Nghi lễ chạp mộ, mời gia tiên về ăn Tết của GS Lương Ngọc Huỳnh
Phần mộ được coi là “nhà” của người đã khuất nên cuối năm thường được con cháu sửa sang sạch, đẹp để đón Tết bằng lễ tạ mộ (chạp mộ – pv).
Đây là một truyền thống lâu đời của người Việt Nam, mang ý nghĩa tôn trọng đạo hiếu, tưởng nhớ ơn tổ tiên, nhớ ơn công sinh thành của cha mẹ, ông bà.
Chạp mộ và mời tổ tiên về ăn Tết là truyền thống ‘Uống nước nhớ nguồn’ của người Việt.
Bên cạnh chạp mộ, các gia đình còn làm lễ mời tổ tiên về ăn Tết để con cháu báo hiếu.
Vì thế, vào dịp này mọi nhà đều tất bật lau chùi, quét dọn, sửa soạn lại nơi thờ cúng để đón gia tiên về ăn Tết cổ truyền cùng con cháu.
GS Lương Ngọc Huỳnh cho biết: “Công việc trong lễ chạp mộ là dọn dẹp sạch sẽ cho phong quang, thoáng đãng mộ phần của người mất.
Là mộ đất có thể đắp lại nấm cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại, cây hoang mọc trùm lên mộ, cũng là cách giảm bớt rắn, chuột đào hang, làm tổ.
Từ ngày 24 tháng chạp đến sáng ngày 30 Tết là thời điểm để con cháu có thể lựa chọn ngày tốt đi chạp mộ”.
GS Lương Ngọc Huỳnh.
Dưới đây là tư vấn của GS Lương Ngọc Huỳnh về các nghi lễ chạp mộ:
Trước khi ra mộ mời gia tiên:
Dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa từ trong ra ngoài.
Ta lấy một nắm gạo, một nắm muối, một nắm trà khô trộn lẫn với nhau, rồi mang ra trước nhà tung gạo muối quanh nhà theo chiều xoáy dương, ngược chiều kim đồng hồ, hết phần đất nhà mình để xua đuổi tà khí ám vào dịp Tết.
– Lấy rượu trắng thấm vào khăn sạch lau dọn sạch sẽ ban thờ. Lại dùng nước thơm hoặc nước có tinh dầu trầm mà lau lại lần cuối.
– Lấy 9 bát nhỏ đổ cồn vào đó, mỗi bát đổ khoảng một chén cồn nhỏ.
Sau đó đặt ở giữa nhà, giữa gian giữa, hoặc phòng khách… cách sắp đặt gồm 1 bát ở giữa, 8 bát xung quanh đúng với vị trí tám hướng theo la bàn giống như bát quái, rồi châm lửa đốt.
Khi đốt cồn thì mở hết tất cả các cửa trong nhà, kể cả các cửa sổ. Nếu nhà cao tầng thì chỉ cần làm ở tầng 1 còn các tầng trên mở cửa sổ ra là được.
Đây là việc làm cần thiết để xua sạch tà khí và khai quang mới lại vận khí trong gia đình nhà mình, nhất là những gia đình có tang trong năm, hoặc gặp những chuyện không may trong năm.
– Những người đi chạp mộ gồm có: Bố, anh cả, cháu trưởng họ và các con cháu…
1/ Cúng thần cai quản nghĩa trang
* Trước khi ra mộ tổ tiên ta nên đến nơi thờ Thổ Địa hoặc nơi thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát ở khu vực nghĩa trang, đặt lễ tiền thật, hoa quả, vàng thuyền (nếu có).
Lưu ý: Không nên đặt tiền âm phủ lên ban thờ Địa Tạng Vương và ban thờ Sơn Thần Thổ Địa.
Sau khi sắp lễ xong ta thắp 9 nén nhang, chắp tay lòng thành xá lễ 5 lễ và khấn:
Văn khấn thần cai quản nghĩa trang:
Con kính lạy Thập Điện Diêm Vương.
Con kính lạy Địa Tạng Vương bồ tát.
Con kính lạy Sơn thần, Long thần, Thổ địa cai quản nghĩa trang………( ghi tên, địa chỉ của nghĩa trang)
Hôm nay là ngày… tháng… năm… chúng con là con cháu hậu duệ của dòng họ… có chút lễ vật lòng thành nhang đăng xin các ngài cho phép chúng con được đến làm lễ tạ trước phần mộ của gia tiên họ….. nhân dịp tết cổ truyền năm…….Cầu xin các ngài cho phép.
(Chúng con xin đa tạ,chúng con xin đa tạ,chúng con xin đa tạ).
Sau khi khấn xong thì chắp tay xá 5 lễ rồi đi lùi ba bước mới được quay đầu để đi.
* Lưu ý: Khi khấn xong thì ta nhớ hoá vàng thuyền dâng lên cho các vị, không nên để quên ở đó.
2/ Cúng ở phần mộ gia tiên
– Khi đến phần mộ tổ tiên, ta đặt lễ trên nơi thờ chung ở phần mộ nếu gia đình có điều kiện ta có thể chuẩn bị lễ vật gồm gà, xôi, hoa quả, tiền vàng để mời gia tiên. (Nếu là mộ riêng thì ta đặt bàn lễ nhỏ dưới chân phần mộ)
– Thắp 9 nén nhang lên bát hương trước mộ, (nếu không có bát hương thì cắm xuống đất phần chân mộ ). Quỳ lễ gia tiên mà khấn rằng:
Văn khấn phần mộ gia tiên:
Kính lạy cha mẹ, ông bà cùng gia tiên nội ngoại họ….
Hôm nay là ngày… tháng… năm….
Con xin được cẩn cáo với gia tiên rằng:
Nhân dịp Tết Nguyên đán mừng đón xuân mới năm Kỷ Hợi, chúng con thành kính sửa soạn lễ vật, tiền vàng, nhang đăng cung thỉnh kính mời cha mẹ, ông bà cùng gia tiên nội ngoại họ…. về ngự trước án ở tổ đường nơi thờ tổ tiên, để con cháu chúng con được chiêm bái và báo hiếu tổ tiên trong những ngày đầu xuân.
Chúng con thành kính chấp lễ cung thỉnh kính mời cha mẹ, ông bà cùng gia tiên nội ngoại sa giá.
Sau đây chúng con xin phép gia tiên nội ngoại cho phép chúng con được thực hiện nghi lễ tạ mộ và dọn dẹp sạch sẽ phần mộ của gia tiên.
(Chúng con xin đa tạ, chúng con xin đa tạ, chúng con xin đa tạ).
Chắp tay xá lạy 9 lạy rồi lúc đó con cháu có thể dọn dẹp cắt bớt cỏ, hoặc đắp thêm đất lên mộ cho các phần mộ gia tiên.
Khi làm sạch sẽ xong xuôi thì nhớ đốt một nén nhang cắm lên phần mộ rồi xin hạ lễ và đốt tiền vàng cho gia tiên.
Sau khi hoàn tất mọi việc thì mới được ra về.
3/ Cúng ở nhà:
Khi về đến nhà thì con cháu cần có một mâm cơm thịnh soạn cùng lễ vật tiền vàng… đặt trên ban thờ gia tiên, thắp 9 nén nhang, chắp tay quỳ lễ 9 lễ và khấn.
Văn khấn ở nhà:
Kính lạy cha mẹ, ông bà cùng gia tiên nội ngoại, hôm nay là ngày… tháng… năm….. chúng con với tấm lòng lòng thành kính xin được kính rước cha mẹ, ông bà và gia tiên nội ngoại ngự giá tại nhà thờ gia tiên để chúng con được thỉnh lễ báo hiếu nhân dịp tết đón xuân năm mới….
Con cháu chúng con xin được sửa soạn lễ vật, tiền vàng cùng sơn hào hải vị, nhang đăng kính mời cha mẹ, ông bà cùng gia tiên nội ngoại thụ hưởng, cầu xin tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu đón xuân vui vẻ và bước sang năm mới với vận khí mới và niềm vui mới, luôn được mạnh khoẻ, thành đạt, và hạnh phúc, cầu nguyện cho gia tộc họ…. nhà ta vận khí luôn hanh thông, vạn sự được như ý.
(Chúng con xin đa tạ) – 3 lần!
Mục lục bài viết
Nghi lễ cúng giao thừa đầy đủ, trang trọng theo GS Lương Ngọc Huỳnh
Cúng giao thừa là nghi lễ quan trọng của người Việt. Dưới đây là tư vấn của GS Lương Ngọc Huỳnh về nghi lễ này.
Huy Tuấn (Ghi)