Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa – Bài 1: Thăng Long xưa- Hà Nội nay

LTS: Cả nghìn năm qua, dù trải qua muôn vàn biến động về chính trị, kinh tế, xã hội, nhưng cái “chất” thanh lịch vẫn luôn là “hồn cốt” của Hà Nội. Trên cái nền tảng ấy, người Hà Nội hôm nay tiếp nối truyền thống cha ông, xây dựng thêm những nét thanh lịch mới, góp phần tô thắm thêm bản sắc đất kinh kỳ.

Những mong góp thêm đôi điều vào công cuộc xây dựng một Hà Nội ngày càng văn minh, giàu đẹp, Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã tổ chức thực hiện loạt bài “Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa”. Xin giới thiệu cùng bạn đọc!

Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa - Bài 1: Thăng Long xưa- Hà Nội nay

Ảnh trái: Bản đồ Thăng Long năm 1490- bản đồ Hà Nội đầu tiên. Ảnh phải: Bản đồ Hà Nội khoảng năm 1954

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, người gắn bó cả cuộc đời với Hà Nội và luôn dành tình yêu đặc biệt với mảnh đất này, năm nay đã ở cái tuổi gần 90. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến Hà Nội, ông lại không khỏi bồi hồi. Ông cho rằng, câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” được tìm thấy trong thơ của Nguyễn Công Trứ (thế kỷ XIX). Từ đó, có thể đưa ra giả định, hoặc người Hà Nội xưa bị ảnh hưởng từ câu thơ trên của nhà thơ Nguyễn Công Trứ, để tự hào về truyền thống thanh lịch của mình; hoặc cũng có thể chính Nguyễn Công Trứ đã ảnh hưởng từ câu ca dao của người Hà Nội xưa rồi hấp thụ vào thơ mình như một lẽ tự nhiên.

“Hai chữ “thanh lịch” để nói về một tính cách, phẩm chất, giá trị của người Thăng Long- Hà Nội xưa và nay. Duy danh định nghĩa thì “thanh” nghĩa là trong sáng, có màu xanh trong, còn “lịch” đó là “lịch thiệp, lịch sự, lịch lãm, lịch sử”, tức là từng trải và có trí tuệ, cộng với sự trong sáng về mặt đạo đức thì đó là “thanh lịch”. Tuy nhiên, đưa hai chữ “thanh lịch” để làm nền và biểu tượng cho phẩm chất, giá trị tinh thần của người Thăng Long- Hà Nội thì lại phải ứng vào các phạm trù, góc độ và các mặt biểu hiện ra như: Lời ăn, tiếng nói, phong cách ăn mặc… đặc biệt là lối ứng xử trong sáng, tế nhị, duyên dáng nhưng lại có trí tuệ, sự hiểu biết, kinh nghiệm, từng trải”, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho biết.

Những nét đẹp của văn hóa Hà Nội đã được duy trì từ một nền tảng truyền thống, có chiều sâu phát triển. Đó chính là cốt cách để cho dù có đi nơi đâu, xưng danh người Hà Nội thanh lịch, văn minh vẫn luôn mang đến một niềm tự hào khó đong đếm.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa- Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Văn hóa thanh lịch của người Hà Nội là kết quả của quá trình kết tinh giá trị văn hóa trong lối sống, cách ứng xử qua nghìn năm lịch sử của người Thủ đô – mảnh đất tụ nhân, tụ nghề và tỏa sáng toàn bộ những giá trị ấy. Những giá trị tiêu biểu trong văn hóa thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện qua nhiều truyền thuyết, câu ca dao, tục ngữ, câu truyện, bài hát… để mỗi khi chúng ta nghe, nghĩ, nhớ về đều cảm thấy tự hào, thân thương. “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội” chính là câu hát thể hiện rõ nhất tình cảm của người yêu Hà Nội. Tất cả những điều đó là truyền thống đáng trân trọng, cần giữ gìn của người Thủ đô.

“Văn hóa thanh lịch là niềm tự hào của Hà Nội, đồng thời là đại diện tiêu biểu cho đất nước, con người và văn hoá Việt Nam. Vì thế, chúng ta luôn mong muốn gìn giữ và phát huy những giá trị này cho hiện tại và tương lai. Những nét thanh lịch này cần được thể hiện trong mọi hình thức của sinh hoạt văn hóa, từ văn hóa giao tiếp đến ứng xử, từ văn hóa ẩm thực đến cách ăn mặc, trang trí nhà cửa, trong gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội… cần được tôn vinh qua các sự kiện và tuyên truyền một cách đa dạng, phong phú và hấp dẫn để lan tỏa giá trị của văn hóa thanh lịch qua các phương tiện truyền thông. Làm được điều đó, văn hóa thanh lịch sẽ trở thành hành trang cho người Hà Nội, đặc biệt là thế hệ trẻ, có thêm bản lĩnh, sự tự tin văn hóa để hội nhập quốc tế. Đây là vốn sống quan trọng để hình thành tư duy sáng tạo độc đáo trên nền tảng giá trị văn hóa truyền thống, chắc chắn sẽ tạo điều kiện để chúng ta xác định chỗ đứng của mình trong thế giới toàn cầu hóa sâu sắc”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa - Bài 1: Thăng Long xưa- Hà Nội nay

Ảnh 1: Phố Hàng Đào năm 1941. Ảnh 2: Phố Hàng Than. Ảnh 3: Phố Bát Sứ (1883-1886).

Ảnh 4: Thợ tiện gỗ trên phố Tô Tịch làm việc ngay ngoài đường (1980-1983).

Kinh kỳ mang những đặc trưng của vùng đất hội tụ tinh hoa cả nước. Bởi lẽ ấy, cuộc sống, tính cách con người kinh kỳ cũng mang dáng dấp tiêu biểu cho cả dân tộc. Để tồn tại và phát triển được ở đất kinh kỳ, những người nhập cư vào đây phải cọ xát, đua trí, đua tài và văn minh lên. Và dần, nét tài hoa, tính sành mặc, sành chơi, sành ăn, sành làm thấm dần vào từng thế hệ. Để rồi, đến những thế hệ tiếp theo và sau này được sinh ra ngay trên chính đất Hà Nội, chất kinh kỳ ngày càng nổi trội. Và cuối cùng, qua nhiều thập kỷ, thế kỷ, trở thành người Hà Nội.

Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa - Bài 1: Thăng Long xưa- Hà Nội nay

Mảnh đất kinh kỳ mang những đặc trưng của vùng đất hội tụ tinh hoa cả nước.

Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa - Bài 1: Thăng Long xưa- Hà Nội nay

Lễ hội vật cầu của làng Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có từ thời vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072).

Nói về vẻ đẹp thanh lịch của Hà Nội, PGS, TS Trần Hữu Sơn, nguyên Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “Bản sắc truyền thống của Hà Nội rất đậm đặc, bởi vậy người xưa thường nói người Hà Nội thanh lịch. Mảnh đất kinh kỳ quy tụ nhiều cư dân ở các nơi về chung sống. Vì thế, trải qua thời gian, đã chắt lọc những tinh túy để quy tụ lại trong vẻ đẹp thanh lịch. Trong nét thanh lịch đó có những điểm đặc trưng của các vùng, miền, đặc trưng đó làm cho Hà Nội mang sắc thái của quốc gia chứ không chỉ sắc thái của riêng Hà Nội”.

Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa - Bài 1: Thăng Long xưa- Hà Nội nay

Ảnh trái: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và tàu điện (hoạt động từ năm 1901 đến năm 1990)

Ảnh phải: Phố Đồng Xuân, mặt trước của chợ là điểm tránh tàu luôn tấp nập. Ảnh: John Ramsden

“Nét thanh lịch của người Hà Nội xưa vẫn được phát huy đến Hà Nội ngày nay, cho dù cuộc sống đô thị có nhiều thay đổi nhưng sự tinh tế của người Hà Nội vẫn còn, đó là lối sống không bao giờ xô bồ, phụ nữ luôn nhẹ nhàng dịu dàng, nữ công gia chánh rất được coi trọng và nổi bật so với các vùng khác. Hai địa phương coi trọng vấn đề nữ công gia chánh đối với phụ nữ là Hà Nội và Huế. Người Hà Nội khi tiếp cận cái mới cũng có biến đổi nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch”, PGS, TS Trần Hữu Sơn nhấn mạnh.

Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa - Bài 1: Thăng Long xưa- Hà Nội nay

Ký họa “Hà Nội phố” . Tranh: TÔ NGỌC

Cuộc sống vội vã cộng với những guồng quay của công việc và biết bao lo toan khiến cho người ta quên hoặc cố tình quên đi mảnh nào đó thuộc về truyền thống. Thế nhưng, người Hà Nội còn thì tức là cái vốn văn hóa kia vẫn sống. Bởi đó là một phần của cốt cách tạo nên con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch.

Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa - Bài 1: Thăng Long xưa- Hà Nội nay

Phố Hàng Bạc cuối thế kỷ 19.

Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa - Bài 1: Thăng Long xưa- Hà Nội nay

Phố Hàng Bạc (1883-1886)

Bước vào khu phố Hàng Bạc, chúng tôi tìm đến căn nhà của bà Hoàng Thị Khuê- một phụ nữ gốc Hà Nội năm nay đã 88 tuổi để tìm hiểu về văn hóa và nét thanh lịch của người Thăng Long xưa.

Căn nhà của bà Hoàng Thị Khuê giờ đây vẫn được sắp xếp theo phong cách của người Hà Nội xưa. Với mái tóc bạc trắng được buộc trễ theo kiểu đặc trưng của thiếu nữ Hà Nội, bà Hoàng Thị Khuê giờ đã ở vào tuổi “bát thập cổ lai hy” nhưng phong thái, cách nói chuyện rất nhẹ nhàng, cuốn hút người nghe bằng sự thanh lịch.

Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa - Bài 1: Thăng Long xưa- Hà Nội nay

Bà Hoàng Thị Khuê, người phụ nữ gốc Hà Nội năm nay đã 88 tuổi chia sẻ về nét đẹp văn minh, thanh lịch của người Hà Nội.

Với người phụ nữ đã gắn bó cả cuộc đời với phố cổ Hà Nội thì những nét thanh lịch của người Tràng An vẫn luôn được lưu giữ bởi đó là đặc trưng của mảnh đất kinh kỳ. “Người Hà Nội xưa rất kín đáo, không khoe khoang, phô trương mà rất thanh lịch, ăn nói nhẹ nhàng, không thô thiển, đối xử với nhau rất tình cảm, một điều thưa gửi rất lễ phép, nhất là câu “Vâng ạ!” được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Dù là người nhiều tuổi nói chuyện với người ít tuổi họ vẫn dành cho nhau câu “Vâng ạ!”, đó là nét đặc trưng của Hà Nội”, bà Hoàng Thị Khuê cho biết.

Cảm nhận về nét văn minh, thanh lịch của người Hà Nội, Hồng Nhung-ca sĩ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội cho rằng: “Dù đi đâu chăng nữa thì Hà Nội luôn hiện hữu và có một vị trí đặc biệt trong lòng tôi, bởi mảnh đất này không chỉ là nơi đã sinh ra, nuôi nấng tuổi thơ, mà đây còn là nơi ươm mầm và giúp tôi đến với con đường nghệ thuật. Những ký ức đã qua về những năm tháng tuổi thơ của tôi thì sẽ không thể trở lại nhưng sẽ không bao giờ mất đi bởi tôi đã lưu giữ rất kỹ trong trái tim mình.

Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa - Bài 1: Thăng Long xưa- Hà Nội nay

Lễ hội đền Kim Liên, Hà Nội.

Ký ức của tôi về Hà Nội, đó là tình người, tình cảm của mọi người dành cho nhau. Trong đó có cả cách ứng xử của người Hà Nội nữa, luôn mang nặng nghĩa tình. Người Hà Nội luôn thể hiện nét thanh lịch trong lời ăn, tiếng nói, trong cách nói chuyện luôn có sự thưa, gửi, kính trên nhường dưới rất đúng mực. Nét thanh lịch của người Hà Nội đã có từ hàng nghìn năm nay và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến bây giờ, cho dù xã hội có thay đổi, Hà Nội phát triển hơn, mở rộng hơn xưa nhưng những gì tinh túy mang đậm chất Hà thành thì mãi sẽ được lưu truyền và phát triển”.

Nét thanh lịch của người Hà Nội xưa và nay được thể hiện trong từng nếp nhà. Từ truyền thống gia đình, các thế hệ tiếp nối, kế tục những tinh hoa của cha ông trao truyền lại.

Trong buổi gặp mặt đại diện gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2022 của Thủ đô nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 vừa qua, bà Trần Thị Vân Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh: “Với vị thế là trung tâm văn hóa của đất nước, công tác xây dựng gia đình văn hóa, quản lý nhà nước về gia đình của thành phố Hà Nội đã có nhiều kết quả rất rõ nét. Nổi bật với những tấm gương gia đình văn hóa của Thủ đô đã được thành phố, các ban, ngành, đặc biệt là các quận, huyện, thị xã tổ chức tôn vinh, khen thưởng. Công tác gia đình, nhiều gia đình văn hóa đã góp phần quan trọng và thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Thăng Long – Hà Nội với truyền thống nghìn năm văn hiến, đã được người dân cả nước ca ngợi với những nét đẹp trong tính cách: Hào hoa, thanh lịch. Để phát huy được những nét đặc trưng đó, mỗi người khi chọn Thủ đô làm nơi sinh sống thì phải biết học hỏi, chọn lọc, kế thừa truyền thống, tiếp thu những cái hay, cái mới và thể hiện trong đời sống hàng ngày.

Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa - Bài 1: Thăng Long xưa- Hà Nội nay

Vẻ đẹp thanh lịch của phụ nữ Hà Nội.

Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa - Bài 1: Thăng Long xưa- Hà Nội nay

Nét đẹp con gái Hà thành.

  • Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa - Bài 1: Thăng Long xưa- Hà Nội nay
  • Nội dung:

    LỆ HUYỀN – TUẤN SƠN – NGUYỄN THẢO – THU THỦY – TRẦN YẾN

  • Ảnh: Báo QĐND, Báo Đại biểu nhân dân, Tư liệu, Ban quản lý phố cổ Hà Nội và TUẤN HUY
  • Kỹ thuật, đồ họa:

    TÔ NGỌC