Những điểm thú vị của văn hóa Nhật Bản trong giao tiếp
Tính ra, Nhật Bản là Việt Nam là hai nước đồng văn, có văn hóa khá tương đồng. Nhưng tất nhiên, mỗi nước lại có những bước phát triển riêng, tạo nên sự đặc sắc về văn hóa. Trong đó, văn hóa Nhật Bản trong giao tiếp chính là một yếu tố thể hiện rõ sự khác biệt này.
Với những bạn chuẩn bị học và làm việc tại Nhật Bản, việc tìm hiểu văn hóa giao tiếp hết sức quan trọng. Khi giao tiếp tốt với người bản xứ, bạn sẽ có thêm những cơ hội phát triển mối quan hệ, tìm được công việc tốt hơn. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu điểm đặc sắc của văn hóa giao tiếp Nhật Bản nhé.
Mục lục bài viết
Đặc trưng của Văn hóa Nhật Bản trong giao tiếp
Văn hóa cúi chào
Nhắc tới Nhật Bản, người ta sẽ nhớ ngay tới những cái cúi chào lịch sự. Đây là phong cách đặc trưng của người Nhật, không thể bị nhầm lẫn.
Như chúng tôi đã nói ở bài viết này, người Nhật có ba kiểu cúi chào phổ biến nhất. Tùy vào thứ bậc của người đối diện, bạn cần phải chọn cách chào phù hợp.
(*) Ví dụ, khi chào người lớn tuổi, ta cần phải cúi chào sâu theo kiểu Saikeirei. Ngược lại, với bạn bè cùng trang lứa thì chỉ cần khẽ cúi chào theo kiểu Eshaku.
Văn hóa giao tiếp bằng mắt
Người Nhật có văn hóa giao tiếp bằng mắt khác biệt so với Việt Nam hay Phương Tây. Ở nước ta, người ta thường nhìn thẳng vào mắt người đối diện để thể hiện sự tập trung. Tuy nhiên, người Nhật thì không làm như vậy.
Trong giao tiếp, họ thường hạn chế nhìn trực diện vào mắt người đối diện. Thay vào đó, người Nhật sẽ cúi đầu, hoặc nhìn vào một vật trung gian khác. Theo quan niệm của người Nhật, việc nhìn thẳng vào mắt đối phương được coi là khiếm nhã và thiếu lịch sự.
Hiểu được điều này, bạn cần hạn chế nhìn vào mắt người Nhật khi giao tiếp nhé!
Có nên tiếp xúc cơ thể với người Nhật không?
Câu trả lời là không!
Không chỉ hạn chế giao tiếp bằng mắt, họ còn hạn chế tiếp xúc cơ thể. Ở nước ta, khi gặp nhau người ta thường bắt tay hay vỗ vai thể hiện sự thân thiện. Tuy nhiên, người Nhật sẽ luôn giữ khoảng cách khi giao tiếp. Trừ khi người Nhật chủ động bắt tay bạn, bạn không nên tiếp xúc với cơ thể người ta.
Cách an toàn nhất để chào một người Nhật là mỉm cười và khẽ cúi đầu.
Những điểm cần lưu ý khi giao tiếp với người Nhật Bản
Trang phục
Không chỉ ở Nhật Bản mà bất cứ nơi nào cũng đề cao sự chỉn chu trong trang phục. Trang phục bạn mặc là để thể hiện sự tôn trọng với người đối diện, đặc biệt là trong công việc. Chính vì thế, khi gặp người Nhật, bạn hãy nên mặc gọn gàng, lịch sự.
Trong môi trường làm việc công sở, trang phục phổ biến nhất chính là đồ Âu.
- Với Nam giới: Thường mặc áo sơ mi và quần âu. Nếu có mặc thêm áo vest thì họ hay chọn màu tối đen, xanh than, màu xám…
- Với Nữ giới: Thường mặc áo sơ mi và quần âu hoặc váy công sở. Áo không được quá mỏng, không quá rườm rà hay cầu kỳ. Váy cũng không được quá ngắn, phải ngang tầm đầu gối. Nhân viên công sở nữ thường búi tóc để tăng thêm sự gọn gàng.
Kiềm chế cảm xúc của bản thân
Khi giao tiếp, người Nhật rất quan trọng tới cảm xúc của người đối diện. Chính vì thế, họ không muốn người khác bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của mình. Họ ít khi thể hiện cảm xúc mạnh như cười lớn hay gào thét. Thay vì thế, khi giao tiếp với người lạ họ chỉ mỉm cười và nói rất nhỏ nhẹ.
Để giao tiếp tốt với người Nhật, bạn cũng cần học theo phong cách này. Nếu chưa thật sự thân thiết, hãy tiết chế cảm xúc của mình. Đặc biệt, nụ cười nhẹ nhàng là cách tuyệt vời đề ghi điểm với người đối diện.
Quy tắc khi vẫy tay
Một việc nhỏ nhặt khi vẫy tay cũng thể hiện sự cầu kỳ trong giao tiếp của người Nhật. Khi muốn gọi ai đó, họ sẽ để tay thẳng và lòng bàn tay hơi hướng xuống. Việc cong ngón tay là điều nên tránh, vì hành động này bị coi là tục tĩu.
Bên cạnh đó, việc chỉ tay vào người khác là một điều cực kỳ thô lỗ. Thay vì hành động này, hãy mở bàn tay đưa về phía họ. Các ngón tay để khép nhẹ vào nhau, lòng bàn tay hướng lên trời như đang đỡ một mặt phẳng nào đó.
Thường xuyên nói lời cảm ơn và xin lỗi
Người Nhật rất thường xuyên sử dụng lời cảm ơn và xin lỗi. Sau khi giao tiếp hay nhận được lời mời từ họ, hãy cảm ơn thật chân thành.
Tương tự như vậy, nếu muốn nhờ họ làm việc gì, bạn nên nói lời xin lỗi trước khi nhờ. Câu xin lỗi này dành cho thời gian của người khác bỏ ra khi giúp đỡ mình.
Kết luận
Như các bạn có thể thấy, văn hóa Nhật Bản trong giao tiếp có khá nhiều nguyên tắc cầu kỳ. Tất nhiên, chúng ta không thể nào làm đúng tất cả các quy tắc đó, nhưng việc biết thêm kiến thức bao giờ cũng tốt cả. Nếu bạn hiểu văn hóa Nhật Bản càng nhiều, bạn sẽ có được lòng tin và sự quý mến của người Nhật.
Ngoài ra, các bạn có thể tìm hiểu thêm về những nét độc đáo trong văn hóa Nhật Bản trong các bài viết dưới đây nhé: