Món ngon ngày Tết
Đối với người Việt, mâm cỗ Tết không chỉ là sự hội tụ của tinh hoa ẩm thực, với những món ăn đậm đà hương vị, đa dạng sắc màu mà còn thể hiện rất nhiều ý nghĩa tâm linh, mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc sắc.
Mâm cỗ Tết – Nét văn hoá ẩm thực đặc sắc
Theo phong tục truyền thống, mâm cỗ Tết thường được các gia đình chuẩn bị kỹ càng, với những món ăn được chế biến cầu kỳ, bày biện đẹp mắt, tượng trưng cho tấm lòng thành kính của con cháu dâng lên tổ tiên trong những ngày đầu năm, đồng thời mong ước cuộc sống trọn vẹn, đủ đầy trong năm mới.
Chính vì vậy, văn hóa ẩm thực của người Việt trong ba ngày Tết còn có ý nghĩa về một sự đoàn tụ, sung túc và may mắn cho cả năm.
Món ngon ngày Tết miền Bắc – Ảnh: tapchiamthuc
“Đối với gia đình tôi thì bữa cơm ngày Tết luôn là dịp để mọi thành viên trong gia đình, anh em bạn bè ngồi lại với nhau. Đi xa về gần có câu chuyện vui, buồn, thành công hay thất bại gì trong suốt một năm qua thì mình tâm sự.
Chính vì vậy, cho dù có bận rộn như thế nào đi chăng nữa thì cứ Tết đến, xuân về là mọi người đều cố gắng ngồi quây quần với nhau ít nhất là một bữa bên mâm cơm gia đình”.
“Trước khi đi lấy chồng mẹ mình luôn dặn là bày biện mâm cỗ Tết phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ. Ví dụ như thịt gà sắp ra đĩa thì phải đẹp, đầy đặn, da gà làm sao mà giữ được gần như nguyên hình khi chưa chặt. Giò cắt làm 6 miếng đều nhau.
Thậm chí dưa góp cũng cắt tỉa hình hoa cho đẹp mắt. Mâm cỗ thì bao giờ cũng có màu xanh của bánh trưng, màu đỏ của xôi gấc, màu vàng thịt gà, màu trắng dưa hành khi mình bày biện lên thì trông hài hòa mà đẹp mắt”.
Có thể thấy, không chỉ đơn giản là những món ăn thông thường, trong văn hóa ẩm thực của người Việt, mâm cỗ Tết còn mang ý nghĩa hạnh phúc, đoàn viên, nhất là sau một năm làm việc vất vả hay đối với những người con xa nhà.
Thưởng thức các món ngon trong không khí ngày đầu xuân mới giúp mọi người tạm gác đi bao nỗi lo toan, bộn bề cuộc sống, là dịp để ông bà, con cháu, anh em, bạn bè quây quần bên mâm cơm gia đình.
Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Bảo Hưng, thành viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam chia sẻ: “Một mâm cỗ Tết về mặt mùi vị, hương sắc đều rất đẹp. Về mặt tâm linh, ngày Tết là ông bà, bố mẹ, tổ tiên, các cụ về ăn Tết với con với cháu. Thế cho nên là phải dọn những thứ ngon nhất, tốt nhất, đẹp nhất để dành cho bố mẹ ông bà.
Sáng 30 Tết, để mâm cỗ lên cúng mọi người đều có một câu khấn là, con, cháu mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết với chúng con, chúng cháu.
Chính vì vậy, ba ngày Tết không chỉ là lo cho mình mà còn lo cho ông bà, tổ tiên nữa. Ngoài việc nhớ đến ông bà, tổ tiên thì, người xưa còn muốn Tết là dịp để sum họp. Đi đâu thì đi nhưng cũng phải về để anh chị em sum họp với nhau, ý nghĩa ngày Tết của Việt Nam là như thế”.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Bảo Hưng, cuộc sống ngày càng phát triển hiện đại, bởi vậy nét văn hóa ẩm thực Tết ngày nay cũng đã khác nhiều so với Tết xưa.
Tuy nhiên, trong ký ức của ông, mâm cỗ Tết xưa dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, không được ‘mâm cao, cỗ đầy’ như hiện nay nhưng vẫn mang nét tinh tế, chứa đựng hàm ý sâu xa trong từng món ăn, thậm chí trong cách bài trí từng chiếc bát, cái đĩa.
“Bây giờ dịch vụ làm nhiều rồi, đi một lúc là lo xong cái Tết. Nhưng ngày xưa các cụ là tự mình làm lấy, thì nó có cái vất vả của cái tự mình làm lấy, nhưng mà nó có cái vui, cái thích.
Thưởng thức cái bánh trưng mà đi mua ở ngoài chợ nó cũng khác. Tức anh phải mua lá, mua thịt, mua đỗ về làm, về gói, rồi nấu hàng chục tiếng đồng hồ mới có cái bánh trưng thì nó khác.
Hoặc là có những cái cầu kỳ mà ông cha ta rất quan tâm. Dù đời sống hàng ngày càng giản tiện bao nhiêu càng tốt nhưng ngày Tết rất được chú trọng. Ví dụ một mâm cỗ Tết bây giờ bao nhiêu bát, bao nhiêu đĩa không bằng ngày xưa. Vì bây giờ giò chỉ có giò lụa rồi giò mỡ, nhưng ngày xưa phải có giò lụa, giò thủ, giò pha, giò lòng… Ngoài ra còn đủ thứ bánh.
Bây giờ chỉ có bánh trưng thôi nhưng ngày xưa còn có bánh mật, bánh gai, bánh phu thê… Những món ăn này có vì các cụ xưa nghĩ rằng, trước là cúng cụ sau là ăn. Nhưng bây giờ quan niệm này dần phai rồi, vì giờ ta ăn quanh năm rồi, cho nên bây giờ không thấy quan trọng nữa”, nhà nghiên cứu văn hoá Trần Bảo Hưng chia sẻ.
Thực tế, cùng dòng chảy của xã hội hiện đại, những cái Tết thời kỳ 4.0 cũng đã khác rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, dù cuộc sống có hối hả, bận rộn đến thế nào thì ngày Tết cổ truyền vẫn có vị trí đặc biệt quan trọng trong văn hóa người Việt.
Các món ăn được lựa chọn trong ngày đầu xuân bao giờ cũng chứa đựng những gì tinh túy, đặc trưng nhất, phản ánh rõ nét nhất cái tài đảm đang, khéo léo của người làm ra chúng.
Bên cạnh đó, ẩm thực ngày Tết Việt Nam còn được biết đến với sự phong phú, đa dạng giữa các dân tộc, các vùng miền và tất cả đều hướng tới giá trị văn hóa truyền thống chung về cuộc sống, về cội nguồn.
Dọc theo dải đất hình chữ S vào những ngày đầu Xuân, từ điểm cực Bắc ở Hà Giang cho đến điểm cực Nam mũi Cà Mau, không khó để chúng ta bắt gặp bức tranh ẩm thực đầy màu sắc. Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất lại có cách chế biến, thể hiện các món ăn ngày Tết với hương vị, nét đặc trưng riêng.
“Miền Bắc mình thì những món ăn ngon và đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết là bánh trưng, giò thủ, nem rán, thịt đông, hành muối, cá kho, một nồi canh măng… ăn cho đỡ ngán…
Ngoài ra, năm nào thì mình cũng đồ một nồi xôi gấc. Các cụ xưa quan niệm màu đỏ là may mắn nên Tết mỗi người dù ít hay nhiều cũng ăn một miếng xôi gấc để lấy may cho cả năm”.
“Ở Ninh Thuận Tết hay có các món truyền thống như là bánh trưng, bánh tét, củ kiệu, củ cải, bên cạnh đó còn có giò heo kho với măng khô. Nhưng nét đặc trưng nhất là món thịt bỏ mắm, hầu như nhà nào cũng có.
Tức là thịt heo ba chỉ mình ngâm với mắm. Mắm đấy mình nấu chung với đường, để nguội sau đó mới ngâm thịt heo đã luộc sẵn vào trong hũ mắm. Món này khi mà dùng chung với bánh trưng, bánh tét, củ kiệu thì rất là ngon”.
“Phan Rang là nơi sát biển rất sẵn hải sản, nên ngoài những món ăn truyền thống, cổ truyền của dân tộc thì hầu như trong các mâm cúng của các gia đình đều có hải sản ví dụ như cá, tôm, mực…
Thể hiện nét đa sắc đặc sản của một mâm cỗ, đồng thời nói lên mong muốn của người dân năm mới làm sao đánh bắt hải sản, trồng cấy đạt được năng xuất cao hơn”.
“Ở Sài Gòn mâm cơm Tết ở nhà em bao nhiêu năm nay ngoài những món chính ra thì đều không thể thiếu món thịt kho hột vịt với canh khổ qua. Ý nghĩa của mấy món này theo em biết, trứng là biểu tượng của sinh sôi, nảy nở, đông con cháu…
Còn canh khổ qua, nghe tên của nó đã hiểu rồi. Mọi người mong muốn là mọi buồn khổ trong năm cũ sẽ qua đi để đón những điều may mắn, hạnh phúc hơn trong năm mới”.
Món ngon ngày Tết miền Nam – Ảnh tapchiamthuc
Có thể thấy, ẩm thực Việt Nam, đặc biệt trong những ngày Tết cổ truyền, vô cùng phong phú đa, dạng, mỗi món ăn đều mang ý nghĩa tượng trưng riêng, gửi gắm mong muốn về một năm mới may mắn, suôn sẻ.
Trong đó, câu đối ‘Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh trưng xanh’, phản ánh hương sắc Tết truyền thống của người Việt.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Bảo Hưng phân tích: “Ngày xưa các cụ vẫn quan niệm là trời tròn đất vuông. Bánh trưng ở trong đó có rất nhiều sản vật của thiên nhiên.
Màu xanh lá dong của bánh trưng là màu xanh của trời. Ngoài gạo nếp còn có đỗ, thịt mỡ, hành… đấy toàn là những thứ sản vật ngoài đồng làm được. Còn bánh dầy tượng trưng cho trời tròn.
Xôi gấc màu đỏ, màu của sự phát triển, của sự phát đạt, hy vọng rằng sang năm mình làm ăn sẽ phát tài, phát lộc nhiều hơn. Ngày xưa, trước Tết khoảng 15-20 ngày, cày bừa đã cất đi rồi, chỉ còn lo làm Tết thôi”.
Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam nói về ẩm thực ngày Tết
Tết đến, Xuân về là dịp mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, bạn bè gặp mặt tâm tình, hàn huyên chuyện năm cũ, chia sẻ dự định trong năm mới và chúc nhau những điều tốt đẹp.
Nhân dịp đầu xuân, phóng viên VOV Giao thông có buổi trò chuyện với anh Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam, thành viên danh dự của Hiệp hội Đầu bếp thế giới (World Chef); là người thường xuyên giới thiệu về ẩm thực Việt Nam trong các sự kiện ngoại giao quan trọng hay tiệc chiêu đãi khách quốc tế.
Anh Nguyễn Thường Quân là người thường xuyên giới thiệu về ẩm thực Việt Nam trong các sự kiện ngoại giao quan trọng hay tiệc chiêu đãi khách quốc tế.
PV: Chào anh Quân, rất vui được gặp anh trong Chương trình đón Xuân Quý Mão 2023 của Kênh VOV Giao thông.
Anh Nguyễn Thường Quân: Vâng, xin chào Kênh VOV Giao thông và các thính giả.
PV: Là một đầu bếp rất nổi tiếng cả ở trong nước cũng như quốc tế, anh có thể chia sẻ cơ duyên nào mà anh đến với nghề đầu bếp?
Anh Nguyễn Thường Quân: Cơ duyên thì cũng tự nhiên thôi, tôi may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống nấu ăn ngon. Sau này khi làm du lịch, đi nhiều nơi, tôi phát hiện ra một điều là, ẩm thực Việt Nam mình rất ngon, rất tuyệt vời và rất hấp dẫn, không chỉ nuôi dưỡng con người mà có giá trị thực sự.
Đặc biệt khách du lịch khi đến Việt Nam họ đều rất quan tâm đến món ăn. Từ những suy nghĩ như vậy tôi yêu ẩm thực, yêu món ăn Việt lúc nào không hay.
PV: Theo anh nét độc đáo của ẩm thực Việt Nam so với các nước trên thế giới được thể hiện như thế nào?
Anh Nguyễn Thường Quân: Tính độc đáo của ẩm thực Việt Nam thể hiện đầu tiên ở sự cân bằng, sau đó là tinh tế. Sự cân bằng này là hiếm có trên thế giới. Mình đi các nước thì thấy có nước ăn rất mặn, có nước ăn rất ngọt, có nước ăn rất cay.
Nhưng ẩm thực Việt Nam lại kết hợp được các vị này lại với nhau để làm cho món ăn ngon, để các nguyên liệu giữ nguyên được giá trị và dinh dưỡng. Thứ hai là cách thức nấu ăn, dựa trên tính âm và tính dương, ví dụ thịt trâu phải đi với gừng, cá có giềng.
Đấy là tính cân bằng âm dương. Đặc biệt các gia vị nấu nướng tươi của Việt Nam cũng là những vị thuốc. Không những tạo hương vị cho món ăn mà còn giúp cơ thể sau khi ăn khỏe mạnh hơn, chống lại bệnh tật.
Thêm một nét độc đáo nữa là ẩm thực Việt Nam chứa đựng nhiều sự yêu thương, nhiều văn hóa nhân văn và sự tiếp nối truyền thống của cả một dân tộc. Ví dụ, trong lịch sử, vua Lang Liêu là vị vua đầu tiên trên thế giới trở thành vua nhờ làm món ăn.
Món ăn xuất phát từ nông nghiệp, lúa gạo, qua đôi bàn tay khéo léo, sự chăm chỉ thì làm ra cái bánh trưng, có đầy đủ thịt, gạo đỗ tượng trưng cho sự cân đối. Đấy là câu chuyện đặc thù nhất về nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, tính hiếu nghĩa, yêu thương và kết nối truyền thống.
Những món ngon ngày Tết ở miền Trung.
PV: Chúng ta đang trong không khí những ngày đầu xuân, tôi muốn hỏi anh là một mâm cỗ Tết truyền thống của Việt Nam thường gồm bao nhiêu món, đó là những món gì?
Anh Nguyễn Thường Quân: Việt Nam có ba miền và mỗi nơi có phong tục khác nhau. Thôi thì, đang ngồi ở Hà Nội chúng ta sẽ nói đến mâm cỗ Tết ở Hà Nội. Tôi còn nhớ, có những năm thì 4 bát, 4 đĩa, hay có những năm làm ăn khấm khá thì 6 bát, 8 đĩa.
Nhưng làm gì thì làm, trên mâm cỗ bao giờ cũng phải có bánh trưng, dưa hành, thịt gà, đĩa nem và một loại canh không thể thiếu được là canh măng, canh bóng. Xa xa hơn nữa thì nhà có nồi cá kho, có nhà thì thêm đĩa giò, đĩa chả
PV: Văn hóa Việt Nam vốn được biết đến với sự đa dạng giữa các dân tộc và vùng miền. Điều này được thể hiện qua văn hóa ẩm thực như thế nào?
Anh Nguyễn Thường Quân: Văn hóa Việt Nam đa dạng ngay trong cách ăn mặc, khí hậu, địa hình, theo đó phản ánh luôn đến văn hóa ẩm thực. Ví dụ ba miền, thì Huế nổi trội ở màu sắc sặc sỡ, chế biến rất tỷ mỷ cầu kỳ. Món ăn thì thiên về mặn và thậm chí hơi ngọt. Mặn ngọt rất rõ ràng.
Vào trong Nam thì chúng ta thấy ngọt nhiều hơn. Người miền Nam ăn uống đơn giản hơn, ít ăn rau lá mà ăn nhiều rau thơm. Chế biến thì miền Nam họ không cầu kỳ. Còn miền Bắc thì các món ăn rất kiểu cách.
Ví dụ như ở Hà Nội thì ăn gì, ăn như thế nào, ăn với ai… một mâm cơm cũng bao hàm đầy những câu chuyện, vị thì tương đối cân bằng. Sự khác biệt của ba miền là như vậy nhưng miền nào cũng có đặc sản, món ngon và câu chuyện riêng.
PV: Để nấu được món ăn ngon thì việc chọn nguyên liệu quan trọng như thế nào?
Anh Nguyễn Thường Quân: Đối với món ăn Việt Nam thì việc chọn nguyên liệu có thể quyết định tới 70-80%. Nhiều nền văn hóa ẩm thực thế giới, ví dụ như Trung Quốc thì họ dùng rất nhiều các loại gia vị, nên khi ăn chúng ta cảm thấy nếm gia vị nhiều hơn.
Còn món ăn Việt Nam chỉ có 20% là gia vị còn 80% là nguyên liệu. Nên mục đích chính của chúng ta là cách chế biến để làm các nguyên liệu này trở nên ngon hơn, nên bạn phải chọn nguyên liệu ngon thì món ăn của bạn mới ngon được.
PV: Theo quan niệm của anh thì thế nào được gọi là một món ăn ngon?
Anh Nguyễn Thường Quân: Một món ăn ngon đầu tiên là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngon là phải lành, đâu tiên phải sạch sẽ đã. Nguyên liệu đảm bảo yếu tố tươi, ngon, sạch.
Sau đó áp dụng kỹ năng nấu nướng để ra được món ăn có màu sắc hài hòa, kết cấu không bị nát vỡ, hương vị cân bằng.
PV: Ngoài các món ăn thì cần những loại nước chấm như thế nào?
Anh Nguyễn Thường Quân: Đặc trưng của ẩm thực Việt Nam có rất nhiều nước chấm đa dạng khác nhau để làm món ăn ngon hơn. Ví dụ ăn nem mà chấm xì dầu thì món nem của bạn không còn ngon nữa, do đó phải có nước chấm chua ngọt. Do đó, việc chọn nước chấm cũng vô cùng quan trọng.
PV: Theo anh những món ăn nào của Việt Nam tạo được thương hiệu trong mắt bạn bè quốc tế?
Anh Nguyễn Thường Quân: Rõ ràng đó là phở sau đó là nem và một số món ăn khác. Đầu tiên là phở. Khi nói đến phở thì người ta nghĩ đến Việt Nam và nói đến Việt Nam người ta nghĩ đến phở.
Nhưng có một câu chuyện, thế nào là phở Việt Nam thì chúng tôi cũng đang muốn thống nhất lại một công thức và cách nhận diện. Bởi sau khi thấy phở Việt Nam nổi tiếng quá thì rất nhiều người, trong đó có người nước ngoài cũng kinh doanh, nhưng đôi khi họ làm mất hẳn đi tính chất của phở Việt.
Do vậy, thời gian tới chúng tôi sẽ đưa ra định nghĩa và các công thức chuẩn về phở Việt để lan tỏa một cách chính xác ra toàn thế giới.
Với mong muốn tư vấn dinh dưỡng, chia sẻ bí quyết nấu ăn cho người nội trợ, chuyên gia ẩm thực Nguyễn Thường Quân phát triển thương hiệu “Bếp Quân“. Ảnh: NVCC
PV: Là người từng nhiều lần mang ẩm thực Việt Nam ra thế giới trong các sự kiện giao lưu văn hóa, xin anh chia sẻ một vài kỷ niệm mà anh thấy đáng nhớ nhất?
Anh Nguyễn Thường Quân: Tôi ấn tượng đến tận bây giờ đó là câu chuyện về những người xa xứ, khi chúng tôi tổ chức những ngày ẩm thực Việt Nam tại Moskva, Nga, chương trình do Chính phủ và Bộ Ngoại giao tổ chức. Lúc đó chúng tôi có làm món phở đúng phong vị truyền thống.
Có rất nhiều người sau khi ăn xong đã đến ôm và cảm ơn đầu bếp đã đem quê hương đến cho họ. Đặc biệt, bác Đại sứ Việt Nam mình ở Nga sau khi ăn hai tô đã đến khen ngợi đầu bếp và nói rằng đã lâu lắm rồi mới được ăn phở đúng phong vị Việt Nam như thế này.
Đấy là những kỷ niệm rất vui. Vui vì thông qua món ăn mà người đầu bếp đã đem được cả quê hương, tâm tình, sự yêu thương đến cho đồng bào mình ở nước ngoài.
PV: Anh đánh giá như thế nào về vai trò của ẩm thực trong việc lan tỏa văn hóa Việt Nam?
Anh Nguyễn Thường Quân: Không chỉ riêng Việt Nam, ẩm thực đóng vai trò rất mạnh mẽ trong việc lan tỏa văn hóa của bất cứ quốc gia nào. Ví dụ nói đến Nhật người ta nghĩ đến susi, nói đến Hàn Quốc người ta nghĩ đến kim chi, Thái Lan là Tom Yum, nói đến Việt Nam thì phải nói đến phở.
Hiển nhiên sự lan tỏa đó là rất lớn. Vấn đề là chúng ta phải lan tỏa một cách bài bản chứ không phải tràn lan. Hiện nay công tác này còn chưa được kiểm soát tốt, chưa thống nhất về mặt hình ảnh, chất lượng nên đôi khi tạo ra hiệu quả ngược.
Món nộm đồng quê do đầu bếp Nguyễn Thường Quân chế biến từ những loại rau thơm dân dã như tía tô, rau húng, rau thơm, chuối xanh, khế chua, cà pháo… cùng tôm chua và thịt luộc. Ảnh: NVCC
PV: Có ý kiến cho rằng một món ăn ngon không chỉ kích thích vị giác mà còn kiến tạo nên cảm xúc. Quan điểm của anh về điều này như thế nào?
Anh Nguyễn Thường Quân: Câu chuyện này người Pháp làm rất tốt. Ví dụ trong một bữa ăn thì luôn có đèn, có nến, hoa và nhạc, tất cả những điều đó kết hợp với món ăn đã tạo nên cảm xúc. Tuy nhiên, không chỉ riêng Pháp mà món ăn Việt Nam và các nước cũng tạo nên cảm xúc khác nhau.
Thể hiện rõ nhất là niềm vui. Đó là khi ăn một món ngon thì cơ thể bạn sẽ biết ơn và não sẽ tiết ra một dạng hormone hạnh phúc, tạo nên cảm xúc vui. Ngược lại, khi ăn một món không ngon và cảm thấy thất vọng vì món ăn đó thì lúc đó sẽ thấy rất buồn.
Nếu như đến một đất nước nào đó mà bạn thường xuyên có những bữa ăn ngon thì chắc chắn qua niềm vui đấy bạn sẽ yêu cả đất nước và con người ở đó.
PV: Như anh vừa chia sẽ rằng nhiều người nấu không đúng cách nhưng vẫn gọi đó là món ăn Việt. Vậy theo anh chúng ta có nên bảo hộ bản quyền cho các món ăn Việt Nam?
Anh Nguyễn Thường Quân: Chính xác, câu hỏi này chúng tôi cũng đang muốn hỏi cơ quan quản lý về bản quyền của món ăn Việt Nam. Thế nào được định nghĩa là phở, nem, bún chả, bún thang… thì cần được định nghĩa rõ ràng.
Và những người nấu món ăn đó phải được đào tạo không những về kiến thức mà cần phải am hiểu về văn hóa ẩm thực Việt Nam nữa. Bên cạnh đó họ phải cam kết không làm tổn hại đến hình ảnh của ẩm thực Việt Nam bằng những công thức sai, bằng sự vi phạm bản quyền.
Do đó, chúng ta phải nghĩ ngay đến bảo hộ bản quyền cho các món ăn Việt ngay từ bây giờ, ngay tại Việt Nam và sau đó là trên thế giới.
PV: Xin cảm ơn anh vì buổi trò chuyện hôm nay, chúc anh thật nhiều sức khỏe và thành công với những dự định trong năm mới. Anh có muốn gửi lời chúc nào tới thính giả của VOV Giao thông?
Anh Nguyễn Thường Quân: Nhân dịp Tết đến xuân về, tôi xin chúc nhà nhà, mọi gia đình, mọi căn bếp luôn luôn ấm lửa, ấm áp, tràn ngập tình yêu thương, nhiều niềm vui, nhiều cảm xúc. Chúc quý vị và các bạn nghe đài sang năm mới rực rỡ, sức khỏe dồi dào và gặp nhiều may mắn./.
Theo Thái Sơn/VOV Giao thông