Nho giáo và văn hóa truyền thống người Việt
Lời nói đầu
Người Việt sinh sống trên một vùng lãnh thổ chạy dọc bờ biển phía Đông của bán đảo Đông Dương, với nhiều phong tục tập quán và ngôn ngữ khác nhau, nhưng điều gì đã liên kết chúng ta trở thành một thể, để người Việt trở thành người Việt? Hiển nhiên đó không chỉ là giới hạn về mặt địa lý, mà quan trọng hơn chính là văn hóa và truyền thống. Mặc dù dân tộc Việt đã trải qua nhiều đau thương mất mát, và lịch sử của đất nước đầy ắp những cuộc chiến tranh, nhưng nền văn hóa của người Việt vẫn hội tụ. Trong mấy nghìn năm qua, người Việt đã từng có những giá trị chung, từng sử dụng chung chữ viết, từng học tập chung kinh sách, từng có những giá trị tín ngưỡng chung như thờ kính tổ tiên hay kính Trời trọng Đất.
Điều gì đã liên kết chúng ta trở thành một thể?
Tuy nhiên, dù vẫn sinh sống trên vùng lãnh thổ này, người Việt hôm nay đã khác nhiều so với lịch sử. Có thể chúng ta không cảm thấy quá khó chịu khi ở trong nước, nhưng người Việt đã “nổi tiếng” ở những địa điểm du lịch nước ngoài. Người Việt bị chê trách từ trang phục luộm thuộm, mức độ ồn ào, tác phong muộn giờ, thói quen ăn uống, cho đến ý thức giữ gìn vệ sinh hay các vấn đề về đạo đức. Đã từng có lần một bảng hiệu bằng song ngữ Nhật – Việt xuất hiện tại thành phố Saitama, Nhật Bản với nội dung: “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Khi phát hiện ăn cắp vặt chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức”…
Phong tục, tập quán, ngôn ngữ, phương thức tư duy của chúng ta ngày nay đã có phần không còn tương thích với lịch sử của dân tộc, không còn hòa hợp với văn hóa truyền thống, và khiến người Việt khó hòa nhập với thế giới. Rất nhiều khi chúng ta không biết được rằng mình từ đâu đến và mình sẽ đi về đâu. Mặc dù dòng máu giống nòi vẫn còn chảy trong huyết mạch chúng ta, nhưng những di sản của nền văn hóa dân tộc đang bị phai mờ và quên lãng.
Nhìn từ nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới, trong quá trình hiện đại hóa từ trước đến nay, họ đều không triệt để đánh mất đi cội nguồn dân tộc. Người Nhật vẫn nổi tiếng về chữ Lễ; người Anh vẫn rất quý tộc; người Pháp vẫn rất tự hào về sự lịch thiệp; người Mỹ, vốn chỉ có lịch sử tương đối ngắn, vẫn ưa chuộng tự do và sùng kính Chúa trời với câu tiêu ngữ nổi tiếng in trên đồng tiền của mình: “In God we trust” (Tạm dịch: Chúng con tín thác vào Chúa).
Nét quý tộc của người Anh nay vẫn còn được gìn giữ trong Hoàng gia.
Vậy thì đâu là những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt?
Văn hóa truyền thống là gì?
Văn hóa là gì?
Bản thân cụm từ “văn hóa” rất khó định nghĩa một cách chính xác. Định nghĩa“văn hóa” hiện đại vào khoảng thế kỷ 19 mới bắt đầu định hình. Năm 1952, trong quá trình dẫn chứng khoảng 160 định nghĩa về văn hóa do các nhà khoa học đưa ra ở nhiều nước khác nhau, hai nhà nhân chủng học Kroeber và Kluckholm đã tổng hợp định nghĩa cho “văn hóa” trong cuốn sách với tiêu đề“Culture, a critical review of concept and definitions” (Tạm dịch: Văn hóa, điểm lại bằng cái nhìn phê phán các khái niệm và định nghĩa), theo đó:
“Văn hóa do biểu hiện bên ngoài và nội hàm tư duy, hành vi phương thức cấu thành; loại hành vi phương thức này thông qua dấu hiệu tượng trưng mà truyền đạt; Văn hóa đại biểu cho thành tựu đạt được của một quần thể dân tộc; bao gồm những gì họ thể hiện trong vật dụng do con người tạo ra; bộ phận trung tâm của văn hóa là quan niệm truyền thống (tức là tuyển chọn mà được lưu lại của lịch sử), đặc biệt là những giá trị mà nó đem lại; thể hệ văn hóa trên một phương diện có thể xem là kết quả của hoạt động, ở một phương diện khác là nhân tố quyết định sự phát triển của hoạt động”.
Định nghĩa này đã được đại bộ phận các học giả tiếp thụ. Như vậy, văn hóa bao gồm hai bộ phận, một là quan điểm về giá trị nội tại, hai là biểu hiện nội hàm của hành vi và phương thức tư duy.
Vậy còn truyền thống?
Từ “truyền thống” (tradition) trong tiếng Latin là traditio, có nghĩa là chuyển giao, trao truyền, phó thác lại. Lúc đầu traditio được dùng trong luật pháp La Mã để chỉ sự trao lại một chức vụ, hoặc kế thừa tài sản. Còn “truyền thống”trong tiếng Hán là 傳統, trong đó “truyền” (傳) là để chỉ sự để lại từ đời trước cho đời sau, còn “thống” (統) là để chỉ các đời nối dõi không dứt.
Trong Thời kỳ Khai sáng của triết học phương Tây vào thế kỷ 18, nghĩa của từ “truyền thống” đã dần dần định hình trong sự tranh luận triết học giữa khái niệm “hiện đại” và “truyền thống”. Cũng như văn hóa, nó không có một định nghĩa cố định, nhưng nó là một khái niệm bao gồm những niềm tin, tập quán, được hình thành và phát triển trong quá khứ, được trao truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác theo thời gian, và vẫn còn được tin tưởng hay thực hiện vào thời điểm hiện tại.
Văn hóa truyền thống của người Việt
Văn hóa là linh hồn của dân tộc. Đối với nhân loại thì nhân tố tinh thần này cũng quan trọng không kém các nhân tố vật chất như giống nòi và đất đai. Sự phát triển văn hóa định ra lịch sử của nền văn minh của một đất nước. Sự phá hủy hoàn toàn văn hóa của một dân tộc dẫn tới sự tiêu vong của dân tộc đó. Những dân tộc cổ xưa sáng tạo ra các nền văn minh huy hoàng bị coi như đã biến mất khi nền văn hóa của họ biến mất, mặc dù người của các dân tộc đó có thể vẫn tồn tại.
Không giống như pháp luật đặt ra các quy định cứng nhắc, văn hóa có tác dụng như một chế ước mềm mại. Pháp luật thi hành việc trừng phạt sau khi tội ác đã xảy ra, trong khi văn hóa, bằng cách trau dồi đạo đức, ngăn ngừa không cho tội ác xảy ra. Đạo đức của một xã hội thường được thể hiện trong nền văn hóa của nó.
Nền văn hóa của Việt Nam, được tin là bắt đầu từ những sự tích như Đế Minh tế cáo trời đất trên Thiên đài; Kinh Dương Vương làm vua phương Nam; cha rồng Lạc Long Quân kế thừa vương vị; mẹ tiên Âu Cơ sinh bọc trăm trứng; các vua Hùng dựng nước; v.v… Sự hòa hợp giữa Thần và người, giữa Trời và người đã chảy trong huyết mạch của người Việt.
Truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ. (Ảnh Internet)
Khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, Phật giáo lưu truyền vào Việt Nam theo đường biển. Phật giáo ăn sâu, bám rễ vào Việt Nam từ rất sớm. Đến thời Ngô – Đinh – Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, Phật giáo phát triển huy hoàng. Sau ba trận chiến oanh liệt thắng quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông dường như đã hoàn thành trách nhiệm với đất nước. Từ bỏ ngai vàng xuất gia, Ngài tu hành đến từ bi cảm hóa chúng sinh, nhập diệt theo thế sư tử nằm, và hơn 3.000 viên xá lợi thu về sau khi hỏa thiêu ngài được lưu giữ tại khoảng 8 địa điểm khác nhau. Vua Trần Nhân Tông đã làm nên huyền thoại Trúc Lâm Yên Tử, đánh dấu sự phát triển cực thịnh của Phật giáo tại Việt Nam.
Trong khi Phật giáo và Đạo giáo chú trọng vào việc xuất thế tu hành thì Nho giáo lại chú trọng vào việc nhập thế. Vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, Nho giáo du nhập vào Việt Nam. Cùng với chữ Hán, những đạo lý của Nho giáo trở thành nền tảng cho việc xây dựng tri thức về xã hội và tự nhiên, văn học, sử học, triết học, thiên văn học và y học. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, người Việt bước sang kỷ nguyên độc lập, và Nho giáo bắt đầu phát triển, truyền bá những chuẩn mực đạo đức để duy trì trật tự xã hội. Năm 1070, nhà Lý cho xây dựng Văn Miếu; năm 1075 mở khoa thi Nho học đầu tiên; năm 1076 lập Quốc tử giám ngay giữa kinh thành. Kể từ đó, sự phát triển tri thức khoa học và sáng tạo nghệ thuật của người Việt đã có một bước tiến rõ rệt. Nho giáo với tư cách là nền tảng của đạo đức xã hội đã từng bước thâm nhập và tạo ra những tiền đề cần thiết để tiếp tục phát triển mạnh mẽ dưới thời Trần và các thế kỷ sau.
Chiến họa liên miên khiến người dân nước Việt không được hưởng nhiều năm thịnh trị. Trong khi ở nhiều nước khác trong khu vực, người ta vẫn có thể thấy văn hóa truyền thống ẩn hiện trong những kiến trúc cổ xưa, những thành cổ, đền, chùa; thì ở Việt Nam, hầu hết các công trình cổ đã bị hư hại nặng trong chiến loạn.
Mặc dù vậy, nền văn hóa Việt Nam vẫn có một sức sống mãnh liệt, và tinh hoa của nó vẫn liên tục được lưu truyền lại tới đời sau. Người Việt đều tin rằng “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”. Đức hạnh cơ bản của con người là “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa đã trở thành tiêu chuẩn làm người, và năm đức hạnh chính của Nho giáo là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín đã đặt nền tảng đạo đức cho từng cá nhân và toàn xã hội. Văn hóa truyền thống Việt Nam đã thể hiện ra sự thành thật, lương thiện, hòa ái và bao dung; tìm kiếm sự hài hòa giữa con người và vũ trụ; chú trọng vào đạo đức và luân lý của từng cá nhân. Nó đã cung cấp cho người Việt lòng khoan dung, sự tiến bộ xã hội, sự bảo vệ đạo đức con người, và tín ngưỡng chân chính.
Tượng thờ Chu Văn An – Ảnh Wikipedia
Lá rụng về cội
Người Việt hiện đại đang khao khát điều gì? Phải chăng là những khái niệm to tát như “tinh thần dân tộc” và “lòng yêu nước”, hay chỉ đơn giản là những mối quan hệ hài hòa, không đố kỵ, ganh ghét, không ghen tuông, ngờ vực? Người Việt cần những con người ảo vọng xây dựng “thiên đường trên mặt đất” với các thành tích hão huyền kiểu như bắt kịp Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản; hay là những người có trí tuệ sẽ dám lên tiếng vì cái sai, biết phân biệt được thiện ác, biết dũng cảm vì lương tri của xã hội? Người Việt vẫn luôn khao khát một cuộc sống nơi con người có thể tin tưởng lẫn nhau, nơi nhà nhà không phải đề phòng trộm cắp, nơi đồng nghiệp không phải coi nhau như kẻ thù, nơi quan chức không phải nói dối về những gì đã đạt được và hứa hẹn về những điều viển vông. Người Việt đang khao khát tìm về những giá trị Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín… Nhưng…
“Chương trình giáo dục của chúng ta hiện nay không có một bài học nào để gọi là ‘giáo dục’.” (Phó giáo sư, nhà giáo Văn Như Cương).
Nói về giáo dục, Nho giáo nguyên thủy vốn là một bộ các giá trị đạo đức có hệ thống giúp bảo vệ trật tự xã hội xưa. Những người có tâm hoài cổ đã từng đọc Tứ thư Ngũ kinh, kinh điển của Nho giáo, hẳn sẽ nhận thức được rằng Nho giáo nguyên thủy nhất không phải là phong kiến, không phải là lạc hậu, không phải là thủ cựu, cũng không phải là giai cấp nào hết. Nho giáo có thể giúp chúng ta phục hưng lại văn hóa truyền thống với những giá trị đạo đức sâu sắc để làm người.
Một số người Việt phản đối Nho giáo bị ảnh hưởng nặng nề bởi những luận điểm đi trước, vốn bị lệch lạc kể từ thời cận đại, nhất là sau khi ảnh hưởng của cuộc Đại cách mạng văn hóa ở Trung Quốc lan sang Việt Nam. Tuy nhiên như học giả Trần Trọng Kim đã nói:
“Nước Việt Nam ta xưa kia tôn sùng Nho giáo, cho là chính đạo độc tôn. Luân lý, phong tục, chính trị, bất cứ việc gì cũng lấy Nho giáo làm cốt.” (Trần Trọng Kim, Nho giáo, Nhà xuất bản Văn học, 2003).
Lá rụng về cội, người Việt chưa bao giờ ngừng khao khát tìm lại cội nguồn của chính mình. Nhưng bởi vì nhiều nguyên nhân mà chúng ta lại đang lúng túng trước những định kiến về Nho giáo. Trong khi chúng ta lãng quên Nho giáo thì cũng chính chúng ta lại đang mơ ước về một xã hội thịnh vượng tràn đầy Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín. Trong khi chúng ta khát những bậc hiền tài có thể làm thay đổi xã hội thì chúng ta lại quên mất rằng lịch sử đất nước thật sự đã có những bậc tiền nhân đáng kính được hun đúc trong Nho giáo như Chu Văn An với Thất trảm sớ, Nguyễn Trãi với Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Bỉnh Khiêm với Bạch Vân am thi tập, nhà bác học toàn tài Lê Quý Đôn, hay ông quan văn võ song toàn Nguyễn Công Trứ v.v…
Phải chăng Nho giáo chỉ là một lớp vỏ giúp định hình văn hóa? Phải chăng Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín không phải là một chuẩn mực của chỉ mình Nho gia? Phải chăng những tinh hoa đó chính là những giá trị phổ quát vượt qua biên giới về học thuyết, tôn giáo và lý luận?
Nho giáo không phải là một thứ gì đó thật lạ lùng giữa thế kỷ 21. Với việc gìn giữ Nho giáo một cách hợp lý, nước Nhật đã có nền tảng để làm nên những kỳ tích khiến thế giới khâm phục. Trong Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín, người Nhật nổi tiếng bởi Lễ và Tín. Người Việt Nam cũng hoàn toàn có thể nhìn nhận Nho giáo một cách tích cực, và sử dụng những tinh hoa của Nho giáo làm nền tảng để sáng tạo nên những giá trị mới cho dân tộc.
Người Việt không nhất thiết phải phục hưng Nho giáo,
nhưng nhất thiết phải tìm lại chính mình.
Quang Minh