Ngành du lịch cần làm gì để đạt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách năm 2023?
Bù cho lượng khách quốc tế không đạt kỳ vọng, du lịch nội địa năm 2022 đã ghi nhận tăng trưởng ngoạn mục. Lượng khách du lịch nội địa đạt đến 101,3 triệu lượt, tăng hơn gấp 1,5 lần so với mục tiêu đặt ra đầu năm là khoảng 60 triệu. Con số này cũng vượt xa thời điểm trước dịch Covid-19, với khoảng 85 triệu năm. Tổng thu từ khách du lịch năm nay ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và bằng 66% so với năm 2019.
Mục lục bài viết
MỤC TIÊU 8 TRIỆU LƯỢT KHÁCH QUỐC TẾ
Theo đánh giá của Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, bên cạnh sự trở lại ngoạn mục sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý là du lịch thế giới thời gian tới sẽ phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019; du lịch nội địa tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại.
Tuy nhiên, với hàng loạt thành tích như: Giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á tại “Oscar ngành du lịch” – World Travel Awards 2022; Nằm top những quốc gia được tìm kiếm nhiều nhất thế giới; Có mặt tại hầu hết những danh sách điểm phải đến trong năm 2023 do nhiều kênh truyền thông quốc tế uy tín bình chọn… thì ngành du lịch vẫn rất nhiều triển vọng trong năm tới.
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 102 triệu khách nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đánh giá ở tầm quốc gia, Tổng cục Du lịch đặt mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế là có cơ sở, dựa vào tín hiệu hồi phục từ các thị trường lớn. Thực tế các doanh nghiệp lại kỳ vọng nhiều hơn thế bởi nếu trong năm 2023, du lịch Việt Nam đón được từ 8 – 10 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2024 đạt 14 – 15 triệu lượt khách thì mới mong tới 2025 có thể phục hồi như giai đoạn năm 2019 trước dịch.
“Tốc độ hồi phục phải mạnh mẽ hơn thì mới có thể giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu ngành du lịch Việt Nam không thể đạt được theo từng phân kỳ như vậy thì chúng ta sẽ không thể bắt kịp được nhịp phục hồi của các quốc gia lân cận”, ông Dũng lo ngại.
Tại hội nghị Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2023: Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột dịch vụ hàng không – du lịch, các chuyên gia cho rằng hành vi của du khách đã thay đổi so với trước Covid-19. Vì thế, để đạt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách năm 2023, công tác quảng bá tiếp thị, xây dựng sản phẩm du lịch, thông điệp hút khách… cần phải thiết kế lại từ đầu.
Năm 2023, ngành du lịch cần đưa ra nhiều chiến lược hút khách hơn.
Ông Chris Farwell, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho rằng điều quan trọng nhất là Việt Nam cần mở rộng các quốc gia được miễn thị thực, nhất là với thị trường tiềm năng như châu Âu, Australia, New Zealand, Canada, tăng thời hạn lưu trú lên 45 ngày và mở rộng cấp thị thực điện tử.
Nhìn ra các nước láng giềng, Thái Lan mở cửa du lịch quốc tế gần như tương đương với Việt Nam và mục tiêu đón lượt khách thứ 10 triệu đã trong tầm tay. Tương tự, mở cửa du lịch sau Việt Nam chỉ khoảng 1 tháng, Malaysia chỉ đặt mục tiêu đón 2 triệu khách quốc tế nhưng đã đạt trên 9 triệu lượt. Nguyên nhân chính được cho là chính sách visa thông thoáng. Điển hình là Thái Lan hiện miễn visa cho 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng với việc đơn giản hóa thủ tục, nôm na là biết “chiều chuộng” du khách.
NHIỀU NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Với quan điểm du lịch Việt Nam không có các sản phẩm độc đáo, ông Nguyễn Ngọc Bích, CEO Công ty Du lịch Mekong Rustic, cho hay hiện các điểm du lịch chỉ đang tập trung vào xây khách sạn, chưa để ý đến xây dựng các sản phẩm mới lạ. Các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội chưa có sản phẩm du lịch đô thị tốt, hút khách. Du khách thích đến Hà Nội và TP.HCM, nhưng chủ yếu vẫn chỉ đi tham quan các địa điểm du lịch có sẵn.
“Thay vì chỉ tập trung vào hoàn thành con số, chúng ta nên làm sao để khách chi tiêu nhiều hơn, ở dài ngày hơn, khiến họ cảm thấy vui sau chuyến đi, muốn quay lại hay giới thiệu cho bạn bè, người thân về Việt Nam. Năm 2023, ngành du lịch cần đưa ra nhiều chiến lược hút khách như nới lỏng quy định visa, quảng bá điểm đến với bạn bè quốc tế, quản lý tốt các điểm du lịch để tạo hình ảnh đẹp về Việt Nam”, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group nhận định.
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế.
Ngoài ra, các nhóm đề xuất từ phía các doanh nghiệp bao gồm xây dựng các sản phẩm du lịch; thúc đẩy đầu tư địa phương về vùng du lịch; quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới; nâng cao trình độ cán bộ; tăng cường chuyển đổi số ngành du lịch Việt Nam; các đơn vị truyền thông cần cố gắng tăng cường truyền thông những khó khăn cũng như nguyện vọng của các doanh nghiệp…
Để đạt mục tiêu năm 2023, ngành du lịch sẽ tập trung vào nhiều nhiệm vụ trọng tâm, như công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt; thực hiện Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; phát triển du lịch cộng đồng…
Bên cạnh đó, ngành du lịch sẽ tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến, quảng bá tại các diễn đàn, hội nghị du lịch quốc tế như Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2023 tại Indonesia; Hội chợ du lịch ITB tại Berlin – Đức; Hội chợ du lịch WTM tại London, Anh; truyền thông du lịch Việt Nam trên một số kênh truyền thông quốc tế lớn…