‘Muốn có nền văn hoá đậm bản sắc thì cần quan tâm đến con người’

(VTC News) –

Theo PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc là điều quan trọng, nhưng việc thực hiện lại không hề dễ dàng.

– Ngay từ năm 1943, “Đề cương Văn hóa Việt Nam” đã đề cao yếu tố “dân tộc” trong chủ trương phát triển văn hóa (dân tộc – khoa học – đại chúng), và năm 1991, “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” cũng xác định phải xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc – điều luôn được nhấn mạnh trong các nghị quyết sau đó. Vì sao bản sắc dân tộc của nền văn hóa lại quan trọng như vậy, thưa ông? 

Sự nghiệp văn hóa của chúng ta đang đứng trước một thời cơ, một bước ngoặt lớn – chúng ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, mạnh mẽ hơn. 

Trong rất nhiều lĩnh vực của kinh tế – xã hội có lĩnh vực văn hoá. Chúng ta đã có quá trình 75 năm xây dựng, phát triển văn hóa, con người, giờ nhìn lại, đánh giá toàn diện để kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, của con người, văn hoá Việt Nam, bổ sung những nội dung, nội hàm mới về khoa học, dân chủ, nhân văn… Đây là thời kỳ mà chúng ta đang ở trong bước chuyển mới, cả thời cơ và cả thách thức. 

Điều đáng nói, hệ luỵ lớn nhất là khi chúng ta đánh mất bản chất, bản sắc văn hoá dân tộc, đi ra thế giới mà không có “căn cước văn hoá” của dân tộc mình. Lịch sử dân tộc ta đã nói lên một cách sinh động và thuyết phục điều này. Chúng ta bị hàng nghìn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm bị các thế lực ngoại bang xâm lăng, nô dịch nhưng cuối cùng, sức mạnh văn hoá Việt Nam đã giúp chúng ta không chỉ tồn tại mà còn chiến thắng và vững vàng.

Chúng ta tạo cho mình một bản sắc, có nguồn sức mạnh nội sinh thì văn hoá mới thực sự là động lực, mục tiêu để phát triển bền vững đất nước, cùng với đó là phát triển con người. Con người vừa là sản phẩm của văn hoá, vừa là chủ thể sáng tạo những giá trị văn hoá mới. Nền văn hoá của chúng ta là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mang tính chất dân chủ, khoa học, tiên tiến, nhân văn. 

Văn hoá là hệ giá trị, là thước đo, là chuẩn mực để điều tiết mọi hoạt động của toàn xã hội và từng con người. Chúng ta nhìn vào những thang giá trị chung của văn hoá, con người Việt Nam để rèn luyện, phấn đấu đạt được những giá trị đích thực, bền vững, lâu dài. Hệ giá trị mới của quốc gia, của văn hóa Việt Nam hiện nay là đất nước độc lập, thống nhất, con người tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, dân chủ, bình đẳng, cùng phát triển; trong xã hội thì người thương người, tôn trọng, hiếu kính tổ tiên; kế thừa, phát huy các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể, nhất là các di sản và giá trị đã được UNESCO công nhận ở tầm cỡ thế giới.

'Muốn có nền văn hoá đậm bản sắc thì cần quan tâm đến con người' - 1

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ – Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

– Trong một bài phỏng vấn mới đây, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, “chúng ta dứt khoát phải có một nền văn hóa đặc trưng của Việt Nam, truyền thống Việt Nam và nền văn hóa đó hội nhập quốc tế”. Theo ông, trong thời kỳ hội nhập sâu rộng này, làm thế nào để có được nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam?

Khi nói đến văn hoá thì các quốc gia đều có những mặt giống nhau. Dân tộc nào cũng có yếu tố dân chủ, nhân văn và đều mong sẽ có những nền văn hoá đậm bản sắc riêng của dân tộc mình. 

Chúng ta muốn xây dựng nền văn hoá đậm bản sắc dân tộc thì phải tạo được một nền văn hoá đậm phẩm chất của con người Việt Nam. Đó là những phẩm chất đã được xây dựng, vun đắp, rèn giũa, hun đúc hàng nghìn năm. Chính con người là yếu tố quyết định để tạo nên một nền văn hoá đậm bản sắc. Đó là lòng yêu nước, là tình đoàn kết, sát cánh bên nhau trong phòng chống giặc dã, thiên tai; là dũng cảm, cần cù, tài trí, hiếu học, sáng tạo; là đức tính khiêm nhường, sự hoà hiếu, nhân văn, khoan dung… Từ những chuẩn mực như thế, mỗi người soi vào đó để thấy tình yêu đất nước, quê hương, với cộng đồng, với con người, với thiên nhiên của mình như thế nào, từ đó điều chỉnh nhận thức, hành vi của mình. Những giá trị ấy có ý nghĩa như những khuôn mẫu để mọi người noi theo. 

Trong hàng chục năm gần đây, những quốc gia đi lên bằng trí tuệ nhân tạo, từ nền kinh tế số thì đều có  bước phát triển rất nhanh. Yếu tố sáng tạo cũng là một mấu chốt rất quan trọng để có thể phát triển được một nền văn hoá đậm bản sắc.

Chúng ta muốn xây dựng nền văn hoá đậm bản sắc dân tộc thì phải tạo được một nền văn hoá đậm phẩm chất của con người Việt Nam. Đó là những phẩm chất đã được xây dựng, vun đắp, rèn giũa, hun đúc hàng nghìn năm. Chính con người là yếu tố quyết định để tạo nên một nền văn hoá đậm bản sắc.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ

– Sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, xu hướng xã hội số, văn hóa số… sẽ tạo nên những thuận lợi và khó khăn gì trong việc xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, thưa ông?

Điểm thuận lợi chính là chúng ta đang trong giai đoạn của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và tận dụng được những công nghệ mới. Chính nhờ thời cơ này, sự thuận lợi này mà chúng ta có thể tận dụng được công nghệ mới, văn hoá số một cách nhanh chóng.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng mở ra khả năng giao lưu, hợp tác và phát triển toàn diện về văn hóa, nâng cao cơ hội quảng bá văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới. Khoa học – công nghệ, truyền thông đại chúng phát triển mang đến cho người dân khả năng sáng tạo và thụ hưởng các sản phẩm văn hóa mới nhanh chóng, hiệu quả và có tính tương tác cao.

Công nghệ số, mạng xã hội phát triển kéo theo việc tiếp cận các nội dung văn hóa trở nên dễ dàng và không bị giới hạn bởi các đường biên giới quốc gia. Điều này cũng đòi hỏi sự khác biệt, độc đáo trong nội dung, ý tưởng của các sản phẩm văn hóa như là một ưu thế cạnh tranh quan trọng. 

Bên cạnh những thuận lợi thì yếu tố này cũng là một thách thức. Công nghệ số phát triển đồng nghĩa với việc các sản phẩm văn hoá đồi truỵ dễ dàng xâm nhập thế giới ảo, ảnh hưởng tới thế hệ trẻ. Trong thời đại ngày nay, những xu hướng ảo cũng đang dần biến thành sự thật. Tuy nhiên, nếu không cập nhật xu hướng thì cũng sẽ bị tụt hậu và ở lại phía sau. Những cuộc chiến tranh trên không gian mạng cũng là vấn đề đáng được quan tâm và nhiệm vụ của chúng ta là phải quán triệt vấn đề này.

– Đảng khẳng định, trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Vậy theo ông, đâu là điểm mấu chốt cần giải quyết và giải pháp cần thực hiện để đạt được điều này?

Chúng ta phải xây dựng đội ngũ làm chiến lược văn hóa từ cấp cơ sở đến cấp cao; phải có nhân lực có trình độ, am hiểu sâu về văn hóa, từ đó mới có niềm say mê, đạo đức công vụ, khát vọng đẩy văn hóa dân tộc lên.

Nói đến văn hoá là nói đến con người, nên nếu muốn đầu tư phát triển văn hoá thì cũng phải tập trung đến con người. Giải pháp cần thực hiện là chúng ta cần phải quan tâm, tuyên truyền, giáo dục và thay đổi nhận thức của mỗi người; định hướng để con người phải có một cuộc sống nghĩa tình vì chúng ta không phải là người máy; tạo nên giá trị đích thực để con người biết yêu văn thơ, nghệ thuật. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải hướng tới giá trị Chân, Thiện, Mỹ. Chân là sự chân thành, chân tình; Thiện là thiện lành và Mỹ là cái đẹp. Cuộc sống của mỗi người cần phải hướng tới 3 giá trị này nếu muốn phát triển được một môi trường văn hoá lành mạnh. 

Chăm lo đến người dân cũng là một điều quan trọng. Mỗi con người cần phải có sự hoà nhập, tinh thần khoan dung và biết tôn trọng người khác. 

Có thể thấy một dẫn chứng rõ ràng khi người dân Nhật Bản sống rất văn minh và không làm phiền người khác. Làm thế nào để mỗi con người Việt Nam cũng học tập được những đức tính đó và biết chia sẻ với nhau khi khó khăn. 

– Một trong những nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết 33 của Hội nghị IX Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI năm 2014 là xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Ông đánh giá thế nào về những gì chúng ta đã đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ này?

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh rằng cùng với chính trị, kinh tế, xã hội thì văn hóa là một trong 4 mặt trận rất quan trọng và được coi là ngang nhau. Đồng thời trong bài phát biểu đó, một câu nói của Bác Hồ đã trở thành cương lĩnh, phương châm hành động: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Soi đường ở đây là tính chất soi rọi, dẫn đường và khai sáng. Điều này rất quan trọng bởi tất cả mọi lĩnh vực của xã hội phải có ánh sáng của văn hóa.

Văn hoá là yếu tố thấm sâu vào mọi con người, mọi gia đình. Chính vì vậy văn hoá trong chính trị càng cần phải được đề cao và coi trọng. Xây dựng điều này thật tốt sẽ lan toả đến toàn bộ xã hội và người dân. Có thể thấy những tha hoá, tham ô, tham nhũng hay tiêu cực đều do văn hoá chính trị thấp. Chính vì vậy, văn hoá phải được xếp ngang hàng với chính trị và kinh tế vì không thể đứng ngoài. Cả 3 yếu tố này bổ sung và lan toả vì nhau.

Thực tế văn hóa của dân tộc Việt Nam được xây dựng, vun đắp từ hàng nghìn năm lịch sử và được bổ sung thêm những yếu tố mới. Nền văn hóa chúng ta xây dựng có rất nhiều yếu tố tiến bộ thời kỳ mới là khoa học, dân chủ, nhân văn, tiến bộ. Nhận thức này không phải lúc nào hoặc chỗ nào cũng được hiểu đầy đủ và sâu sắc. Quá trình đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống quan trọng nhất là thể chế hóa bằng chủ trương, cơ chế của Nhà nước. 

Việc xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ về văn hóa trong chính trị, kinh tế cũng có một số mặt hạn chế. Dường như chúng ta chưa có chiến lược đầy đủ, dài hơi về công tác cán bộ trong lĩnh vực này. Nếu không có con người, dù nghị quyết có hay đến mấy cũng khó đạt được kết quả cụ thể trong cuộc sống.

– Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ!

Tùng Thanh

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo