Một số nội dung về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Một số nội dung về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Lượt xem: 1094
Ngày 12/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 19/2020/NĐ-CP) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/3/2020. Thực hiện Điều 31 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP về việc giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản, điểm được giao trong Nghị định, ngày 30/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2022.
Có thể nói, đây là những văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên, quy định một cách trực tiếp, cụ thể về việc kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật (THPL) về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) một cách đầy đủ, toàn diện, minh bạch, đáp ứng yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và yêu cầu quản lý nhà nước trong kiểm tra công tác THPL về XLVPHC.
Nghị định số 19/2020/NĐ-CP và Thông tư số 14/2021/TT-BTP có nội dung cơ bản sau đây:
1. Một số vấn đề chung
1.1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
a) Phạm vi điều chỉnh được quy định cụ thể tại Điều 1 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP gồm 2 nội dung:
– Kiểm tra công tác THPL về XLVPHC.
– Xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong THPL về XLVPHC.
b) Đối tượng áp dụng được quy định cụ thể tại Điều 2 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP gồm các đối tượng:
– Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra tình hình THPL về XLVPHC; cơ quan quản lý công tác THPL về XLVPHC.
– Thủ trưởng cơ quan của người có thẩm quyền XLVPHC, Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền XLVPHC.
– Người có thẩm quyền XLVPHC, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc THPL về XLVPHC.
1.2. Về mục đích
Mục đích kiểm tra, xử lý kỷ luật trong THPL về XLVPHC được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP bao gồm:
– Xem xét, đánh giá tình hình THPL về XLVPHC; động viên, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện pháp luật về XLVPHC; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong THPL về XLVPHC để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục.
– Phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong THPL về XLVPHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về XLVPHC.
– Phát hiện các quy định chưa thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về XLVPHC hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
2. Kiểm tra tình hình THPL về XLVPHC
2.1. Căn cứ và phương thức kiểm tra
a) Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định 05 phương thức kiểm tra, cụ thể: Kiểm tra định kỳ; Kiểm tra theo địa bàn; Kiểm tra theo chuyên đề; Kiểm tra theo ngành, lĩnh vực; Kiểm tra đột xuất.
b) Căn cứ kiểm tra đã được quy định cụ thể, đầy đủ tương ứng với các phương thức khác nhau được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 5 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
2.2. Về thẩm quyền kiểm tra
Thẩm quyền kiểm tra được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư số 14/2021/TT-BTP, trong đó, có thể xác định một số chủ thể có thẩm quyền kiểm tra như sau:
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được xác định thẩm quyền kiểm tra:
– Theo ngành thuộc phạm vi quản lý trên phạm vi cả nước (ngành dọc), ví dụ: Bộ trưởng Bộ Công Thương kiểm tra công tác THPL về XLVPHC đối với Cục Quản lý thị trường tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên phạm vi cả nước hoặc Bộ trưởng Bộ Công an kiểm tra công tác THPL về XLVPHC đối với Công an các tỉnh, tình phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi cả nước.
– Theo lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trên phạm vi cả nước, ví dụ: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra công tác THPL về XLVPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) trên phạm vi cả nước.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được xác định thẩm quyền kiểm tra theo địa bàn như sau:
– Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền kiểm tra đối với các cơ quan:
+ Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
+ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) thuộc phạm vi địa bàn quản lý.
+ Các cơ quan thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn địa phương.
– Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền kiểm tra đối với các cơ quan:
+ Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
+ Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc phạm vi địa bàn quản lý.
+ Các cơ quan thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc cùng cấp thuộc phạm vi địa bàn quản lý.
c) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện việc kiểm tra đối với cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do mình quản lý.
d) Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra công tác THPL về XLVPHC trong phạm vi được giao tổ chức thực hiện.
2.3. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc kiểm tra
Theo quy định của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP và Thông tư số 14/2021/TT-BTP thì trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc kiểm tra có thể trải qua 07 bước cơ bản như sau:
Lưu ý: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền XLVPHC tự kiểm tra công tác THPL về XLVPHC trong nội bộ cơ quan, đơn vị mình, kiểm tra người có thẩm quyền XLVPHC thuộc phạm vi quản lý của mình và không phải thực hiện trình tự, thủ tục nêu trên
Ví dụ:
– Giám đốc Sở tự kiểm tra công tác THPL về XLVPHC của Thanh tra Sở và không phải thực hiện trình tự, thủ tục nêu trên.
– Đội trưởng Đội Quản lý thị trường kiểm tra THPL về XLVPHC trong nội bộ cơ quan, đơn vị mình, kiểm tra người có thẩm quyền XLVPHC thuộc phạm vi quản lý của mình và không phải thực hiện trình tự, thủ tục nêu trên.
a) Bước 1: Ban hành Kế hoạch kiểm tra
– Thẩm quyền ban hành Kế hoạch kiểm tra gồm: (1) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; (2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; (3) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt.
– Kế hoạch kiểm tra hằng năm phải được người có thẩm quyền ban hành trước ngày 15/3 hằng năm. Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền han hành kế hoạch kiểm tra có thể điều chỉnh Kế hoạch kiểm tra khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 14/2021/TT-BTP.
– Gửi Kế hoạch kiểm tra: Kế hoạch kiểm tra phải được gửi cho đối tượng được kiểm tra ngay sau khi được ban hành.
– Nội dung kế hoạch kiểm tra được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
b) Bước 2: Ban hành Quyết định kiểm tra
– Thẩm quyền ban hành Quyết định kiểm tra, gồm:
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
+ Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt.
– Thời điểm ban hành Quyết định kiểm tra: Căn cứ, phụ thuộc vào Kế hoạch kiểm tra.
– Gửi Quyết định kiểm tra: Quyết định kiểm tra phải được gửi cho đối tượng kiểm tra trước ngày tiến hành hoạt động kiểm tra ít nhất 30 ngày.
– Nội dung cơ bản của Quyết định kiểm tra được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP (Lưu ý: Thời hạn kiểm tra là 07 ngày làm việc, trường hợp cần thiết, được gia hạn thêm nhưng không quá 07 ngày làm việc).
Một số lưu ý khi ban hành Quyết định kiểm tra: Đoàn kiểm tra được thành lập theo hình thức liên ngành (trừ một số trường hợp theo khoản 1 Điều 8 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP) và phải có ít nhất từ 05 thành viên trở lên.
c) Bước 3: Tiến hành kiểm tra
– Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra bằng các phương thức sau đây để làm cơ sở kết luận các nội dung kiểm tra:
+ Kiểm tra hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
+ Kiểm tra thực tế, xác minh các thông tin, tài liệu;
+ Kiểm tra kết quả thực thi pháp luật về XLVPHC (qua nội dung các báo cáo, tài liệu,…).
– Lập biên bản kiểm tra: Trong quá trình kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra hoặc người được uỷ quyền tiến hành lập biên bản để xác nhận việc thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra và ký xác nhận thông qua biên bản kiểm tra ngay sau khi kết thúc cuộc kiểm tra.
d) Bước 4: Kết luận kiểm tra
– Thẩm quyền ban hành Kết luận kiểm tra: (1) Người có thẩm quyền kiểm tra; (2) Trưởng Đoàn kiểm tra ký ban hành kết luận kiểm tra trong trường hợp được người có thẩm quyền kiểm tra uỷ quyền.
– Thủ tục ban hành Kết luận kiểm tra trải qua trình tự, thủ tục sau:
Thứ nhất, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc hoạt động kiểm tra, Đoàn kiểm tra dự thảo Kết luận kiểm tra và gửi cho đối tượng kiểm tra để lý ý kiến đối với các nội dung trong dự thảo Kết luận kiểm tra.
Thứ hai, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo Kết luận kiểm tra, đối tượng kiểm tra gửi lại Đoàn kiểm tra ý kiến bằng văn bản đối với các nội dung trong dự thảo Kết luận kiểm tra.
Thứ ba, trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của đối tượng kiểm tra hoặc 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn mà không nhận được ý kiến bằng văn bản của đối tượng kiểm tra thì Trưởng đoàn kiểm tra trình người có thẩm quyền kiểm tra ban hành Kết luận kiểm tra.
Kết luận kiểm tra được gửi cho đối tượng kiểm tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ngay sau khi được ban hành để thực hiện các nội dung nêu trong Kết luận kiểm tra và công khai theo quy định pháp luật.
– Nội dung cơ bản của Kết luận kiểm tra được quy định cụ thể tại khoản 5 Điều 15 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP và phải được công khai theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 14/2021/TT-BTP.
đ) Bước 5: Thực hiện Kết luận kiểm tra
– Tổ chức thực hiện Kết luận kiểm tra:
+ Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Kết luận kiểm tra, đối tượng kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện kịp thời và đầy đủ các nội dung kiến nghị đã được nêu tại Kết luận kiểm tra.
+ Trường hợp Kết luận kiểm tra có nhiều nội dung, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân thì đối tượng kiểm tra phải lập kế hoạch thực hiện kết luận kiểm tra.
– Báo cáo thực hiện Kết luận kiểm tra:
+ Đối tượng kiểm tra có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện Kết luận kiểm tra theo thời hạn ghi trong Kết luận kiểm tra hoặc khi nhận được yêu cầu của người có thẩm quyền ban hành Kết luận kiểm tra.
+ Nội dung báo cáo thực hiện Kết luận kiểm tra được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
e) Bước 6: Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kết luận kiểm tra
– Theo dõi việc thực hiện Kết luận kiểm tra:
+ Hình thức theo dõi: Thông qua việc yêu cầu đối tượng kiểm tra báo cáo tình hình thực hiện Kết luận kiểm tra.
+ Thẩm quyền: Người có thẩm quyền ban hành Kết luận kiểm tra tổ chức việc theo dõi đối tượng kiểm tra trong việc thực hiện Kết luận kiểm tra. Người có thẩm quyền ban hành Kết luận kiểm tra phân công người trực tiếp theo dõi, trao đổi, làm việc với đối tượng kiểm tra để xác định thông tin về tình hình thực hiện Kết luận kiểm tra.
+ Trình tự, thủ tục theo dõi việc thực hiện Kết luận kiểm tra.
Thứ nhất, trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận kiểm tra, người được giao nhiệm vụ theo dõi có trách nhiệm báo cáo người có thẩm quyền ban hành Kết luận kiểm tra về kết quả theo dõi việc thực hiện Kết luận kiểm tra.
Thứ hai, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả theo dõi việc thực hiện Kết luận kiểm tra, người có thẩm quyền ban hành Kết luận kiểm tra căn cứ kết quả theo dõi để quyết định:
+ Kết thúc việc theo dõi và lưu trữ hồ sơ theo dõi theo quy định hiện hành nếu việc thực hiện Kết luận kiểm tra đã hoàn thành;
+ Hoặc tiến hành đôn đốc nếu việc thực hiện Kết luận kiểm tra chưa hoàn thành.
Thứ ba, kết quả và việc xử lý kết quả theo dõi thực hiện Kết luận kiểm tra được thông báo đến đối tượng kiểm tra và công khai theo quy định pháp luật.
– Đôn đốc thực hiện Kết luận kiểm tra:
+ Hình thức đôn đốc: Dưới hình thức gửi văn bản đôn đốc hoặc làm việc trực tiếp với đối tượng kiểm tra.
+ Thẩm quyền đôn đốc: Người có thẩm quyền ban hành Kết luận kiểm tra tổ chức việc đôn đốc đối tượng kiểm tra trong việc thực hiện Kết luận kiểm tra.
+ Trình tự, thủ tục đôn dốc việc thực hiện Kết luận kiểm tra:
Thứ nhất, chậm nhất 05 ngày làm việc, kể từ ngày được giao việc đôn đốc, người được giao việc đôn đốc có trách nhiệm đề xuất văn bản đôn đốc trình người có thẩm quyền ban hành Kết luận kiểm tra gửi đối tượng kiểm tra.
Thứ hai, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được giao việc đôn đốc, người được giao việc đôn đốc có trách nhiệm báo cáo kết quả đôn đốc với người có thẩm quyền ban hành Kết luận kiểm tra.
Thứ ba, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả đôn đốc, người có thẩm quyền ban hành Kết luận kiểm tra căn cứ kết quả đôn đốc để quyết định: Kết thúc việc đôn đốc và lưu trữ hồ sơ theo quy định hiện hành nếu việc thực hiện Kết luận kiểm tra đã hoàn thành; hoặc tiến hành kiểm tra việc thực hiện Kết luận kiểm tra (nếu việc thực hiện Kết luận kiểm tra chưa hoàn thành).
+ Kết quả và việc xử lý kết quả đôn đốc việc thực hiện Kết luận kiểm tra được thông báo đến đối tượng kiểm tra và công khai theo quy định pháp luật.
g) Bước 7: Kiểm tra việc thực hiện Kết luận kiểm tra
Căn cứ kiểm tra việc thực hiện Kết luận kiểm tra gồm:
– Hết thời hạn phải thực hiện Kết luận kiểm tra mà đối tượng kiểm tra không hoàn thành việc thực hiện và không báo cáo kết quả thực hiện Kết luận kiểm tra hay xin gia hạn thực hiện (nếu có);
– Đối tượng kiểm tra không thực hiện trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện Kết luận kiểm tra.
– Quá trình theo dõi, đôn đốc phát hiện đối tượng kiểm tra có dấu hiệu tẩu tán tiền, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tiêu huỷ tài liệu, không hợp tác, cản trở hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác.
2.4. Quyền, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong kiểm tra
– Quyền hạn, trách nhiệm của người có thẩm quyền kiểm tra (người có thẩm quyền ban hành Quyết định kiểm tra) được quy định tại Điều 7 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
– Quyền hạn, trách nhiệm của Đoàn kiểm tra được quy định tại Điều 9 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
– Quyền, trách nhiệm của đối tượng kiểm tra được quy định tại Điều 16 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
3. Xử lý kỷ luật trong THPL về XLVPHC
– Một là, Nghị định số 19/2020/NĐ-CP chỉ quy định các hành vi vi phạm làm căn cứ để áp dụng các hình thức kỷ luật (đã được quy định trong Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức); không quy định thêm các hình thức xử lý kỷ luật mới (tức là giống nhau, thống nhất với pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức về chế tài kỷ luật).
– Hai là, Nghị định số 19/2020/NĐ-CP cũng không quy định các nội dung về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật trong THPL về XLVPHC mà viện dẫn để áp dụng chung đến các văn bản pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể:
+ Đối với cán bộ: Việc xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ có hành vi vi phạm trong THPL về XLVPHC được thực hiện theo quy định pháp luật.
+ Đối với công chức, viên chức các nội dung liên quan đến nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các nội dung khác có liên quan đến việc xử lý kỷ luật công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong THPL về XLVPHC được viện dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức.
– Ba là, các yếu tố cần được xem xét khi quyết định chế tài kỷ luật:
+ Thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật.
+ Việc xem xét, tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật cũng được áp dụng trong trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do hoàn cảnh khách quan hoặc do lỗi của đối tượng vi phạm hành chính.
3.1. Các hành vi vi phạm trong THPL về XLVPHC
Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định 19 loại hành vi vi phạm trong THPL về XLVPHC, trong đó chia thành các nhóm:
– Nhóm hành vi vi phạm trong quá trình áp dụng pháp luật về XLVPHC gồm 12 hành vi vi phạm:
(1) Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để XLVPHC.
(2) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi XLVPHC.
(3) Không xử phạt vi phạm hành chính; không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm theo quy định pháp luật.
(4) Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng theo quy định pháp luật.
(5) Áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.
(6) Can thiệp trái pháp luật vào việc XLVPHC.
(7) Kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
(8) Sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
(9) Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
(10) Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt; việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức thực hiện.
(11) Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính; về thẩm quyền, thủ tục, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính.
(12) Không giải quyết hoặc giải quyết không kịp thời khiếu nại, tố cáo trong XLVPHC.
– Nhóm hành vi vi phạm trong qua trình kiểm tra công tác THPL về XLVPHC gồm 07 hành vi vi phạm:
(1) Cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực liên quan đến nội dung kiểm tra.
(2) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra.
(3) Chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra.
(4) Tiết lộ thông tin, tài liệu về kết luận kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức.
(5) Không thực hiện kết luận kiểm tra.
(6) Thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra.
(7) Thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận kiểm tra.
3.2. Các chế tài kỷ luật gắn với hành vi vi phạm trong THPL về XLVPHC (gồm 06 loại chế tài)
a) Hình thức kỷ luật khiển trách được áp dụng đối với các đối tượng là cán bộ, công chức (với 04 hành vi vi phạm) và viên chức (với 03 hành vi vi phạm), được quy định cụ thể tại Điều 24 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
b) Hình thức kỷ luật cảnh cáo được áp dụng đối với các đối tượng là cán bộ (với 07 hành vi vi phạm), công chức (07 loại hành vi vi phạm), viên chức (với 05 loại hành vi vi phạm); công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý (với hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện Kết luận kiểm tra), được quy định cụ thể tại Điều 25 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
c) Hình thức kỷ luật hạ bậc lương được áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (với hành vi sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước), được quy định cụ thể tại Điều 26 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
d) Hình thức kỷ luật giáng chức được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi không thực hiện Kết luận kiểm tra, được quy định cụ thể tại Điều 27 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
đ) Hình thức kỷ luật cách chức được áp dụng đối với các đối tượng là cán bộ (với 07 loại hành vi vi phạm); công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (đối với 01 loại hành vi vi phạm); viên chức quản lý (đối với 02 loại hành vi vi phạm), được quy định cụ thể tại Điều 28 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
e) Hình thức kỷ luật buộc thôi việc được áp dụng đối với đối tượng là công chức, viên chức (đối với 04 loại hành vi vi phạm), được quy định cụ thể tại Điều 29 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.