Nhiều trường công bố mức sàn xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL của ĐHQGHN
GDVN-Hiện tại, một số trường đại học đã công bố mức điểm sàn xét tuyển thông qua phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022.
Năm 2022, khoảng 50 trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) như một phương thức xét tuyển hệ đại học chính quy.
Đây là bài thi chuẩn hóa, gồm 3 phần: Tư duy định tính (50 câu, 60 phút), Tư duy định lượng (50 câu, 75 phút), Khoa học (50 câu, 60 phút). Tổng điểm cho cả bài thi là 150.
Hiện tại, nhiều trường đại học đã công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi này.
Có thể kể đến, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tuyển 6.100 sinh viên bằng 4 phương thức gồm xét tuyển thẳng và xét kết hợp theo đề án của trường (63%), dựa vào kết quả thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (2%), xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (35%). Trong phương thức xét kết hợp, trường có tuyển thí sinh có điểm thi HSA đạt từ 85/150 trở lên. Điểm xét tuyển được quy về thang điểm 30 theo công thức:
Điểm xét tuyển = Điểm đánh giá năng lực * 30/150 + Điểm ưu tiên (nếu có).
Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng tuyển thí sinh vừa có điểm thi HSA đạt từ 85 trở lên, vừa có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với mức tối thiểu là IELTS 5.5, TOEFL ITP 500, TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160, W 150). Chỉ tiêu xét tuyển kết hợp của chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và kết quả bài thi đánh giá năng lực (ở cả hai Đại học Quốc gia) là 15% theo mã tuyển sinh và theo tổng chỉ tiêu.
Điểm xét tuyển = Điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế + (Điểm đánh giá năng lực * 30/150) * 2/3 + Điểm ưu tiên (nếu có).
Cách thức xét tuyển: xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu theo điểm xét tuyển. Thời gian nộp hồ sơ xét tuyển đến hết ngày 15/7.
Ban đầu, Trường Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến chỉ xét thí sinh có điểm thi HSA đạt từ 100/150. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu phổ điểm, nhà trường quyết định điều chỉnh, bởi mức điểm 100 không nhiều thí sinh đạt được.
Năm 2022, Trường Đại học Ngoại thương hiện đang lấy mức điểm sàn xét tuyển từ kết quả thi HSA cao nhất. Để được nộp hồ sơ vào trường theo phương thức này, thí sinh cần đạt 100/150 điểm.
Theo phổ điểm thi HSA 10 đợt với hơn 60.600 lượt thí sinh dự thi được Đại học Quốc gia Hà Nội công bố ngày 30/6, chỉ 8% đạt điểm từ 100 trở lên. Tuy nhiên, Trường Đại học Ngoại thương cũng không dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực (của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức), chỉ lấy 280 trong tổng số 2.880 chỉ tiêu ở cả ba cơ sở.
Điểm xét tuyển sẽ được Trường Đại học Ngoại thương quy đổi về thang 30 theo công thức:
Điểm xét tuyển = 27 + (Điểm HSA của thí sinh – 100) * 3/50.
Ngoài điều kiện trên, thí sinh cần có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11 và kỳ I lớp 12 đạt từ 7,0 trở lên và có hạnh kiểm của từng năm học từ Khá trở lên. Thời gian đăng ký nguyện vọng đợt 1 dự kiến đến ngày 12/7.
Học viện Ngân hàng cũng sử dụng kết quả kỳ thi HSA để xét tuyển, bên cạnh các phương thức xét tuyển thẳng, dựa vào học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo đề án tuyển sinh năm 2022, Học viện Ngân hàng sẽ xét tuyển 320 chỉ tiêu bằng phương thức này trên tổng 3.200 chỉ tiêu.
Thí sinh có nguyện vọng xét tuyển bằng kết quả thi HSA cần đáp ứng đủ hai tiêu chí, gồm điểm thi HSA đạt 85 trở lên và có học lực giỏi năm lớp 12.
Điểm xét tuyển = Điểm đánh giá năng lực/150 x 30 + Điểm ưu tiên.
Nguyên tắc xét tuyển: căn cứ vào điểm xét tuyển, xếp từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
Các thí sinh có nguyện vọng vào Học viện Ngân hàng bằng phương thức này nộp hồ sơ đăng ký đến hết ngày 12/7.
Một trường khác trong nhóm đào tạo khối ngành Kinh tế là Trường Đại học Thương mại cũng xét tuyển thí sinh có điểm thi HSA từ 80 trở lên.
Điểm xét tuyển = (Điểm Tư duy định lượng x 2 + Tư duy định tính + Khoa học).
Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cũng dành 141 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Theo đó, đối tượng xét tuyển là thí sinh có tổng điểm thi đánh giá năng lực từ 70 điểm trở lên.
Cách tính điểm xét tuyển theo thang điểm 30 được tính như sau: Điểm xét tuyển = Điểm (Tư duy định lượng + Tư duy định tính + Khoa học)*30/150 + Điểm ưu tiên (nếu có).
Thời gian đăng ký xét tuyển đến ngày 10/7.
Một số trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng lấy mốc sàn xét tuyển là 80 như Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Ngoại ngữ. Trong khi đó, Trường Đại học Thăng Long chỉ yêu cầu thí sinh có điểm thi HSA, không yêu cầu cụ thể mức tối thiểu các em cần đạt.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng có phương thức xét tuyển sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, điểm thi đánh giá năng lực được quy về thang điểm 10 theo công thức:
Đối với các ngành đào tạo (trừ ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Thể chất): Điểm xét tuyển = Điểm bài thi đánh giá năng lực + điểm ưu tiên.
Đối với ngành Giáo dục Mầm non:
Điểm xét tuyển = Điểm bài thi đánh giá năng lực + điểm năng khiếu 2 + điểm năng khiếu 3 + điểm ưu tiên.
Đối với ngành Giáo dục Thể chất:
Điểm xét tuyển = Điểm bài thi đánh giá năng lực + điểm năng khiếu 5 + điểm năng khiếu 6 + điểm ưu tiên.
Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội được tổ chức thành 12 đợt thi với khoảng 65.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi. Một thí sinh có thể đăng ký thi nhiều đợt. Hiện, 10 đợt thi đã diễn ra liên tiếp từ ngày 26/2 đến ngày 26/6/2022 tại các tỉnh thành gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An.
Sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ còn tổ chức thêm hai đợt thi tại Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên với khoảng 2.200 thí sinh.
Ngân Chi