Một số ứng dụng công nghệ cao trong mô hình nông nghiệp 4.0
Ở bài viết trước chúng ta đã khám phá những điều thú vị từ công nghệ 4.0 . Hôm nay cùng Xuân Nông tìm hiểu một số ứng dụng công nghệ cao trong mô hình nông nghiệp 4.0.
Một số ứng dụng công nghệ cao trong mô hình nông nghiệp 4.0
Ứng dụng đối với kỹ thuật canh tác
Mô hình nông nghiệp 4.0 áp dụng vào trong lĩnh vực cây trồng giúp đưa ra các số liệu phân tích dự báo giúp người canh tác biết rõ khi nào cần gieo trồng, khi nào bán sản phẩm thu được doanh thu tốt nhất, … Tất cả đều dựa trên việc số hóa canh tác giúp người nông dân thu được tối đa lợi nhuận.
Ví dụ tại Công ty cổ phần Cầu Đất Đà Lạt (Cầu Đất Farm) khởi đầu từ sản xuất nông sản sạch bằng phương pháp thủy canh. Đến nay, Công ty đã sở hữu nông trại có quy mô lớn, kết nối hệ thống phát triển rau sạch bằng các giải pháp nông nghiệp thông minh, ứng dụng IOT trong nhiều khâu của quy trình trồng trọt và tiêu thụ. Hệ thống giám sát và điều khiển qua internet có thể tự động kiểm soát độ ẩm, tưới nước, bón phân, giúp chủ nông trại giám sát canh tác từ xa.
Ứng dụng trong vấn đề bao tiêu sản phẩm
Việc bao tiêu sản phẩm trong nông nghiệp trước đây áp dụng mô hình buôn bán nhỏ lẻ. Khi bước vào nền nông nghiệp 4.0 thì việc bao tiêu sản phẩm sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều với internet cùng những kênh phân phối trực tuyến, những sàn thương mại điện tử. Người mua thậm chí có thể đặt mua trực tiếp từ nơi sản xuất chứ không cần phải thông qua các đơn vị trung gian như trước đây. Chính sự thay đổi này sẽ giúp những người làm nông nghiệp tăng đáng kể lợi nhuận và có nhiều kênh phân phối mới.
Ứng dụng trong vấn đề lập kế hoạch sản xuất
Như đã nói ở trên, căn cứ vào các thông tin số hóa cùng trí tuệ nhân tạo. Người nông dân thậm chí không cần phải hiểu quá rõ về thị trường cũng như có kinh nghiệm phong phú nhưng vẫn có thể dễ dàng có được một kế hoạch sản xuất ít rủi ro nhất mang lại lợi nhuận cao nhất. Tất nhiên, để làm được điều này thì tỉ trọng số hóa càng cao sẽ càng cho ra kết quả chính xác.
Ứng dụng nông nghiệp 4.0 giúp tiết kiệm chi phí
Với trí tuệ nhân tạo cùng các số liệu, internet kết nối vạn vật sẽ giúp tính toán được một cách chính xác và hợp lý nhất để mọi quy trình trong nông nghiệp được diễn ra theo quy trình tiết kiệm chi phí nhất. Nếu trên cơ bản tính toán, việc tiết kiệm chi phí này có thể là rất nhỏ và đôi khi không thể thực hiện được. Tuy nhiên, kết hợp trí tuệ nhân tạo cùng nền nông nghiệp 3.0 sẽ giúp khoản chi phí hao hụt này giảm được tương đối nhiều.
Ví dụ điển hình là Công ty MimosaTEK chuyên cung cấp giải pháp tưới chính xác cho nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp như Vingroup, Thành Công… Giải pháp của MimosaTEK cho phép hệ thống tưới được vận hành từ xa dựa vào việc phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây và người dùng có thể theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Áp dụng “công nghệ tưới chính xác” của MimosaTEK đã giúp khách hàng tiết kiệm lượng nước tưới 30 – 50%, giảm tiêu thụ năng lượng, giải phóng toàn bộ công lao động vận hành hệ thống tưới thủ công. Đồng thời, vẫn đảm bảo lượng nước tưới tiêu phù hợp cho sự tăng trưởng của cây trồng.
Áp dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp với trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là mục tiêu theo đuổi của rất nhiều startup công nghệ. Với việc áp dụng AI trong nông nghiệp, người dùng sẽ không cần phải tự đi xử lý những dữ liệu thô mà hoàn toàn có thể nhờ vào AI số hóa nông nghiệp tự động.
Lấy ví dụ tại vùng nguyên liệu của Công ty Mía đường Lam Sơn, Thanh Hóa (Lasuco) có khoảng 30.000 hộ nông dân trồng mía trên diện tích khoảng 32.000 ha (75% diện tích là đồi núi), trong đó, gần 60% là người dân tộc thiểu số, nên việc tiếp cận công nghệ mới là một điều không dễ dàng. Để giải quyết bài toán thu hoạch, vận chuyển với 1.000 xe, Công ty Minerva đã gắn thiết bị giám sát hành trình và đưa lên hệ thống chung. Nhờ vậy, Lasuco biết được hoạt động của từng xe, hệ thống trí tuệ nhân tạo tự động điều phối này thay thế cho 40 kế toán thống kê. Hơn thế còn dự báo tránh thời tiết bất thuận, áp dụng canh tác thông minh, tăng năng suất từ 45 tấn/ha lên 70 tấn/ha, cá biệt đạt 120 – 130 tấn/ha; góp phần gia tăng lợi nhuận cho nông hộ.
Kết luận
Như vậy, có thể thấy rằng ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp không phải viễn cảnh mà nó đang trở thành sự thực ở Việt Nam. Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn khi áp dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp nhưng với cơ chế đi tắt đón đầu chắc chắn trong tương lai không xa các bạn sẽ thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của nền nông nghiệp Việt Nam