảm bảo “thích ứng an toàn”, từ đó xây dựng phương án tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội khác trên địa bàn phù hợp với điều kiện bình thường mới. Mặc dù, thời gian triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến chưa dài, lượng khách du lịch quốc tế đến chưa nhiều nhưng những kết quả đạt được bước đầu đã minh chứng Việt Nam là điểm đến du lịch “an toàn, hấp dẫn”, cũng như khẳng định năng lực “thích ứng an toàn, linh hoạt” của ngành du lịch Việt Nam. Đó cũng là căn cứ quan trọng để du lịch Việt Nam đề xuất Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế, góp phần nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, góp phần phát triển bền vững ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Mở cửa du lịch: Thích ứng-Đón thời cơ - Ảnh 2.

Du khách quốc tế vẫn luôn đánh giá cao sức hấp dẫn, an toàn của các điểm đến Việt Nam. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Mở cửa đồng bộ để đón “làn sóng” du lịch an toàn, bền vững

Để có được những kết quả bước đầu khả quan cho ngành du lịch Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, các địa phương trên cả nước cùng các công ty, doanh nghiệp lữ hành đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm trực tuyến và trực tiếp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với ngành du lịch.

Trong bối cảnh du lịch quốc tế đóng băng do ảnh hưởng của đại dịch, du lịch Việt Nam vẫn duy trì các hoạt động truyền thông quảng bá trực tuyến trên website Vietnam.travel và các trang mạng xã hội, đảm bảo duy trì nhận biết thương hiệu, nhắc nhớ với du khách quốc tế về một Việt Nam “an toàn, hấp dẫn” và khơi dậy cảm hứng đi du lịch của du khách quốc tế.

Từ tháng 11/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức triển khai chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam) trên trang web vietnam.travel và các mạng xã hội nhằm hướng đến thị trường khách quốc tế, được các doanh nghiệp, địa phương ủng hộ và hưởng ứng toàn diện. Ngành du lịch đồng thời triển khai nhiều giải pháp mang tính nền tảng, tạo cơ sở để đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch và từng bước hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh. Trong bối cảnh đại dịch, du lịch Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được các giải thưởng uy tín quốc tế có thể hiểu rằng hoạt động du lịch Việt Nam đang đi đúng hướng. Đó là tín hiệu cho thấy du khách quốc tế vẫn luôn đánh giá cao sức hấp dẫn, an toàn của các điểm đến Việt Nam.

Hiện tại, nhiều địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã chủ động lên các phương án để sẵn sàng đón khách quốc tế khi có chủ trương mới. Tuy nhiên, việc đón khách quốc tế vẫn gặp không ít khó khăn, do quy định đón khách theo hướng dẫn cũ không còn phù hợp, như chính sách thị thực (visa), quy định lựa chọn doanh nghiệp lữ hành, quy định cách ly du khách…

Các đơn vị kinh doanh, lữ hành mong muốn các địa phương cần có sự thống nhất về chính sách, cách thức đón khách, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp và du khách. Bên cạnh đó, các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối với nhau cùng xây dựng chuỗi dịch vụ chất lượng, an toàn.

Do đó, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để mở cửa đón khách du lịch quốc tế đảm bảo an toàn, hiệu quả, cần ban hành hướng dẫn thủ tục nhập xuất cảnh, đảm bảo an toàn y tế tại các cửa khẩu quốc tế và triển khai thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Tăng cường đàm phán nhằm gia tăng số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng – “hộ chiếu vaccine” của Việt Nam để phục vụ đưa khách đi du lịch nước ngoài trong điều kiện bình thường mới. Gia tăng tần suất, kết nối các đường bay thương mại quốc tế thường lệ phục vụ khách du lịch, nhất là các đường bay kết nối trực tiếp từ các thị trường quốc tế gửi khách đến các điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam.  

Cơ quan quản lý du lịch các cấp, các địa phương, điểm đến du lịch tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, đảm bảo an ninh, an toàn, có phương án và chủ động xử lý sự cố y tế phát sinh. Các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch chủ động, tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới, tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Diệp Anh