Người dùng đánh giá xe Chevrolet Trailblazer: “Người ta hỏi xe này mấy tỷ?”
“Chiếc xe này giá mấy tỷ?” – Đó là câu hỏi mà không ít người dành cho anh Kiên, người đang sở hữu một chiếc Chevrolet Trailblazer ngay từ những ngày đầu xe về Hà Nội. “Có những người nghĩ chiếc xe này trị giá vài tỷ đồng, bởi nhìn khá to và sang. Xe có nét gì đó tựa như Toyota Prado. Nhìn ngang và phía đầu xe khá hầm hố,” anh Kiên cho biết.
Trailblazer là một sản phẩm hoàn toàn mới trong phân khúc SUV 7 chỗ tại Việt Nam. Tính đến thời điểm này, những chiếc Trailblazer đã lăn bánh có tuổi đời cao nhất cũng chỉ 3 tháng.
Nhắc đến SUV khung body-on-frame nói chung và Trailblazer nói riêng, người ta thường nghĩ ngay đến khả năng offroad với hệ thống gầm bệ chắc nịch, động cơ dầu có sức kéo khoẻ, khoảng sáng gầm xe lớn, các chế độ cài cầu và khoá vi sai linh hoạt. Nhưng với một người làm văn phòng như anh Kiên, chiếc Trailblazer lại đem đến sự thú vị ở những khía cạnh khác.
Anh Kiên đang là giám đốc một công ty xuất khẩu lao động đi Nhật, một người thường gắn liền với công việc văn phòng và di chuyển trong đô thị. Chevrolet Trailblazer là chiếc xe SUV 7 chỗ gầm cao đầu tiên mà anh sử dụng. Đây cũng là trải nghiệm mới mẻ với động cơ diesel của anh Kiên.
Dưới đây là chia sẻ của anh Kiên về chiếc Chevrolet Trailblazer của mình.
Đây là lần đầu tiên tôi mua SUV 7 chỗ. Là một người mới tiếp xúc dòng xe này, tất nhiên, trước khi mua, tôi đã tìm hiểu qua những mẫu khác.
Toyota Fortuner là xe đầu tiên tôi loại khỏi danh sách lựa chọn. Tôi chưa cầm lái xe này nhưng nhìn công nghệ thôi là không ưng được. Những tính năng an toàn chủ động như cảnh báo điểm mù, làn đường… đều không có, trong khi các xe khác như Pajero Sport, Everest và Trailblazer đều có cả.
Mitsubishi Pajero Sport là chiếc xe hay nhưng tôi cũng tiếp tục loại bởi giá bán cao quá. Tổng chi phí ra biển phải tới 1,6 tỷ đồng. Hơn nữa, thiết kế Pajero Sport tôi cũng chưa thấy thuận mắt.
Ford Everest chính xác là xe mà tôi nhắm tới. Đã đi đến lựa chọn cuối cùng là chiếc Everest Titanium 2.2L nhưng đại lý báo hết hàng. Thời gian dự kiến về khoảng tháng 10, 11. Khi đó, tôi đã tìm thấy một xe khác và cho đến thời điểm này cực kỳ hài lòng. Đó là Chevrolet Trailblazer. Lên lái thử lần đầu đã thấy thích luôn.
Cùng thời điểm này, tôi cũng xem thêm cả Peugeot 5008, Honda CR-V và Hyundai Santa Fe nhưng chỉ là xe 5+2, ngồi hàng ghế cuối không được nên không lựa chọn.
Trước khi sử dụng chiếc xe này, tôi đã từng dùng chiếc Ford EcoSport đời 2017. Đổi từ xe nhỏ lên, cảm giác ban đầu hơi ngợp bởi chiếc xe khá cao và to. Mới đầu, đi trong phố, lúc nào cũng phải căn ke từng chút một vì sợ chạm. Và cẩn thận đến đâu đi nữa, tôi cũng nhận được hậu quả nhớ đời khi mới lấy xe bằng vết quẹt nhẹ phần tai xe. Rất may, chiếc xe đã có bảo hiểm và khi ra khỏi xưởng dịch vụ của hãng lại như mới.
Thế rồi chỉ vài ngày là quen. Tầm nhìn bao quát của chiếc Trailblazer giúp việc làm quen xe khá nhanh chóng. Ghế ngồi cũng rộng rãi hơn, nhất là ở phía sau. Thỉnh thoảng tôi có chở những người lao động ra sân bay. Ngồi kín cả 7 người trên xe mà vẫn thoải mái.
Con gái tôi ngồi trên chiếc EcoSport đi xa rất dễ bị say xe nhưng với chiếc Trailblazer thì không có cảm giác đó. Xe thực sự êm ái. Tôi đã lắp thêm cách âm khoang động cơ nên tiếng máy dầu lọt vào cũng đỡ hẳn, hơn nữa lại xịt phủ cả gầm. Độ cách âm với môi trường bên ngoài cũng tốt.
Trang bị tôi thích và sử dụng nhiều nhất là đề nổ khởi động từ xa. Tôi đánh giá đây là chức năng đáng tiền nhất so với các xe đối thủ. Trời mùa hè oi bức ở Việt Nam, chỉ cần nổ máy trước rồi vào xe là mát ngay. Chưa có mẫu xe nào cùng phân khúc Trailblazer được trang bị công nghệ tương tự.
Về hệ thống an toàn, chiếc xe có rất đầy đủ và không thừa chút nào. Từ cảnh báo va chạm sớm, cảnh báo điểm mù, cảnh báo áp suất lốp, cảnh báo lệch làn đường, camera lùi, rồi cảm biến trước sau đều hoạt động trong quá trình sử dụng hàng ngày. Đặc biệt các công nghệ an toàn chủ động hỗ trợ rất nhiều trong việc cầm lái chiếc xe có kích thước lớn như Trailblazer.
Cảnh báo điểm mù là tính năng rất hay. Ban đầu sử dụng xe tôi không để ý nhưng dần rồi thấy quen và rất hữu ích. Thỉnh thoảng thấy đèn nháy liếc sang là biết có xe đang tới trong vùng mà tầm nhìn qua gương chiếu hậu không thấy được. Còn với tính năng cảnh báo lệch làn, tôi hiếm khi dùng đến, có cũng tốt mà không cũng không sao.
Cùng với cảnh báo điểm mù là cảnh báo phương tiện di chuyển ngang khi lùi xe. Chiếc SUV lớn khi lùi ra khỏi ngõ rất khó để quan sát. Hệ thống này giúp tôi biết được có xe từ hướng nào tới để cẩn thận hơn trong quá trình lùi xe.
Mặc dù có nhiều công nghệ nhưng xe chỉ có 2 túi khí. Nhiều người chê xe “nghèo nàn” chỉ có 2 túi khí nhưng cá nhân tôi thấy tính năng an toàn chủ động quan trọng hơn. Tai nạn để bung túi khí là điều không ai mong muốn và mình luôn cố gắng lái xe cẩn thận nhất có thể. Chính hàng loạt công nghệ của Trailblazer đã hỗ trợ tôi trong việc đó.
Tôi là một trong những người đầu tiên mua chiếc Trailblazer phiên bản động cơ 2.8L tại Hà Nội. Số lượng xe phiên bản này nhập về khi đó không nhiều. Hiện nay, tất cả xe Trailblazer trên thị trường đã chuyển sang sử dụng loại máy 2.5L.
Gặp tư vấn bán hàng nhiệt tình, thời điểm đó, khi mua xe, ngoài khoản khuyến mãi từ hãng, tôi còn được tặng phụ kiện 20 triệu đồng. Chỉ chậm chân chút thôi là không mua được xe giá tốt. Như giờ đây, xe Trailblazer không còn được đại lý giảm giá, người mua phải bỏ thêm tiền mua phụ kiện mới được lấy xe bởi xe có nhiều để bán đâu.
Với chiếc Trailblazer, tôi xác định là không bao giờ bán. Mua chiếc xe là để sử dụng. Khi đổi lên đời, tôi cũng để lại xe phục vụ mục đích vận chuyển cho công ty. Chiếc xe hay như thế này bán đi làm gì. Còn về độ bền thì đành phải chờ thời gian chứng minh.
Tốt thì tốt thật nhưng không phải chiếc xe này không có nhược điểm. Đều là những điểm nhỏ thôi nhưng dễ khiến bực mình. Nếu Chevrolet cải thiện được những hạn chế này thì tôi nghĩ việc trải nghiệm lái cũng thoải mái hơn.
Nhược điểm đầu tiên là cổng USB. Bảng điều khiển trung tâm không có cổng cắm nào. Cổng USB lại nằm lọt thỏm trong bệ tì tay, để rất sâu và không có lỗ để luồn dây ra. Để kết nối với iPhone sử dụng Mylink, không còn cách nào khác là… bỏ điện thoại luôn vào trong hộp để đồ này. Để khắc phục, xe có 2 cổng tẩu thuốc 12V ở trên bảng điều khiển trung tâm và chỉ cần cắm cổng chuyển đổi USB vào là được.
Điểm yếu tiếp theo là cốp mở bằng tay. Phiên bản cao cấp nhất của Trailblazer vẫn chưa có chức năng mở cốp điện. Cốp SUV khá to và nặng, với đàn ông như tôi không sao còn với phụ nữ, việc đóng cốp sẽ tương đối khó khăn.
Chi tiết cuối cùng mà tôi mong muốn được cải thiện là camera lùi. Đi ban ngày không vấn đề, camera rất rõ nét, nhưng ban đêm lại không thể nhìn được. Thứ nhất là màn hình rất sáng và chói mắt. Thứ 2 là camera khá loá vào ban đêm, góc quét lại rộng nên nhiều khi lùi sát xe sau rồi mà vẫn tưởng còn xa. Khi đó, tôi luôn phải tập trung quan sát gương.
Ngoài một số nhược điểm như vậy, tôi thấy Trailblazer là chiếc xe đáng tiền khoảng 1,2 tỷ đồng sau khi ra biển. Từ giải trí đến công nghệ an toàn rồi độ đầm chắc, khả năng cách âm đều ổn.
Một số hình ảnh khác của Chevrolet Trailblazer: