Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động

Theo kế hoạch, sáu điểm sinh hoạt văn hóa công nhân được triển khai theo ba mô hình gồm: điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại đơn vị, doanh nghiệp; điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại khu công nghiệp và chế xuất, cụm công nghiệp tập trung; điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại khu dân cư. Mỗi điểm sinh hoạt văn hóa công nhân xây dựng mới thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí 90 triệu đồng.

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế sẽ hỗ trợ kinh phí xây dựng mới mỗi điểm sinh hoạt văn hóa công nhân từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Cùng với đó bổ sung cơ sở vật chất hằng năm tối đa 30 triệu đồng từ nguồn kinh phí tích lũy của tổ chức công đoàn và nguồn kinh phí khác hỗ trợ.

Đáng chú ý, Liên đoàn Lao động thành phố cũng quy định mức kinh phí hỗ trợ cán bộ quản lý, điều hành ở các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Theo đó, tại các khu công nghiệp và chế xuất, công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/điểm.

Tại khu dân cư hoặc cụm công nghiệp do Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã quản lý (hoặc bàn giao cho công đoàn cơ sở cơ quan Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý) thì Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã hỗ trợ mức 500.000 đồng/tháng/điểm. Riêng điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong đơn vị, doanh nghiệp thì công đoàn cơ sở đề xuất đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ theo điều kiện thực tế.

Hiện nay, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang duy trì hoạt động 35 Cụm Văn hóa nghệ thuật, 92 “Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân” và 54 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.

Được khánh thành từ tháng 7/2022, điểm sinh hoạt văn hóa tại Công ty TNHH Giày Trường Xuân (thuộc Cụm công nghiệp Cam Thượng, huyện Ba Vì) hơn chín tháng qua là điểm đến quen thuộc của gần 600 cán bộ, công nhân viên công ty, nhất là với 200 lao động là người dân tộc thiểu số và công nhân người địa phương khác đang sinh hoạt và ăn ở thường xuyên tại đây.

Cùng với khu nhà ở cấp bốn cho công nhân với chín phòng ở và một phòng sinh hoạt chung, điểm sinh hoạt văn hóa tại Công ty Giày Trường Xuân đã góp phần làm phong phú hơn các hoạt động sinh hoạt tập thể của công nhân nơi đây. Chị Đỗ Thị Lương (quê Phú Thọ) cho biết, điểm sinh hoạt văn hóa với các trang, thiết bị khá phong phú như loa, tủ sách, lưới vợt cầu lông, bàn bóng bàn… đã giúp công nhân công ty tích cực tham gia thể thao nâng cao sức khỏe, giao lưu văn hóa văn nghệ, đọc sách báo, xem thời sự sau những giờ làm việc.

Cùng với kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng từ Liên đoàn Lao động thành phố, Công ty cổ phần Hãng sơn Đông Á (thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm) đã đầu tư, xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa phục vụ gần 200 công nhân, lao động đang làm việc tại công ty.

Với tổng diện tích hơn 200m2 gồm hai phòng sinh hoạt văn hóa có trang bị tủ sách, ghế ngồi, bàn, máy tính, màn hình led, loa, micro, sân cầu lông, bóng chuyền; phòng tập thể thao, điểm sinh hoạt văn hóa không chỉ là nơi rèn luyện hằng ngày, mà còn là điểm tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, thu hút đông đảo đoàn viên công đoàn, công nhân lao động tham gia, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên công ty.

Tương tự, tại Công ty cổ phần Nicotex (thuộc Liên đoàn Lao động quận Long Biên), từ đề xuất của công đoàn công ty, với sự hỗ trợ của Liên đoàn Lao động quận Long Biên, Liên đoàn Lao động thành phố và Ban Tổng Giám đốc, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại trụ sở công ty đã được đầu tư trang, thiết bị, cơ sở vật chất trị giá 150 triệu đồng. Mỗi năm, công đoàn công ty cũng tham mưu với Ban Tổng Giám đốc công ty đầu tư, hỗ trợ kinh phí hàng trăm triệu đồng để duy trì, đầu tư trang thiết bị phục vụ người lao động rèn luyện thể dục, thể thao, giao lưu văn hóa.

Theo ông Hà Đông, Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, các sinh hoạt văn hóa công nhân đáp ứng sự mong mỏi hưởng thụ văn hóa của người lao động và là sân chơi lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc, tăng tình đoàn kết giữa anh chị em công nhân; mang lại những giá trị tinh thần, sự gắn bó của người lao động với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để học tập, lao động với năng suất, chất lượng tốt hơn.

Ở một khía cạnh khác, các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân cũng góp phần hạn chế, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội trong công nhân lao động, nhất là đối với lực lượng lao động trẻ.