“Nhận” và “cho” trong hội nhập văn hóa

(TN&MT) – Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Ủy ban văn hóa, giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã khuyến cáo: Bước sang thế kỷ 21, nền khoa học của nhân loại có những bước tiến như vũ bão, làm đảo lộn nhiều giá trị tưởng như đã ổn định. Những thành tựu kỳ diệu của khoa học, công nghệ… sẽ kéo theo những thay đổi về văn hóa, tác động sâu sắc đến các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng tích cực hoặc tiêu cực.

Vì vậy, các dân tộc cần chuẩn bị cho quá trình hội nhập một cách thông minh, trên cơ sở bảo tồn vững chắc những tinh hoa truyền thống của nền văn hóa dân tộc mình, góp phần làm phong phú nền văn hóa chung của nhân loại.

3a-3-.jpg

Từ trước tới nay, Đảng ta luôn luôn đề cao vai trò của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng xác định văn hóa là động lực và nền tảng của phát triển bền vững, “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế” là cốt lõi của “Văn hóa hội nhập” Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa, vì văn hóa không đứng ngoài chính trị và kinh tế. Hội nhập văn hóa đồng thời diễn ra trong quá trình hội nhập kinh tế.

Nếu hội nhập kinh tế diễn ra theo xu hướng hòa đồng các giá trị thì hội nhập văn hóa – vấn đề cốt tử là phải bảo tồn cho được các giá trị riêng biệt, đó chính là bản sắc văn hóa của dân tộc. Hội nhập văn hóa là sự thống nhất giữa “nhận” và “cho”. “Nhận” cái mới của nước ngoài và “cho” thế giới, đóng góp cho thế giới những điều đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Tức là, quá trình hội nhập, chúng ta không chỉ tiếp biến văn hóa nhân loại để làm giàu có thêm kho tàng văn hóa Việt Nam, mà văn hóa Việt Nam có thể đóng góp những giá trị đặc sắc của mình vào văn hóa chung của nhân loại. Văn hóa Việt Nam có đủ tầm vóc, bản lĩnh, tự tin để tham gia định hình những giá trị chung trong văn hóa của nhân loại. Đó là một nội dung quan trọng của tiến trình hội nhập văn hóa.

3a-2-.jpg

Giao lưu và hội nhập văn hóa có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Nhưng hội nhập bao giờ cũng có 2 mặt. Mặt tích cực là giao lưu và hội nhập sẽ giúp cho văn hóa mỗi dân tộc luôn phát triển, tiếp nhận được những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác để bồi đắp thêm cho văn hóa của dân tộc mình, đồng thời, quảng bá được những giá trị văn hóa của dân tộc mình cho các dân tộc khác. Tuy nhiên, cùng với đó là nguy cơ “đồng hóa” các hệ giá trị, các chuẩn mực văn hóa dân tộc, đe dọa tính sáng tạo của các nền văn hóa dân tộc, dẫn đến tình trạng “vong bản”, thậm chí thủ tiêu các giá trị văn hóa dân tộc.

Bản sắc văn hóa của một dân tộc chính là cốt cách của dân tộc ấy. Cốt cách dân tộc là những phẩm chất tương đối ổn định và bền vững, bởi nó được hình thành và tồn tại trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc. Đồng thời, cốt cách dân tộc được thể hiện rất rõ ở lĩnh vực văn hóa, làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc. Vì vậy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng chính là giữ gìn cốt cách của dân tộc. Một nền văn hóa giữ được cốt cách dân tộc sẽ là một nền văn hóa có đủ nội lực đề kháng, chống lại các cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài. Một nền văn hóa như vậy mới đủ tự tin và bản lĩnh để tiếp nhận chọn lọc những giá trị văn hóa của các dân tộc khác, “dân tộc hóa” những giá trị văn hóa nhân loại để đồng hành cùng nhân loại.

Trong quá trình giao lưu văn hóa hiện nay, sự xâm nhập, thẩm thấu các giá trị văn hóa ngoại lai vào nước ta diễn ra thông qua nhiều hình thức, con đường rất tinh vi, thông qua các loại hình nghệ thuật phức hợp. Chưa kể, đang có những âm mưu “xâm lăng” văn hóa, làm mờ nhòe ranh giới, làm “mù nhận thức” của người tiếp nhận.

Nguy cơ ấy đòi hỏi dân tộc ta phải trang bị cho nền văn hóa truyền thống một sức đề kháng đủ mạnh, để cốt cách văn hóa Việt Nam thẩm thấu và di truyền vào con tim, khối óc, huyết quản… của mỗi con dân nước Việt, để trong công cuộc hội nhập, văn hóa chỉ hòa nhập chứ không bị “hòa tan”.