Mùng 7 Tết là ngày gì? Nghi thức và lễ cúng như thế nào?

Mùng 7 Tết là ngày gì? Ngày này có ý nghĩa như thế nào? Cần chuẩn bị lễ cúng, văn khấn ra sao? Rất nhiều người đang có chung những thắc mắc này, đặc biệt là những người trẻ đã quen với câu chuyện “3 ngày Tết”. Thế nhưng, theo tìm hiểu của Yeutre.vn, trong phong tục xưa, ngày mùng 7 Tết có ý nghĩa khép lại chuỗi hoạt động Tết Nguyên Đán để chính thức bước vào năm mới. Nếu bạn đọc đang tìm hiểu và mong muốn khôi phục lại ngày Tết này, hãy tham khảo những thông tin mà chúng tôi giới thiệu trong bài viết sau nhé.

1. Mùng 7 Tết là ngày gì? Thông tin chi tiết về ngày lễ này

Trước thắc mắc “mùng 7 Tết là ngày gì” của nhiều bạn đọc, Yeutre.vn đã tìm hiểu và xin thông tin đến bạn đọc ngày này là ngày lễ hạ cây nêu (lễ Khai hạ). Theo phong tục Tết xưa, ngày mùng 7 tháng Giêng (có một số vùng chọn ngày mùng 6 tháng Giêng) là ngày cuối của chuỗi hoạt động Tết. Trong ngày này người dân Việt Nam sẽ làm hạ cây nêu, kết thúc dịp Tết Nguyên Đán và chính thức bắt đầu một năm mới. Thông tin chi tiết về ngày lễ này như sau.

1.1. Lễ Khai hạ là gì?

Theo phong tục ngày Tết dân gian, sau ngày lễ hóa vàng mùng 3 Tết sẽ đến ngày lễ Khai hạ mùng 7 Tết. 

Khai hạ có nghĩa là “cúng hạ nêu”. Tức vào ngày này những nhà nào có dựng cây nêu trước Tết sẽ làm lễ để hạ cây nêu xuống. Thông thường, các gia đình sẽ đồng loạt tiến hành hạ nêu vào buổi chiều ngày mùng 7 để kết thúc chuỗi ngày nghỉ Tết và chính thức bắt đầu một năm mới.

Hiện nay tuy phong tục dựng cây nêu trước Tết không còn phổ biến, nhưng một số vùng (đặc biệt miền Bắc, miền Trung) vẫn còn giữ lại nét đẹp truyền thống này.

Cụ thể, theo đúng truyền thống vào ngày 23 tháng Chạp các gia đình sẽ bắt đầu dựng nêu.Tùy vào từng vùng, từng thời điểm mà cây nêu sẽ được trang trí khác nhau (các vòng tròn nhỏ, thêm đèn lồng hoặc một số cây bụi gai…). Nhưng dù trang trí như thế nào thì cây nêu luôn gắn với ý nghĩa tiễn đi những thứ xấu xa, không may mắn của năm cũ, nghênh đón những điều may mắn đến với gia đình trong những ngày đầu năm mới.

ha cay neuMùng 7 tháng Giêng là ngày lễ Khai hạ (hạ cây nêu). Ảnh: Internet

1.2. Thông tin thêm về lễ dựng cây nêu ngày 23 tháng Chạp

Theo truyền thống xa xưa, cây nêu thường được làm bằng tre dài khoảng 5 – 6 mét. Vào ngày 23 tháng Chạp, sau khi cúng ông Công ông Táo, người dân Việt Nam sẽ bắt đầu trang trí cây nêu và dựng trước cổng nhà.

Tùy theo từng địa phương, dân tộc, phong tục mỗi miền mà cây nêu sẽ trang trí nhiều kiểu khác nhau. Có vùng người dân sẽ dùng lá dứa (loại lá có hương thơm thường dùng nấu xôi, chè) hoặc khung tre dán bùa xanh đỏ. Cách trang trí cây nêu này xuất phát từ quan niệm lá dứa sẽ tỏa hương thơm, mang lại may mắn, bùa xanh đỏ để xua đuổi tà ma. Hoặc có vùng người dân có tục treo chuông gió, tỏi, lông gà, cây dâu tằm… Cách trang trí cây nêu này có từ quan niệm rằng chuông gió , tỏi hay lông gà là những thứ “ma quỷ sợ”, việc treo trước nhà là cách để gia chủ báo rằng “nhà đã có chủ, không được quấy rối”.

Nhiều gia đình cẩn thận hơn, phía bên dưới cây nêu còn rắc thêm vôi bột và vẽ thêm hình cung tên. Tuy cách trang trí khác nhau nhưng tất cả đều có chung một mục đích: tiễn đưa xui xẻo năm cũ, đón chào năm mới bình an. Cây nêu lúc này trở thành một biểu tượng trừ tà, báo cho ma quỷ biết đất đã có chủ, không được đến quấy nhiễu và cầu mong một năm mới tốt lành, may mắn. Hơn thế, ngày xưa, cây nêu còn là biểu tượng cho sự uy quyền, nhà nào cây nêu cao nhất chứng tỏ nhà đó quyền thế nhất.

dung cay neu xuaTục dựng cây nêu có từ rất xa xưa theo phong tục Tết truyền thống. Ảnh: Internet

1.3. Thông tin về lễ hạ cây nêu ngày mùng 7 Tết

Theo truyền thống, nếu gia đình có lễ dựng cây nêu thì phải có lễ hạ cây nêu. Việc làm này theo kinh nghiệm của ông bà xưa là thể hiện sự “có đầu có đuôi”, bày tỏ lòng tôn trọng với các đấng thần linh, để đón nhận bình an, may mắn.

Theo một số sách lịch sử, trước khi hạ cây nêu, chủ nhà cần đặt một cái bàn nhỏ ở cạnh ngay gốc cây nêu, bên trên bàn bày một đĩa ngũ quả, một ít hương, hoa, tiền vàng… Sau đó thì tiến hành cúng để báo với đất trời rằng gia đình đã ăn Tết vui vẻ, hạnh phúc.

Sau khi cúng xong, gia đình sẽ rung cây nêu cho rụng hết lá khô. Tiếp đó các thành viên trong gia đình sẽ hạ cây nêu xuống, nếu trên cây nêu có bùa, chuông gió thì đem treo hoặc dán vào cửa trước của ngôi nhà.

Với riêng những gia đình có kinh doanh thì ngày ngày sau khi hạ cây nêu, họ cũng sẽ tiến hành cúng lễ để cầu xin làm ăn thuận lợi, hanh thông trong năm mới.

Tuy nhiên về sau này, khi cuộc sống hiện đại hơn phong tục dựng cây nêu cũng mai một dần. Ngày nay, nhiều nhà vẫn dựng cây nêu nhưng trang trí bắt mắt bằng đèn lồng, bằng hệ thống chiếu sáng đắt tiền. Cây nêu lúc này trở thành một vật trang trí đơn thuần, không còn gắn với quá nhiều ý nghĩa như ngày xưa.

cay neuNgày nay cây nêu được trang trí bằng đèn, hệ thống chiếu sáng hiện đại. Ảnh: Internet

2. Mùng 7 Tết là ngày gì – hướng dẫn nghi thức chi tiết trong ngày lễ này

Dù hiện nay không còn nhiều gia đình quan tâm ngày mùng 7 Tết là ngày gì nữa, nhưng vẫn có những vùng miền, truyền thống tốt đẹp này được bảo tồn, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Và với họ ngày lễ Khai hạ cũng là một ngày lễ Tết quan trọng như mùng 1 , mùng 2 , mùng 3. Vào ngày này họ có các nghi thức, lễ vật rất bài bản. Chi tiết như sau.

2.1. Lễ vật cúng hạ cây nêu cần gì?

Trước khi làm lễ hạ câu nêu, các gia đình cần chuẩn vị lễ vật cúng đầy đủ như sau:

  • Mâm cơm cúng (tùy phong tục mà có thể mâm cơm chay hoặc mâm cơm mặn với các món ăn trong ngày Tết). Lưu ý các món ăn trong mâm cúng phải được làm mới hoàn toàn, không được dùng thức ăn thừa hoặc thức ăn đã “đụng đũa”).
  • Rượu
  • Nhang
  • Hoa (5 hoặc 7 bông, không lấy số chẵn)
  • Hoa quả (ngũ quả, hoặc 3, 7 loại, không lấy loại chẵn)
  • Đĩa gạo
  • Đĩa muối
  • Tiền vàng

Sau khi bày biện đầy đủ vào mâm và đặt bàn dưới cây nêu, gia chủ tiến hành thắp hương, khấn vái xin phép gia tiên trong nhà trước, sau đó mới tiến hành làm lễ ở ngoài trời.

mam cung khai haMâm cúng ngày lễ Khai hạ tương tự như mâm cúng Tết bình thường. Ảnh: Internet

2.2. Văn khấn lễ hạ cây nêu chi tiết

Trong sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, lễ hạ cây nêu vào mùng 7 Tết có văn khấn chi tiết như sau:

Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)

Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần

Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ, Chư vị Tôn thần

Con kính lạy Ngài Đương niên hành khiển, ngài Bản cảnh Thành Hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch Tôn thần.

Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.

Hôm nay là ngày mùng 7 tháng Giêng năm…

Chúng con là:… tuổi…

Hiện cư ngụ tại… 

Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh.

Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được bách sự như ý, vạn sự bình an, tài lộc song toàn, gia đạo hưng vượng.

Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.

Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)

Như vậy, bài viết trên đã giải đáp tất cả các thắc mắc ngày mùng 7 Tết là ngày gì cùng với cách bày mâm lễ và văn cúng chi tiết. Có thể nói ngày lễ Khai hạ là một truyền thống tốt đẹp, cần lưu giữ và phục hồi lại trong những ngày Tết sắp tới. Nếu bạn đọc yêu truyền thống Tết xưa hãy lưu lại và chia sẻ thông tin này tới người thân, bạn bè nhé. Mong cầu cho bạn đọc một năm mới đặng bình an!

Đức Lộc