Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10: Đề cao đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10: Đề cao đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh - Ảnh 1.

Hệ thống ATM gạo do anh Hoàng Tuấn Anh khởi xướng đã lan tỏa mạnh mẽ tinh thần nhân văn và trách nhiệm với cộng đồng của doanh nhân trong đợt dịch COVID-19 vừa qua – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Công, để xây dựng đội ngũ doanh nhân xứng tầm với mục tiêu, khát vọng của quốc gia, dân tộc cần xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh.

* Thưa ông, vì sao bây giờ VCCI mới nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh?

– Chúng ta thấy rằng đóng góp của đội ngũ doanh nhân Việt Nam rất lớn nhưng gần đây xảy ra một số vụ doanh nhân kinh doanh không liêm chính, gục ngã trên thương trường nên việc xây dựng đạo đức doanh nhân là vấn đề rất quan trọng với đội ngũ doanh nhân hiện nay. Nếu không có đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh thì không có phát triển bền vững và doanh nhân, doanh nghiệp dù lừng lẫy đến đâu cũng sẽ biến mất.

Doanh nhân, với vai trò là người thủ lĩnh của doanh nghiệp, là chủ thể mang tính hạt nhân quyết định, thúc đẩy hình thành và định hình văn hóa doanh nghiệp, từ đó hình thành văn hóa kinh doanh của cả cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Do vậy, xây dựng văn hóa kinh doanh cần bắt đầu từ đạo đức doanh nhân, đây vừa là nhiệm vụ có tầm chiến lược, vừa là vấn đề cấp bách của giới doanh nhân Việt Nam.

Từ đó, VCCI nhận thấy càng phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc thúc đẩy xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh. Vì thế, từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII tháng 12-2021 với tầm nhìn xây dựng “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”, chúng tôi đã đề ra sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược, trong đó tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10: Đề cao đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh - Ảnh 2.

Ông Phạm Tấn Công

* Vậy VCCI đã làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng văn hóa kinh doanh?

– Với vai trò là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, VCCI đã đồng hành cùng với các hiệp hội doanh nghiệp để vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Tháng 5-2022, VCCI đã công bố và phát động thực hiện sáu quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, gồm: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Đây cũng là sáu cánh sao trên tấm huy hiệu đúc bằng vàng, là biểu trưng của danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.

Các quy tắc này được xây dựng dựa trên các giá trị truyền thống của dân tộc, kết hợp với các chuẩn mực đạo đức kinh doanh của giới doanh nhân quốc tế. Chúng tôi tin tưởng rằng việc thực hiện bộ quy tắc này sẽ củng cố niềm tin, tăng sự tín nhiệm của xã hội, của thị trường đối với doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Từ đó uy tín, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam đều nâng cao, đây chính là nguồn sức mạnh mềm trong hội nhập. Với 200.000 doanh nghiệp hội viên, gần 200 hiệp hội doanh nghiệp thành viên, VCCI tin rằng đây sẽ là cơ sở quan trọng để quy tắc đạo đức đi vào cuộc sống.

Đến tháng 7-2022, VCCI đã phát động chương trình bình xét trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022”. Chương trình bình xét năm nay được thiết kế để hướng đến xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh thông qua việc đưa các tiêu chí về đạo đức doanh nhân lên hàng đầu, là điều kiện tiên quyết trong bình xét danh hiệu. 

Kết quả đã lựa chọn và tôn vinh 60 doanh nghiệp tiêu biểu của năm 2022, trong đó có 10 doanh nghiệp tiêu biểu nhất.

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10: Đề cao đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự lễ kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam và tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 – Ảnh: TTXVN

* Ngoài bộ quy tắc này, theo ông, cần làm gì để thúc đẩy văn hóa doanh nhân?

– Đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh là vấn đề lớn, phức tạp, VCCI đã tổ chức nghiên cứu sâu về đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh thông qua triển khai thực hiện đề tài khoa học và tổ chức hội thảo khoa học với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để huy động đội ngũ các nhà lý luận hàng đầu cùng tham gia nghiên cứu về vấn đề này. 

Các kết quả nghiên cứu sẽ được chắt lọc để VCCI báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 09-NQ/TW, tham mưu cho Bộ Chính trị để đưa ra các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn mới.

VCCI nhìn vấn đề xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh là vấn đề lớn, doanh nhân phải thực hiện trước, nhưng một mình doanh nhân làm chưa đủ, cần có cả hệ thống tham gia vì còn liên quan đến thể chế, pháp luật, văn hóa tiêu dùng, văn hóa ứng xử trong kinh doanh, văn hóa truyền thông về kinh doanh…

Vì thế, VCCI sẽ tiếp tục tham mưu cho các cơ quan để hoàn thiện môi trường kinh doanh, khích lệ các hoạt động kinh doanh có đạo đức, có văn hóa kinh doanh. Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về kinh doanh theo hướng minh bạch, tạo thuận lợi cho kinh doanh, VCCI hợp tác với các cơ quan hữu quan để xây dựng môi trường truyền thông theo hướng thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động kinh doanh có đạo đức.

10 doanh nhân tiêu biểu nhất năm 2022

DOANH NHAN 2

Biểu trưng của danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu

* Ông Trần Bá Dương, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải.

* Bà Thái Hương, chủ tịch hội đồng chiến lược Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH.

* Bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG – BRG GROUP.

* Ông Phạm Đình Đoàn, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái Holdings.

* Ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.

* Ông Nguyễn Trung Chính, chủ tịch HĐQT, chủ tịch điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC.

* Ông Lý Ngọc Minh, chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Minh Long 1.

* Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng, tư lệnh Binh đoàn 11, chủ tịch HĐTV kiêm tổng giám đốc Tổng công ty Thành An, chủ tịch HĐQT Tổng công ty 789.

* Ông Vũ Văn Tiền, chủ tịch, HĐQT, tổng giám đốc Tập đoàn GELEXIMCO.

* Ông Lê Mạnh Hùng, tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ngoài ra còn có 50 doanh nhân tiêu biểu cũng được tôn vinh.

Nói thêm về tấm huy hiệu đúc bằng vàng với sáu cánh vươn cao, là biểu trưng của danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, ông Phạm Tấn Công cho rằng đây là biểu trưng mới lần đầu xuất hiện, vừa biểu tượng cho sáu quy tắc đạo đức doanh nhân, vừa là biểu tượng chiếc vương miện linh thiêng và đơn sơ của Vua Hùng.

“Mong rằng các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu vừa được tiếp sức bằng ý chí của quốc Tổ Hùng Vương, của hào khí ngàn năm dựng nước, sẽ luôn nêu cao tinh thần dân tộc, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, cùng hun đúc và lan tỏa các giá trị đạo đức doanh nhân, xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia hùng cường, thịnh vượng” – ông Công nói.

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10: Đề cao đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh - Ảnh 7.

Đồ họa: TUẤN ANH

Chính phủ sẽ hỗ trợ để doanh nhân vượt khó, vươn xa

Thủ tướng nhấn mạnh trước cộng đồng doanh nhân tại lễ kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10, tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 12-10 ở Hà Nội.

Thủ tướng khẳng định để tiếp sức cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp, thời gian tới Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như:

– Tiếp tục đổi mới lề lối điều hành đi đôi với xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

– Điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp, bảo đảm tăng tín dụng hợp lý và hiệu quả, tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

– Loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động, phát triển của doanh nghiệp.

– Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Đẩy mạnh ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nhân.

– Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển.

– Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, công nghệ thông tin, hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng phục vụ người lao động, nhà ở cho công nhân, hệ thống y tế cơ sở.

– Hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế. Phát triển, lành mạnh hóa, củng cố niềm tin nhà đầu tư với các thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ, bất động sản.

– Cuối cùng là khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế…

Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa.

Thông điệp rất rõ của Đảng và Nhà nước là không hình sự hóa các quan hệ dân sự và bảo vệ những doanh nhân kinh doanh chân chính nhưng không thể dung túng những hành vi sai trái, lừa đảo để ảnh hưởng niềm tin, tài sản của nhân dân và văn hóa, đạo đức, uy tín nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân chân chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

B.NGỌC

Ông Lê Mai Hữu Lâm (tổng giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi): Doanh nhân phải truyền được cảm hứng

Trước đây, khái niệm VUCA (biến động, không chắc chắn, phức tạp, mơ hồ) tưởng chừng là lý thuyết nhưng giờ ai cũng gặp phải sau đại dịch COVID-19. Giờ mọi diễn biến thế giới đều ảnh hưởng ngay đến doanh nghiệp. Nói như vậy để thấy rằng doanh nhân hiện nay phải đứng trước một cuộc cạnh tranh toàn cầu, chịu tác động chung.

Để thay đổi và thích nghi với tình hình ấy, doanh nhân cũng phải đi học, chúng ta học doanh nghiệp trên thế giới, học những nơi việc thật, làm thật.

Kinh doanh trong giai đoạn đầy biến động, sẽ có doanh nghiệp tận dụng cơ hội để vươn lên, nhưng cũng có những doanh nghiệp ngủ đông hoặc thất bại. Vấn đề rất cốt lõi là doanh nhân mở công ty ra với giá trị gì, nếu chỉ đặt mục tiêu kiếm tiền sẽ không đi được đường dài, nhưng nếu có khát vọng và mang giá trị cho xã hội thì đây sẽ là động lực để chủ doanh nghiệp kéo cả công ty vươn lên, tiếp nối giá trị qua các thế hệ.

Khi đó, doanh nhân sẽ đóng vai trò định hướng, dẫn dắt và truyền cảm hứng để con tàu doanh nghiệp mình đi một cách đúng hướng.

Ông Nguyễn Đình Tùng (chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Vina T&T Group): Chuyên nghiệp hơn để thích ứng trước biến động

Nếu có thể nói về tinh thần của doanh nhân Việt Nam thì hai phẩm chất mà tôi nhìn thấy rõ nhất chính là tinh thần học hỏi và tương ái. Trong đơn hàng sầu riêng đầu tiên Việt Nam xuất sang Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua, cơ quan quản lý nước này lấy kính lúp soi từng gai sầu riêng xem có rệp sáp hay không, thậm chí còn dùng bông kiểm tra xem có dính COVID-19 trên bề mặt.

Rõ ràng, với những đơn hàng xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn, tư duy làm nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam đang bắt đầu thay đổi.

Muốn thành công và thay đổi thì chỉ có sự học hỏi. Đáng mừng là trong thời gian gần đây trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta bắt đầu có những doanh nghiệp lớn, tư duy làm nông không còn “ăn xổi” mà đầu tư bài bản về hệ thống, chất lượng, cửa hàng.

Sự chuyên nghiệp này làm cho nền nông nghiệp Việt Nam bền vững hơn, chúng ta đang hướng tới sản xuất một mặt hàng, một chuẩn để có thể bán đi tất cả thị trường Mỹ, EU hay Trung Quốc.

Ông Phạm Văn Việt (phó chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TP.HCM): Hỗ trợ dòng tiền, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó

Hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn ở đầu ra, trong đó doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khi các thị trường chủ lực là EU và Mỹ giảm sức mua từ 20 – 30%, thậm chí có nước giảm đến 60%. Điều này tác động đến dòng tiền của các doanh nghiệp, trong khi đúng thời điểm này các ngân hàng cũng hạn chế cho vay, giải ngân dẫn đến các doanh nghiệp thật sự rất khó khăn.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét hỗ trợ cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, có các đơn hàng. Đồng thời, cần xem xét giãn nợ cho doanh nghiệp bởi hiện thu hồi nợ rất gắt trong khi doanh nghiệp tồn đọng lớn về sản phẩm, nguyên liệu và đang khó khăn đầu ra.

Thị trường hiện biến động rất khó lường, trước đây đơn hàng có thể đặt theo quý, theo mùa nhưng bây giờ sản xuất theo tháng nên doanh nghiệp cũng phải thay đổi bằng cách đổi mới công nghệ và chuẩn bị sẵn các tiềm lực để tung ra sản xuất ngay.

Ông Alain Cany (chủ tịch EuroCham Việt Nam): Cấp thiết nâng cao trình độ lao động

Việt Nam đang có những mục tiêu đầy tham vọng với nền kinh tế số. Mục tiêu đặt ra là năm 2030, kinh tế số đóng góp 30% vào GDP. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng các điều kiện thuận lợi hiện tại và duy trì tiến trình số hóa bằng cách tăng cường đầu tư cho phát triển số và lồng ghép số hóa trong mô hình kinh doanh của mình.

Nhà nước, Chính phủ phải khuyến khích đổi mới, số hóa các thủ tục và điều chỉnh các quy định cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Để Việt Nam phát triển trong tất cả các lĩnh vực quan trọng bao gồm chuyển đổi xanh, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế số, vươn lên trên chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu… thì hai khối công và tư phải phối hợp với nhau để nâng cao năng lực nguồn nhân lực của Việt Nam. Đây là một nhiệm vụ hết sức cấp thiết.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tỉ lệ lao động “có tay nghề” của Việt Nam chỉ đạt 26,1%. Chính phủ muốn tăng tỉ lệ này lên 75% vào năm 2030, với 40% có chứng chỉ chính thức. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ phải tập trung vào đào tạo để nâng cao kỹ năng và khả năng của người lao động. Khối tư nhân cũng đóng một vai trò to lớn. Thông qua chia sẻ kiến thức và triển khai các sáng kiến phát triển nhân tài, chúng ta sẽ phát triển tối đa tiềm năng cho lực lượng lao động của Việt Nam.

Đối với vấn đề này và tất cả các sáng kiến hợp tác khác, tôi khuyến nghị khối tư nhân nên tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì 96% doanh nghiệp mới trong nước là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

N.HIỂN – N.BÌNH ghi

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khi đất nước cần, doanh nhân có mặt ngay Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khi đất nước cần, doanh nhân có mặt ngay

TTO – Thủ tướng khẳng định những lúc khó khăn, trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân thể hiện rất rõ nét. Đặc biệt những ngày tháng dịch bệnh không thể quên đã tô thắm thêm đạo đức, văn hóa kinh doanh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.