Nhà sư phạm Đông – Tây: Khác biệt và dung hòa trong sự giao thoa của hai nền văn minh (Thanh Lương) – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo
Về mặt từ nguyên, từ “giáo dục” mà nhiều nước phương Đông sử dụng có gốc tiếng Hán là 教育, gồm hai chữ giáo (教) và dục (育). Theo từ điển tiếng Hán, chữ “giáo” ở đây có nghĩa là dạy dỗ, chỉ bảo, hướng dẫn, khiến người khác tin theo, làm theo những điều gì đó. Chữ “dục” của từ “giáo dục” có nghĩa là chăm sóc, nuôi nấng, trưởng thành. Tóm lại, từ giáo dục theo tiếng Hán có nghĩa là chỉ bảo dạy dỗ, chăm sóc. Nó bao gồm không chỉ việc dạy học (giáo), mà có cả sự thương yêu quan tâm chăm sóc (dục) trong đó.
Trong ngôn ngữ phương Tây, từ có nghĩa tương đương với “giáo dục” là “education” (tiếng Anh), “éducation” (Pháp), “educazione” (Ý),… gốc Latin của chúng được ghép bởi hai từ là “ex” và “ducere” – “ex-ducere”, có nghĩa là dẫn dắt (“ducere”) con người vượt ra khỏi (“ex”) những cái mà họ sẵn có, để hướng đến những thứ tốt đẹp hơn (to bring up).
Truy từ nguyên, để thấy bản chất ý nghĩa của giáo dục ở hai nền văn hoá từ gốc vốn đã khác nhau. Cho nên, hình tượng người thầy ở phương Đông và phương Tây cũng có nhiều khác biệt.
NHÀ SƯ PHẠM ĐÔNG – TÂY VÀ NHỮNG KHÁC BIỆT MANG TÍNH LỊCH SỬ
Các nước Á Đông chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Khổng Giáo, người thầy có uy quyền hơn cả cha mẹ. Từ 2.500 năm trước, Khổng Tử đã đề ra quan niệm “Quân – Sư – Phụ”. Theo đó, địa vị của người thầy được nâng lên trên cả địa vị của người cha, chỉ đứng sau vua. Người dạy dỗ cho người con nhiều nhất cả mặt kiến thức và đạo lý ở đời, hơn cả người cha, chính là người thầy.
Như vậy, trong văn hoá Á Đông, sự tôn kính của trò đối với thầy vốn đã có từ xa xưa. Những ông đồ dạy học trò không vì chuyện cơm áo gạo tiền. Ngoài dạy con chữ còn dạy cả đạo làm người. Hình ảnh người thầy phương Đông rất cao quý. Từ học trò cho đến cha mẹ họ hay cộng đồng làng xã đều kính trọng. Trò ngày xưa gặp thầy phải cúi gập người chào, có phần cung kính hơn cả phụ mẫu thân sinh là vì lẽ vậy.
Người thầy phương Đông còn được trọng vọng bởi họ gánh trên vai nhiều trách nhiệm. Thường, người thầy phải là am hiểu nhiều thứ từ kiến thức cho đến đạo lý nhân sinh. Việc một người thầy không trả lời được thắc mắc từ học trò có thể xem như một sự yếu kém. Còn người học trò đặt một câu hỏi hóc búa với người thầy của mình lại bị coi là “phạm thượng”.
Vì lẽ đó, người học trò ở phương Đông thường rất cung kính trước người thầy, ít dám tỏ bày suy nghĩ riêng tư, mà xem lời thầy là tối thượng. Mối quan hệ thầy trò là thứ bậc, là lễ nghĩa.
Ngược dòng lịch sử phương Tây, ta thấy nền văn minh nơi đây ra đời chậm hơn phương Đông cả thiên niên kỷ. Sau khi bước vào thời Trung đại, họ đã tiếp thu những thành tựu văn minh phương Đông thông qua người Ả Rập để làm giàu thêm kho tàng tri thức của mình.
Tuy nhiên, sự bứt phá đã bắt đầu từ trung kỳ trung đại khi một số trường đại học lớn và tiên phong ra đời, giúp tập hợp giới tinh hoa, tạo nên thế đối trọng quyền lực tri thức với nhà thờ Công giáo La Mã, tạo tiền đề để thúc đẩy giáo dục xã hội phát triển, vượt khỏi những giáo điều kinh viện bấy giờ. Đây cũng là động lực giúp phương Tây tiến lên sánh ngang rồi vượt xa phương Đông sau này.
Nhìn từ lịch sử và nguyên nhân ra đời, ta thấy giáo dục phương Tây mang tính thực dụng nhất định. Triết lý giáo dục của phương Tây gắn bó chặt chẽ với những yêu cầu kinh tế – xã hội của từng thời đại, vừa là sản phẩm vừa là động lực thúc đẩy xã hội phát triển.
Cũng vì vậy, mối quan hệ thầy trò ở phương Tây có nhiều yếu tố bình đẳng hơn, không quá khuôn phép như ở xã hội phương Đông. Người thầy đơn thuần là người truyền đạt kiến thức và hỗ trợ người học. Thậm chí quan hệ thầy trò được nhìn nhận như bạn bè. Do đó, người học trò dễ dàng cởi mở trao đổi các vấn đề chuyên sâu về học thuật.
Giao thoa văn minh Đông – Tây và hình mẫu nhà sư phạm tương lai
Giáo dục có vai trò quan trọng đối với vận mệnh của nhiều quốc gia, dân tộc. Người thầy, dù trong văn hóa phương Đông hay phương Tây vẫn giữ một cương vị vô cùng trọng yếu. Nếu mối quan hệ giữa thầy trò ở các nước phương Tây là bình đẳng và thân thiện thì ở các quốc gia châu Á, điều này mang đặc trưng của một hệ thống có tính thứ bậc, khiến sự giao tiếp giữa thầy và trò khá hạn chế.
Tuy nhiên, trong thời đại kinh tế toàn cầu hoá ngày nay, các nền văn minh đang xích lại gần nhau hơn, xoá mờ nhiều định kiến và khoảng cách. Quan niệm về sự học và mối quan hệ giữa thầy và trò ở các quốc gia phương Đông lẫn phương Tây cũng khác trước nhiều.
Tại phương Đông, những phương thức giáo dục mới từ các nước phương Tây như “dạy học lấy học sinh làm trung tâm”, “thầy thiết kế – trò thi công”, “dạy học là hợp tác giữa thầy và trò”,… đang được nhiều nước tiếp cận. Ngày nay, học trò Á Đông không những được tự do tranh luận, còn có thể trao đổi, thẳng thắng tranh luận với thầy. Mối quan hệ giữa thầy và trò dần trở nên gần gũi, bình đẳng hơn. Người thầy phương Đông giờ đây chỉ là người hướng dẫn, gợi mở, dẫn dắt học sinh trên con đường khai mở tri thức. Mối quan hệ thầy trò trở thành mối quan hệ song hành, không còn sự quyền uy, áp đặt như trước.
Còn tại phương Tây, từ lâu cũng đã tiếp cận những tư tưởng lớn về triết học giáo dục phương Đông. Nhà tư tưởng lớn của nước Pháp Voltaire cho rằng triết học của Khổng Tử là một học thuyết luân lý hoàn chỉnh, dùng đạo đức để dạy người, lấy lý tính phổ biến để ức chế dục vọng, giúp kiến tạo xã hội hòa bình và hạnh phúc. Vì vậy, Voltaire chủ trương chính nước Pháp cũng nên lấy tinh hoa của đạo Nho để điều hành quốc gia, thực hành đức trị.
John Dewey – nhà triết học khai sinh ra giáo dục thực nghiệm, có ảnh hưởng to lớn đến nền giáo dục Mỹ, nổi tiếng với lý thuyết cho rằng chỉ những kiến thức có thể sử dụng mới có giá trị. Ông đã thuyết phục những nhà giáo dục đương thời rằng sẽ vô ích khi làm cho người học nhớ những kiến thức vô bổ, mà sau đó họ sẽ quên. Tốt hơn, hãy dạy họ cách tư duy để hành xử văn hoá, có đức độ sẽ tác dụng tích cực đến cách họ sống và làm việc sau này.
Có vẻ triết gia Dewey cũng ảnh hưởng học thuyết của những nhà Nho Trung Quốc. Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tu dưỡng đạo đức bản thân để trở thành người quân tử, qua đó có thể đạt được sự yên ổn thái hòa trong cuộc sống của mình.
Quá trình giao thoa tinh hoa giáo dục Đông – Tây là một tất yếu lịch sử. Sự lưu chuyển và tiếp thu tri thức đã chắt lọc những giá trị phù hợp với thời đại. Trong tương lai, hình ảnh của người thầy mà các nền văn hoá giáo dục hướng đến sẽ không còn xa lạ, không còn phân biệt bằng những tính chất đối lập . Khi đó chỉ có một người thầy hiện đại, đạt được sự giao thoa tinh hoa giữa triết lý giáo dục Đông – Tây, có những ứng xử sư phạm phù hợp với yêu cầu của thời đại.
Tuy nhiên, dù thay đổi thế nào thì bản chất giáo dục ở mỗi nền văn hoá đều chịu ảnh hưởng của yếu tố lịch sử khách quan. Rõ ràng, giáo dục không tồn tại độc lập trong xã hội, mà gắn chặt với văn hoá, lịch sử, kinh tế. Đó là chưa kể đến những biến động lớn lao của thời cuộc. Chính vì vậy, tính đặc thù của mỗi nền giáo dục cần được tôn trọng. Người thầy, dù ở phương Đông hay phương Tây vẫn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội. Không chỉ truyền dạy kiến thức đơn thuần, mà còn là người truyền lửa, khơi lên ước mơ, khát vọng cho học trò.
Tài liệu tham khảo
Đoàn Huy Oánh (2004), Sơ lược lịch sử Giáo dục, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Gia Phu (1998), Lịch sử thế giới trung đại, NXB Giáo Dục, HN.
Ngô Minh Oanh, (2011) Từ nghiên cứu lịch sử giáo dục phương Tây nghĩ về triết lý giáo dục Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Triết lý Giáo dục Việt Nam” – Viện Khoa học Giáo dục.
John Dewey, Dân chủ và giáo dục, Phạm Anh Tuấn dịch, NXB Tri thức, Hà Nội, 2008.