người Hà Lan – chuyện văn hoá du lịch Hà Lan – nguyenX

Tiếp theo bài trước: cần biết gì trước khi thăm Hà Lan?

Những vùng đất thấp là một trong những nơi để lại nhiều ảnh hưởng nhất lên em. Nếu nói rằng một thành phố, một đất nước có thể có linh hồn riêng – một linh hồn thật sự “sống” – thì Amsterdam nói riêng và Netherlands nói chung chắc chắn sở hữu một linh hồn như thế. Linh hồn ấy lúc thì trẻ trung ấm áp như một thiếu nữ đôi mươi đang yêu cuộc sống bằng cả trái tim, lúc lại trầm lặng từ tốn như một người phụ nữ chính chắn đang siết lấy cuộc sống bằng lòng khoan dung nhưng có nguyên tắc. Linh hồn ấy, vào những ngày nắng đẹp thì rạng rỡ và tò mò như một đứa trẻ, vào những ngày mưa thì trầm tư và chậm rãi như một nhân cách đứng tuổi đã trải đủ gió mưa; về đêm thì điên cuồng và sôi động, đến sáng sớm lại tĩnh lặng nhưng đằm thắm. Một linh hồn đầy những điều trái ngược, nhưng tổng thể thì lại hoàn mỹ. Và một trong những yếu tố chủ chốt tạo nên linh hồn đó chính là con người sống trong nó.

Người viết có cái may mắn được sống không dài không ngắn ở Amsterdam, nên mạnh dạn lên một bài viết kể chút chuyện về người Hà Lan. Em quan sát người Hà Lan không chỉ với cái tò mò thuần tuý của kẻ lạ tiếp cận một nền văn hoá mới, mà còn với cái ngạc nhiên của một người từng sống ở một nền văn hoá với con người có tính cách hầu như  trái ngược – Italy. Hãy cũng em khám phá một phần tính cách của cái xứ của trải nghiệm này nhé.

* Bài viết là quan sát cá nhân.

1. Người Hà Lan “thẳng như ruột ngựa”

Một trong những điều khiến em “đơ như cây cơ” nhất lúc vừa mới đặt chân đến Hà Lan chính là cái sự siêu thẳng thắn vô địch của người Hà Lan. Mà đây là em còn từng có thời gian sống ở Ba Lan, nơi con người cũng thẳng thừng và thật thà đến mức không quen là sẽ nghĩ họ… bất lịch sự. Người Hà Lan cũng dễ bị hiểu nhầm là thô lỗ, mặc dù thực chất họ chỉ là không ưa lòng vòng, không có lệ nói giảm nói tránh hay lí lẽ biện hộ; họ luôn thể hiện rõ quan điểm và cực trọng sự trung thực. Cốt lõi của tính cách này là sự đơn giản và chân thành. Điều này là một nền tảng cực kỳ vững chắc cho các loại quan hệ xã hội. Nhưng cái sự “thẳng” này cũng có thể gây lắm tình huống dở khóc dở cười.

Trước khi đến Hà Lan em đã tìm hiểu sơ qua “tính cách dân tộc” của Hà Lan thế nào rồi. Nhưng lúc bắt đầu ở đấy em đã có một kỉ niệm khiến em suy xét lại cái “khách sáo” nếu muốn hoà nhập vào cuộc sống ở đây. Chuyện là đến được mấy hôm thì em có gặp một bác hàng xóm đi mua đồ về, tay xách nách mang nhiều đồ lỉnh kỉnh. Thế là em đề nghị xách giúp. Đây cũng là chuyện nhỏ thôi, tiện đường ấy mà.

Vấn đề là bác ý trả lời luôn là tao không cần mày giúp, tao đang vội (“I don’t need your help. I’m in hurry”), chứ không phải là tao tự làm được, cảm ơn nhé (I can do it myself, but thank you). Xong bác ý chào em rồi đi luôn. Em ớ người mất luôn cả chục giây.

Sau em có nói chuyện với bạn cùng nhà, thì thực ra vậy cũng là bình thường. Không nhất định người Hà Lan sẽ trả lời ngắn gọn “cục súc” như vậy, nhưng đa phần trong tình huống không cần giúp đỡ thì họ sẽ nói rõ không cần giúp đỡ. Hoặc họ cần gì, phải nói gì, nhất định họ sẽ nói rõ ràng, không quanh co. Mấy hôm sau đấy, chính bác gái đó xuống nhà em, gõ cửa nhờ giúp bê mấy chậu cây (cần) lên sân thượng vì không tự làm được, khá nặng. Bê xong bác ấy còn trả công bằng…mấy gói cần bác ý tự phơi (ha ha).

Chính từ việc đầu tiên này mà em nhận ra dân xứ này có thể “thẳng” đến độ nào. Nhưng cái thẳng thắn của họ thường không dựa trên những lí do lợi ích cá nhân không tiện nói ra. Thế nên khi quen rồi thì đâm ra cái gì cũng dễ xử lí hơn, không phải ngay ngáy phán đoán ý nhau. Lâu dần đâm ra thích nữa, bởi cái sự thẳng này đi kèm với ngắn gọn, luôn vào thẳng trọng tâm.

Sự thẳng thắn của người Hà Lan càng nổi bật hơn trong trường hợp của em – một người châu Á nhưng thực tập trong một công ty quốc tế với phân nửa là…người Anh. Như vậy các bác có thể tưởng tượng cái sự thẳng đó nó táng em nói riêng và mọi người nói chung sấp mặt thế nào (haha). Người châu Á thiên nhún nhường, lịch sự, không phải lúc nào cũng nói hết những gì mình nghĩ. Người Anh thì…bậc thầy của lịch sự kiểu xung hấn thụ động, không bao giờ thẳng thừng, không đồng ý cũng loanh quanh một vòng dài. Mỗi lần trao đổi công việc là như một trận đấu não vậy ấy.

2. “Going Dutch” (mạnh ai nấy trả) – tiết kiệm đến ki bo hay tôn sùng sự sòng phẳng?

“Going Dutch” là một cụm từ để chỉ phong cách sòng phẳng của người Hà Lan. Về cơ bản cụm này có nghĩa là có đi chơi hẹn hò, gặp mặt ăn uống, dùng bữa công việc hoặc hầu hết mọi tình huống xã hội cần dùng đến tiền thì luôn là tự trả phần mình, chuẩn đến từng xu. Nghe thì tưởng như hiển nhiên, nhưng phong cách ứng xử này có thể trở nên phức tạp trong các trường hợp chia các hoá đơn có cả thuế má và phí “boa”. Về nguồn gốc của cụm từ này còn phức tạp hơn. Tương truyền bao đời trước Anh và Hà Lan có mối quan hệ trường kì không vừa mắt nhau, dầu muối không ăn, do các tranh chấp thương mại và thuộc địa. Hơn nữa cả dân Anh lẫn dân Hà Lan đều từng coi dịch hạch đến từ nước còn lại. Đâm ra dân Anh cứ câu gì có tí tiêu cực là thích thêm “Dutch” (Hà Lan xì tai) vào. Dần dà trong ngôn ngữ Anh, “Dutch” bị xem là thấp kém. Nhưng “to go Dutch” thì là một cụm thuần tuý Anh-Mỹ, đến từ cụm “Dutch treat” (“bao” kiểu Hà Lan), tức là không thực sự “bao” ai cái gì hết trơn. Nhưng đây cũng có thể đến từ cụm “deutsch treat” – thói quen tự trả phần mình của người Đức ở Mỹ.

Nói chung ngày nay cách dùng từ “Dutch” này đã đi vào dĩ vãng rồi. Nhưng “Going Dutch” vẫn sống sót như một biểu tượng về suy nghĩ của người Hà Lan về sự sòng phẳng. Đây là một trong những định kiến điển hình về người Hà Lan mà tuỳ theo điểm nhìn từ mỗi nền văn hoá khác nhau lại có quan điểm khác nhau. Ông phương này coi người Hà Lan ki, ông phương khác thấy người Hà Lan tính toán quá, người chỗ này xem vậy là hợp lý trăm phần trăm, người chỗ khác thấy vậy mới là văn minh chớ! Nói chung nghĩ gì thì gì, nhưng đến Hà Lan là phải chuẩn bị tinh thần tự lo thân.

(Thực ra nếu điểm nhìn từ những nền văn hoá trọng sự phóng khoáng thì có thể dân Hà Lan dễ bị coi là…keo kiệt. Bởi bạn em thừa nhận, bọn tao mua gì cũng coi giá trước tiên, mà luôn coi từ rẻ nhất trước. Bọn tao cũng đặc biệt thích các “deal” giảm giá mạnh. Tất nhiên cái gì cần chi cho chất lượng thì vẫn chi, nhưng kiểu gì cũng phải tính toán siêu kĩ và tiết kiệm hết mức có thể luôn đó.)

3. Người Hà Lan cực kỳ đúng giờ!

Như em quan sát thấy thì người Hà Lan nói riêng và có vẻ như là dân xứ lạnh nói chung đều có tính trọng giờ giấc. Đối với họ, đúng giờ (chằn chặn) không chỉ là thái độ tôn trọng đối phương và tối đa hoá hiệu quả của mọi hoạt động trong cuộc sống, mà đã trở thành phong cách sống luôn rồi. Nói rộng ra thì người Hà Lan rất trọng nguyên tắc. Tất nhiên họ cũng có những nguyên tắc có thể linh hoạt. Nhưng đa số đều cực kì tôn trọng những nguyên tắc được tạo ra để giới hạn ảnh hưởng của cá nhân lên cộng đồng, nhằm giúp cộng đồng chung sống một cách nhịp nhàng.

Chuyện nhỏ: Có một hồi em hỏi bạn em vì sao người Hà Lan đúng giờ chắc giấc đến như vậy? Bạn em trả lời, thì vì ngày xửa ngày xưa thời con người làm nông đều phải dựa trăm phần trăm vào thời tiết, thì người xứ lạnh bị giới hạn trong năng suất do cây cối chỉ mọc theo mùa đó. Thế nên phải đúng giờ để còn tranh thủ mọi giây mọi phút mà làm việc. Em không biết có thật không á nhưng phải thừa nhận, cứ dân xứ nóng mà tài nguyên dồi dào thì tính tình hay thư thả và (chểnh mảng) hơn. Như dưới Ý chỗ em ở nè, đúng giờ nó là cái chi đó có ăn được không?

Đọc thêm bài: chuyện kể người Ý

Thăm Ý như một người bản địa đích thực – cần biết gì trước khi đến Ý?

4. Bị ám ảnh với sự hiệu quả

Thực ra, điều 2 và điều 3 chỉ là hai điều dễ nhận thấy nhất trong nhận thức của người Hà Lan về sự hiệu quả. Dân tộc Đức (German ethnic) nói chung là có tinh thần coi trọng sự hiệu quả và thực dụng. Họ áp dụng nguyên tắc này trong hầu hết mọi mặt của đời sống. Ví dụ như việc tự ai đấy trả: họ ưng việc dùng tiền một cách hiệu quả, chất lượng, không phung phí, và cũng không cần cái tiếng phóng khoáng chẳng hạn. Hoặc như việc đúng giờ, đồng nghĩa với việc sử dụng thời gian một cách có khoa học và triệt để để tối đa hoá năng suất. Hoặc ngay cả như điều thứ nhất về sự thành thực. Cứ thành thực thì mọi chuyện dễ giải quyết hơn, đúng trọng tâm hơn, đỡ phải đi đường vòng. Vậy là giải pháp hiển nhiên hiệu quả hơn rồi.

Đến cả những việc khác nữa. Ví dụ như khi em đi làm, sự bình đẳng được đề cao, ai cũng có quyền lên tiếng. Nhiều khi gốc rễ của những quyền lợi xã hội này nằm ở việc chúng giúp xã hội vận hành mượt mà và năng suất hơn thôi. (Tất nhiên là cũng có nhờ những phát triển nhận thức khác nữa, nhưng em thấy cái coi trọng năng suất và hiệu quả này khá là áp đảo).

5. Người Hà Lan hiếm khi mất bình tĩnh

Đây là một đặc điểm nho nhỏ em để ý thấy ở người Hà Lan. Theo một cách nào đó, người Hà Lan rất chú trọng vào việc giữ bình tĩnh, hiếm khi nổi giận hoặc đánh mất tự chủ ở nơi công cộng. Họ luôn hướng đến kiềm hãm hành vi của mình không để ảnh hưởng đến người khác. Rất nhiều trong số họ luyện tập các phương pháp tự chủ như yoga hoặc thiền, vân vân mây mây.

Nhưng khả năng tự chủ không có nghĩa là họ không “đánh mất mình”. Trên thực tế, người Hà Lan, tương tự như chính đất nước của họ, là tổng hoà của hai thái cực trái ngược. Đêm xuống là khách bộ hành tò mò có thể khám phá ra một mặt khác, điên cuồng, vui vẻ, láu lỉnh và cuồng nhiệt của người dân xứ này trong những câu lạc bộ, sàn nhảy, quán bia hoặc các tụ điểm hoạt động xã hội khác. Hoặc ví dụ như lễ của Vua (King’s day), toàn thể dân Hà Lan sẽ mặc đồ cam và ra đường ăn mừng. Tiệc tùng sẽ mọc lên ở khắp mọi nơi, ai ai cũng “lên nóc nhà” theo đúng nghĩa đen. (Thực ra do tình trạng khách du lịch quá mạnh nên vào lễ này người bản địa đều rút về những bữa tiệc chỗ quen hoặc rave, chứ ngoài đường toàn khách nước ngoài say xỉn là chính).

6. Không phải ai cũng hút cần!

Một trong những định kiến thường đi cùng với hình tượng người Hà Lan đó là họ thích hút cần, và ai cũng hút cần. Nhầm lẫn này cũng dễ hiểu thôi do sự tự do trong tiếp cận với loại chất kích thích dạng nhẹ này. Nhưng trên thực tế, người tiêu thụ cần nhiều nhất lại là…khách du lịch, chứ không phải bản thân người Hà Lan. Nhưng có điều chắc chắn là hầu như người Hà Lan nào cũng đã ít nhất một lần thử. Có người tiếp tục hút và có người không hứng thú tiếp tục. Ngoài ra, ngược với tưởng tượng của nhiều người là cứ đến Hà Lan là sẽ tìm được coffeeshop, thì thực tế một người phải chủ đích đi tìm mới thấy (trừ mấy hàng nhảm như Bull Dog, vừa to vừa ồn). Đa số coffeeshop đều nhỏ, khiêm tốn, ẩn mình ngõ cách, và không được công nhiên quảng cáo.

(Một điều kì lạ là thế này. Cần không gây nghiện, nên có thể nói hút nhiều cũng có cách cai. Cái chính là không hiểu sao nhưng thường người hút có hút nhiều mấy cũng sẽ có lúc dừng. Không ai thực sự kéo dài quá đáng cả. Rất nhiều người em gặp từng hút nặng, và chỉ là tự nhiên đến một thời điểm nào đó thì họ dừng thôi. Như bản thân em cũng vậy, hút rất-nặng trong thời gian sống ở đấy. Nhưng đến một thời điểm nào đấy tự nhiên không còn hứng thú gì với nó nữa, thế là dừng.)

Đọc thêm bài: những coffeeshop đáng thử ở Hà Lan

Tương tự việc hút cần là việc chơi gái điếm. Là một đất nước cởi mở với việc mại dâm, thậm chí là người làm trong ngành mại dâm cũng có các quyền lợi xã hội tương tự các công việc khác, thì bản thân người Hà Lan lại không đi phố đèn đỏ nhiều. (Mà đây còn là đất nước có chính sách trợ cấp cho người khuyết tật đi mua dâm, bởi đây là nhu cầu cơ bản của con người và nhà nước có nghĩa vụ giúp đỡ nếu quyền đó không đạt được đầy đủ).

Đọc thêm bài: những điều cần biết trước khi thăm Hà Lan

7. Người Hà Lan cuồng xe đạp

Hà Lan là quốc gia duy nhất có số lượng xe đạp nhiều hơn người, như vậy là các bác hiểu rồi đấy ạ. Ở cái xứ này, xe đạp ở khắp mọi nơi, và được dùng trong mọi trường hợp di chuyển khả thi nào có thể. Suốt thời gian ở Hà Lan, em đã chứng kiến những trường hợp đi xe đạp từ hài hước đến…bó chiếu. Ví dụ như, em từng thấy một người phụ nữ đèo cả…ba đứa con trên một chiếc xe đạp. Hoặc thấy người Hà Lan đèo…hai két bia ở yên sau. Hoặc thấy những cặp đôi, tình tứ nhẹ thì anh bạn trai tay lái xe tay cầm tay người eo ngồi sau, tình tứ nặng là cả hai đạp xe song song tay trong tay nhìn như phim. Mỗi lần em với bạn em nhìn thấy cảnh này, cả hai người lại rùng mình lên một trận…sến.

Mà đây còn là chuyện ở đất của họ. Chứ lần đầu tiên em đến thăm Ams, thuê phòng airbnb của một cặp đôi người Hà Lan. Bữa đầu tiên ngồi ăn với họ, họ kể họ từng thăm toàn bộ Việt Nam bằng…xe đạp. Trời ơi má thiệt sao. Họ đạp từ Nam ra Bắc, dừng lại cỡ dăm chục thành phố, tổng thời gian đi đứt 5 tháng giời, mò vào cả những con hẻm đổ nát, những khu ổ chuột lầm lũi và những đoạn tàn tích hoang tàn.

Nhập gia thì tuỳ tục, em lúc đến sống ở Hà Lan để bắt đầu thực tập thì cũng mua xe đạp. Và em phải nói rằng lái xe đạp ở Hà Lan đúng là một trải nghiệm nó…tuyệt diệu luôn ấy. Cứ như đang băng băng trong mơ vậy á. Thật không thể hiểu nổi. Đạp xe mùa xuân se se có nắng cảm giác như được tái sinh. Đạp xe mùa hạ chang chang gió phất phơ vỗ về cái nóng. Đạp xe mùa thu lại mơ mộng trầm buồn. Đạp xe mùa đông rét mướt lại ấm người mạnh khoẻ…. Cái gì vậy trời?

Dân Hà Lan cuồng xe đạp thì cũng có lí do thôi. Bên cạnh chỉ lợi không hại, như tăng cường sức khoẻ, giảm ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, tiện lợi, ít tốn phí bảo trì sửa chữa,… thì còn nhờ bản thân đất Hà Lan nhỏ, đạp xe là khả thi (đường phố đất đai bé quá mà đi ô tô lắm thì chỉ tắc cứng họng), và cơ sở hạ tầng của Hà Lan được thiết kế ưu tiên xe đạp. Nhưng bên cạnh những lí do này, em khá chắc dân Hà Lan ưng xe đạp là vì cái sự thơ của nó ấy.

8. Họ là những người nhiệt tình với các tổ chức xã hội

Dân tộc Hà Lan là một trong những dân tộc có số lượng người nhiệt tình với các vấn đề xã hội và môi trường nhất em từng biết. Họ rất hay tổ chức các chiến dịch cổ động giảm thiệt hại môi trường, rác thải, thực phẩm, tham gia các sự kiện xã hội về quyền con người, và phần lớn dân Hà Lan đều có xu hướng tình nguyện vì cộng đồng. Đây là nhìn nhận của em từ vị trí thực tập trong một công ty về thực phẩm dư thừa và môi trường.

Ở Hà Lan, các tổ chức kiểu này rất dễ thành lập và được chính sách ưu ái về giấy tờ và thuế má. Nhờ tinh thần cộng đồng này mà mọc lên rất nhiều các sáng kiến can thiệp vào các vấn đề xã hội.

Từ điểm nhìn của một người châu Á may mắn đến châu Âu nhờ gia đình, em nhiều khi thấy ghen tị với sự may mắn của dân châu Âu khi đất nước họ vượt lên được ở mặt kinh tế để dân có thời gian và tâm trí lo đến những vấn đề rộng và xa hơn. Haha.

9. Dân Hà Lan rất trọng nuôi dưỡng tinh thần cách tân và sáng tạo

Nhờ sự vượt trội về kinh tế, quyền con người, quyền sáng tạo và các chính sách thuận lợi cho làm ăn mà việc sáng lập công ty, tổ chức là tương đối dễ dàng. Chính từ việc này mà guồng máy sáng tạo phải làm việc hết công suất để cạnh tranh với các đối thủ mọc lên dễ dàng như nấm sau mưa. Mà không chỉ trong kinh tế, Hà Lan có những viện nghiên cứu công nghệ và ý tưởng rất thoáng với sáng kiến mới. Tinh thần này, ở quy mô nhỏ, hiện đặc biệt rõ ở giới trẻ với những sự kiện kêu gọi ý thức xã hội, những khu “hipster” hoặc cộng đồng phát triển bền vững, những hoạt động tập trung vào tính trải nghiệm,… đến quy mô lớn như ở trường công nghệ Delft, nơi mỗi năm lại sinh ra một sáng kiến thú vị và độc đáo.

10. Chất lượng cuộc sống rất quan trọng nhé!

Người Hà Lan coi trọng chất lượng cuộc sống về mặt tinh thần nhiều hơn mặt vật chất khá nhiều. (Well với nền phúc lợi xã hội tốt như vậy thì thật tình nói chung họ không cần bị ám ảnh với vật chất làm gì nhiều). Họ sẽ để tâm hơn đến những hoạt động mở mang đầu óc, kích thích tranh luận và suy xét, thích mọi thứ “vừa đủ” hơn là thừa thãi. Điều này thể hiện rõ nhất ở cách họ trân trọng “good time” (Gezelligheid, dịch nôm na ra là kiểu tình huống thân thiện, vui vẻ, thân mật, ấm áp, có không khí “cùng nhau” dễ chịu). Có thể nói người Hà Lan sống vì những khoảnh khắc này. Và thường chúng có thể rất nhỏ. Như hoàn toàn thả lỏng dưới nắng trên thảm cỏ ở công viên. Như một bữa trưa đơn giản ở bờ kênh. Như cuộc chơi thư thả trên thuyền. Như một ly bia sau giờ làm việc,… Có thể nói, thời gian ngắn ngủi sống ở Amsterdam, em hiểu rõ nhất thế nào là trân trọng cuộc sống từ những điều nhỏ nhất.

Từ chất lượng cuộc sống, có thể hiểu rộng đến các sự lựa chọn khác của họ. Ví dụ như người Hà Lan có vẻ khó gần và lạnh lùng. Thực tế họ rất kén chọn bạn bè và thường chỉ ở trong vòng xã hội cá nhân, và rất khó để tham gia vào đó. Hoặc họ chú trọng sự đơn giản trong quần áo, ăn mặc, giao tiếp, hội hè,… Bởi đơn giản là quan trọng hơn cả! Nhưng bù lại, nếu là bạn của họ thì sẽ thực sự nằm trong cuộc sống của họ. Em gặp nhất nhiều những cặp bạn bè phải tính hàng…chục năm (thường là vòng xã hội bạn bè này bắt đầu hình thành từ khi còn bé luôn). Hoặc họ đã sắm sửa cái gì thì thường khá là “chất lượng”. (Ấy thế mà đây là một trong những quốc gia có vấn đề “thải đồ” nghiêm trọng nhất châu Âu)

Đọc thêm bài: cảm nhận cuộc sống ở Hà Lan

11. Người Hà Lan cực kỳ cởi mở với các lựa chọn cá nhân

Có thể nói, Hà Lan là một trong những quốc gia cởi mở với quyền cá nhân nhất em từng có cơ hội thăm. À thì, chúng ta đang nói về một quốc gia mua bán cần sa không bị phạt, mại dâm là một nghề được pháp luật thừa nhận, hôn nhân đồng tính được hợp pháp hoá trước cả thế giới gần cả chục năm, quan điểm tôn giáo không đóng bất cứ vai trò quan trọng gì trong các mối quan hệ trong xã hội, nơi lựa chọn giới tính “lỏng” hơn cả nước và quan điểm chính trị là đầu đề chuyện trà dư tửu hậu!

Bản thân Hà Lan là một nồi lẩu văn hoá đông tây do ngày trước là một trong những trung tâm thương mại hùng mạnh nhất thế giới. Không có gì đáng ngạc nhiên khi dân Hà Lan có văn hoá khoan dung với đa dạng văn hoá, chủng tộc và lề luật khác nhau. Đến thời đại bây giờ, bản thân Hà Lan vẫn hàng năm đón hàng triệu người nước ngoài đến và đi.

(Thực ra đồng nghiệp em nói rằng, người Hà Lan khoan dung với các quan điểm và lựa chọn cá nhân thật, nhưng thực ra không cởi mở với người nước ngoài đến vậy đâu. Họ vẫn luôn “phòng thủ” trong các vòng quan hệ xã hội của họ hơn. Cuộc sống của người nước ngoài ở Hà Lan đúng là nhiều trải nghiệm, tự do và thoải mái thật, nhưng thường vẫn là người nước ngoài dính lấy nhau nhiều hơn là có cơ hội thật sự dung hợp với người bản địa. Trừ những trường hợp định cư cực kỳ lâu dài và bền bỉ).

12. Người Hà Lan yêu các trải nghiệm mới!

“Trải nghiệm” trong quan niệm của người Hà Lan thực sự nằm ở một…tầm cao mới. Bởi với họ, trải nghiệm không phải là một điều gì đấy ngắn ngủi như kiểu một chuyến du lịch ngắn ngày, một bữa ăn mới mẻ xa hoa hay nói chung là cái gì đó tạm thời. Với người Hà Lan, trải nghiệm đòi hỏi sự tận tâm thực sự. Em vẫn không quên được sự ngạc nhiên của chính mình khi lắng nghe những câu chuyện trải nghiệm của họ. Như lần đầu tiên đến Hà Lan được host (như em kể ở trên), họ thực sự… đạp xe đạp khắp Việt Nam và tìm đến những chỗ không ai tìm. Như ông sếp của em sống vô gia cư luôn… 5 năm nay chỉ để tìm giải pháp cho vấn đề thực phẩm thừa đáng báo động của Hà Lan. Như việc cắm trại leo núi dài ngày thử thách bản thân (em kể cái này chưa nhỉ?! Người Hà Lan là những tay cắm trại cừ khôi đấy ạ!). Như việc thực sự theo đuổi những hoạt động sở thích cá nhân một cách bền bỉ (cậu bạn thân của em ở Ams chơi trong một band nhạc không nổi tiếng được đến…cả chục năm rồi, mà vẫn không có bỏ). Hoặc như việc họ rất coi trọng những người nhảy việc nhiều để tìm kiếm cơ hội học tập phát triển mới (thường thì mỗi người làm việc 2 đến 3 năm sẽ có thể tìm việc mới, và đây được xem là dấu hiệu của việc muốn phát triển thêm). Như những cộng đồng phát triển vẫn tồn tại vững chắc do sự ủng hộ của những người bền bỉ. Vân vân và mây mây.

13. Độc lập cá nhân là số 1

Ở xứ sở của những vùng đất thấp, tính tự chủ và độc lập hầu như nằm định hướng mọi lựa chọn, quyết định và hành vi ứng xử. Có lẽ tinh thần tối thượng này là nền tảng của mọi điều phía trên luôn rồi ấy ạ!

Túm lại nhè nhẹ,

Khoảng thời gian ngắn ngủi sống ở Hà lan là một cơ hội mà em sẽ luôn trân trọng. Mặc dù không đủ để thật sự thấu hiểu con người nơi đây, nhưng em vẫn muốn chia sẻ cảm nhận cá nhân mình với xứ sở dễ tương này. Mọi người nghĩ gì về người Hà Lan? Nếu có thể, mọi người muốn thăm Hà Lan để tiếp xúc với con người nơi đây không?

Mọi người đừng quên đăng ký theo dõi blog và page (nguyenX) của em để cập nhật những câu chuyện văn hoá be bé nhé! Ngoài ra, tham khảo thêm mục lục du lịch Hà Lan để tìm ý tưởng cho chuyến đi sắp tới nha.

Thân!

 

 

Like this:

Like

Loading…