Nghĩa tình sự tích ngày tết trả ơn – Tết Đoan Ngọ

12/06/20212,7060

Cứ mỗi dịp tháng năm âm lịch về, người người nhà nhà lại rộn ràng trong bầu không khí của ngày Tết Đoan Ngọ. Đó được xem như một trong những ngày lễ tưởng nhớ tổ tiên, và là ngày giỗ của Quốc Mẫu Âu Cơ trong tâm thức của những người con mang dòng máu Lạc Hồng.

 

Tháng Năm nhớ tết Đoan Dương

Là ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang

 

Triều Tiên tổ chức tết đoan ngọ

Tết Đoan Ngọ còn là ngày giỗ quốc mẫu Âu Cơ – Ảnh: Camaugov

 

Triều Tiên tổ chức tết đoan ngọ

Trang trọng ngày giỗ quốc mẫu Âu Cơ – Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Hà Nội

 

Tết Đoan Ngọ đã tồn tại từ rất lâu trong văn hóa Phương Đông và được các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam xem như một ngày lễ truyền thống quan trọng thứ hai sau Tết Nguyên Đán. Theo tên gọi của nó, “Đoan” là đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11h sáng tới 1h trưa, đó là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trái đất nhất trùng với ngày hạ chí. Người ta tổ chức ăn tết vào buổi trưa, khi mà hỏa khí trong trời đất và trong con người đều lên tới tột bậc.

 

Triều Tiên tổ chức tết đoan ngọ

Triều Tiên tổ chức tết đoan ngọ – Ảnh: Busan.go

 

Chẳng biết Tết Đoan Ngọ có từ thuở nào nhưng trong kho tàng văn hóa Á Đông tồn tại rất nhiều điển tích về ngày này. Và mỗi quốc gia khác nhau lại có những câu chuyện kể khác nhau được lưu truyền từ đời này sang đời khác.   

 

Ở Trung Quốc, sự tích Tết Đoan Ngọ gắn liền với truyền thuyết Khuất Nguyên thời Chiến Quốc. Ông là một vị trung thần nước Sở và là một nhà văn hóa nổi tiếng. Nhưng can ngăn vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn vào ngày 5/5. Thương tiếc một tấm lòng trung nghĩa, mỗi năm cứ tới ngày này, người dân Trung Quốc lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài rồi bơi thuyền ra sông, ném bánh và bỏ gạo vào ống tre viếng Khuất Nguyên.

 

Trung Quốc tổ chức đua thuyền trên sông Mịch La vào ngày mùng 5 tháng 5 hằng năm nhằm tưởng nhớ Khuất Nguyên

Trung Quốc tổ chức đua thuyền trên sông Mịch La vào ngày mùng 5 tháng 5 hằng năm nhằm tưởng nhớ Khuất Nguyên – Ảnh: Sưu tầm

 

Lại có một truyền thuyết khác kể rằng, tập tục Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ Hạ Trí trong thời cổ như một cách tôn sùng vật cổ của người dân vùng sông Trường Giang. Có lẽ vì vậy mà người ta cho rằng ngày Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Rồi theo sự du nhập của nền văn hóa Trung Hoa, tập tục ấy phổ biến dần ở một số quốc gia Đông Nam Á.  

 

Nguồn gốc của ngày Tết Đoan Ngọ được cho rằng xuất phát từ Trung Quốc

Nguồn gốc của ngày Tết Đoan Ngọ được cho rằng xuất phát từ Trung Quốc – Ảnh: Sưu tầm

 

Tại Việt Nam, từ xưa tới nay, trong tâm tưởng của những đứa trẻ thơ, ngày mồng 5 tháng 5 mỗi năm chỉ gắn liền với ngày Tết diệt sâu bọ. Sở dĩ có tên gọi này bởi theo một truyền thuyết lưu truyền trong dân gian về một ông lão tự xưng là Đôi Truân đã giúp người dân diệt trừ sâu bọ phá phách sau mùa màng.

 

Đây được xem là một truyền thuyết có tính thuyết phục nhất gắn liền với tập tục ăn Tết Đoan Ngọ của nhân dân ta. Vì thế vào ngày này, người dân thường dậy thật sớm, nghỉ các công việc đồng áng thường ngày, cùng nhau diệt trừ sâu bọ và những loại côn trùng gây hại cho cây cối. Nhà nhà đều chuẩn bị một bữa cổ diệt trừ sâu bọ với các loại hoa quả đầu mùa. Nào là những quả đào lông tơ còn rất mịn, những quả mận chua ngọt, những trái chuối mập mạp, những thanh dưa hấu được bổ dọc như những chiếc thuyền rồng, những trái dứa vàng óng ánh. Và tất nhiên, trong mâm cỗ ấy không thể thiếu món cơm rượu cay nồng và bánh ú tro thanh ngọt mát lòng.

 

Bánh ú tro ngày Tết Đoan Ngọ

Bánh ú tro ngày Tết Đoan Ngọ – Ảnh: Nguoiyeuamthuc

 

Nhiều tích truyện từ nhiều vùng miền khác nhau làm nên nhiều tập tục khác nhau trong ngày Tết Đoan Ngọ ở đất nước với 54 sắc tộc này. Có nơi đúng 12 giờ trưa, người ta làm lễ cúng gia tiên rồi đi hái lá mồng năm. Tục hái thuốc mồng năm bắt đầu vào giờ Ngọ, giờ có Dương khí tốt nhất trong cả năm. Người ta cho rằng những lá cây cỏ thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Bất kỳ loại lá cây nào có trong vườn đều được hái đem về ủ phơi khô rồi nấu nước uống để phòng các chứng ngoại cảm, chứng âm khí hư.

 

Có nơi lại tin rằng được ngâm mình trong nước biển vào lúc “hỏa khí tột bậc” dịp Tết Đoan Ngọ ấy sẽ giúp trị nhiều bệnh về da và mang đến nhiều điều may mắn cho thời gian sắp đến trong năm. Thế nên những ngày này người người lại đổ xô về các bãi biển ăn Tết Đoan Ngọ.

 

Người người đổ xô ra biển ăn Tết Đoan Ngọ ở Đà Nẵng

Người người đổ xô ra biển ăn Tết Đoan Ngọ ở Đà Nẵng – Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Đà Nẵng

 

Dường như, sau ngày Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp đông đủ nhất. Những người con dù ở rất xa cũng cố gắng thu xếp công việc, quay trở về với mái ấm gia đình, cùng chia sẻ những khoảng khắc đầm ấm trong cuộc sống.

 

Ngày Tết Đoan Ngọ còn được xem là một ngày lễ thể hiện tính nhân văn giữa người với người. Đó là dịp con cháu thể hiện tấm lòng mình với ông bà cha mẹ, là dịp người học trò trả ơn sự dạy dỗ của thầy cô, người bệnh đền ơn cứu chữa của thầy lang.

 

Sum họp dịp Tết Đoan Ngọ

Sum họp dịp Tết Đoan Ngọ – Ảnh: Sưu tầm

 

Ngày Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam được xây dựng trên các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và thể hiện cái tinh thần nhớ về nguồn cội của những thế hệ mai sau. Dường như trong mỗi tập tục, mỗi hành động, người ta lại tìm thấy những giá trị nhân văn cao cả nhất, tiếp nối truyền thống lễ giáo đã tồn tại lâu đời. Có lẽ vì vậy, trải qua biến đổi của không gian và thời gian, ngày tết Đoan Ngọ vẫn tồn tại mãi như một phong tục đẹp với bao ý nghĩa thiêng liêng về đạo lý làm người.   

 

Gumi – Mytour.vn

 

Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Mytour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Mytour.vn.