Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: thưởng thức múa gáo dừa Khmer, đàn tam thập lục…

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: thưởng thức múa gáo dừa Khmer, đàn tam thập lục... - Ảnh 1.

Mặc trang phục truyền thống của các dân tộc lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ – Ảnh: NIÊN GIAO

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam khai mạc tối 18-4, tại công viên Dương Đình Nghệ (quận 11, TP.HCM).

Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4-2008 – 19-4-2023) và chào mừng 77 năm Ngày truyền thống công tác dân tộc (3-5-1946 – 3-5-2023).

Trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại quận 11 diễn ra từ ngày 18 đến 23-4 với nhiều hoạt động nhằm tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo và đặc sắc của đồng bào các dân tộc tới người dân trong và ngoài quận, góp phần phát huy các giá trị văn hóa.

Ngày hội là dịp để đồng bào các dân tộc trên địa bàn gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc.

Bà Trần Thị Bích Trâm – phó chủ tịch UBND quận 11, trưởng ban tổ chức – cho biết xuyên suốt thời gian tổ chức hoạt động sẽ mang đến một không gian văn hóa đặc sắc, là nơi hội tụ, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em. 

Đó là làn điệu ca cổ tiếng Hoa, múa gáo dừa dân tộc Khmer, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc (đàn tam thập lục, sáo, đàn cò, đàn tranh…).

Đặc biệt, du khách còn được thưởng thức không gian trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc; tham gia các trò chơi dân gian như nhảy sạp, đánh cù, ném còn, đi cà kheo… đồng thời du khách được trải nghiệm trang phục dân tộc như Hoa, Khmer, Chăm, Ê Đê, Mông, Tày, Nùng, Thái…

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: thưởng thức múa gáo dừa Khmer, đàn tam thập lục... - Ảnh 3.

Các bạn trẻ trải nghiệm nhảy sạp tại ngày hội – Ảnh: NIÊN GIAO

Mong muốn duy trì hằng năm

Trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, ban tổ chức thực hiện hai gian hàng triển lãm giới thiệu bộ sưu tập hiện vật về văn hóa các dân tộc; trưng bày không gian văn hóa Hồ Chí Minh để giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo không gian đọc cho người dân.

Theo ban tổ chức, quận 11 phối hợp với các quận trong cụm thi đua 2 (gồm quận 4, 6, 8, Bình Thạnh và Phú Nhuận) thực hiện các gian hàng giới thiệu các sản phẩm và ẩm thực đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn TP.HCM.

“Nếu Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được sự hưởng ứng của người dân, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì hằng năm. Những hoạt động nào thấy chưa phù hợp cho lễ hội sẽ loại trừ. Những hoạt động nào hiệu quả phát huy thêm, đồng thời tìm thêm những hoạt động mới, tạo thêm khí thế sôi động cho lễ hội” – bà Trần Thị Bích Trâm nói với Tuổi Trẻ Online.

Ngày 19-4 hằng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày này từ năm 2008.

Đây là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, tôn vinh và nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Đặc sắc ngày hội văn hóa của học sinh vùng caoĐặc sắc ngày hội văn hóa của học sinh vùng cao

TTO – Trường THPT số III huyện Bảo Yên (Lào Cai) vừa tổ chức ‘Ngày hội văn hóa các dân tộc’, với sự tham gia của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường.