Một số mô hình văn hoá doanh nghiệp của các tập đoàn lớn tại Việt Nam

Thành công của các công ty, tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên thế giới cho thấy: văn hoá doanh nghiệp là tài sản lớn của mỗi tổ chức. Hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của văn hoá doanh nghiệp mang lại cho mỗi tổ chức, một số công ty/ tập đoàn lớn tại Việt Nam đã chú trọng xây dựng, duy trì và phát triển để gặt hái được những thành công nhất định.

Tại sao các tổ chức rất chú trọng vào phát triển văn hoá doanh nghiệp?

Sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của doanh nghiệp không thể không kể tới yếu tố văn hoá doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có nền tảng văn hoá mạnh, phù hợp với chiến lược dài hạn sẽ giúp cho nhân viên cảm thấy tự hào về tổ chức của họ. Điều này tác động đến tinh thần, thái độ và động cơ lao động của nhân viên, giúp cho đội ngũ trong doanh nghiệp làm việc dựa trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó và kết nối với nhau.  

Do đó, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng tới sự phát triển bền vững của tổ chức với bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Tìm hiểu về mô hình văn hoá doanh nghiệp vững mạnh tại một số tập đoàn lớn ở Việt Nam

Văn hoá doanh nghiệp phải được xây dựng ngay từ những ngày đầu tiên thành lập doanh nghiệp. Quá trình xây dựng văn hoá doanh nghiệp bền vững sẽ cần nhiều thời gian và đòi hỏi mỗi thành viên cần hiểu rõ giá trị, tầm nhìn, sứ mệnh của tổ chức. Dưới đây là mô hình văn hoá doanh nghiệp vững mạnh của một số tập đoàn lớn tại Việt Nam.

1, Văn hoá doanh nghiệp của Công ty cổ phần Vinamilk

Vinamilk có văn hoá doanh nghiệp mạnh và được hình thành từ rất sớm, nhờ vậy doanh nghiệp đã tự khẳng định được thương hiệu ở trong nước và trên trường quốc tế. Với mục tiêu lấy người lao động làm cốt lõi, ban lãnh đạo của công ty Vinamilk tập trung vào việc xây dựng các chính sách giữ chân nhân tài với hoạt động liên hoan, tuyên dương những cá nhân xuất sắc. Gắn kết nhân viên qua những chương trình văn nghệ nội bộ, bóng đá giao lưu giữa các phòng ban. Bên cạnh đó, Vinamilk thể hiện sự quan tâm đến đời sống của nhân viên khi thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ viện phí cho người lao động khi bị bệnh. Nhờ thế, văn hoá doanh nghiệp Vinamilk thu hút về cho mình rất nhiều nhân tài. Họ là những ứng viên tiềm năng, sáng tạo, hết lòng vì công việc và giúp phát triển doanh nghiệp đứng đầu thị trường. Mặt khác, văn hoá doanh nghiệp Vinamilk còn được thể hiện rõ ràng dựa trên 3 cấp độ, 6 nguyên tắc và 7 hành vi.

Mô hình văn hoá doanh nghiệp ba cấp độ: doanh nghiệp/ chủ sở hữu, nhân viên, khách hàng.

6 nguyên tắc văn hóa: Trách nhiệm, Hướng kết quả, Sáng tạo và chủ động, Hợp tác, Chính trực, và Xuất sắc.

7 hành vi lãnh đạo:

  • Làm việc có KPIs, kế hoạch và báo cáo.
  • Quan sát năng lực và đào tạo ngay.
  • Cần biết “tán xương” đưa hướng dẫn, không làm thay.
  • Là “người lớn” trong mọi hành xử.
  • Quan tâm và động viên đúng lúc.
  • Tạo môi trường tốt, kết nối tốt cả bên trong và bên ngoài.
  • Là người cầm lái và cũng là người phục vụ.

Một số mô hình văn hoá doanh nghiệp của các tập đoàn lớn tại Việt Nam - Ảnh 1

2, Văn hoá doanh nghiệp Công ty Cổ phần Vingroup  (Tập đoàn Vingroup)

Với sự phát triển mạnh mẽ và thành công vang dội như hiện nay, Vingroup không chỉ dựa trên trí tuệ và nỗ lực của các lãnh đạo, quản lý mà còn nhờ vào sự duy trì của văn hoá doanh nghiệp vững mạnh, riêng biệt. Tập đoàn Vingroup đặc biệt đề cao tinh thần thượng tôn kỷ luật trong mỗi con người.

Theo đó, văn hoá doanh nghiệp Vingroup được thể hiện rõ qua 6 giá trị cốt lõi “Tín – Tâm – Trí – Tốc – Tinh – Nhân”. Sáu chữ vàng này là bộ “gen”, là tài sản lớn nhất của Vingroup.

  • Tín: Vingroup luôn đặt chữ tín lên hàng đầu qua 20 năm phát triển, đảm bảo sự tín nhiệm của mình đối với khách hàng và toàn thể nhân viên với tập đoàn.
  • Tâm: Lấy nhân viên làm trung tâm, tôn trọng và nhìn nhận đúng đắn đóng góp của người lao động.
  • Trí: Văn hoá doanh nghiệp Vingroup luôn khuyến khích nhân viên sáng tạo, đề cao tinh thần dám nghĩ dám làm, tìm tòi và áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào quá trình làm việc.
  • Tốc: Từ ban lãnh đạo đến cấp quản lý và nhân viên trong tổ chức tràn đầy nhiệt huyết với tinh thần làm việc nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả qua văn hoá  “Tốc độ, hiệu quả trong từng hành động”.
  • Tinh: Vingroup mong muốn xây dựng được một đội ngũ nhân viên tinh hoa và tinh gọn. Đồng thời hết mình với tinh thần đóng góp sức lực và khả năng để tạo nên những bước chuyển mình quan trọng cho tập đoàn.
  • Nhân: Vingroup luôn xem người lao động là tài sản quý giá nhất, do đó ban lãnh đạo đưa ra các chính sách và chế độ đãi ngộ, phúc lợi tốt nhất cho nhân viên của mình.

Một số mô hình văn hoá doanh nghiệp của các tập đoàn lớn tại Việt Nam - Ảnh 2

3, Văn hoá doanh nghiệp của Tập đoàn Công nghệ – Viễn thông Quân đội Viettel

Viettel trở nên thành công nhờ sức mạnh của tập thể được xây dựng theo mô hình quân đội. Văn hoá “người lính” với bản lĩnh xông pha, không ngại gian truân, kiên định và tin tưởng đã làm nên sức mạnh và sự khác biệt cho Viettel. Từ những nét đặc trưng đó tạo ra sức mạnh tập thể với tính kỷ luật và thống nhất.

Tập đoàn Viettel luôn coi mình là số 0 để tiếp tục khởi nghiệp, đón đầu xu thế với văn hoá “Tầm nhìn chiến lược và khát vọng toàn cầu”. Bên cạnh đó, ở Viettel “mọi người đều có cơ hội thăng tiến như nhau”. Chỉ cần nhân viên khẳng định được bản thân, tạo ra giá trị cao cho tổ chức, có khả năng và năng lực thì đều có cơ hội được đảm nhận các vị trí cao hơn như: quản lý, trưởng phòng,…

Một số mô hình văn hoá doanh nghiệp của các tập đoàn lớn tại Việt Nam - Ảnh 3

Văn hoá doanh nghiệp Viettel thể hiện qua 5 giá trị cốt lõi:

  • Sáng tạo: Sáng tạo là sức sống.
  • Khách hàng là trung tâm: Mỗi khách hàng là một cá thể riêng biệt, cần được tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu, phục vụ theo cách riêng.
  • Linh hoạt: Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh.
  • Tư duy số: Tư duy hệ thống, Tối ưu hoá, Thông minh hoá.
  • Văn hoá mở và hợp tác: Giá trị về kết hợp đông tây, thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý, đa dạng hoá, xã hội hoá.

4, Văn hoá doanh nghiệp của Công ty Cổ phần FPT

FPT là một trong những công ty chú trọng xây dựng phong cách văn hoá riêng ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động. Toàn bộ nhân viên FPT luôn tự hào về STCo (Sáng tác Company) như một nét văn hoá riêng biệt mà không phải doanh nghiệp nào cũng có. Văn hóa STCo được thể hiện qua những bài hát, thơ, kịch và các hình thức mang tính sáng tạo, hài hước. Không những thế, nét văn hoá này còn được thể hiện qua cách ứng xử giữa người với người một cách chân thành, gắn bó như ruột thịt để các thành viên FPT hiểu nhau và xích lại gần nhau hơn.

FPT luôn đề cao tính dân chủ nên mọi ý kiến của mỗi cá nhân đều được ghi nhận và tôn trọng. Do đó tình trạng xung đột giữa các thành viên hay với lãnh đạo, quản lý thường ít xảy ra. Văn hoá doanh nghiệp FPT giúp xoa dịu và gắn kết tinh thần đồng đội. Mỗi thành viên của công ty đều ý thức được trách nhiệm trong công việc và ý chí phát triển tập thể vững vàng. Văn hoá doanh nghiệp FPT được thể hiện rõ ràng nhất qua các sự kiện thường niên giúp nhân viên có nhiều cơ hội được tiếp xúc, mở rộng mối quan hệ và tăng sự gắn bó đối với doanh nghiệp.

Một số mô hình văn hoá doanh nghiệp của các tập đoàn lớn tại Việt Nam - Ảnh 4

Thông qua các đặc điểm nổi bật từ những mô hình văn hóa doanh nghiệp của một số tập đoàn lớn tại Việt Nam, có thể thấy rằng giá trị về sự gắn kết đội ngũ mang một vai trò rất quan trọng. Yếu tố gắn bó và kết nối của nội bộ nhân văn là tiền đề để xây dựng mô hình văn hoá doanh nghiệp bền chặt, vững mạnh.

Để cải thiện sự gắn kết của nhân viên, các công ty có thể chú trọng hơn vào hoạt động nội bộ trong doanh nghiệp nhằm góp phần củng cố, thúc đẩy xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Công ty có thể sử dụng một công cụ làm việc đồng nhất để tổ chức các hoạt động đào tạo nội bộ, chương trình tập thể với quy mô toàn bộ nhân viên tham gia… Ví dụ như: triển khai các hoạt động đào tạo, định hướng nhân viên trên nền tảng giao tiếp dành cho doanh nghiệp và tổ chức GapoWork thông qua Nhóm chung, nhóm Chat. Lãnh đạo, quản lý chia sẻ về tầm nhìn, sứ mệnh của công ty qua Zoom, Livestream. Tổ chức các sự kiện, mini game online và thông báo đến toàn bộ nhân viên qua bài Post… Qua đó, nhân sự có cơ hội nói chuyện, tương tác với nhau, xóa bỏ khoảng cách giữa các cá nhân với tổ chức.