Nhìn lại ngày hội Văn hóa dân tộc Việt Nam – Heritage Vietnam Airlines
Tạp chí Heritage tổng hợp
Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc sẽ có những đặc trưng riêng, thể hiện qua tiếng nói, trang phục, tín ngưỡng, phong tục tập quán và các giá trị tinh thần. Chính sự đa dạng trong văn hóa ấy đã tạo nên những truyền thống tốt đẹp, là cội nguồn sức mạnh của cả dân tộc.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam là sự kiện thường niên, có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền. Cùng Tạp chí Heritage nhìn lại những hoạt động nổi bật trong ngày hội này qua bài viết sau đây.
Tôn vinh văn hóa dân tộc qua ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2022
(Nguồn: Báo Dân tộc)
1. Đặc sắc ngày tôn vinh văn hóa dân tộc
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được xem là nhiệm vụ hàng đầu trong công cuộc quảng bá, hội nhập với tinh hoa văn hóa nhân loại. Với mục đích cao đẹp đó, ngày 19/4 hàng năm được chọn là ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, tôn vinh và nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022 diễn ra trong vòng 4 ngày, từ 16 – 19/04. Không chỉ là ngày tôn vinh, đây còn là cơ hội để mọi người tìm hiểu văn hóa dân tộc Việt Nam là gì. Ngày hội có sự tham gia của hơn 200 người, đến từ 13 tỉnh thành và 17 cộng đồng dân tộc. Trong đó, có cả các trưởng bản, già làng, nghệ nhân và đồng bào của 13 dân tộc tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Ngày hội nhận được sự hưởng ứng của đồng bào các dân tộc
(Nguồn: Báo Dân tộc)
Ngày hội diễn ra trong không khí sôi động với nhiều hoạt động hấp dẫn như: triển lãm “Sen trong đời sống văn hóa Việt”, diễn đàn “Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong việc xây dựng môi trường văn hóa”. Bên cạnh đó, sự kiện còn mang đến các chương trình biểu diễn dân ca, dân vũ, tái hiện lễ hội, phong tục tập quán, ẩm thực, trang phục…
2. Không gian văn hóa dân tộc tụ họp đáng nhớ
Ngày hội văn hóa ghi dấu ấn với màn tái hiện những lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc Việt Nam. Trong đó, gây ấn tượng nhất phải kể đến các hoạt động sau đây:
-
Trích đoạn Lễ cầu phúc, cầu an của dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên
Lễ cầu an, cầu phúc là loại hình sinh hoạt dân gian, hoạt động văn hóa tín ngưỡng gắn bó với cộng đồng người Tày. Lễ hội này thường được tổ chức vào cuối tháng giêng và đầu tháng 2 Âm lịch hàng năm. Đây là dịp để đồng bào thể hiện niềm thành kính với thần linh, tiên tổ, cầu mong cuộc sống bình an, no ấm.
Lễ cầu an, cầu phúc của dân tộc Tày
(Nguồn: Báo Dân tộc)
Tái hiện Lễ cầu an, cầu phúc là hoạt động thu hút du khách trong ngày hội Văn hóa dân tộc Việt Nam. Tham gia buổi lễ có thầy cúng, Nàng Hương (Chậu Slay), chàng Khóa và người trong gia đình. Lễ vật gồm tam sinh, lễ chay cùng thanh bông hoa quả.
Thầy cúng thực hiện các nghi thức trên nền nhạc cụ, có thể là dòng Pựt, Then, Mo hoặc cả 3. Khi lễ kết thúc, thầy cúng sẽ buộc vào tay người tham gia một sợi chỉ với hàm ý ban phước lành. Phần cuối cùng là nghi thức hóa vàng.
-
Lễ cấp sắc của dân tộc Dao tỉnh Vĩnh Phúc
Lễ cấp sắc là hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Dao ở Vĩnh Phúc. Theo quan niệm của đồng bào Dao, đàn ông phải được cấp sắc mới thực sự là người trưởng thành, nhận được sự tôn trọng của cộng đồng. Lễ cấp sắc có 2 bậc nghi lễ là qua đèn (quá tăng) và thăng cấp (tẩu slai).
Lễ cấp sắc của dân tộc Dao công nhận sự trưởng thành của các thanh niên trai tráng
(Nguồn: PYS Travel)
Lễ cấp sắc trong khuôn khổ của ngày hội Văn hóa dân tộc có nhiều cấp bậc khác nhau, từ thấp đến cao. Hiện nay, các ngành Dao chỉ phổ biến cấp sắc 3 đèn. Đối với cấp sắc 12 đèn (thập nhị tinh) chỉ duy trì cho các ông trưởng họ của các ngành Dao với nghi lễ phức tạp và mất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị.
-
Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer
Tết Chôl Chnăm Thmây hay tết “chịu tuổi” là lễ hội mừng năm mới theo lịch của đồng bào Khmer. Vào dịp này, người Khmer sẽ tập trung tại chùa, cùng Chư tăng thực hiện các nghi lễ truyền thống như rước đại lịch, dâng huê ẩm thực, lễ cầu siêu.
Tết Chôl Chnăm Thmây tại ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2022
(Nguồn: Làng Văn hóa du lịch Việt Nam)
Tết Chôl Chnăm Thmây đánh dấu cho thời điểm khởi đầu năm mới, thể hiện quan niệm của đồng bào Khmer về chu kỳ vận chuyển của năm. Đồng thời, đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu, giáo dục về lòng hiếu thảo và sự đoàn kết.
-
Nghi lễ Kin Chiêng Boọc Mạy của dân tộc Thái
Kin Chiêng Boọc Mạy cũng là một nghi lễ đặc sắc trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Nghi lễ được chủ trì bởi các ông mo, bà tày – những người lo việc chữa bệnh cứu người trong bản. Mục đích là để xua đuổi ma núi, ma rừng, tạ ơn thần linh, cầu bình an cho dân làng.
Lễ Kin Chiêng Boọc Mạy của người Thái chỉn chu và sum vầy
(Nguồn: Báo Dân tộc)
Trải qua quá trình gìn giữ và phát triển, nghi lễ Kin Chiêng Boọc Mạy đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa hoàn chỉnh về nghệ thuật trình diễn. Nghi lễ có các loại hình nghệ thuật hấp dẫn như hát, múa và trình diễn nhạc cụ, trở thành tâm thức dân gian trong đời sống đồng bào Thái.
-
Nghi lễ mừng lúa mới của người Gia Rai
Mừng lúa mới là phong tục truyền thống của người Gia Rai, được tổ chức sau khi thu hoạch mùa màng. Nghi lễ vừa mang ý nghĩa tạ ơn thần linh, cầu mong mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa vừa là dịp để bà con chung hưởng thành quả lao động.
Trong văn hóa dân tộc Gia Rai, lễ mừng lúa mới có 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ bắt đầu bằng một hồi trống cùng lời khấn của già làng, tạ ơn và báo cáo với thần linh về thành quả năm cũ, nguyện ước cho năm mới. Đến phần hội, tất thảy đồng bào sẽ tập trung dưới mái nhà Rông, cùng nhau nhảy múa, đánh chiêng và uống rượu.
Lễ mừng lúa mới của đồng bào Gia Rai với sự tham gia tràn đầy năng lượng của người dân
(Nguồn: Báo Dân tộc)
-
Trình diễn giai điệu Tây Nguyên “Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk”
“Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk” là phần trình diễn độc đáo và hấp dẫn nhất trong khuôn khổ ngày hội. Màn biểu diễn đưa người xem vào một không gian đậm chất Tây Nguyên với những ca khúc, điệu múa đặc trưng, tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã. Đây được xem là một trong những điểm nhấn thú vị trong sự kiện năm nay.
3. Một ngày hội góp phần tích cực truyền bá, giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam là sự kiện thường niên được tổ chức với mục tiêu tôn vinh, quảng bá văn hóa truyền thống. Ngày hội là dịp đặc biệt để nêu cao tinh thần bảo tồn và gìn giữ các giá trị chân – thiện – mỹ, xây dựng môi trường văn hóa đậm đà bản sắc trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền và dân tộc.
Tạp chí Heritage vừa cùng bạn điểm qua những hoạt động thú vị trong ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2022. Đừng bỏ lỡ những sự kiện tôn vinh văn hóa dân tộc trong thời gian tới để cùng chung tay bảo vệ các giá trị truyền thống tốt đẹp của nước ta.
Bài viết liên quan: