Nguyễn Minh Châu: Từ “cửa sông” ra biển lớn
Văn học hiện đại Việt Nam đã và đang tiến hành giao lưu và hội nhập toàn cầu. Một trong khuynh hướng đổi mới nghiên cứu và giảng dạy của cơ sở đào tạo Đại học là chú ý phát hiện , khai thác và từ đó là đề cao , phát huy những hình mẫu tác gia tiêu biểu nhất trong lịch sử văn học. Đó cũng là một hình thức quảng bá, giao lưu văn học với tinh thần hoà nhập bình đẳng ,tự hào, thể hiện bản sắc dân tộc theo phương châm “hoà nhập mà không hoà đồng”.
Tác giả bài viết này xin nêu một minh chứng cụ thể cho quan niệm trên khi dẫn ra trường hợp nhà văn Nguyễn Minh Châu
Năm vừa qua, tại Viện Văn học đã diễn ra Hội thảo khao học “Nguyễn Minh Châu và tiến trình đổi mới văn học” nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Năm nay, 90 năm ngày sinh nhà văn (1930 – 2020) cũng đã có những bàn thảo tiếp tục .
Cho tới kỷ niệm 100 năm tới (2030), chắc rằng những hội thảo khoa học lớn sẽ mở ra. Tất cả những hội thảo với độ lùi lịch sử đáng kể đó đều nhằm đánh giá thêm về vai trò và ảnh hưởng của nhà văn với sự nghiệp văn học chung của đất nước.
Đã có sự đánh giá cao rất thời sự của Nguyễn Khải: “Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc của những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam, và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng say này”.
Bài viết này, trong tình hình và xu thế văn học hội nhập toàn cầu hiện nay , muốn khẳng định vai trò tầm cỡ của Nguyễn Minh Châu – một nhà văn lớn của văn học hiện đại. Và, khái quát hơn, Nguyễn Minh Châu còn là hình mẫu tiêu biểu nhà văn của thời đại mới, như một “công dân toàn cầu” lý tưởng.
I/ Nhà văn có tầm nhìn cao xa, sâu rộng
Là nhà văn mặc áo lính, trong đời Nguyễn Minh Châu đã từng biết Những vùng trời khác nhau, từng được đặt chân tới nhiều vùng miền, quê hương đất nước với những đặc trưng khu biệt: vùng đồng bằng, trung du và miền núi, vùng duyên hải. Nhà văn cũng từng có những chuyến đi biển và hải đảo.
Cuộc sống trải nghiệm khiến nhà văn có con mắt nhìn bao quát – vừa cao xa, vừa sâu rộng. Từ đó là cái nhìn, tầm nhìn xuyên suốt, xuyên thấu về cuộc đời, về con người thể hiện qua tư duy và sáng tác.
Là người mác xít, cái quý giá trong tâm tưởng nhà văn là chất biện chứng. Sự vật, sự việc và con người luôn vận động, biến đổi và phát triển.
Đặc biệt là trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau.
Nguyễn Minh Châu đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông đã sống những ngày đất nước thống nhất và bước đầu đổi mới.
Một cách đại thể, có thể thấy Nguyễn Minh Châu là một người viết của một buổi giao thời: giữa chiến tranh và hoà bình như một thế hệ đồng đội.
Chiến tranh nhân dân Việt Nam mang nét đặc trưng lịch sử.
Đã có thời, nửa nước hoà bình, nửa nước chiến tranh. Rồi tình trạng vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; vừa giữ nước, vừa dựng nước.
Sự chuyển biến giữa các trạng thái đó đều không thể đơn thuần. Nhất là từ chiến tranh chuyển sang hoà bình không hề đơn giản, mà thực chất có diễn biến mang tính chất dữ dội của nó – cuộc chuyển mình dữ dội từ đời sống đến văn học.
Là người trải nghiệm qua chiến đấu, Nguyễn Minh Châu thấm thía tất cả những điều đó.
Sáng tác của nhà văn trước và sau 1975 đã thể hiện những cái nhìn khác nhau về chiến tranh.
Ông vẫn là người trong cuộc, nhưng sự thể hiện chiến đấu trong Cửa sông, Dấu chân người lính có khác về sự chuyển biến nhận thức ở Miền cháy (1977), Lửa từ những ngôi nhà (1977), Những người đi từ trong rừng ra (1977). Đây là những tác phẩm được ra đời ngay sau năm 1975.
Âm vang, âm hưởng của văn học sử thi vẫn còn, nhưng xu hướng nhìn lại chiến tranh, tìm thêm các giá trị nhân văn của chiến tranh khổng hẳn chỉ là của Nguyễn Minh Châu.
Cái nhìn về con người cũng không như trước – trong thời chiến. Nhà văn đã bám sát biện chứng tâm hồn để tìm ra những đổi thay và chuyển biến mới.
Tôi đã viết về nhận xét này, khi khẳng định dấu ấn sự nghiệp Nguyễn Minh Châu:
“Tuy nhiên, cách nhìn cuộc đời và con người của nhà văn đã dần dần khác trước thấy rõ được đa diện, sinh động và phức tạp mới trong tất cả cái đa sự, đa đoan. Nếu như trước kia là tìm con người trong sự kiện, trong chiến tranh, thì giờ đây là cuộc khám phá con người trong chính họ. Nổi lên là ý nghĩa nhân đạo sâu sắc sau chiến tranh”.
Đó là cái nhìn xuyên suốt của nhà văn từ những năm sau 1975, kể từ cụm sáng tác 1977 kể trên, đến những tác phẩm cuối đời vào thập kỷ 80.
Rõ ràng, nhà văn có quan điểm Viết về chiến tranh (Tiểu luận đăng trên Văn nghệ quân đội, số 11, 1978).
Trước sau, Nguyễn Minh Châu chỉ “hành quân” trên một con đường lớn. Đó là đại lộ chiến đấu vì quyền sống, và quyền hạnh phúc của con người. Chỉ có điều là, ông nhìn ra phương hướng và xác định mục tiêu khác nhau, do lịch sử đề ra.
Trước 1975, Nguyễn Minh Châu “chiến đấu cho quyền sống của dân tộc”, sau đó chuyển sang “cuộc chiến đấu cho quyền sống của từng con người” .
Luôn nhìn xã hội và con người với cái nhìn tìm tòi, khám phá và phát hiện, nhà văn không bao giờ tự hài lòng với sự quan sát bên ngoài, hình thức chủ nghĩa.
Khi chuyển vào đời sống sau chiến tranh, nhà văn đã có cái nhìn tinh tường qua bao nhiêu ngổn ngang, bề bộn, xáo trộn, phức tạp.
Qua đó, là sự phát hiện thế giới tâm hồn của con người trong một xã hội dân sự mới. Đó là con người với muôn mặt đời thường, trong đó phần sáng bộc lộ, phần tối khuất lấp, cả tốt – xấu, thiện – ác đều đan xen, chen lấn và giao tranh với nhau.
Chính vì thế, mà thế giới nhân vật trong sáng tác thường đa dạng và phong phú hơn.
Cho đến cuối đời, Nguyễn Minh Châu vẫn đi sâu vào khám phá thế giới con người thẳm sâu đầy bí ẩn. Đó là cái nhìn và sự phát hiện con người trong chiều sâu triết học – thẩm mỹ. Nói như Bakhtin: “Con người trong con người”.
II/ Nhà văn có tư tưởng cao cả, sáng đẹp
Nhà văn chân chính nào, trước hết và xét cho cùng, cũng phải có tư tưởng. Đó có thể là tư tưởng về chính trị, về nhân sinh, xả hội, và tư tưởng về văn học – nghệ thuật.
Những sáng tác phẩm của họ đều có một thông điệp về tư tưởng ấy. Khi phân tích sàn phẩm nghệ thuật, bao giờ độc giả cũng tìm ý tưởng được phát ngôn của tác giả.
Như mọi nhà văn danh giá, Nguyễn Minh Châu là một nhà suy tưởng khi cầm bút . Hơn thế, ông còn là nhà tư tưởng lớn. Bởi, ông thực chất chính là người viết mang tư tưởng cao cả và sáng đẹp.
Là thế hệ nhà văn trải qua cả cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ 30 năm, một cuộc đấu tranh onah liệt trong trường kỳ lịch sử của dân tộc, Nguyễn Minh Châu đương nhiên thấm nhuần tư tưởng của dân tộc trong thời đại. Đó là lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” như động lực kỳ diệu đã làm nên chiến thắng vẻ vang.
Cũng như thế, ông thấm đượm truyền thống nhân văn của dân tộc: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy trí nhân để thay cường bạo” (Nguyễn Trãi).
Tuy nhiên, là chủ thể tư duy và sáng tạo nghệ thuật, nhà văn có sự tiếp biến để thể hiện những nét bản sắc độc đáo.
Chủ nghĩa nhân đạo cách mạng kết hoà với truyền thống nhân văn của đạo lý dân tộc có biểu hiện đặc sắc của nhà văn.
Có thể coi ở một góc độ khái quát rằng, Nguyễn Minh Châu là nhà văn mang tư tưởng thời đại, mang lý tưởng nhân văn thời đại mới. Đó là thời đại mà đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trong Tuyên ngôn độc lập 1945: “Con người có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Cùng đồng đội mặc áo lính,nhà văn thực hiện chân thực, sinh động nhất lý tưởng giải phóng dân tộc và giải phóng nhân loại “ Ta vì ta ba chục triệu người / Cũng vì ba nghìn triệu trên đời” ( Tố Hữu).Một đời cầm súng và cầm bút, Nguyễn Minh Châu tuyên bố minh bạch, dõng dạc về cuộc chiến đấu “ cho quyền sống của cả dân tộc” và “ cho quyền sống của từng con người”. Nhà văn có dịp phát biểu về tính nhân văn của người nghệ sĩ mới “ Tình yêu này của người nghệ sĩ, vừa là niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải , một nỗi quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh mình” , .
Nhà văn chủ trương một tình yêu lớn như vậy có thể sẻ chia, thông cảm sâu sắc và hơn thế, nâng đỡ,bênh vực, trợ lực con người đứng vững và đi lên trong cuộc sống đầy gian nan, thử thách.
Giống như Nam Cao xưa kia, Nguyễn Minh Châu không chỉ quan tâm chia sẻ với một lớp người, loại người nào, mà thương cảm bao trùm những phận người, những kiếp người.Qua nhân vật truyện , ta thấy rõ cảm thức nhân loại của nhà văn. Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành hay người phụ nữ trong Chiếc thuyền ngoài xa là những nhân vật có vẻ dị biệt nhưng lại mang tính phổ quát, là nhân vật tư tưởng mang triết lý nhân sinh của nhà văn.Trong chiến tranh, nổi lên trên những trang viết Nguyễn Minh Châu là cảm hứng anh hùng. Đó là biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn đặc sắc trong thời cuộc. Cảm hứng này lại giao hoà với cảm hứng nhân văn sau chiến tranh để thực hiện một quan niệm nhất quán là “đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Nhà văn chuyên tâm, gắng sức . trước sau đi tìm vẻ đẹp tâm hồn .
Nhà văn từng phân tích, trước đây do hạn chế lịch sử, ta thường theo quán tính nhìn một chiều, phiến diện.Gio72 đây, trong tình hình mới, với tư duy phản biện xã hội tích cực,, nhà văn đã có phát hiện mới về con người với đời sống tâm hồn phong phú, phức tạp . Trong cơ chế thị trường nhà văn đã sớm nhân thấy mặt trái là xuống cấp đạo đức . Từ đó là một đề xuất mới về xây dựng đạo đức xã hội.
Trước hết phải là sự tự vấn, tự phản tỉnh của cá nhân. Con người phải xem lại, soi xet kỹ lại bản thân mình, tiến hành cuộc đấu tranh với chính mình để loại trừ những thói hư, tật xấu.đồng thời là sự xác định hệ giá trị nhân cách con người mới trong hoàn cảnh mới.
Cũng rất giống với Nam Cao, nhà văn có thức tỉnh mới với thông điệo tư tưởng lớn là hoàn thiện nhân cách. Đó là triết lý với các truyên Bức tranh, qua cuộc sám hối âm thầm mà quyết liệt, truyện Dấu vết nghề nghiệp , qua sự tự thú muộn màng…Nhất là qua Một cuộc đối chứng- hiện tượng đối chứng giữa con người và con vật- để tìm ra bản chất đích thực của con người : tính chất người, hay chính xác hơn, tinh chất người.
Từ sự thoái hoá cuả nhân cách, nhà văn đê xuất một thông điệp như một tư tưởng phái sinh. Đó là sự phê phán mặt trái tiêu cực của người nông dân lạc hậu.
Lão Khúng trong Khách ở quê ra xa lạ thậm chí như dị ứng với cuộc sống đô thị.Lão vốn gốc gác lâu đời nông thôn nên “ cận thị”, thiển cận, tầm nhìn quanh quẩn , chật hẹp nơi luỹ tre làng “người sản xuất nhỏ cổ sơ”.Do đó không khỏi có hạn chế tư tưởng là kinh nghiệm chủ nghĩa, bảo thủ, cổ hủ. Những con người quê biển tác giả gợi cảm tưởng như thuộc về một thế giới hoang sơ nào! Có một cảm xúc tâm linh : con bò Khoang lại quay về với lão như định mệnh gắn bó cuộc đời người-bò : “Con bò quay về gặp chủ nó là sự thảm hại “não nùng” của ảo tưởng tự do của lão Khúng”.Người nông dân cũng dễ bị tha hoá, dễ trỗi dậy mặt bản năng, thực dụng khi có cơ hội như trường hợp Dũng, con trai lão , định hành hung hàng xóm. Giấc mơ của lão Khúng có tính chất tượng trưng : chính lão đã dùng búa tạ bổ vào đầu con bò Khoang. Tác giả phác ra hai khả năng giới hạn của số phận nông dân. Họ vẫn là nạn nhân của chế độ bóc lột nhưng vẫn có thể trở thành phạm nhân, kẻ tội đồ : những “ác ôn”, “ cường hào mới” ở nông thôn.Nguyễn Minh Châu từng có giả định kỳ lạ nhưng có yếu tố hiện thực : Chí Phèo “ tái sinh” thành lính nguỵ và chính tên pạc- ti- dăng đã bắn chết Nam Cao có thể chính là Chí Phèo.
Đã có thời dư luận chính trị lên án cái gọi là “chủ nghĩa nông dân” và sự tác hại của nó, không phải chỉ ở đất nước ta mà nhìn rộng ra còn ở nơi có nền nông nghiệp lạc hậu từ lâu đời. Từ sự khám phá, phê phán sâu sắc mặt trái trong phẩm cách nhân vật Khúng ,Nguyễn Minh Châu đề xuất việc giao lưu văn hoá, khoa học, kỹ thuật trong hoàn cãnh mới sẽ phát huy mât tích cực trong quá trình phát triển mới của xã hội để biến họ thành người nông dân hiện đại trong xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Với chức năng tiên tri, Nguyễn Minh Châu đã đưa ra những tiên cảm, dự báo và cảnh báo tầm xa như vậy.
Thi sĩ, văn nhân thường “yêu cảnh thiên nhiên đẹp”.Hơn thế, Nguyễn Minh Châu còn có ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn giá trị tự nhiên với quan điểm có tính thời sự- thời đại. Nhà văn còn có tư cách nhà khoa học sinh thái môi trường.
Sống mãi với cây xanh rất tiêu biểu cho tư tưởng ấy.
Đó là một tư tưởng rất mới, rất hiện đại thời nay. Trong truyện, Nguyễn Minh Châu xây dựng mối quan hệ song trùng giữa bác Thông và cây sấu cổ thụ trên phố.Khi cây sấu bị đốn hạ để mở đường, bác như rơi vào trạng thái bị chấn thương : “kiệt sức vì đau đớn và cô độc”. Đó là hai thực thể bị tổn thương trong đời sống hiện đại. Đó là “ niềm tin pha lẫn âu lo” về tương lai đô thị hoá (Khách ở quê ra, Sống mãi với cây xanh).
Thực ra quan niệm thiên nhiên như những thực thể độc lập vốn có từ xưa qua nhân thức tâm linh triết học đồng nhất Thiên – Địa – Nhân : vạn vật hữu linh, con người bình đẳng và hoà đồng với tạo vật.Tư tưởng của tác giả truyền vào truyện rất minh triết: ý thức về sự cần thiết bảo tồn môi trường thiên nhiên, môi trường văn hoá, lịch sử cho tương lai đô thị hoá, công nghiệp hoá hiện đại.Thế giới xanh đang là khẩu hiệu , lời hô hào khẩn thiết vì mục tiêu phấn đấu cho môi trường sinh thái của loài người ngày nay.
Có một truyện rất thời sự mà lại mang tư tưởng rất thời đại là Mùa trái cóc ở miền Nam .
Sư già Thiện Linh, sau 20 năm nương nhờ cửa Phật, gửi trọn niềm tin và niềm hy vọng vào Toàn – đứa con trai duy nhất của mình, nay đã là sĩ quan của quân đội giải phóng. Cuộc gặp gỡ của “tình mẫu tử thiêng liêng” đã lại trở thành một tình huống bi kịch: “vui vẻ, cảm động, nhưng hoàn toàn bất ngờ và trái ngược như một phiên toà đại hình”.
Đó là thái độ vô cảm, vô ý thức, vì chỉ quan tâm đến lý lịch của mẹ khi sống trong vùng địch thời tạm chiếm. Toàn là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức cần lên án.
Dân tộc hoà hợp từ gia đình hoà hảo. Đó là tinh thần cốt yếu của chủ nghĩa nhân văn cách mạng: vị tha và bao dung. UNESCO có chủ trương Năm khoan dung (1995) vì sự nghiệp chung sống hoà bình, phát triển và ổn định của nhân loại.
Xoá bỏ hận thù với tinh thần hiện đại là không có kẻ thù vĩnh viễn. Đồng thời, vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai là ứng xử nhân văn tiến bộ nhất của những địch thủ trong cuộc chiến. Quan hệ quốc tế mới, tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong vòng 25 năm qua là một minh chứng hùng hồn của lịch sử.
Nguyễn Minh Châu trong sâu thẳm tâm hồn chắc đã dự cảm được tương lai hoà hợp dân tộc, hội nhập quốc tế của tư tưởng thời đại.
III/ Nhà văn có quyết tâm đổi mới sáng tạo mạnh mẽ
Khuynh hướng đổi mới luôn tuân thủ quy luật của tiến bộ xã hội. Đổi mới xã hội kéo theo đổi mới văn nghệ như một tất yếu.
Nguyễn Minh Châu là người sớm nhận thức ra vấn đề và trở thành ngọn cờ tiên phong.
Thực ra, nhà văn thức thời này đã âm thầm tự đổi mới từ lâu.
Với nhận thức đổi mới như tư tưởng nghệ thuật chủ đạo, nhà văn đã mở đầu bằng loạt tác phẩm ngay sau kết thúc chiến tranh, từ năm 1977: Miền cháy, Lửa từ những ngôi nhà, Những người đi từ trong rừng ra. Cho đến sau đó, vẫn là sự trăn trở để tìm đường và chuyển biến rõ rệt: Bến quê (1985), Mảnh đất tình yêu (1987), Chiếc thuyền ngoài xa (1987).
Như phát pháo lệnh bùng nổ, Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn minh hoạ (Văn nghệ 49, 50 5,6/12/1987) là một tuyên ngôn đổi mới vang động mặt trận văn nghệ của Nguyễn Minh Châu. Tuyên ngôn này đã có điểm tựa là loạt tác phẩm thực nghiệm như đã nêu trên.
Tư tưởng chủ đạo là Đổi mới gắn liền với Sáng tạo. Đó là kết quả của một quá trình nhận thức sâu sắc, và hành động mạnh mẽ, hiệu quả: nói và làm tốt qua thực tế mới có sức thuyết phục cao nhất.
Từ đây, sự nghiệp của Nguyễn Minh Châu gắn liền với tiến trình đổi mới văn học: nhà văn là tiêu biểu cho tinh thần đổi mới. Ông như ngọn cờ tiên phong có sức vẫy gọi mạnh mẽ. Nhà văn được đánh giá là một trong những người mở đường “tinh anh và tài năng”.
Hội thảo “Nguyễn Minh Châu và tiến trình đổi mới văn học” nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà văn tại Viện Văn học (10/10/2019) đã có sự đồng thuận cao về đánh giá vai trò và ảnh hưởng của nhà văn.
Cho đến nay, nhiều chuyên gia lý luận hàng đầu đã sơ bộ tổng kết mấy vấn đề trọng yếu căn cứ vào tuyên ngôn và thực tiễn sáng tác của Nguyễn Minh Châu.
Cơ sở nhận định quan trọng là: thực trạng văn học đang có thiếu sót là thiếu chân thật, phương pháp sáng tác có sai sót là chưa chú trọng phản ánh cái thực tại vốn có, nhà văn còn nặng giáo điều, thiếu bản lĩnh tự do sáng tạo.
Từ đó, Nguyễn Minh Châu đề xuất thay đổi thực tiễn sáng tác từ một hệ hình tư duy lý luận mới, với cái nhìn mới thật chân thực về cuộc sống và con người, một phương pháp mới hiện thực đích thực.
Đặc biệt, nhà văn cũng đề cao lương tri, tâm huyết nghề nghiệp, hết sức trung thực, nghiêm khắc, hết lòng trân quý con người:
“Văn học là như vậy: làm hiện hình lên những huyền diệu bí mật của cõi lòng người (…) Chỗ nào có con người, thì có văn học” (Trang giấy trước đèn, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002).
Xét cụ thể, có thể thấy, trên hệ thống tư duy nghệ thuật: Quan niệm nghệ thuật về con người, Hệ thống đề tài. Nhất là nghệ thuật tự sự văn xuôi như đặc sắc cách tân của nhà văn.
Từ đây còn là sự phát triển mới những đặc sắc về phong cách nghệ thuật của nhà văn.
Đây là những vấn đề phong phú dành cho công trình nghiên cứu công phu về sự nghiệp đổi mới văn học của nhà văn.
***
Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Minh Châu đã hoàn tất, nhưng ảnh hưởng của nhà văn còn lan toả mãi.
Sinh thời, đã có lúc dư luận văn đàn xôn xao về một tác phẩm, hoặc tiểu luận nảy lửa của ông. Tuy nhiên, theo thời gian, dư luận khách quan – khoa học đã đánh giá chính xác về tầm vóc của nhà văn.
Đó là sự nhất trí tôn vinh Nguyễn Minh Châu là nhà văn tầm cỡ hàng đầu, và một nhân cách văn hoá lớn. Đặc biệt là vai trò người mở đường tinh anh và quyết liệt cho đổi mới văn học:
“Nhà văn Nguyễn Minh Châu là người đầu tiên, với một trái tim bỏng cháy như muốn thiêu đốt cả đất trời này, riết róng lo toan cho sự đổi mới văn chương Việt đương đại” (Đỗ Ngọc Yên, Nhà văn Nguyễn Minh Châu – Người lập ngôn “tử tế”, http://toquoc.vn, 11/7/2013).
Chỉ xin được nhấn mạnh điều quan trọng này: Nguyễn Minh Châu là nhà văn đồng hành sát sao với thời đại, luôn có khát vọng mãnh liệt hiện đại hoá tư duy văn học, cùng với bồi đắp cảm hứng nhân văn như cảm thức nhân loại.
Nguyễn Minh Châu thường trao đổi với bè bạn về vấn đề “Gia nhập vào đời sống văn học thế giới”, hoặc “hoà đồng cùng nhân loại”. Đó cũng là khát vọng lớn của nhà văn.
Bằng quan niệm và thực tiễn sáng tác thời Đổi mới, Nguyễn Minh Châu đã hiện thực hoá giấc mơ đời viết. Có thể nói, ông cũng là một trong số những nhà văn hàng đầu của Việt Nam, sớm hội nhập thế giới.
Từ Cửa sông, Nguyễn Minh Châu cùng đồng đội đã tìm ra mênh mông Đại dương như tiếp lời Biển gọi (Hồ Phương). Bến quê đã và sẽ là nơi neo đậu và qua lại của ngàn vạn những thuyền , tàu biển khơi./.
Đoàn Trọng Huy
PGS. TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
——
Tài liệu tham khảo
[1] Trần Hoài Anh (2019), Nguyễn Minh Châu với việc góp phần khai mở hệ hình tư duy lý luận văn học thời kỳ đổi mới, http://vanhocsaigon.com, 10/12/2019.
[2] Nguyễn Minh Châu (2002), Toàn tập (1, 2, 3, 4, 5), NXB Văn học.
[3] Đỗ Đức Hiểu (1999), Đổi mới đọc và bình văn, NXB Hội Nhà văn.
[4] Đoàn Trọng Huy (2015), Về con đường sáng tác Nguyễn Minh Châu, http://nguvan.hnue.edu.vn, 17/10/2015.
[5] Đoàn Trọng Huy (2019), Nguyễn Minh Châu – Trái tim nhân hậu, quả cảm vì con người in trong Ánh sao đầu súng, NXB Văn hoá – Văn nghệ.
[6] Phạm Duy Nghĩa (2006), Nhà văn Nguyễn Minh Châu và cảm hứng nhân văn, NXB Hội Nhà văn.
[7] Nhiều tác giả (1999), Nguyễn Minh Châu – Con người và tác phẩm, NXB Hội Nhà văn.
[8] Nhiều tác giả (2001), Nguyễn Minh Châu – Tài năng và sáng tác nghệ thuật, NXB Hội Nhà văn, Văn hoá Thông tin.
[9] Nhiều tác giả (2002), Nguyễn Minh Châu – Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục.
[10] Nhiều tác giả (2009) Di cảo Nguyễn Minh Châu , NXB Hà Nội.
[11] Trần Thị Thái (2009), Những đóng góp của Nguyễn Minh Châu trong quá trình đổi mới của văn học Việt Nam hiện đại, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học KH XH & NV-ĐHQGHN.
[12] Nguyễn Huy Thắng (2013), Nguyễn Minh Châu từ “Dấu chân người lính” đến “Lão Khúng” ở quê , NXB Kim Đồng.