Nhà Có Người Mới Mất Nên Kiêng Gì để Trừ Xui Rủi?
Nhà có người mới mất nên kiêng gì? Câu hỏi mà nhiều gia đình Việt thường thắc mắc khi có người thân trong gia đình qua đời. Người xưa có câu
“Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành”, việc kiêng cử một số điều trong tang lễ ma chay sẽ giúp gia đình bạn tránh được những xui rủi tiếp diễn. Cùng xem đó là những điều kiêng kỵ gì trong bài viết dưới đây bạn nhé!
1. Nhà có người mất kiêng gì trong đám tang?
1.1 Kiêng sử dụng đồ của người đã khuất
Theo tín ngưỡng ma chay của người Việt, đây là một trong những điều kiêng kỵ khi nhà có người mất cần đặc biệt lưu ý. Tất cả đồ đạc, quần áo của người sau khi mất sẽ có nhiều âm khí. Nếu chúng ta sử dụng lại trên cõi dương gian thì họ có thể họ sẽ quay về đòi lại đồ của mình. Như vậy, người dùng sẽ luôn gặp xui xẻo và bị quấy phá trong cuộc sống. Tốt nhất đồ đạc của người mất, hãy nên mang đi đốt ngay sau tang lễ, có thể đốt tại mộ hoặc những nơi có mương, nước.
1.2 Kiêng để chó, mèo nhảy qua xác chết
Khi thi hài người mất chưa đặt vào quan tài, lúc này người thân, con cháu trong gia viếng phải thi nhau túc trực, coi giữ ngày đêm. Điều này nhằm tránh trường hợp để chó, mèo nhảy qua xác chết, khiến người chết đột nhiên bật dậy rồi rượt đuổi để bắt người. Dân gian ta còn gọi hiện tượng này là quỷ nhập tràng.
>>> Xem thêm: Rắn vào nhà là điềm gì? Giải mã hiện tượng rắn bò vào nhà theo phong thủy
1.3 Kiêng cho người chết mang theo đồ vật của người còn sống
Vốn dĩ có quan niệm này là vì họ cho rằng, đồ vật mang hơi của người sống, nếu để người chết mang đi theo sẽ khiến người sống ngớ ngẩn, đần độn, hay quên,… thậm chí trở thành một con người khác, không còn được bình thường.
1.4 Kiêng để nước mắt rơi lên xác chết
Trước khi đưa người chết về nơi vĩnh hằng, gia đình phải thực hiện công tác khâm liệm cho người đã mất rồi sau đó tiến hành thủ tục nhập quan. Theo đó, trong quá trình khâm liệm, con cháu và người trực tiếp khâm liệm không được để nước mắt của mình rơi lên xác chết. Bởi người ta cho rằng nếu việc này xảy ra sẽ làm cho con cháu làm ăn khó khăn, sự nghiệp gặp trắc trở. Ngoài ra, một phần cũng để tránh hiện tượng “quỷ nhập tràng”.
1.5 Kiêng trả lời khi chưa nghe rõ tiếng ai gọi
Theo tín ngưỡng dân gian, với những gia đình có người già mất. Họ sẽ thường hoài niệm và nhớ về con cháu. Vậy nên, đôi khi tối đến sẽ gọi tên con cháu, nếu có ai thưa thì sẽ bị bắt theo. Cũng vì lý do này mà khi trời chập tối, người nhà nên đóng cửa và kiêng trả lời khi chưa nhận ra tiếng gọi từ ngoài cổng.
1.6 Kiêng quay đầu lại sau khi hạ huyệt
Sau khi đã tiến hành hạ huyệt cho quan tài, những ai có mặt tại đám tang để đưa tiễn người đã khuất, khi đi về hãy đi thẳng một mạch về đến nhà, tuyệt đối không được quay đầu lại. Nếu không, người mất sẽ đi theo người sống trở lại nhà.
>>>Tham khảo thêm: 20 giấc mơ thường gặp và giải mã những ý nghĩa của từng giấc mơ
2. Nhà có người mất nên kiêng gì sau đám tang?
2.1 Kiêng đi thăm nhà người khác
Từ lâu theo quan niệm của dân gian ta, những gia đình có tang thường đại diện cho điềm xui rủi, kém may mắn. Vậy nên, những người có quan hệ huyết thống với người đã mất cần tránh và kiêng cử đi thăm bạn bè hay họ hàng hai bên. Nhất là trong những ngày đầu năm mới, nhà có người đang bệnh hay có phụ nữ mới sinh,…
2.2 Kiêng cưới gả khi để tang
Khi nhà có người mất vẫn chưa đến lúc mãn tang, thì trong gia đình đặc biệt là con cái kiêng dựng vợ gả chồng trong thời gian này. Điều này nhằm thể hiện lòng hiếu đạo, kính trọng với người đã khuất. Theo quan niệm ngày xưa thì thời gian để tang là 3 năm, nhưng ngày nay, việc này không còn quá khắt khe, một số gia đình có thể thực hiện cưới gả cho con vào sau giỗ đầu, tức là qua 1 năm.
2.3 Kiêng ăn uống, làm cỗ to trong 49 ngày
Quan niệm đối với những lễ tang của người Việt là càng đơn giản, ấm cúng càng tốt. Bởi khi làm quá linh đình, rườm rà thì chỉ thêm hao tiền tốn của, còn người mất thì không được ích lợi gì, chưa kể còn phải gánh thêm nghiệp xấu từ thân nhân trong gia đình.
Những lúc tang gia bối rối mà chúng ta không biết tiết kiệm, ngược lại phung phí rau gạo thì nơi cõi âm người mất sẽ phải chịu khổ, đọa đày. Vậy nên, hãy vì sự ra đi của người đã khuất mà hành thiện, tích đức: phóng sinh, in kinh, cứu giúp người nghèo,…. để công đức này được hồi hướng đến người đã mất.
>>> Xem thêm: Cách bày mâm cúng giỗ ba miền Bắc – Trung – Nam đơn giản
2.4 Kiêng thăm mộ lúc nửa đêm
Dù bạn có đau buồn, thương tiếc người đã khuất đến mức nào đi chăng nữa thì cũng không nên liều mình ra viếng mộ vào lúc nửa đêm từ 12h – 2h sáng. Vì đây là khoảng thời gian âm khí khá nặng, có thể ảnh hưởng đến cơ thể, sức khỏe bạn. Thậm chí dễ ảnh hưởng đến tính mạng và gặp phải những điều xui rủi không lường trước.
2.5 Kiêng đi xông đất
Việc xông đất đầu năm là phong tục xuất phát từ ước muốn cầu bình an, may mắn cho năm mới của người Việt. Chính vì vậy mà người xông đất trong ngày đầu năm mới sẽ là người hợp tuổi, hợp mệnh mang theo sự tốt lành và mong cầu tài lộc cho gia chủ trong cả một năm. Vậy nên, nếu gia đình bạn đang có tang thì hãy kiêng cử cho gia chủ, tránh đem xui xẻo của mình vào nhà người khác vào những ngày đầu năm nhé!
3. Khách đi viếng người mất nên kiêng kỵ gì?
3.1 Kiêng ăn mặc lòe loẹt
Trang phục đi viếng người đã mất nên là những trang phục không quá nổi bật, như màu trắng – màu của tang gia hoặc màu đen, tông màu trầm, buồn sẽ rất lịch sự và thể hiện sự tôn trọng trong tang lễ. Tránh ăn mặc hở hang, lòe loẹt, trang điểm đậm khi đến tang lễ. Điều này vừa không phù hợp với thuần phong mỹ tục người Việt vừa thiếu sự tôn trọng trong không khí đau thương của tang lễ.
3.2 Kiêng cúng viếng bằng đồ héo, úa, cũ
Như đã nói lễ tang là một nơi vô cùng trang nghiêm, cũng là những giây phút cuối cùng người đã khuất được bên cạnh nguời thân. Vậy nên khi đi phúng điếu bằng vòng hoa hay lẵng hoa tang, bạn cần chú ý lựa chọn những mẫu không phù hợp, hoa bị hư hỏng hay héo úa. Tốt nhất nên lựa chọn những điểm bán hoa uy tín để tỏ lòng thành kính phân ưu đến người đã mất.
>>> Xem thêm: Văn khấn ngày giỗ: Bài cúng giỗ cha mẹ, ông bà chuẩn nhất
3.3 Kiêng nói cười lớn tiếng
Không gian của đám tang thường khá yên lặng và trầm tĩnh. Vì vậy khi đi viếng người đã mất, bạn cần chú ý đến lời ăn tiếng nói của mình, cẩn trọng trong việc đi đứng, không nên đùa giỡn, cười nói ầm ĩ một cách thiếu văn minh, gây mất không khí trang nghiêm của tang gia. Thay vào đó hãy im lặng và nói chuyện nhỏ nhẹ nhằm thể hiện sự thành kính trước linh hồn người đã khuất.
4. Những đối tượng kiêng đi đám tang
Không khí nơi tang lễ không chỉ trang nghiêm, buồn bã mà âm khí ở đây còn rất nặng nề. Lý do là người mất sẽ bốc lên hàn khí, làm cho môi trường xung quanh có nhiều hơi lạnh. Vậy nên không phải ai cũng có thể đi viếng đám tang được. Cụ thể những người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người đang bị ốm hay trẻ em,… cần tránh tham gia thăm viếng. Bởi đây đều là những đối tượng có sức khỏe yếu, vía lại kém, rất dễ bị cảm lạnh.
Ngoài ra, tang lễ là nơi chứa đựng nhiều thương đau, mất mát, với những kiểu người kể trên lại thường có xu hướng bị ngất, lên huyết áp, tâm lý không ổn định,…nên rất nguy hiểm đến sức khỏe.
Nhà có người mới mất nên kiêng gì? Hay viếng đám ma như thế nào? là điều mà ai trong chúng ta cũng cần phải biết và tuân theo. Hy vọng, những chia sẻ của Muaban.net sẽ giúp bạn hiểu được những thủ tục cũng như việc kiêng cử trong tang lễ để thể hiện lòng thành kính và sự tôn nghiêm. Chúc bạn có thật nhiều niềm vui trong cuộc sống. Đừng quên theo dõi những bài viết hữu ích khác của Mua Bán bạn nhé!
>>> Xem thêm: 5 loại đất linh là gì? Công dụng của đất ngũ linh trong phong thủy