Những di sản văn hóa vật thể thế giới tại Việt Nam

(Xây dựng) –  Ở các hạng mục như Di sản thiên nhiên, Di sản văn hóa vật thể – phi vật thể, Di sản tư liệu của nhân loại do UNESCO bình chọn… Việt Nam đã có nhiều công trình được vinh danh. Và điều này đã khiến cho du lịch Việt Nam ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Đặc biệt những khu du lịch được UNESCO công nhận càng hấp dẫn khách du lịch nhiều hơn.

Quần thể di tích Cố đô Huế


Quần thể di tích Cố đô Huế  “là biểu trưng cho sự nổi bật về uy quyền của một đế chế phong kiến từng tồn tại tại Việt Nam”, “là một điển hình nổi bật của kinh đô phong kiến phương Đông”.

Quần thể di tích Cố đô Huế nằm dọc hai bên bờ sông Hương thuộc thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Thành phố Huế là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của tỉnh, là cố đô của Việt Nam thời phong kiến dưới triều nhà Nguyễn, từ 1802 đến 1945. 

Cố đô Huế là kinh đô một thời của Việt Nam, nổi tiếng với một hệ thống những đền, chùa, thành quách, lăng tẩm, kiến trúc nguy nga tráng lệ gắn liền với cảnh quan thiên nhiên núi sông thơ mộng. Nằm ở bờ Bắc sông Hương, tổng thể kiến trúc của cố đô Huế được xây dựng trên một mặt bằng với diện tích hơn 500ha và được giới hạn bởi ba vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. 

Ba tòa thành này được đặt lồng vào nhau, bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên.

Năm 1993, quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Phố Cổ Hội An


Tại phố cổ Hội An sự giao thoa văn hóa đã làm nên một Hội An hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước.

Phố cổ Hội An thuộc thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là một khu phố được hình thành từ thế kỷ 16-17, trước đây là thương cảng của miền Trung. Đến nay khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng quần thể di tích kiến trúc gồm nhiều loại hình như nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ kết hợp với đường giao thông ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ, mô hình phổ biến của các đô thị thương nghiệp phương Đông thời Trung đại.

Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, phần bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡngminh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị.

Năm 1999, phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới

Thánh địa Mỹ Sơn


Ngày 1/12/1999, UNESCO đã công nhận Thánh địa Mỹ Sơn là di sản văn hóa thế giới với hai tiêu chí: “là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hóa”, “là bằng chứng duy nhất của một nền văn minh Châu Á đã biến mất”.

 Thánh địa Mỹ Sơn tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ, thâm nghiêm. Nơi đây, với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật.

Được khởi công từ thế kỷ 4, Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu của dân tộc Chăm. Đây được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của đạo Hindu (Ấn Độ giáo) ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.

Năm 1999, khu di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới 

Hoàng thành Thăng Long


Hoàng thành Thăng Long là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt chiều dài lịch sử.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội bao gồm Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với diện tích hơn 47.000m2 và Thành cổ Hà Nội với diện tích hơn 138.000m2, tạo thành một di sản thống nhất. Đây là minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử Việt Nam trong mối quan hệ với khu vực và thế giới; là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt chiều dài lịch sử. 

Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hóa trong gần một nghìn năm.

Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hóa như tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội.

Thành nhà Hồ


Là kinh đô của nhà Hồ, Thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long – Hà Nội).

Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3/1397) và cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn. Sau khi xây thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô. Bốn bên mặt thành được bao quanh bằng tường đá với tổng khối lượng đá xây thành khoảng 20.000m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp.

Ngày 27/6/2011, UNESCO đã đưa di tích Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) vào danh mục di sản văn hóa Thế giới. “Kỹ thuật xây dựng các bức tường thành bằng đá lớn, kỳ vĩ, đặc sắc chỉ có ở thành nhà Hồ. Đây được xem như một hiện tượng đột biến vô tiền khoáng hậu trong lịch sử xây dựng kiến trúc thành quách tại Việt Nam và trong khu vực”.