Những biểu tượng truyền thống nước Nga
Búp bê Matryoshka
Với chiều dài lịch sử hơn 100 năm, búp bê Nga Matryoska dường như trở thành một huyền thoại bất tử của nước Nga. Là món quà không thể thiếu khi du khách tạm biệt nước Nga hiền hòa, xinh đẹp. Matryoshka có nguồn gốc từ Nhật Bản. Nhưng khi có mặt tại nước Nga thì Matryoshka được biến hóa thành đồ chơi mang đậm phong cách Nga. Với phong cách đặc trưng nhiều vùng của nước Nga được thể hiện trên con búp bê bằng gỗ, đã mang đến nhiều sự thích thú cho du khách khi cầm chúng trên tay.
Búp bê Nga mang hình ảnh của cô gái Nga với khăn trùm đầu, áo xaraphan. Và mỗi búp bê đều chứa bên trong khoảng 8 búp bê nhỏ. Sau này hình tượng búp bê gái được phát triển thêm hình tượng búp bê trai. Matryoshka ngày nay được gọi cho bao gồm những đồ chơi mà có thể lồng vào nhau.
Ủng dạ
Ủng dạ là loại giày truyền thống xuất hiện ở Nga hàng ngàn năm trước. Ở nước Nga cổ, chỉ những người nông dân khá giả mới đi ủng dạ vì nó khá đắt. Những gia đình có chúng trong nhà được coi là những gia đình giàu có. Chúng được giữ gìn và truyền cho thế hệ sau. Có được món quà là đôi ủng dạ được coi là một điềm may mắn. Những người thợ thủ công làm ủng dạ không nhiều, còn kỹ thuật sản xuất được giữ bí mật, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chàng trai có đôi ủng dạ được coi là một chú rể đáng mơ ước đối với các cô gái.
Ngày nay ủng dạ đã trở thành một sản phẩm rất được ưa chuộng trên thế giới. Càng ngày danh tiếng ủng dạ Nga càng được phổ biến đối với người nước ngoài, vì được làm bằng len dạ nguyên chất, mềm mại, bông xốp, được làm từ lông cừu Romanov cắt từ mùa thu. Ủng dạ vừa giữ nhiệt tốt, vừa thuận tiện và lại là sản phẩm sạch – khi sản xuất người ta không sử dụng thuốc nhuộm a xít.
Bát đĩa gỗ
Những bát đĩa bằng gỗ của người Nga từ xa xưa đã được sử dụng rộng rãi. Màu vàng lấp lánh, ngọn lửa của màu đỏ son, chiều sâu bí ẩn của phông nền màu đen. Những tách trà, bình đựng muối, những chiếc đĩa, thìa… phải trải qua rất nhiều công đoạn sơn, sấy, phủ đất sét, tráng thiếc rồi mới được vẽ trên bề những họa tiết bằng sơn đen và đỏ nhờ một chiếc bút nhỏ. Những họa tiết thường miêu tả cây cỏ. Những hoa văn họa tiết này có liên quan tới hội họa truyền thống của nước Nga cổ. Những thân cỏ mềm mại chạy khắp mặt vật dụng tạo nên một vẻ ngoài đặc biệt lộng lẫy cho đồ vật.
Họa tiết thêu
Trên trang phục cũng như những vật dụng trong nhà của người Nga thường có thêu hình mặt trời, những con chim, những người phụ nữ – nó như biểu tượng của sức mạnh cuộc sống, hạnh phúc, sự màu mỡ. Người ta tin rằng chúng sẽ mang tới cho ngôi nhà sự sung túc.
Việc thêu thùa của các dân tộc trên lãnh thổ Nga đặc biệt đa dạng về kỹ thuật cũng như nghệ thuật thêu, nó mang đặc trưng cuộc sống của mỗi dân tộc. Đường khâu cổ nhất và được thích nhất trong thêu thùa của Nga là kiểu “đếm mũi”. Có các kiểu thêu: hình chữ thập, hình 2 chữ thập đơn giản, những họa tiết (nửa chữ thập), đuôi sam, thêu nổi và các kiểu khác. Cách thêu này được sử dụng rộng rãi để trang trí rèm che, khăn trải bàn, gối trên đivăng, khăn ăn, panno và quần áo.
Cây đàn Balalaika
Balalaika không chỉ là một nhạc cụ đơn thuần, mà còn mang trong mình cả tâm hồn Nga và đã trở thành một trong những biểu tượng của văn hóa Nga. Giai điệu rộn ràng của cây balalaika luôn mê hoặc lòng ngườ tiếng đàn làm ta gợi nhớ những cảnh hùng vĩ, choáng ngợp kiêu sa, song bình dị, thân thương của làng quê Nga đầy yêu mến.
Cây đàn Balalaika có 3 phần, và có duy nhất ba dây. Mặt đàn có hình tam giác, thường có các lỗ nhỏ, trên những lỗ nhỏ này thường có màng bảo vệ. Nó có tác dụng bảo vệ mặt đàn khỏi những cú đập trong khi chơi. Ở nhiều đàn balalaika không có cái lỗ nhỏ này, chúng được thay thế bằng một bức tranh nhỏ vẽ hình hoa hay quả dại.
Balalaika được xem là biểu tượng cho nền văn hóa truyền thống của Nga trong mắt bạn bè thế giới. Ngày nay, Balalaika cũng là một trong những món quà được du khách yêu thích lựa chọn làm quà lưu niệm khi có dịp đến xứ sở bạch dương.
Để biết thêm thông tin về Du lịch Nga xin vui lòng liên hệ:
T&T Travel
Địa chỉ: số 9A Nam Quốc Cang Q1 TP.HCM
Tel: +84(8) 3925 6331
Hotline: +84 944 096 699
Website: http://www.tnt-vietnam.com/