Nâng cao văn hóa đọc trong trường học
Mục lục bài viết
Nâng cao văn hóa đọc trong trường học
Những năm gần đây, việc các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đầu tư không gian tại thư viện trường, xây dựng các câu lạc bộ về sách, tổ chức các cuộc thi, chương trình về sách đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc giúp học sinh khơi dậy niềm đam mê, hình thành thói quen đọc sách.
Với diện tích 55m2 cùng không gian bố trí khoa học, bắt mắt, thư viện là địa điểm yêu thích của các em trường Tiểu học Quảng Thắng.
Để khuyến khích học sinh đọc sách, các nhà trường từ tiểu học đến THPT tùy vào điều kiện thực tế của mình đã xây dựng các mô hình từ thư viện trong nhà trường theo quy định, thư viện xanh, thư viện thân thiện, thư viện lớp học… đến các câu lạc bộ sách. Các trường chú trọng đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống thư viện phù hợp với hoạt động của học sinh. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị (kệ sách, bàn ghế, đèn chiếu sáng), các chủng loại như sách truyện, sách tham khảo và sách bổ trợ các kỹ năng cho học sinh cũng được nhiều nhà trường quan tâm đầu tư.
Xác định khơi dậy và bồi đắp niềm ham thích đọc sách cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Trường Tiểu học Quảng Thắng (TP Thanh Hóa) đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong hoạt động của thư viện trường. Hiện nay, trong thư viện có gần 3.500 đầu sách bao gồm sách giáo khoa, sách tham khảo, tài liệu dành cho giáo viên và học sinh, truyện thiếu nhi… Để nâng cao văn hóa đọc, nhà trường đã quan tâm đổi mới các hoạt động của thư viện, trang trí, bố trí sách khoa học, bắt mắt; phân công lịch đọc cho các lớp; giao giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm chính trong việc định hướng, hướng dẫn các em đọc sách nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn sách, truyện. Hàng năm, nhà trường cũng dành kinh phí để bổ sung xây dựng tủ sách Bác Hồ, tủ sách pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của giáo viên và học sinh.
Học sinh trường Tiểu học Quảng Thắng hào hứng với việc đọc sách tại thư viện.
Cô Đặng Linh, giáo viên phụ trách thư viện trường TH Quảng Thắng cho biết: Văn hóa đọc phải được rèn luyện từ nhỏ và trường học là môi trường tốt nhất để rèn thói quen này cho các em. Nhà trường thường xuyên triển khai các hoạt động thú vị tại thư viện như: Đọc sách đố vui; giới thiệu sách theo chủ đề, chủ điểm; kể chuyện theo sách; thi vẽ tranh theo sách…. Hầu hết các em học sinh đều tỏ ra rất thích thú với các tủ sách, cách thức trang trí của thư viện trường học. Không gian đọc thân thiện đã giúp các em tự do khám phá, tự do tìm đọc những quyển sách mà mình yêu thích. Nhiều em đã phát huy được khả năng, sở trường của mình về các bộ môn mỹ thuật, kể chuyện.
Không xây dựng mô hình thư viện trường học, trường THPT Quảng Xương 1 sáng tạo hơn khi thành lập Câu lạc bộ Sách Bookmate – Quảng Xương 1 để khuyến khích, thúc đẩy văn hóa đọc trong học sinh. Câu lạc bộ do học sinh trực tiếp tổ chức, quản lý và duy trì dưới sự tư vấn của giáo viên. Với sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường, sự định hướng của Đoàn trường, sau gần 4 năm hoạt động, câu lạc bộ ngày càng phát triển. Các kệ sách được bố trí gọn gàng, từng loại sách được phân loại, sắp xếp ngăn nắp, khoa học; vào mỗi giờ ra chơi, CLB mở cửa, các thành viên của CLB sẽ có mặt để phục vụ bạn đọc đến mượn sách. Sách được kiểm kê thường xuyên nên việc mượn, trả diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Câu lạc bộ thu hút đông đảo các “mọt sách” đến đọc, mượn sách.
Em Ngô Đạt, học sinh lớp 12T1, chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: Để thu hút bạn đọc, CLB thường xuyên tổ chức các hoạt động đọc sách; giới thiệu nội dung các cuốn sách, tuyên truyền lợi ích của việc đọc sách; viết cảm nhận về sách… Đặc biệt là trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi, do không thể đến trường nên câu lạc bộ đã tổ chức sự kiện online “Sách và tôi” với mục đích lan truyền văn hóa đọc đến gần hơn với mọi người. Chương trình thu hút đông đảo thầy cô và học sinh trong trường tham gia.
Nhiều hoạt động về sách thú vị giúp học sinh phát triển, nâng cao văn hóa đọc trong trường học.
Cô giáo Cao Thị Lan (THPT Quảng Xương 1) cho biết: “Mô hình CLB sách tự quản này không chỉ giúp học sinh phát huy tính chủ động và kỹ năng quản lý mà còn giúp các em có cơ hội giao lưu và trao đổi với nhau về những quyển sách hay. Nhà trường cũng tạo mọi điều kiện cho CLB để phát triển, nâng cao văn hóa đọc cho đông đảo học sinh trong trường.”
Nhận thức được tầm quan trọng của thư viện nhà trường đối với phát triển văn hoá đọc trong học sinh, các trường học trên địa bàn toàn tỉnh cũng chủ động tuyên truyền, vận động, khuyến khích học sinh thường xuyên đến thư viện đọc, tìm hiểu kiến thức qua sách, báo.
Mỗi tháng đọc 1 đến 2 cuốn sách là mục tiêu mà em Hoàng Thị Cẩm Lê (lớp 9B, Trường THCS Trần Mai Ninh) tự đặt ra cho mình. Cẩm Lê chia sẻ: “Trước đây, ngoài giờ học em thường xem ti vi, điện thoại. Nhưng từ khi nhà trường phát động, khuyến khích học sinh đến thư viện, em bắt đầu đọc sách. Việc đọc sách thường xuyên không chỉ giúp em rèn luyện kỹ năng đọc, mà còn bổ sung thêm nhiều kiến thức về lịch sử, xã hội và những kỹ năng sống. Đặc biệt, em còn được chủ động chọn sách và chỗ ngồi đọc hoặc mượn sách về nhà đọc”.
Việc phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với học sinh, giúp các em hình thành lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử gây hại sức khỏe và mạng xã hội thiếu kiểm soát ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý học sinh. Tuy nhiên, để phát triển, nâng cao văn hóa đọc hơn nữa, ngoài sự quan tâm đầu tư của các trường học, rất cần có sự chung tay đóng góp của cộng đồng và phụ huynh học sinh, đưa các thư viện, câu lạc bộ sách vào hoạt động hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều học sinh đến đọc sách, báo, phát huy hiệu quả công tác dạy và học trong các nhà trường.
Quỳnh Anh