Ngày tết, vì sao người Việt kiêng quét nhà, kiêng cho lửa… để may mắn?
Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, người Việt luôn coi trọng sự mở đầu vì tin rằng “đầu xuôi đuôi lọt”, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên mấy ngày đầu năm rất quan trọng.
Chính vì vậy, mà người Việt mới truyền tai nhau những điều kiêng cữ ngày tết để mong được may mắn cả năm. Dù là truyền tai, truyền miệng, giá trị chân lý khó có thể kiểm định nhưng nhiều người vẫn tin vào những tập tục ấy để mong cả năm được may mắn, gặp mọi chuyện hanh thông.
Kiêng quét nhà ngày tết
Mấy ngày trước tết, người Việt thường lau dọn nhà cửa thật sạch sẽ, gọn gàng. Từ đêm giao thừa đến khoảng hết mùng 3 tết, nhiều gia đình kiêng cữ không quét nhà vì cho rằng đó là hành động đẩy tài lộc theo rác ra khỏi nhà.
Thông thường, nếu phải quét nhà trong 3 ngày tết, người ta sẽ dồn vào 1 góc nhà, hoặc hốt rồi để vào một thùng rác đặt ở một góc trong nhà, đậy kín để tránh bụi bay hoặc rác có mùi. Không rõ tập tục này có từ khi nào, nhưng một số gia đình sau khi lau dọn nhà cửa sạch sẽ vào ngày 30 tết thì còn cất chổi đi, đến hết 3 ngày tết mới bắt đầu lấy ra để sử dụng.
Kiêng mặc quần áo màu đen, trắng
Theo quan niệm của người Việt xưa, màu trắng và đen là 2 màu của tang lễ, chết chóc. Do đó, người ta truyền miệng rằng không mặc những màu này vào 3 ngày tết, thay vào đó là mặc những bộ quần áo màu sắc sặc sỡ để cả năm được may mắn, vui tươi.
Dịp tết, nhiều người còn thường đi sắm sửa đồ mới để mang đến không khí mới mẻ trong năm mới, kỳ vọng vào những điều mới trong năm mới.
Tuy nhiên, ngày nay, hai màu trắng và đen lại là những màu sắc đơn giản, là những màu sắc quần áo không bao giờ lỗi thời vì không kén người mặc, vừa thể hiện được sự thanh lịch hoặc cá tính của người mặc nên được đông đảo mọi người lựa chọn.
Kiêng làm bể chén, đĩa
Những âm thanh khi bể chén, đĩa được người ta tin rằng tượng trưng cho những điều xui rủi, không may đang sắp xảy đến. Ngày thường, khi chẳng may làm bể chén, đĩa, người ta cũng nghĩ liền đến những chuyện không may. Do đó, ngày tết, điều này lại càng được coi trọng hơn. Người ta cho rằng khi làm bể chén, đĩa hay đồ đạc thủy tinh trong ngày tết thì gia đình có thể dễ rạn nứt, bất hòa.
Kiêng cho lửa, nước ngày tết
Theo tập tục, người Việt tin rằng lửa có màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn. Chính vì vậy, cho lửa trong ngày đầu năm giống như cho đi sự may mắn của bản thân thì cả năm sẽ bớt may, có thể gặp chuyện xui rủi. Còn nước tượng trưng cho tài lộc nên đầu năm đi đâu người ta hay chúc nhau “tiền vào như nước”. Vì vậy, có người kỵ cho người khác nước trong ngày đầu năm vì sợ năm đó không giữ được tiền bạc, của cải.
Kiêng cho vay tiền đầu năm
Như đã nói, người Việt coi trọng sự khởi đầu, ngày đầu tiên của năm mới. Người ta cho rằng, ngày đầu năm mà làm gì thì dễ ảnh hưởng đến cả năm đó. Mặt khác, ngày đầu xuân, ai cũng mong muốn được đón nhận tài lộc thay vì đưa tiền vào tay người khác. Người ta kẹt tiền cần đi vay cũng thường né những ngày đầu xuân. Thậm chí, chuyện trả nợ cũng thường được mọi người hối thúc thực hiện trước thời khắc giao thừa.
Kỵ tang ma
Tết Nguyên Đán là dịp tết lớn nhất trong năm. Những người đang để tang người thân thường không đi chúc tết người khác mà chỉ ở nhà đón mọi người đến chúc tết. Còn những gia đình có tang trong năm cũ, thông thường cũng cố gắng thu xếp để hoàn tất hậu sự trước khi bước sang năm mới. Những gia đình có tang ngay những ngày đầu năm thường không phát tang vào mùng 1 mà để sau đó khoảng 1 ngày.
Kiêng to tiếng
Trong không khí của ngày đầu năm mới, ai cũng nói chuyện vui vẻ, nhẹ nhàng, có điều gì bực dọc mọi người cũng tiết chế để tránh to tiếng trong không khí của ngày đầu xuân. Và người ta cũng tin rằng, những ngày đầu năm nói chuyện vui vẻ thì cả năm cũng không gặp những chuyện rắc rối, không phải giải quyết vấn đề bằng cách to tiếng.
Kiêng ăn thịt chó, trứng vịt lộn, thịt vịt
Dân gian cho rằng thịt chó, thịt vịt là những loài động vật gắn liền với điều không may nên những ngày đầu tháng thường kiêng ăn, ngày đầu năm lại càng nên kiêng hơn nữa. Người ta hay truyền tai nhau, ăn thịt vịt, trứng vịt lộn, thịt chó ngày đầu năm dễ gặp vận xui xẻo, rủi ro. Tuy nhiên, ngày nay, khi gặp những chuyện không may trong năm, người miền Nam lại cho rằng ăn trứng vịt lộn sẽ giúp xả xui.
Ngoài ra, còn có những tập tục được lưu truyền như khi đến nhà người khác chúc tết, gia chủ dọn bánh, trái mời khách thì người đến cũng nên ăn một chút để lấy lệ; không xuất hành mùng 5 (Mồng năm, mười bốn, hai ba/Đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn); hay không mở tủ vào mùng 1 vì cho rằng tủ là nơi cất giữ tài sản, mở tủ ngày này thì gia đình trong năm dễ mất mát tài sản.
Ngày nay, xã hội ngày càng tiến bộ, mọi người cũng không quá đặt nặng chuyện kiêng cữ ngày tết, nhưng trong một số gia đình vẫn duy trì vì tin rằng “có kiêng, có lành”. Những tập tục kiêng cữ ngày tết trên phần nào thể hiện đời sống văn hóa của người Việt xưa.