Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4: Gìn giữ “hồn cốt” dân tộc tạo động lực phát triển bền vững đất nước
Mục lục bài viết
Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4: Gìn giữ “hồn cốt” dân tộc tạo động lực phát triển bền vững đất nước
Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI xác định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”. Cùng với đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Thấm nhuần quan điểm đó trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Thanh Hóa luôn coi văn hóa là “sức mạnh mềm”, là động lực, mục tiêu để phát triển toàn diện, bền vững.
Trò diễn Pồn Pôông của người Mường Ngọc Lặc.
Thanh Hóa được biết đến là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, với bề dày truyền thống lịch sử – văn hóa cùng với hơn 1.535 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong đó, có 854 di tích đã được xếp hạng các cấp, nổi bật, có 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với hệ thống di tích dày đặc, xứ Thanh là vùng đất quần tụ của 7 dân tộc Kinh, Mường, Mông, Thái, Thổ, Dao, Khơ Mú. Mỗi dân tộc có một bản sắc, phong tục tập quán riêng tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc được lưu giữ qua các lễ hội, trò chơi, trò diễn, những điệu múa, bài ca và những trang phục, món ăn, tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian… Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của xứ Thanh đã nhào nặn khắt khe từ trong cộng đồng dân cư, trải qua bao biến động của lịch sử, trường tồn với thời gian để ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điển hình như: Lễ hội đền Bà Triệu (Hậu Lộc); lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa); lễ hội Mường Xia (Quan Sơn); lễ hội Pồn Pôông (Ngọc Lặc), Kin Chiêng Boọc Mạy (Như Thanh), Trò Xuân Phả (Thọ Xuân), Ngũ trò Viên Khê (Đông Sơn)…
Để bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, tỉnh ta xác định xây dựng và phát triển văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế – xã hội và phải thực hiện xuyên suốt; văn hóa là nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện. Trên tinh thần đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về văn hóa. Trong đó, chú trọng vào công tác bảo tồn và phát huy các di tích, văn hóa trọng điểm; tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa đang xuống cấp nghiêm trọng; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17-11-2008 lấy ngày 19-4 hàng năm làm “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa càng được chú trọng triển khai.
Tỉnh đã tập trung nguồn lực, huy động xã hội hóa vào triển khai các dự án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa. Tính riêng giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh đã huy động xã hội hóa được hàng trăm tỷ đồng để đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp các di tích. Nhiều di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo đã từng bước phát huy giá trị khi trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Tiêu biểu như, Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bà Triệu (Hậu Lộc), Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân)…
Cùng với quan tâm phục dựng các di tích, tỉnh đã quan tâm khôi phục, sưu tầm, khai thác các lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trò chơi, trò diễn, tiếng nói, chữ viết… của các dân tộc. Nhiều giá trị văn hóa phi vật thể đã có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, trở thành đặc trưng khi nhắc nhớ về dân tộc, địa phương ấy. Tiêu biểu như lễ hội Pồn Pôông, cồng chiêng (Ngọc Lặc), Trò Xuân Phả (Thọ Xuân), chèo (Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc, Quảng Xương), lễ hội đền Bà Triệu (Hậu Lộc).
Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023.
Để văn hóa có sức sống bền bỉ, tỉnh đã khuyến khích các đơn vị, địa phương tổ chức các ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa các dân tộc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh, địa phương tổ chức, như: Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc; liên hoan văn hóa các dân tộc; “Festival Tràng An kết nối di sản – Ninh Bình”. Từ đó, tạo “đất sống” cho các loại hình văn hóa dân gian, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống đa sắc màu của Xứ Thanh.
Đồng thời, tỉnh đã lựa chọn các loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc, các làng nghề, sản phẩm đặc trưng của địa phương, dân tộc để xây dựng đề án, quy hoạch các điểm, khu du lịch phục vụ cho công tác gìn giữ các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Cụ thể, như: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch; dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Lam Kinh; đề án nghiên cứu, phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, phục vụ phát triển du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực văn hóa; khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo, sáng tác các sản phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, công tác khai quật, khảo cổ di tích cũng được tỉnh quan tâm triển khai, góp phần làm sáng tỏ và khẳng định sự phong phú đa dạng của văn hóa xứ Thanh.
Thời gian gần đây, thực hiện số hóa di sản, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện ứng dụng công nghệ số vào các điểm đến, khu di tích nhằm đưa khai thác di sản gắn với loại hình du lịch văn hóa – tâm linh. Một số di tích được ứng dụng công nghệ số, như: Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc). Việc số hóa di tích đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích một cách bền vững hơn; quảng bá hình ảnh, thông tin di tích cũng như những nét đẹp văn hóa xứ Thanh đến với người dân, du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, mang tính chiến lược. Để phát triển sự nghiệp văn hóa, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, thu hút các nguồn lực để phát triển văn hóa trong thời gian tiếp theo. Qua đó, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh và đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bài và ảnh: Thùy Linh