Nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa trên mạng xã hội cho giới trẻ
Mục lục bài viết
Nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa trên mạng xã hội cho giới trẻ
Trong nhịp sống hối hả hiện nay, mạng xã hội là nơi để cộng đồng kết nối quan hệ và xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội một cách thiếu kỹ năng và kiến thức đã khiến một bộ phận giới trẻ có những biểu hiện ứng xử lệch chuẩn văn hóa, gây ra nhiều hậu quả cũng như tác động xấu tới nền tảng giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống.
Trường THPT Hoằng Hóa 2 thường xuyên lồng ghép việc tuyên truyền ứng xử văn hóa trên mạng xã hội trong các buổi sinh hoạt cuối tuần.
Trong thời gian qua, nhằm hướng dẫn học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh kỹ năng khai thác, ứng xử trên môi trường mạng xã hội, các trường học trên địa bàn tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao tiếp ứng xử trên mạng xã hội cho giới trẻ. Các hoạt động được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: giáo dục Luật An ninh mạng; quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; các nội dung Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; thông tin các vụ lừa đảo, kích động trên mạng xã hội trong thời gian qua… Cùng với đó, hướng dẫn học sinh, sinh viên kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin chính thống trên internet, mạng xã hội; cách phát hiện và ứng xử với những thông tin xấu, độc. Một số nhà trường còn thường xuyên tổ chức các chuyên đề về kỹ năng ứng xử văn hóa trên mạng xã hội cho học sinh, sinh viên với nhiều thông điệp ý nghĩa như: “Nội dung lành, lướt mạng sạch”; “Thông tin là tài sản, tài khoản là riêng tư”; “Đưa tin có trách nhiệm, dẫn tin đã kiểm nghiệm”…
Cô Hoàng Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoằng Hóa 2 (Hoằng Hóa) cho rằng, giới trẻ ngày càng có xu hướng thể hiện cá tính cá nhân thông qua các trang mạng xã hội. Trong khi đó, học sinh THPT hầu hết mỗi em đều có ít nhất 1 tài khoản mạng xã hội. Khi có nhu cầu thể hiện “bản sắc” cá nhân, một số học sinh đã thể hiện mình trên mạng xã hội một cách lệch lạc, thiếu suy nghĩ. Do đó, cùng với các tiết học chính khóa, nhà trường cũng thường xuyên tuyên truyền đến học sinh việc sử dụng mạng xã hội sao cho phù hợp với chuẩn mực. Đặc biệt, ban giám hiệu nhà trường cũng lưu ý giáo viên chủ nhiệm các lớp việc nhắc nhở, lồng ghép tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt cuối tuần, cùng đồng hành với học sinh trong quá trình sử dụng mạng xã hội để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở những biểu hiện ứng xử thiếu văn hóa trên môi trường mạng xã hội. Trong đó, lưu ý học sinh cẩn trọng với cách bình luận, like hay chia sẻ các nội dung trên mạng xã hội. Có thể nói, cùng với việc tuyên truyền thì việc đồng hành cùng học sinh trên môi trường mạng xã hội thực sự cần thiết, giúp các em có những kỹ năng cơ bản để xử lý thông tin cũng như ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Với mục đích nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021 về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội gồm có 3 chương và 9 điều. Trong đó, quy định quy tắc ứng xử chung và quy tắc ứng xử riêng cho các đối tượng như: quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước; quy định ứng xử cho các cơ quan Nhà nước; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
Trong Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị các cơ quan, tổ chức căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và bộ quy tắc triển khai thực hiện, phổ biến nội dung của bộ quy tắc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đặc thù của cơ quan, tổ chức mình, trong đó chú trọng đến việc bảo đảm an toàn, lành mạnh cho mọi người khi sử dụng mạng xã hội. Người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội được khuyến khích thực hiện đầy đủ các nội dung bộ quy tắc và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội.
Ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Trong thời gian gần đây, các hiện tượng lệch chuẩn đạo đức xã hội trong giới trẻ không phải là hiếm, điều đó thể hiện một cách rõ ràng trên môi trường mạng xã hội, như: facebook, tiktok, youtube… Điều này phản ánh thực tế hiện tượng sai lệch xã hội với những biểu hiện khá đa dạng về hình thức, mức độ ảnh hưởng đối với một bộ phận giới trẻ và xã hội. Từ đó đã và đang là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước cả trên phương diện quản lý xã hội cũng như quản lý thông tin. Trong thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, ngành thông tin và truyền thông đã, đang đẩy mạnh phổ biến rộng rãi nội dung Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
Bài và ảnh: Hoài Anh