Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân

Đăng ngày: 15/06/2020 – 8:31:55 PM | Lượt xem: 2912 |

Đăng ngày: 15/06/2020 – 8:31:55 PM |Lượt xem: 2912 | Trần Hữu Chất

Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân

Những năm qua, phong trào xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa đã trở thành một phong trào quần chúng, ngày càng phát triển và lớn mạnh, được đông đảo các tầng lớp nhân dân và các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tham gia hưởng ứng.

 Theo tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, tỉ lệ làng, tổ dân phố văn hóa liên tục tăng qua các năm. Năm 1998, toàn tỉnh mới có 114 làng, tổ dân phố văn hóa, đạt 13,4%, đến năm 2019 đã có 753/851 làng, khu phố văn hóa, đạt 88,5%. Có thể nói, phong trào xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, cả về số lượng và chất lượng và trở thành phong trào quần chúng sâu rộng. Phong trào đã tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở các cộng đồng dân cư.

Bám sát tiêu chí xây dựng làng, tổ dân phố văn hoá, các địa phương, cơ sở đã cụ thể hóa thành các kế hoạch hằng năm, xây dựng thành các chỉ tiêu, mục tiêu phấn đấu cụ thể; phân công trách nhiệm cho các ngành, đoàn thể và nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nếp sống văn hóa. Theo ghi nhận, phong trào xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa văn hóa, duy trì phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa tinh thần phong phú ở địa phương cơ sở. Trước hết, xây đựng làng, tổ dân phố văn hóa đã phát huy được hiệu quả thực hiện xã hội văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở nông thôn; khẳng định thôn, khu phố là địa bàn trọng yếu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân ờ cơ sở.

Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến (ảnh tư liệu)

Thời gian qua, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở ở trở thành phong trào quần chúng rộng rãi ở các làng, tổ dân phố văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa trong toàn tỉnh đã được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết, có định mức hỗ trợ từ ngân sách và tiến hành quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hoá. Các nhà văn hoá thôn, khu phố được xây dựng mới hay cải tạo, nâng cấp và đầu tư trang thiết bị hoạt động từ ngân sách của nhà nước và nguồn lực đóng góp trong nhân dân. Nhiều làng văn hoá đã vận động bà con xây dựng mới khu trung tâm sinh hoạt văn hoá của làng, một số làng tu sửa, tôn tạo lại đình làng, cổng làng, các di tích lịch sử văn hóa để tạo nơi sinh hoat văn hoá và giáo dục truyền thống cho nhân dân địa phươn. Hết năm 2019, toàn tỉnh có 106 trung tâm văn hoá xã, phường, thị trấn độc lập (chiếm 65,8%), 55 xã, phường, thị trấn sử dụng hội trường Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã kiêm chức năng Trung tâm Văn hoá (chiếm 34,2%); 742 nhà văn hoá thôn, khu phố độc lập (chiếm 87,2%); 109 thôn, khu phố dùng các thiết chế khác kiêm chức năng nhà văn hoá (chiếm 12,8%). Thông qua các buổi sinh hoạt tại thiết chế văn hóa cơ sở, đời sống của người dân được nâng lên cả vật chất và tinh thần. Nội dung trong các hoạt động của thiết chế văn hóa luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị kinh tế, xã hội, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hoá cơ sở và giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Phong trào văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng, xã được bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Người dân ở khu vực nông thôn, thành thị được tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở thôn xóm, khu phố có xu hướng tăng lên. Đến nay, tỉ lệ người dân thường xuyên tập luyện thể dục thể thao đạt 34%; lệ người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng đạt tỷ lệ trên 31%.  Làng, tổ dân phố văn hóa thực sự là những điểm sáng về bảo tồn văn hoa dân tộc. Các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dân gian, truyền thống tiếp tục được bảo tồn; các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, tâm linh được tôn trọng. Nhiều làng, tổ dân phố đã và đang từng bước khôi phục lễ hội truyền thống, trò chơi, trò diễn dân gian; lễ hội truyền thống ở các thôn làng được tổ chức định kỳ hằng năm, đã tạo nên sắc thái văn hóa dân tộc đậm đà, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương.

Các hoạt động thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi ở các địa phương

Trong quá trình xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa, các địa phương đã bám sát tiêu chuẩn gia đình văn hoá để tuyên truyền tới từng hộ, phát động đăng ký và tổ chức bình xét danh hiệu hàng năm. Trong quá trình thực hiện, các đoàn thể thường xuyên lồng ghép với các phong trào như: “Nuôi con khoẻ dạy con ngoan”; “Ông bà cha mẹ mẫu mực con cháu hiếu thảo”, “Gia đình dòng họ hiếu học”… Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép, thực hiện tốt quy ước xây dựng làng, tổ dân phố văn hoá. Năm 2019, toàn tỉnh có 357.157/390.336 gia đình văn hóa (đạt 91,5%).

Việc cưới, việc tang và lễ hội tại các làng, tổ dân phố văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Căn cứ tiêu chí xét và công nhận danh hiệu làng, tổ dân phố văn hóa, các địa phương đã vận động người dân thay đổi nhận thức, hành vi; những phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương được bảo tồn, phát huy gắn với việc thực hiện quy ước, hương ước của địa phương. Hầu hết đám cưới thực hiện tốt theo Luật Hôn nhân gia đình. Chính quyền các xã, phường, thị trấn đã làm tốt công tác đăng ký và trao giấy kết hôn theo đúng thủ tục hành chính. Một số địa phương thực hiện việc trao giấy kết hôn tại Văn phòng UBND hoặc nhà văn hóa thôn. Một số thủ tục trong việc cưới đã có tiến bộ, không còn thách cưới, không có nghi thức rườm rà, hạn chế tổ chức ăn uống linh đình, gây lãng phí. Cùng đó, trong việc hiếu, hầu hết các làng, tổ dân phố văn hoá đã xoá bỏ các tập tục lạc hậu như: gọi hồn bắt vía, lăn đường, rải vàng mã dọc đường, khóc mướn, ăn uống linh đình… Người chết không để trong nhà quá 48 tiếng, trường hợp chết do mắc bệnh truyền nhiễm không để quá 24 tiếng. Các đám tang đều do Hội Người cao tuổi và trưởng thôn, làng, tổ dân phố phối hợp tổ chức. Các làng mua sắm xe tang, tổ chức thăm viếng, chia buồn và tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng bằng tình làng nghĩa xóm cao đẹp. Các tang lễ không mở loa đài, kèn trống quá công suất và quá giờ quy định. Các địa phương đã quy hoạch được khu nghĩa trang xa khu dân cư. Việc hung táng, cải táng đảm bảo vệ sinh môi trường. Tỷ lệ hỏa táng ngày càng tăng lên, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có những chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Hoạt động lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng, phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo các giá trị văn hoá của nhân dân. Nhân dân hạn chế đốt vàng mã tại các điểm tổ chức lễ hội; ngăn chặn những đối tượng lợi dụng lễ hội để trục lợi cá nhân, hành nghề mê tín dị đoan. Việc tổ chức lễ hội đã góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh người có công với dân, với nước, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, tạo khí thế vui tươi, lành mạnh trong các lễ hội. Bảo tồn và phát huy các gịá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc có sự tham gia của nhân dân tại nơi có di tích đã được địa phương thực hiện nghiêm túc, sáng tạo.

HC