Những cuộc nhậu không lối về ngày Tết
Một tay giữ ghi đông, tay kia quàng ra sau giữ chặt lưng anh chồng mềm oặt, Huyền nhẹ nhàng vặn ga cho xe di chuyển với tốc độ bằng người ta đi xe đạp.
Tết năm ngoái, hôm nào chị Huyền, 27 tuổi, cũng phải chở anh chồng say khướt từ nhà một người họ hàng nào đó trong làng, về nhà. “Uống bữa trước chưa kịp tỉnh đã có người mời rượu bữa sau. Chồng say, vợ mệt rã rời”, cô gái Hà Nội nhắc lại cái Tết đầu tiên về làm dâu ở Thanh Liêm, Hà Nam.
Long (chồng Huyền) không phải người quá ham mê rượu chè, chỉ là năm đầu lấy vợ nên với họ hàng, anh có nhiều lý do để nâng chén. Chào mâm, bắt tay, hỏi chuyện vợ con… mỗi lượt dăm ba chén, hết lượt đi rồi lượt về.
Thấy chồng bị ép uống nhiều rượu, cô vợ trẻ ngăn cản nhưng không đấu lại được sự ồn ào, nhiều lý lẽ từ phía bạn nhậu. Vì đa phần là họ hàng, sợ mọi người tự ái, bản thân là dâu mới nên Huyền cũng không dám tỏ thái độ gay gắt. Bữa rượu vì thế có thể kéo dài từ trưa đến tối, thậm chí nửa đêm, cũng là lúc Long say “quắc cần câu”, bò rạp ra mâm.
Hôm sau rồi hôm sau nữa, kịch bản cũ lặp lại, chỉ là thay đổi địa điểm từ nhà này sang nhà khác. Long ngày nào cũng bị ép uống đến say mèm, dìu về đến nhà người mềm oặt như sợi bún, nôn mật xanh mật vàng, nằm đúng một tư thế cho đến hôm sau.
Tết đến, những cuộc nhậu từ nhà nọ đến nhà kia ở quê chồng khiến Huyền cảm thấy mệt mỏi. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Không bị ép như Long, nhưng từ 30 cho tới mồng 5 Tết, trời vừa sáng là chồng Như Quỳnh, sống tại Thanh Chương, Nghệ An lại tự động dắt xe ra khỏi nhà, tối mịt mới trở về trong bộ dạng chân nam đá chân chiêu.
Lấy nhau đã 6 năm, nhưng Tết năm nào chồng người phụ nữ 34 tuổi cũng bỏ mặc vợ con đi nhậu. Hội nhóm nhậu lại nhiều vô kể, từ họ hàng, làng xóm rồi bạn bè cấp ba, cấp hai, thậm chí cả cấp một. Khi mới kết hôn, Quỳnh cũng chuẩn bị đủ thứ bánh mứt rồi món nhậu chồng thích, nhưng anh chẳng chịu ở nhà. Nhiều hôm, hẹn với gia đình ăn bữa cơm năm mới nhưng về đến nhà trời đã tối muộn, người lại nồng nặc mùi rượu, con cái chê, chẳng đứa nào chịu ngồi cạnh bố.
Mấy ngày Tết thấy chồng tối ngày nhậu, Quỳnh giận dỗi nhưng anh thản nhiên đáp: “Truyền thống bao đời nay của họ tộc này là đàn ông Tết phải say, nếu không chẳng ngẩng mặt lên nhìn nổi thiên hạ”.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, rượu bia là đồ uống không thể thiếu mỗi khi Tết đến. “Nhưng Tết cũng là thời điểm nhiều người ép nhau uống rượu, nhằm đánh giá phong độ, xem ai hơn ai”, ông Vĩ nói. Tuy nhiên khi bị chỉ trích, họ lại vin vào lý do “nam vô tửu như kỳ vô phong”, rồi cho rằng đó là văn hóa truyền thống nhằm ngụy biện cho sự ham nhậu, bê tha.
Với ông Vĩ, văn hóa là những thứ đem tới lợi ích, kỳ vọng hạnh phúc hay lý tưởng chân thiện mỹ cho cộng đồng và con người. Còn như sa đà nhậu nhẹt, lãng phí tiền của, thời gian, sức lực, thậm chí vi phạm pháp luật vì bia rượu là hành vi phi văn hóa.
Cùng quan điểm, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng văn hóa nhậu ở Việt Nam đã vào bàn là uống hết mình, nếu không sẽ bị cho là coi thường bạn bè, nặng hơn thì không đáng đàn ông. Ông cho rằng, quan điểm trên là một định kiến giới, khiến đàn ông khổ sở bởi chính những người đàn ông.
Theo nhà văn, điều dễ thấy nhất khi lạm dụng rượu bia là hàng loạt hậu quả về sức khỏe, thay đổi hành vi theo hướng tiêu cực. Số liệu của Tổng cục thống kê năm 2019 cho biết, tổng chi phí y tế cho điều trị 6 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam liên quan đến sử dụng rượu bia vào khoảng 26.000 tỷ đồng; chi phí giải quyết hậu quả tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tốn khoảng 50.000 tỷ đồng.
Trong khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trong dịp Tết 2020, cho biết, trong các ngày Tết, lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng khiến cơ thể bị mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, thậm chí có thể nhập viện do men gan cao, viêm gan cấp, suy gan.
Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và 29 thế giới về tiêu thụ rượu, bia, theo thống kê của Bộ Y tế. Ước tính mỗi năm, cả nước chi khoảng 3,4 tỷ USD cho rượu bia. Những dịp lễ Tết, tình trạng sử dụng rượu bia lại tăng vọt.
Thị trường bia rượu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong các tháng cuối năm. Báo cáo bốn năm gần nhất của của hai đơn vị sản xuất rượu bia nội địa lớn nhất là Sabeco và Habeco cho thấy, mức tăng trưởng doanh thu thuần trong quý 4 hàng năm thường nhỉnh hơn, do sản lượng tiêu thụ đồ uống có cồn tăng.
Chỉ tính riêng TP HCM, các tháng Tết hàng năm, trung bình người dân tiêu thụ 44-45 triệu lít bia, tăng 30% so với tháng thường, theo số liệu của Sở Công Thương.
Thu Huyền, cô con dâu đất Thanh Liêm, Hà Nam hiểu rõ tác hại của những cuộc nhậu quá đà hơn ai hết. 10 năm trước, bố đẻ cô mất vì tai nạn do say rượu ngày Tết, nên giờ cô không muốn chồng là nạn nhân tiếp theo. Dù rất ghét nhậu nhẹt, nhưng Huyền vẫn phải ngồi canh chồng, sợ Long say, gây tai nạn.
Nhưng sau bốn ngày triền miên đắm chìm trong “chén chú, chén anh”, Long đau bụng dữ dội. Đi cấp cứu, bác sỹ nói anh bị viêm tụy cấp do uống quá nhiều rượu trong thời gian ngắn. “Lúc tỉnh dậy chồng tỏ vẻ hối hận, nói xin lỗi vì đã khiến vợ vất vả. Tết đầu tiên ở nhà chồng là cái Tết không thể quên trong đời”, Huyền nói.
Với vấn đề này, chuyên gia Hùng Vĩ chia sẻ, những người có thói quen “trà tam tửu tứ”, sau mỗi cuộc rượu bia tỉnh dậy, hầu như ai cũng thấy ân hận với người thân, giống trường hợp của Long. Bởi vậy, khi một thói quen được hình thành, dù khó nhưng vẫn có thể thay đổi. “Không ai bắt ép được ai uống rượu nếu người ta không muốn”, ông Vĩ khẳng định.
Còn theo nhà văn Hoàng Anh Tú, hầu hết những ông chồng đều nhận thức được tác hại và hậu quả của việc nhậu nhẹt triền miên nhưng ít người giảm được thói quen này, đặc biệt trong ngày lễ Tết. Ngoài lý do chính từ bản lĩnh người đàn ông không vững, một phần còn do người vợ chưa đủ cương quyết để người chồng nhận ra họ sẽ mất gì nếu duy trì lối sống vô trách nhiệm đó.
Tuy nhiên, thay đổi thói quen của một người luôn cần sự kiên trì. Không nên nhân tiện chồng nhậu nhẹt mà lại chì chiết, buộc tội và kể lể thêm những tồn tại không liên quan, đặc biệt trong ngày Tết. Ví dụ, tiện than vãn chồng ham nhậu mà lại kể các tật xấu khác như lười tắm, bẩn, không gọn gàng chỉ khiến vợ chồng thêm căng thẳng, không giải quyết được vấn đề chính. Thay vì chỉ trích, hãy giúp đỡ đối tác dần khắc phục nhược điểm hoặc tìm cách hạn chế, thậm chí “trốn” những bữa nhậu ngày Tết.
Năm nay, trước khi lên đường về quê ăn Tết, Huyền giao hẹn với chồng mỗi khi đến nhà họ hàng ăn uống, anh phải ngồi cạnh cô. Như vậy, cô mới kiểm soát được lượng rượu chồng uống vào, cũng như nạp đầy đủ thức ăn cho anh, không uống với cái bụng rỗng. “Anh phải tìm cách từ chối cụng ly càng nhiều càng tốt hoặc chỉ nhấp môi cho có, mặc kệ người khác khích bác thế nào. Sức khỏe của bản thân phải tự chịu, không ai đau thay anh được”, cô ra tối hậu thư.
Còn với Quỳnh, từ năm ngoái cô đã quay video những cảnh say xỉn, nôn trớ khắp nhà mỗi lần chúc Tết về của chồng, chờ anh tỉnh rồi bật lại cho xem. Cách làm của người phụ nữ này khá hiệu quả khi Tết năm nay, người chồng hứa sẽ đưa vợ con đi du xuân nhiều hơn.
“Nếu đó là hứa suông, tôi cũng sẽ không ngồi chờ chồng bên mâm cơm mà tự tìm niềm vui của riêng mình”, người phụ nữ này chia sẻ, cô dự định đưa con đi chơi xa đến hết Tết, để khi không có vợ con bên cạnh, người chồng sẽ thấm thía cái Tết đơn độc, như cô đã từng trải qua.
Hải Hiền