Ngày Tết nên làm gì để mang lại may mắn?

1. Đi lễ chùa cầu bình an

Tết Nguyên Đán chính là dịp để mọi người cùng mong cầu những điều bình an và hạnh phúc. Đi chùa trong đầu năm mới sẽ giúp cho tâm hồn của mọi người được an nhiên, bình an.

2. Chúc Tết đầu xuân

Trong dịp năm mới bạn hãy đến nhà người thân của mình để chúc Tết. Khi đi chúc Tết bạn cũng sẽ nhận được những lời chúc may mắn từ mọi người. Không chỉ vậy đây còn là dịp để gặp lại người thân, bạn bè đã rất lâu không hội ngộ.

3. Ăn chay

Mọi người vẫn thường quan niệm là vào dịp Tết nên ăn nhiều cỗ lớn với những món ăn được nấu nướng cầu kỳ. Tuy nhiên, ăn chay lại chính là lời khuyên tuyệt vời trong dịp đầu năm mới. Bởi lẽ, tính thanh đạm của chúng sẽ giúp bạn tránh được những bệnh về nhiệt của cơ thể và đường tiêu hóa.

4. Tảo mộ

Tết là dịp để mỗi chúng ta cùng tưởng nhớ đến tổ tiên, nhớ đến những người đã khuất với tấm lòng thành kính. Đi tảo mộ trong ngày Tết là để mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng với gia đình.

5. Cho và nhận bao lì xì

Đây là một phong tục tập quán lâu đời của người Việt Nam. Cho và nhận lì xì trong bao lì xì sẽ tượng trưng cho sự may mắn. Người cho trao đi sự may mắn, người nhận nhận lại sự may mắn để một ăn cùng được an lành và thịnh vượng.

6. Mua muối

Tục lệ này đã có từ lâu đời tại Việt Nam. Mua muối đầu năm sẽ xua đuổi được ma quỷ giúp cho cuộc sống của con người được trở nên sung túc, ấm no. Đây cũng là món quà được nhiều người trao nhau vài dịp Tết Nguyên Đán. Muối thường được đựng trong túi gấm xinh xinh.

7. Vui vẻ, tươi cười ngày Tết

Đầu năm vui tươi, cả năm hạnh phúc – quan niệm xưa vẫn đúng tới ngày nay. Dù năm cũ mệt mỏi, lo toan nhiều thứ thế nào, bạn nên bỏ sang một bên để đón nhận năm mới với tâm trạng tích cực, thoải mái nhất có thể. Hãy nở nụ cười Xuân mới sang, lộc vào nhà, an khang thịnh vượng!

8. Hái lộc

Tục hái lộc đầu xuân đã có từ thời vua Hùng theo truyền thuyết. Cành lộc nhỏ nơi thờ tự, đền chùa mang về treo nơi hiên nhà hay cắm vào bình hoa sẽ được thần Phật ban cho may mắn, tiền tài.

Tuy nhiên, không nên chọn lộc ở cây nhỏ, lấy cành to um tùm, bằng cả bắp tay khiến gãy cây, chết cây. Việc này không chỉ để lại rác nơi sân vườn chùa miếu, tạo ra cảnh tượng hỗn loạn lúc giao thừa mà còn không mang lại lợi lộc gì, còn là cái tội sát sinh vô tội vạ. Hiện nay, nhiều nhà chùa, đền miếu tổ chức phát cành lộc vàng với các loại khác nhau rất hữu hiệu và nhân văn.

9. Xuất hành ngày Tết

Xuất hành đầu năm tùy theo điều kiện và nhu cầu mỗi người, có thể đêm giao thừa hay mùng một, mùng hai Tết. Việc xuất hành cần chọn hướng tốt theo phong thủy để mang lại may mắn cho mỗi người. Bạn có thể sử dụng các ứng dụng la bàn phong thủy hoặc gõ tuổi mệnh của bản thân để tìm hướng xuất hành tương sinh, hướng Hỷ Thần, Tài Thần tốt nhất.

10. Xông đất

Theo quan niệm xưa, xông đất xông nhà hay đạp đất là việc người đầu tiên đến chúc Tết gia đình là người hợp tuổi hợp mệnh gia chủ trong năm Âm lịch đó thì gia đình sẽ gặp may mắn, thuận lợi và tiền tài cả năm.

Tìm người Xông đất thích hợp với chủ nhà luôn rất được xem trọng. Đó thường là người trụ cột gia đình, khỏe mạnh, tốt tính, mặt mũi sáng sủa, kinh tế khá giả hay có học thức, vị thế trong xã hội. Có cách khác là tự người thân trong nhà xông đất cũng tốt.

Ngày nay thì việc phụ nữ xông nhà đầu năm không còn là vấn đề nghiêm trọng hay bị ngăn cấm so với hủ tục xưa.

11. Tục đi chợ Tết, chợ hoa

Chợ Tết là những phiên chợ ngày cuối năm, đi chợ Tết để cầu duyên, cầu tài lộc, mua may bán đắt. Chợ Tết bán những hàng hóa, vật dụng cho những ngày Tết Nguyên Đán, phổ biến là quần áo, hoa quả, cây cảnh chậu hoa, gia súc gia cầm, đồ bếp núc như con dao cái thớt, thậm chí là cái cuốc cái liềm.

Chơi chợ Tết bạn nên mua một thứ gì đó để lấy may lấy lộc cho cả nhà. Có nhiều kiểu chợ Tết khác nhau, có loại chỉ phục vụ trước Tết hay kiểu từ mùng ba Tết mới mở, có loại chỉ bán một nhóm sản phẩm. Một số chợ nổi tiếng như chợ Viềng bán cây cảnh, đồ nhà nôn, chợ Tình miền cao…

12. Mặc quần áo mới, đồ màu đỏ

Việc nên làm trong những ngày Tết là diện quần áo mới, trang phục màu đỏ. Quần áo mới là tâm trạng mới, vui tươi hơn, trẻ trung hơn. Màu đỏ là màu may mắn nên nhiều gia đình sắm cho nhau những bộ áo dài màu đỏ cho ngày xuân.

13. Nghe nhạc vui vẻ, sôi động

Những giai điệu bắt tai, sôi động và vui tươi sẽ mang đến niềm vui, sự phấn khích cho mọi người. Những bài hát về Tết, mùa Xuân, ca ngợi đất nước, tình yêu sẽ giúp bạn yêu đời hơn, hòa mình vào không khí xuân.

14. Chọn mua cây, hoa cảnh nở trong nhà

Hoa nở ngày xuân trong nhà sẽ mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ. Việc chọn những cây cảnh hoa cảnh nở là điều nên làm trong ngày Tết. Cây cảnh vừa đón lộc xuân vừa tô điểm thêm vẻ đẹp của ngôi nhà.

15. Viết điều ước đầu năm

Viết ra những điều ước đầu năm là viết ra những tâm nguyện, mong muốn đạt được trong năm tới. Nó là một cách lấy may, giãi bày những tâm tư bấy lâu nay và những vấn đề bạn không biết giải quyết ra sao. Những kiểu điều ước được viết nhiều nhất là mong cha mẹ luôn mạnh khỏe, mong có nhiều tiền, chóng thoát ế, lập gia đình…

16. Khai bút đầu xuân

Tục khai bút ban đầu dành cho tầng lớp nho sinh, quan lại phong kiến dần trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Ngày đầu xuân, mở trang giấy trắng, viết vài dòng cảm nghĩ hay làm một bài tập nào đó trở nên quen thuộc với bất kỳ cô cậu học sinh nào.

Người lớn cũng nên duy trì thói quen tốt đẹp mỗi dịp năm mới để lấy may, để cầu mong một năm thuận lợi cho con đường sự nghiệp, công việc.

17. Mua vàng ngày thần tài

Ngày Vía Thần tài được nhiều người chờ đón để đi mua vàng. Theo quan niệm dân gian, cúng lễ và mua vàng vào ngày vía mùng 10 tháng Giêng Âm lịch sẽ nhận được may mắn cho cả năm.

18. Mua diêm, mua lửa

Thông thường, bật lửa hoặc bao diêm sẽ được bán kèm theo túi muối nhỏ đựng trong bao bố. Người xưa cũng quan niệm đầu năm mua lửa sẽ đem về những điều tốt lành cho gia đình.

19. Không lãng phí đồ ăn thức uống

Ông cha ta từ xưa đã cho rằng ăn Tết mà vứt đồ ăn đồ uống thừa bứa là không tốt, báo hiệu cả năm lãng phí, của rơi của vãi.

Ngày nay, việc tiệc tùng linh đình ngày Tết rồi để lại đống thức ăn thừa phí phạm rất lớn. Việc không lãng phí đồ ăn thức uống vừa là yếu tố tâm linh vừa thể hiện sự tiết kiệm hợp lý của gia đình.

20. Ăn món ăn may mắn

Những món ăn ngon ngày Tết có thông điệp mang đến sự may mắn và thành đạt. Cùng điểm qua những món ăn may mắn ngày đầu năm mới: Bánh chưng bánh dày; Gà luộc; Bánh ngọt, Thịt kho tàu…