Nhiều giải pháp giữ gìn văn hóa truyền thống

Nhiều giải pháp giữ gìn văn hóa truyền thống

Trong quá trình hội nhập, giao lưu quốc tế sâu rộng như hiện nay, một số bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc như trang phục, diễn xướng dân gian, lối sống, phong tục tập quán… đang bị tác động mạnh mẽ, có nguy cơ mai một và dần bị pha tạp, đồng hóa trong các hoạt động văn hóa. Trước thực tế trên, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cộng đồng dân cư thêm tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, phong tục tốt đẹp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn liền với bài trừ hủ tục, văn hóa ngoại lai, xấu độc xâm nhập…

Nhiều giải pháp giữ gìn văn hóa truyền thống

TP Sầm Sơn tổ chức lễ hội cầu ngư – bơi chải năm 2022.

Tại huyện Thường Xuân, công tác quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch được triển khai có hiệu quả. Nhiều nét đẹp truyền thống ở địa phương được khôi phục, giữ gìn. Huyện Thường Xuân đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Thanh Hóa mở lớp tập huấn “Phục dựng, truyền dạy cách thức khặp giao duyên, khua luống, khèn bè, sáo ôi dân tộc Thái” cho các học viên là những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu được tuyển chọn trên địa bàn tỉnh. Các nội dung truyền dạy là những kiến thức về các điệu múa dân gian dân tộc Thái, các kỹ năng gõ chày tạo âm thanh cũng như tìm hiểu sâu hơn về một số điệu dân ca, dân vũ dân tộc Thái, như: khặp giao duyên, khèn bè, sáo ôi… Ngoài ra, hàng năm, huyện Thường Xuân còn tổ chức tuần lễ văn hóa, thể dục – thể thao tại bản Mạ (thị trấn Thường Xuân) với nhiều hoạt động đặc sắc như: lễ mừng cơm mới, lễ hội đua thuyền rồng, hội thi bắn nỏ, ném còn, kéo co, đánh đu, cồng chiêng, hát khặp, nhảy sạp… Với những giải pháp linh hoạt, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, đến nay huyện Thường Xuân có 7 lễ hội văn hóa truyền thống được khôi phục và tổ chức hàng năm.

Đối với huyện Quan Sơn, nơi có trên 80% đồng bào Thái sinh sống, do vậy, bản sắc văn hóa dân tộc Thái được xem là đại diện cho văn hóa vùng đất này. Cùng với lễ hội truyền thống, tín ngưỡng, tiếng nói, ẩm thực, trang phục, tập quán ma chay, cưới hỏi… thì sách chữ Thái cũng giữ vị trí quan trọng trong đời sống đồng bào dân tộc Thái. Giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Thái cũng gắn liền với những nếp nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm, nghề làm rượu cần, cơm lam, thịt bò khô ướp hạt mắc khẻn, canh uôi nấu với cá sông… Trong văn hóa phi vật thể, đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quan Sơn có nhiều loại hình dân ca, dân vũ như: hát khặp, hát ru, múa chá, khua luống, trống chiêng… Ngoài ra còn có các lễ hội, như: Mường xia, păn bán mương, sên bản, sên mường, mừng cơm mới, làm vía, đám cưới truyền thống… Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, huyện Quan Sơn đã thực hiện một số giải pháp, trong đó phát động phong trào thi đua đăng ký xây dựng cơ quan, làng bản, gia đình văn hóa; khuyến khích Nhân dân sưu tầm, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, làm nhà sàn truyền thống; duy trì, phát huy làng nghề dệt thổ cẩm, nghề làm rượu cần, các món ăn truyền thống… Với những giải pháp cụ thể, đến nay tỷ lệ các hộ gia đình là đồng bào Thái huyện Quan Sơn đang ở nhà sàn chiếm trên 80%; 100% gia đình duy trì nghề dệt thổ cẩm; 80% số hộ duy trì nghề làm rượu cần; 100% thôn, bản đã thành lập, duy trì đội văn nghệ…

Tại TP Sầm Sơn, cùng với việc xây dựng sản phẩm du lịch mới, thành phố rất quan tâm duy trì, phát huy các lễ hội truyền thống, như: lễ hội cầu phúc đền Độc Cước, lễ hội bánh chưng – bánh dày, lễ hội cầu ngư, lễ hội cỗ oản, lễ hội kỳ phúc đền An Dương Vương… Bên cạnh việc giữ gìn, khai thác giá trị văn hóa phi vật thể, TP Sầm Sơn còn huy động nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa – lịch sử, tâm linh, bao gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia và 27 di tích cấp tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để Sầm Sơn khai thác, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch và kéo dài thời gian du lịch trong năm, tiến tới du lịch bốn mùa.

Nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng có những cách làm sáng tạo, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương mình. Một trong những hình thức được áp dụng đó là triển khai mặc trang phục truyền thống tại các trường dân tộc nội trú, khuyến khích công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tại cơ quan, đơn vị mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, tết, ngày hội lớn của đất nước, của tỉnh, huyện… Điển hình như Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Bá Thước quy định các em học sinh mặc trang phục dân tộc vào ngày thứ 2 hàng tuần và dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Thượng (Quan Sơn) tổ chức các hội thi vào các ngày lễ lớn của đất nước, như: Lễ mừng cơm mới; Tết của người Thái; chúng em với nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc Thái… Ngoài ra, nhiều huyện miền núi, như: Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát… cũng đã có những quy định cho các em học sinh mặc trang phục dân tộc truyền thống khi có những sự kiện quan trọng, những ngày lễ, tết, giao lưu văn hóa, văn nghệ…

Việc triển khai các giải pháp để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở các địa phương trên địa bàn tỉnh là một việc làm thiết thực, là cơ sở để thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đóng góp tích cực trong việc thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bài và ảnh: Xuân Minh