Nghĩ về tinh thần phát triển trong phương Đông cổ đại (Huỳnh Bá Lộc) – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo
TINH THẦN PHƯƠNG ĐÔNG NHÌN VỀ PHÁT TRIỂN
Nền văn minh phương Đông phát triển từ sớm với những thành tựu tiêu biểu, có vai trò to lớn đối với đời sống xã hội phương Đông nói riêng và đối với nhân loại nói chung. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ có thể được xem là hai nền văn minh tiêu biểu. Ngoài ra, còn có thể kể thêm các nền văn minh khác như Lưỡng Hà, Ai Cập, và Đông Nam Á, Nhật Bản.
Những thành tựu của phương Đông xuất hiện sớm trên nhiều lĩnh vực, tiêu biểu như chữ viết (5.000 năm trước Công nguyên), trình độ tổ chức xã hội, pháp luật, khoa học (toán học), văn hóa nghệ thuật, tư tưởng, tôn giáo, những phát minh lớn… Chỉ kể riêng toán học với việc sáng tạo ra hệ thống số đếm từ 0 đến 10, việc phát hiện ra số Pi (p = 3,1416), tính được hệ số góc của tam giác… đã có thể thấy được trình độ phát triển của văn minh phương Đông. Đặc biệt số không (0) của người Ấn Độ sáng tạo không chỉ hoàn thiện hệ thống số đếm vô cùng tiện lợi mà còn là biểu tượng cho tư duy trừu tượng và triết học. Bên cạnh đó y học của người Ai Cập hay Trung Quốc đã giúp cho sự hiểu biết về các mối quan hệ giữa các bộ phận trong cơ thể và giữa con người với thế giới tự nhiên đạt đến những hiểu biết sâu sắc. Về kỹ thuật, người Trung Quốc xưa đã cung cấp các phát minh lớn: thuật làm giấy, nghề in, la bàn và thuốc súng, ngoài ra còn có bánh lái, khai khoáng, máy ghi địa chấn, lưỡi cưa.
Không chỉ là một nền văn minh phát triển từ sớm, phương Đông còn là nơi cung cấp những thành tựu to lớn, là bệ phóng cho văn minh các nơi khác. Điều này được lịch sử chứng minh qua con đường tơ lụa và hải hành từ xưa giữa Đông và Tây, người Ả Rập cũng đã học tập văn minh phương Đông rồi mang truyền sang các nước phương Tây và nhiều thành tựu đã được phương Tây tiếp thu, cải biến, ứng dụng và phát triển, vượt qua cả người “thầy” của mình trong nhiều thế kỷ sau đó. Will Durant, học giả chuyên nghiên cứu về văn minh thế giới đã nhận xét: “chính nhờ Ấn Độ mà chúng ta học được cái cách tài tình chỉ dùng có mười chữ mà viết được đủ các số, mỗi chữ vừa có một trị số tuyệt đối, vừa có một trị số tùy theo vị trí của nó; ý đó tế nhị mà quan trọng, ngày nay chúng ta cho là giản dị quá nên không cảm được công lao to lớn của người Ấn. Nhưng chính nhờ nó đơn giản mà làm toán mới hóa ra cực kỳ dễ dàng, và hệ thống số học đáng được kể là sáng kiến ích lợi nhất. Có nghĩa rằng hai bậc thiên tài bậc nhất thời thượng cổ, Archimède và Apollonius mà cũng không tìm ra được hệ thống đó thì mới nhận định nổi sáng kiến của người Ấn tài tình ra sao”[1].
Tuy nhiên, sự sâu sắc và những giá trị của tư tưởng phương Đông không đơn giản nằm ở những thành tựu họ tạo ra mà ở chính sự dẫn dắt con người khi đi đến văn minh. Nó nằm ở góc nhìn của họ về bản chất của sự phát triển, đòi hỏi có sự hiện diện của tính hài hòa và bền vững.
CON NGƯỜI HÀI HÒA VỚI THIÊN NHIÊN
Trong tâm thức của người phương Đông, con người không chọn cách chinh phục, cải tạo và buộc thiên nhiên phục vụ mình mà họ chọn cách sống hài hòa với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên, vào quy luật của tạo hóa để sinh sống và hoạt động. Ngay trong kinh Veda, khái niệm “Nghiệp”, “Luật nhân quả” đã được đưa ra, trong đó coi “tự nhiên” và tất cả những điều thuộc về tự nhiên (ngoài con người) đều “bình đẳng” và “luân hồi”…. Hành vi tốt thì sẽ được đền đáp, hành vi xấu thì sẽ bị trừng trị, ở kiếp đang sống hoặc ở kiếp sau. Do đó, phương Đông không có xu hướng coi tự nhiên là nguồn vật lực để phục vụ con người, không tìm cách khai thác lợi ích từ thiên nhiên. V.I. Xamokhvalova nói: “các học thuyết triết học phương Đông không bao giờ đặt con người vào trung tâm của thế giới, mà chỉ coi con người như một yếu tố của thế giới, một bộ phận của giới tự nhiên, một trình độ của cấu trúc thế giới. Vì thế ở phương Đông không có cơ sở cho sự phát triển của quan niệm lấy con người làm trung tâm, cũng như không có mảnh đất thích hợp cho nhân học triết học xuất hiện. Con người ở đấy tham dự một cách tự nhiên vào đời sống của thế giới, vào nhịp điệu của tự nhiên, còn bản thân giới tự nhiên thì đã hoàn thiện và con người phải tìm cách thích nghi chứ không được chống lại”[2].
Tư tưởng này đã chi phối tư duy và hành động của phương Đông, vì vậy cái mà người phương Đông nỗ lực là nỗ lực để “hiểu” thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên để con người và thiên nhiên hòa làm một, trở thành một tổng thể. Do đó, họ không chú trọng việc nghiên cứu để chinh phục, cải tạo, hay làm mới. Thay vào đó là sự tôn trọng tính nguyên sơ, hài hòa, bảo vệ nguyên vẹn tính tự nhiên vốn có.
ĐẶC TÍNH “DỬNG DƯNG” VỚI PHÁT TRIỂN
Với những cơ sở và điều kiện tự nhiên rộng lớn, cộng với một nền văn minh từ sớm, phương Đông hoàn toàn có thể đẩy nhanh sự phát triển của họ, nhưng dường như có một thái độ “dửng dưng” của phương Đông với cái mà nhân loại ngày nay gọi là sự phát triển. Sự “dửng dưng” này của phương Đông luôn buộc ta phải tỉnh thức và suy nghĩ lại. Người phương Đông “dửng dưng” với sự phát triển vì họ cho rằng phát triển chỉ là bề ngoài của vũ trụ, của trời đất rộng lớn. Sự phát triển có đạt đến những thành tựu to lớn thì cũng chỉ là biểu hiện một mặt nào đó trong xung lực ham muốn của con người mà thôi. Sự bao la của trời đất, vũ trụ trong quan niệm phương Đông không thể nắm mà chỉ có thể “ngộ”, không thể tác động mà chỉ có thể tĩnh lặng để cho cái hiển nhiên của tự nhiên bộc lộ và ngôn ngữ hay tư duy không thể nói hết được. Khổng Tử đã hỏi: “Trời có nói chăng? Mà bốn mùa cứ thế xoay vần, trăm vật trong vũ trụ cứ sanh hóa mãi. Mà trời có nói chăng?”[3]. Đạo Phật, một triết thuyết và tôn giáo có ảnh hưởng rộng lớn đến phương Đông cho rằng cuộc đời là bể khổ, và nguồn gốc của nó là sự “vọng động” của trạng thái tĩnh tại, của tâm hồn, là u mê chạy theo những cái không có thực, chạy theo dục vọng… Thuyết Tứ diệu đế của Đức Phật cho rằng tất cả những cám dỗ vật chất, những hình ảnh hiện hữu về thế giới, những cảm nhận của con người chỉ là “vô thường”, “vô ngã”, vốn không tồn tại và phải dứt bỏ để đạt đến trạng thái giác ngộ. Do đó mà sự phát triển như ta thường biết chỉ mang lại cuộc sống đầy đủ, dồi dào về vật chất, về tri thức, trình độ chinh phục chứ không phải là sự hiểu biết của tỉnh thức cần đạt đến.
Trong khi đó, tư tưởng của Lão giáo, một tư tưởng có ảnh hưởng rộng lớn trong bộ phận dân chúng (và cả trí thức) ở các nước Á Đông cho rằng sự phát triển của văn minh là cội nguồn của suy đồi đạo đức và rối loạn xã hội. Lão Tử cho rằng: của cải làm ra nhiều thì chỉ gây ra giành giật, giáo dục nhiều, hiểu biết nhiều chỉ gây nên lòng ham muốn và xảo trá, có lễ nghĩa là vì có suy đồi… và phát triển theo cách cải tạo, chinh phục tự nhiên là đi ngược lại với “Đạo”, đó không phải là phát triển thực chất. Lão Tử thậm chí còn đi đến kêu gọi con người trở lại với xã hội của thời nguyên thủy. Đạo Lão không những không đánh giá cao kiến thức, sự thông thái của con người mà còn coi đó là những tài trí bề ngoài, không có ích trong việc để đạt đến sự hài hòa với vũ trụ, đạt được “Đạo” (đạo Tự nhiên). Bên cạnh đó, “Thuyết tương đối” của Trang Tử cũng không xác định lớn nhỏ, đúng sai! Cái gì gọi là lớn? cái gì gọi là phát triển? Khi ta so với những sự vật khác nhau thì tính chất và vị trí của chúng sẽ khác nhau. Người phương Đông chịu ảnh hưởng sâu rộng của các quan điểm này, vì vậy họ có thái độ “dửng dưng” với sự phát triển. Đối với họ, cái cần là phải đạt được những hiểu biết cao nhất, đạt được cái chân lý tối hậu, là bản lai diện mục của hiện thực và họ có con đường nhận thức riêng của mình.
CON ĐƯỜNG ĐI TÌM CHÂN LÝ CỦA PHƯƠNG ĐÔNG
Trên thực tế, ở phương Đông vẫn có những trường phái đề cao kiến thức, đề cao nhận biết từ các giác quan, đề cao lý tính, song những trường phái đó không đủ sức chi phối quan niệm của người phương Đông về vũ trụ, về thế giới và tư duy con người.
Nền văn hóa truyền thống Trung Quốc xem xã hội như một bộ phận của vũ trụ, không có ranh giới giữa tự nhiên và nhà nước. Người ta cho rằng chúng tạo thành cái vẹn toàn thống nhất và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Hành vi của con người luôn tác động trực tiếp tới vũ trụ, gây ra các hiện tượng, các biến đổi từ phía vũ trụ, từ trời và đất. Do đó, cái yêu cầu cao nhất là sự quan tâm của con người đối với tính thống nhất hài hòa, giữ vững trật tự “vốn dĩ” đã có chứ không phải tạo ra những hành động, hành vi làm thay đổi thế giới. Thực hiện những hành vi đó có thể dẫn đến những tai họa như thiên tai, bạo loạn…. Đối với người Trung Hoa, là bậc quân tử chỉ chú trọng ba điều: Nhân – Nghĩa – Đức chứ không chú trọng lợi! “Bậc quân tử làm việc cho đời, không có việc gì mà người không cố ý làm, không có việc gì người cố ý bỏ, hễ hạp nghĩa thì làm”[4]. Theo Khổng Tử, thái độ của con người đối với “quỷ thần” là “kính nhi viễn chi”, đó cũng có thể hiểu là thái độ với các sự vật, hiện tượng tự nhiên mà con người thời đó không giải thích được.
Không cho rằng tri thức về khoa học kỹ thuật là con đường phải đi để đạt đến chân lý, hạnh phúc, người phương Đông cho rằng “sự thức tỉnh (sự hiểu biết về thế giới) được truyền đạt một cách đặc biệt từ tâm sang tâm không cần dựa vào hệ thống ngôn ngữ (hay tri thức khoa học)”[5]. Hơn thế, quan niệm phương Đông còn cho rằng chính sự hiểu biết lý tính là cái đặc tính tách một số hiện tượng ra khỏi các hiện tượng khác rồi lại hệ thống hóa chúng, và chính lý trí tạo ra ranh giới giữa các sự vật, đối lập các sự vật hoặc các khái niệm với nhau, trong khi chúng là một sự hài hòa, thống nhất trong một cái trọn vẹn. Họ khẳng định bằng lý tính, bằng tư duy không thể nào hiểu thấu được sự vật hiện tượng, hiểu thấu vũ trụ bao la. Nên nhiều nhà hiền triết Trung Quốc theo đuổi cái lý tưởng không nhận thức thế giới bằng con đường lý trí mà bằng con đường “trực cảm”. Đối với người Ấn Độ thì “trong thế giới vô hạn, bất kỳ sinh thể nào cũng tìm được cho mình một vị thế và việc làm. Còn cuộc đấu tranh để giành lấy “địa vị dưới ánh hào quang của mặt trời” là điều gì đó mang tính phản tự nhiên”[6].
Ở khía cạnh cứu cánh cuộc sống, người phương Đông cho rằng mục đích cuối cùng là đi tìm “giải thoát”. Trạng thái giải thoát trong tư tưởng phương Đông được hiểu theo nhiều quan điểm khác nhau và có nhiều con đường nhưng hầu hết đều đi bằng con đường tinh thần, dùng tinh thần để đạt đến “trạng thái giải thoát”. Kinh Katha Upanishad viết: “Atman chẳng thể nhận thức được bởi học vấn, bởi sức mạnh của trí óc. Atman chẳng thể nhận thức được bằng giác quan…”[7]. “Đạo đức kinh” thì viết: “Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt, ngũ âm làm cho người ta ù tai, ngũ vị làm cho người ta tê lưỡi, ruổi ngựa săn bắn làm cho người ta mê loạn, vàng bạc châu báu làm cho hành vi người ta đồi bại…”[8]. Giáo pháp của Đức Phật sử dụng là “giới – định – tuệ”, ba môn học thực hành giúp hành giả vượt qua các trói buộc của phiền não, u mê, đạt được trạng thái tịnh tâm, trong sáng, tỉnh thức, tự do và tiến tới giải thoát.
Đối với phương Đông, người ta quan tâm nhiều đến được và mất trong sự phát triển. Người phương Tây chấp nhận trả giá cho phát triển, phương Tây thường đưa một tư tưởng ra trước, bỏ qua những tư tưởng khác, lấy đó là cơ sở để so sánh, nhìn nhận, hoạt động mà phát triển mãi lên, sau mới nhìn lại. Còn phương Đông ngay từ lúc xuất phát điểm đã cố gắng dung hòa mọi cách nhìn, không đưa ra cái nào trước, không ưu tiên xuất phát điểm, không có chỗ bắt đầu, không tuyệt đối hóa một tư tưởng nào, mọi kiểu tư duy đều được mở ra như nhau, tiếp cận như nhau. Xét một cách công bằng, tư duy phương Đông như vậy khách quan hơn tư duy phương Tây. Song cái thành quả mà nó đạt được lại thấp hơn phương Tây. Nhưng điều đó đối với phương Đông lại không quan trọng, đối với phương Đông cái “vô” là cái quan trọng nhất, là cái không thể nói, cái trống không huyền bí, dẫu có “có” rồi cũng trở về vô. Do đó không cần những sự phát triển và thành tựu nhứt thời? Vì cái cao nhất cần đạt đến là sự hiểu biết thực sự về thế giới. Ở điểm này triết học (minh triết) phương Đông đã đặt ra cho triết học phương Tây những câu hỏi đáng suy ngẫm. Đó là sự được – mất, được rồi lại trở về “vô”…. Nhà nghiên cứu Michel Bittol viết về sự đảo lộn chuyển động cho cuộc đi vòng của Francois Julien (bằng một công trình được F. Julien công bố) gây ra cho triết học: “nhìn từ cái nơi xa ấy (từ minh triết phương Đông) toàn bộ sự nghiệp của triết học, và của khoa học là cái nối dài của nó, hóa ra chỉ đơn giản là một trường hợp đặc biệt. Hai thiên niên kỷ rưỡi nỗ lực triển khai toàn bộ các kỹ năng tư duy, rồi đạt đến những quan niệm được mọi người công nhận và có thể dùng được cho lợi ích của mỗi người, hóa ra đã đưa đến một cái nhìn cục bộ về thế giới”[9].
Đó là con đường của người phương Đông, đi bằng trực cảm, trực giác, thiền định chứ không đặt vấn đề về khám phá lý tính, tư duy và tri thức khoa học. Những phương pháp phái Advaita nêu lên là: trực giác, khải thị, kết luận và cảm giác[10]. Thái độ hành động của của phương Đông vì vậy như thái độ của Lão Tử là “vô vi”, chỉ làm những việc phù hợp với “Đạo”, không tự ý (theo ý muốn chủ quan của con người) làm gì trái với “Đạo”, trái với tự nhiên. Như Hoàng Ngọc Hiếu nhận xét “đạo là con đường, con đường của triết học bao giờ cũng dẫn tới đâu đó…. Tới chân lý, tới cõi chí thiện, tới cõi toàn mỹ, tới miền đất hứa, tới thiên đường…, tới thượng đế. Đạo của minh triết (đạo của người phương Đông – tác giả chú thích) không dẫn tới đâu cả… đạo là con đường ở đó… sự sống có thể sống được, mọi sự rồi thì qua được,… chỗ đi tới của đạo là ở sự đổi mới của bản thân nó”[11].
Minh triết không thể chứng minh thuyết phục như tri thức triết học, khoa học, cũng không có sự linh diệu như thần khải các tín điều. Minh triết theo phương Đông là sự hiểu biết toàn cục về thế giới trong tất cả mối quan hệ hài hòa, chuyển hóa. Ngay từ thế kỷ II Trước công nguyên, Patangiali đã viết kinh Yoga, trình bày phương pháp và cũng là phương hướng của người tập Yoga với tám bậc thang tìm kiếm linh hồn. Bậc thứ nhất – iama – đòi hỏi phải tuân thủ mọi điều răn và tiết chế; bậc thứ hai – niama – tẩy uế bên trong và bên ngoài thể xác và linh hồn nhờ kỷ luật tự giác; bậc thứ ba – axana – đảm bảo sức khỏe thể chất nhờ các bài thể dục; bậc bốn – praiana – kiểm soát hơi thở; bậc năm – pratiakhara – điều khiển cảm xúc; bậc sáu – tập trung và tĩnh tại; bậc bảy – dkhana – thiền và bậc tám – xamatkhi – giao hòa với linh hồn vũ trụ [12].
Có thể nói cả Đông Tây đều hướng đến mục đích cuối cùng là hiểu biết cuộc sống và đạt hạnh phúc nhưng mỗi bên đi theo con đường khác nhau. Theo quan điểm của riêng tác giả, phương Đông đi thẳng đến mục tiêu cuối cùng thông qua con đường tinh tấn tinh thần. Đó là con đường khó vì khi phương Đông đi trực tiếp bằng con đường tinh thần, không dựa trên cơ sở vật chất để làm điều kiện thuận lợi. Nhưng đó là con đường vững bền vì cái thành quả trên từng nấc thang tinh tấn của một người (và của cả xã hội) không phải là cái đạt được mà là sự sáng tỏ, chứng ngộ, không thể bị vụt mất hay tước bỏ. Con đường này khác với phương Tây khi phương Tây thông qua con đường vật chất để tìm đến mục tiêu tinh thần, con đường dài nhưng lại là tuần tự, có thang bậc, có thể đo đếm, cầm nắm và được mất.
Với góc nhìn khách quan, đứng ngoài phương Đông đôi khi cũng có thể nhìn phương Đông rõ hơn, nhưng cũng có những điều, chỉ khi ta thực sự dùng quan điểm phương Đông thì mới có thể hiểu biết và cảm nhận sâu sắc các giá trị phương Đông. Ví như về các khái niệm của cuộc sống, đôi khi chúng ta sử dụng khái niệm và kiểu tư duy theo phương Tây mà bỏ qua những khái niệm mang tính phương Đông. Ví dụ khi nói đến hạnh phúc, phương Tây nói đến mục tiêu đạt được, có sự chiếm lấy và chinh phục còn phương Đông có một quan niệm khác: người Trung Quốc, chữ “hạnh phúc” theo Hán tự có nghĩa là cái may mắn, sự phúc lành con người đạt được, còn đối với phần đông tôn giáo ở Ấn Độ, hạnh phúc là thoát khỏi mọi dục vọng, đạt đến giải thoát. Như vậy, một thái độ đúng phải chăng chúng ta dùng phương Tây để đo khoảng cách giữa phương Tây và phương Đông, nhưng sau đó dùng phương Đông để đo độ sai lệch, cái quen biết trong khái niệm, quan niệm phương Tây, từ đó phân tích những cái xa lạ hay gần gũi của hai bên để hiểu biết về nhau hơn. Điều đó có tạo nên khả năng đối thoại rộng mở. Vì nói đến cùng, sự phát triển là điều nhân loại đang ngày càng hướng đến nhưng phát triển như thế nào để những giá trị của nó, kể cả vật chất và tinh thần đều là những giá trị thật, được phát minh, phát hiện trong sự nhận thức có tính tổng thể, hài hòa giữa đời sống con người với giới tự nhiên và vũ trụ thì đó mới có thể là những hiểu biết căn bản, chân thực và bền vững.
Chú thích:
* TS. Huỳnh Bá Lộc: Đại học Văn Lang.
[1] Will Durant, 2004, Lịch sử văn minh Ấn Độ (Nguyễn Hiến Lê dịch), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.251.
[2] Hồ Sĩ Quý, 2005, Về giá trị và giá trị Châu Á, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.87.
[3] Khổng Tử, 2002, Luận ngữ, NXB Văn học, tr.695.
[4] Khổng Tử, 2002, Sđd, tr.572.
[5] Đặng Hữu Toàn và các tác giả khác, 2005, Các nền văn hóa thế giới, Nxb Từ điển bách khoa, tr.67.
[6] Đặng Đức Toàn và các tác giả khác, 2005, Sđd, tr.137
[7] Doãn Chính (Chủ biên), 2006, Veda – Upanishad những bộ kinh triết lý tôn giáo cổ Ấn Độ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.102.
[8] Nguyễn Hiến Lê, 1994, Lão tử Đạo đức kinh, Nxb Văn hóa, tr.181.
[9] Hoàng Ngọc Hiếu, 2005, Sang viễn Đông, trở về viễn Tây, Nxb Đà Nẵng, tr.25.
[10] Xem thêm Doãn Chính (Chủ biên), 2005, Kinh văn của các trường phái triết học Ấn Độ, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.585, 586, 588.
[11] Hoàng Ngọc Hiếu, 2005, Sđd, tr.94
[12] Theo X. Carpusina & V. Carpusin, 2004, Lịch sử văn hóa thế giới, NXB Thế giới, Hà Nội, tr.198.