Những điều kiêng kỵ trong ngày mùng 1 Tết Quý Mão 2023
Dưới đây là lý giải về các tục kiêng thường thấy của người Việt trong ngày mùng 1 Tết và năm mới của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ.
Dân gian có rất nhiều điều kiêng kỵ trong ngày mùng 1 Tết để tránh mọi vận hạn, gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Trong dân gian lưu truyền quan niệm về những điều kiêng kỵ trong ngày mùng 1 Tết để cả năm có được niềm vui, sự may mắn. Những kiêng kỵ này được nhiều gia đình tại Việt Nam coi trọng và thường xuyên nhắc nhở con cháu phài làm theo.
Trả lời phỏng vấn Báo Giao thông về những điều kiêng kỵ ngày Tết, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, trong tổng thể văn hóa, kiêng kỵ (tabou) thuộc về phong tục tín ngưỡng của cộng đồng. Về cơ bản là trong tâm thức cộng đồng có những quan niệm không được thực hiện một hành vi, hành động nào đó vì theo cách hiểu chung, nó sẽ có tác động tiêu cực đến lợi ích của cuộc sống bình thường.
Với nghiên cứu văn hóa, có những tục kiêng có thể giải thích một cách duy lý nhưng cũng có những tục kiêng khó giải thích theo khoa học. Nghiên cứu tục kiêng có thể cho ta thấy những thông tin về lịch sử xã hội, về bản sắc văn hóa, về kinh nghiệm sống, về thế giới tưởng tượng của một cộng đồng cư dân nào đó.
Theo ông Nguyễn Hùng Vĩ, Tết là một di sản văn hóa mang đậm tính lễ hội, đây là thời điểm mạnh của trình diễn văn hóa, thời điểm tích lũy và bùng nổ của cảm thức văn hóa nhân dân. Vì tính chất tích lũy của nó mà các tục kiêng cũng có xu hướng dồn tụ lại trong thời điểm này.
Dưới đây là lý giải về các tục kiêng thường thấy của người Việt trong ngày mùng 1 Tết và năm mới của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ:
Kiêng nói những điều gở, điều xấu, điều tục bậy vào ngày mùng 1 Tết
Ngày ba mươi tháng Chạp, mọi bận rộn đã tạm ngơi, ngồi quanh nồi bánh chưng, các ông bố bà mẹ xưa thường dặn con trẻ là sang sáng mùng một, không được nhỡ lời mắng chửi, cãi cọ nhau vì sẽ dông cả năm, cuộc sống sẽ gặp nhiều bất trắc, gây gổ, bất hòa với mọi người. Đây là quan niệm được ông cha ta lưu truyền từ xưa. Nhưng cũng là một bài học về lẽ ứng xử tử tế giữa con người và con người. trong không khí trang nghiêm của dịp Tết, nó có tác dụng giáo dục mạnh mẽ. Xây dựng nhân cách bắt đầu từ việc lặp đi lặp lại tục kiêng đó hàng năm.
Kiêng đi xin lửa và cho lửa trong ngày mùng 1 Tết
Lửa là nguồn năng lượng quan trọng để con người tồn tại và phát triển. Vì thế nó được thiêng hóa thành thần thánh trong các thần thoại. Ngoài ra, với người Việt, lửa còn mang màu đỏ, màu tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc. Xin sự may mắn của người khác là không nên và cho đi sự may mắn thì rõ là không ai muốn. Từ tục kiêng này, nó khuyên con người chuẩn bị chu đáo bếp lửa, nguồn lửa cho bếp gia đình bởi cẩn thận không bao giờ thừa cả.
Kiêng xin nước dùng trong ngày đầu năm mới
Cũng như lửa, nước vô cùng quan trọng với cuộc sống. Nó là tài sản thiết yếu. Nhiều vùng nông thôn còn giữ tục giữa giao thừa, con trai đi hái lộc, con gái đi gánh nước tiên về đổ vào chum vại, coi như chở của về nhà. Nước đó rất quý nên cũng không nên xin hoặc cho đi. Tục kiêng này cũng giúp cho mọi người phải chuẩn bị, lo toan đầy đủ cho dịp ết của gia đình mình và tôn trọng hàng xóm láng giềng.
Kiêng để nợ kéo từ năm cũ qua năm mới
Tục kiêng này là động thái tự nguyện của người mang nợ, trước hết, họ muốn bước vào một năm mới thanh thản, nhẹ nhàng, rũ sạch lo toan để còn phấn đấu xây dựng cuộc sống. Họ không muốn bị “mang vốn” khi dây dưa nợ nần. Có vay có trả là giữ chữ tín trong cuộc sống. Để có thể trả nợ trong năm, người ta phải có kế hoạch và tích góp từ khi bắt đầu vay. Như vậy, cũng có nghĩa là người ta phải làm ăn tốt hơn, sống kiệm ước hơn. Về phía người cho vay cũng có thể thu hồi vốn để chuẩn bị cho năm mới làm ăn khấm khá thêm. Từ quan niệm này đã dẫn tới việc mê tín đi đền chùa vay của thần phật và thành câu nói “vay đâu năm trả cuối năm”.
Kiêng quét nhà đổ, rác
Tục kiêng này vốn giúp người ta sống vệ sinh trong những ngày tết. Muốn không phải quét và đổ rác thì phải rất cẩn thận giữ vệ sinh gia đình, không xả rác bừa bãi vì không gian tết cần giữ mới mẻ và sạch sẽ để vui chơi, cúng tế và tiếp khách. Từ tục này, ở phương Đông, người ta sáng tạo ra câu chuyện để giải thích: Một nhà buôn gặp được một nàng hầu tên là Như Nguyện, vốn là một tiên nữ của thần may mắn. Vào ngày Tết, vì nàng nhỡ đánh vỡ bình hoa và bị quát mắng (phạm tục kiêng), nàng vì tủi thân nên đã biến vào đống rác. Người vợ quét nhà đã đổ cả đống rác ra đường. Từ đó, nhà ấy làm ăn lụn bại dần. Câu chuyện là để giải thích nhưng dần dần nó lại thành cơ sở của tục kiêng này.
Kiêng cuốc vườn, cày xới vườn nhà
Tục này cũng là để giữ vệ sinh chung cho cả cộng đồng. Người ta giải thích rằng, lúc đó, thổ thần cũng cần nghỉ ngơi hoặc đi công cán, không được đụng vào chốn ở của ngài.
“Các tục kiêng đều có một cái lý (lúc mờ lúc tỏ) của nó. Nhưng với dân gian, họ ứng xử giản đơn là “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Nói chung là yếu tố tâm lý (sự an tâm) được coi trọng hơn cả. Vả lại, những tục kiêng đó cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến an sinh và trật tự an toàn xã hội nên thực hiện nó cũng tạo nên những kỷ niệm không quên suốt cuộc đời”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ lý giải.