Nặng lòng với văn hóa dân tộc Thái
Biên phòng – Từng là nhà báo công tác tại Báo Lai Châu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên, nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian Lò Duy Hiếm đã đặt chân đến nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa của đồng bào Tây Bắc, đặc biệt là người dân tộc Thái nên ông dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu về văn hóa, truyền thống của dân tộc mình. Cuốn sách “Diễn xướng trong nghi lễ của người Thái đen Điện Biên” (Nhà xuất bản Sân khấu) ra mắt mới đây chính là một trong những “trái ngọt” ấy.
Nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian Lò Duy Hiếm (ngồi thứ 3, hàng đầu, từ phải sang) trong cuộc gặp mặt các thành viên Ban liên lạc cán bộ báo chí Lai Châu-Điện Biên (Hà Nội, tháng 6/2022). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Lung linh tứ thơ trong bản tình ca
Những ngày tháng 6, khi cả nước đang có nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022), tôi có may mắn được gặp gỡ nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian Lò Duy Hiếm tại căn chung cư nhỏ ấm cúng của ông tại Hưng Yên. Trải lòng với chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề, ông đưa chúng tôi trở về mảnh đất Tây Bắc thân thương, núi rừng hùng vĩ, là nơi chôn nhau cắt rốn của ông, được sống đẫm mình trong văn hóa các dân tộc Tây Bắc nói chung, văn hóa của người dân tộc Thái nói riêng.
Nhà nghiên cứu Lò Duy Hiếm, sinh năm 1943, tại tỉnh Lai Châu, hiện là hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điện Biên. Từ năm 2013 đến nay, ông đã chuyển về sinh sống tại Hà Nội, Hưng Yên, nhưng tâm hồn và trí tuệ của ông thì vẫn luôn gắn bó và đau đáu với mảnh đất quê nhà yêu dấu.
Ở tuổi xấp xỉ 80, ông vẫn thật mạnh khỏe, minh mẫn. Ông vẫn đọc báo in, báo online hằng ngày, dùng Facebook, Zalo để kết nối với bạn bè, con cái và cũng để cảm thấy mình không bị tụt hậu so với giới trẻ. Lúc nào trò chuyện cùng ông, tôi cũng thấy sự nhiệt huyết, lạc quan, tràn đầy năng lượng với cuộc sống.
Là người giàu tình yêu với văn hóa dân tộc Tây Bắc cùng với năng khiếu trời phú, ông đã sáng tác nhiều bài thơ ca ngợi đất và người của vùng đất này. Những sáng tác của ông khúc chiết, giàu hình ảnh, dễ đọc, dễ nhớ mà thông qua đó, bạn đọc có thể phần nào cảm nhận được nét văn hóa đặc sắc, sự “thay da đổi thịt” của mảnh đất miền cực Tây – nơi phên dậu Tổ quốc.
Cũng có những bài thơ của ông đã đi vào trong khuông nhạc của nhiều nhạc sĩ, trong đó, nổi bật là bài thơ “Nét xuân trên rẻo cao” đã được nhạc sĩ Hoàng Thím phổ nhạc. Đây chính là bài hát được nhiều ca sĩ chuyên nghiệp biểu diễn trong các hội diễn ca múa nhạc của tỉnh và khu vực Tây Bắc, cũng như được nhiều ca sĩ không chuyên biểu diễn trong nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể.
Còn nhớ, có lần, được đắm mình trong ca khúc “Nét xuân trên rẻo cao” do ca sĩ Khoàng Văn Chiến (nghệ danh Chiến Chapi) thể hiện trong không gian đậm chất xứ Mường Then tại quán ẩm thực Tây Bắc “Mẹt quán Chiến Chapi” giữa lòng Thủ đô, chúng tôi đã dâng trào những cảm xúc đặc biệt. Là người nhiều lần thể hiện ca khúc này, ca sĩ Chiến Chapi cho biết: “Với giai điệu về chủ đề vùng cao, đậm chất dân ca Mông, có thể nói, bài hát “Nét xuân trên rẻo cao” là bản tình ca tuyệt đẹp về mùa xuân của người Mông nói riêng và người Tây Bắc nói chung.
Ca từ trong bài hát lột tả được không khí mùa xuân đang về khiến bất cứ ai được nghe cũng phải thổn thức, lưu luyến về miền đất này. Hòa quyện với khung cảnh đất trời chính là tình yêu đôi lứa giản dị, mộc mạc trong khung cảnh chợ phiên (hay còn gọi là chợ tình) – một nét đặc sắc của người Mông: “Mắt gặp mắt nụ cười trao nhau xuống chợ/ Má ửng hồng lẫn vào phiên chợ/ Cứ ngỡ vườn đào nhà ai đang nở…”. Bài hát đã nói lên cảnh đẹp cùng tấm lòng, tâm hồn của người Tây Bắc, như một thông điệp, lời mời gọi với du khách thập phương đến với vùng đất xinh đẹp, mến khách, đậm nét riêng văn hóa bản địa”.
Lưu giữ văn hóa truyền thống như nguồn mạch không ngừng chảy
Cầm trên tay cuốn sách “Diễn xướng trong nghi lễ của người Thái đen Điện Biên” (Nhà xuất bản Sân khấu, năm 2018) của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam – Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam mà tác giả là nhà nghiên cứu Lò Duy Hiếm, với hơn 150 trang viết, mới thấy, ông đã dành biết bao tâm huyết, trí tuệ vào công trình này.
Nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian Lò Duy Hiếm trao đổi nghiệp vụ báo chí với con gái. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Được biết, cuốn sách nằm trong Đề án bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Bộc bạch về tác phẩm, ông cho biết: “Dường như tín ngưỡng đã chi phối mọi khía cạnh trong đời sống tinh thần của dân tộc Thái. Dù trải qua bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử, người Thái đen Điện Biên vẫn bảo tồn được nền nghệ thuật âm nhạc truyền thống mang dấu ấn bản địa rất riêng của mình.
Trong nghi lễ có sự góp mặt diễn xướng của mo (những bài ca lễ), là những thể loại ca hát dân gian liên quan đến nghi lễ. Có thể nói, thông qua tìm hiểu bài ca/thơ nghi lễ, chúng ta hiểu thêm được phần nào thế giới quan của người Thái đen Điện Biên”.
Cũng theo nhà nghiên cứu Lò Duy Hiếm, thì vùng Tây Bắc Tổ quốc cũng là một trong những “cái nôi” văn hóa văn nghệ rất đặc sắc của Việt Nam. Qua thời gian, cũng có nhiều giá trị văn hóa bị mai một và với trách nhiệm của người cầm bút người dân tộc Thái, ông đã chắp bút viết nên công trình này để thế hệ người Thái đen hôm nay và mai sau mãi khắc ghi, tự hào về giá trị văn hóa của dân tộc mình.
“Tất nhiên, để có được cuốn sách dày dặn này, tôi đã phải ghi chép, sưu tầm, nghiên cứu từ rất nhiều năm khi còn là nhà báo xông xáo tới nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, đặt chân đến nhiều đồn Biên phòng của tỉnh Lai Châu (trước đây, nay là 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu). Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, với vốn sống và sự hiểu biết, tôi muốn viết lại diễn xướng trong nghi lễ nói riêng và những giá trị văn hóa nói chung của đất Tây Bắc thông qua cuốn sách để lưu truyền mãi mãi” – ông nhấn mạnh.
Được biết, trong 5 người con của ông hiện sinh sống, công tác tại Hà Nội, có một người con nối nghiệp bố, cũng là nhà báo đang công tác tại một tờ báo lớn của lực lượng vũ trang. Ông thường xuyên trao đổi với con gái về những nét văn hóa Tây Bắc, cũng như truyền cảm hứng để chị có nhiều chuyến đi cơ sở, đưa chất liệu cuộc sống vào tác phẩm báo chí, trong đó, có gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc.
Nối nghiệp bố, với hơn 20 giải báo chí, trong đó có 3 Giải Báo chí Quốc gia, nhiều tác phẩm của chị cũng phản ánh sinh động công cuộc xây dựng Tây Bắc, bảo vệ an ninh trật tự, cũng như các tấm gương tiêu biểu của bà con dân tộc thiểu số. Nhà nghiên cứu Lò Duy Hiếm tâm niệm, dù ở tuổi nào cũng luôn phải tìm tòi, nghiên cứu, giữ gìn văn hóa truyền thống, như nguồn mạch suối rừng không bao giờ ngừng chảy, bởi đó là cách để thể hiện trách nhiệm của người cầm bút, người con dân tộc Thái với gia đình, dân tộc và quê hương.
Ngô Khiêm