Nhà khoa học Australia vén màn bí ẩn Tam giác quỷ Bermuda

Đặc biệt sau vụ 5 máy bay ném ngư lôi của Mỹ bị mất tích bí ẩn vào năm 1945, các thuyết âm mưu về tam giác bí ẩn này lại càng có cơ hội nở rộ. Tuy nhiên, mới đây, một nhà khoa học của Australia đã vén lên bức màn của những bí ẩn này bằng những giải thích dựa trên những căn cứ khoa học.

nha khoa hoc australia ven man bi an tam giac quy bermuda hinh anh 1

Ảnh minh họa: Getty.

Vụ mất tích xảy ra vào ngày 5/12/1945, khi 5 máy bay ném ngư lôi của Hải quân Mỹ, được gọi là “Chuyến bay 19”, dưới sự chỉ huy của Trung úy Charles Taylor, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, bay vào Tam giác quỷ Bermuda và biến mất khỏi màn hình radar. 14 người trên máy bay mất tích hoàn toàn. Ba máy bay cứu hộ sau đó cũng biến mất một cách khó hiểu. Hải quân Mỹ xác nhận nguyên nhân vụ mất tích đó là “không xác định”.

Tuy nhiên, trái ngược với các thuyết âm mưu trước đó, Tiến sĩ Shane Satterly ở Đại học Griffith, Australia cho rằng, chỉ cần nghiên cứu  sâu hồ sơ đã có thể tìm ra nguyên nhân vụ mất tích bí ẩn này.

Theo ông, nghiên cứu của Hải quân Mỹ cho thấy, khi đó bên ngoài trời tối và thời tiết thay đổi. Trung úy Taylor đã chỉ huy đội bay bay không đúng hướng và họ đã bị lạc đường. Hải quân Mỹ biết về việc đó, nhưng không muốn buộc tội Taylor vì gây ra thảm họa. Do vậy, họ xác định nguyên nhân mất tích máy bay là không rõ ràng.

Ông Satterly cho biết, phần lớn các phi công tham gia vào sự kiện mất tích bí ẩn năm 1945 là học viên. Tức là hầu như họ chưa biết cách sử dụng tất cả các thiết bị trong những điều kiện bất thường, chẳng hạn như trong đêm tối hay trong lúc thời tiết xấu. Nếu hạ cánh xuống biển, thì chỉ cần 45 giây là máy bay bị chìm và rất hiếm khi tìm được các mảnh vỡ và thi thể nạn nhân. Như vậy, điều đó có nghĩa là nguyên nhân của thảm họa không phải là yếu tố siêu nhiên mà là lỗi của con người. Ông  Satterly kêu gọi những người theo thuyết âm mưu nhớ rằng, số lượng tàu thuyền và máy bay được báo cáo là mất tích ở Tam giác quỷ Bermuda không lớn hơn nhiều so với bất kỳ phần nào khác của đại dương.

“Nếu bạn nhìn vào Tam giác quỷ Bermuda và suy nghĩ về việc có bao nhiêu chiếc máy bay đã rơi xuống khu vực này tôi có thể nói cho bạn biết một điều rằng, nếu bạn vạch bất kỳ một tam giác nào trên một vùng của đại dương thì sẽ không có nhiều khác biệt về mặt thống kê. Còn nếu bạn thắc mắc tại sao không tìm thấy những xác máy bay mất tích, thì điều này có thể giải thích rằng, sẽ rất khó tìm được mảnh vỡ của máy bay khi chúng bị rơi xuống biển”, ông  Satterly nói

Nếu các kết luận của Tiến sĩ Satterly là đúng, thì có nghĩa là khu vực Tam giác Bermuda hoàn toàn không phải là nơi “bị ma ám”, mà chẳng qua là ở đây tình cờ xảy ra một số sự kiện bi thảm./.