Những giá trị bền vững của văn hóa Việt Nam – Báo Đồng Nai điện tử
.
Mùa Xuân năm Mậu Dần 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu thiết lập nền hành chính ở Nam bộ được xác định là điểm khởi đầu về mặt hành chính. Thế nhưng, trước đó, từ năm 1620 (tức tròn 400 năm trước), đã có rất nhiều người Việt theo chân công chúa Ngọc Vạn vào vùng đất Đồng Nai.
Văn miếu Trấn Biên – biểu tượng văn hóa – giáo dục của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Ảnh: Lâm Cón
Những người Việt lớp trước cưu mang lớp người đến sau, để rồi “bén rễ, xanh cây” trên vùng đất mới, tạo dựng nên một nền văn hóa mang đậm bản sắc Việt Nam, nhưng cũng mang bản sắc riêng Nam bộ.
1. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Việt Nam là một đất nước nhiều dân tộc, đa tôn giáo, nhiều tín ngưỡng, nhiều hệ giá trị, nhiều đặc trưng văn hóa vùng miền, nhiều sắc thái văn hóa khác nhau… nhưng tựu trung vẫn là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Việt Nam là một đất nước thống nhất về lãnh thổ, thống nhất về Tổ quốc. Có người đã phát hiện ra rằng người miền Bắc xưa cũng gọi lợn là heo. Lợn là tiếng gọi chung, heo là phương ngữ. Có phải vì vậy mà những người Việt thiên di vào miền Trung rồi lần lần đi vào vùng đất Nam bộ đã mang theo tiếng heo và giữ lại, còn ngay vùng đất cổ xưa tiếng heo đã biến mất. Vậy nên người miền Bắc gọi con lợn, nhưng nói “toạc móng heo”, người miền Nam gọi con heo, nhưng bán “bánh da lợn”. Nhiều nhà khoa học, nhà ngôn ngữ có những kiến giải riêng của mình, tuy nhiên người dân vẫn hứng thú với những giải thích gần gũi, đậm chất dân dã và hài hước.
Có một dân tộc bị đô hộ hơn 1 ngàn năm mà vẫn giữ được ngôn ngữ, văn hóa, tâm hồn và tính cách, đó là dân tộc Việt. Những kẻ đô hộ phương Bắc thuở xưa luôn rêu rao rằng nhờ họ mang văn hóa, văn minh sang nên các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam mới có văn hóa, văn minh còn trước đó là man di mọi rợ. Có lẽ đã là người Việt Nam, không mấy ai không biết câu chuyện “Tiên Dung – Chử Đồng Tử”. Đó là câu chuyện về người cha trước khi mất đã dặn con phải để lại chiếc khố duy nhất mà mặc. Thế nhưng, người con đã không nỡ để cha bị chôn trần truồng. Chử Đồng Tử đã mang chiếc khố duy nhất ấy quấn cho cha mình trước khi đem chôn. Đó là câu chuyện đẹp về đạo lý văn hóa của người Việt. Đó cũng là câu chuyện để đập lại những luận điệu xuyên tạc và để khẳng định rằng dân tộc Việt là một dân tộc có văn minh và lễ nghĩa từ rất sớm.
2. Nền văn hóa Việt Nam mang những bản sắc dân tộc đặc trưng: Yêu nước, tự cường, đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, trọng đạo lý, trọng tình nghĩa, cần cù, sáng tạo, ứng xử tinh tế và giản dị. Trong hành trình thiên di tìm về vùng đất mới ở phương Nam, trong hành trang mang theo, người Việt gánh gồng trên vai cả những giá trị văn hóa đặc sắc này. Đến vùng đất mới, hạt giống tốt hóa tốt đẹp ấy đã được gieo trồng trên vùng đất phì nhiêu để rồi nảy nở, sinh sôi và lớn mãi không ngừng. Phải xa quê hương, xa nơi chôn nhau cắt rốn nên những người Việt thiên di về phương Nam đem theo trong lòng cả nỗi nhớ tổ tiên và cội nguồn da diết: “Ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long (Nhớ Bắc – Huỳnh Văn Nghệ).
Sông Đồng Nai đoạn chảy qua Cù lao Phố
Quãng đường xa quê càng dài, nỗi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn càng da diết. Đến Huế đã buồn nên mới có Nam Ai, Nam Bình. Càng đi sâu vào miền trong càng buồn da diết nên mới có vọng cổ với những Điệu buồn phương Nam. Đặt chân, dừng lại ở một vùng đất: “Đến đây xứ sở lạ lùng/ Chim kêu phải sợ, cá vùng phải lo” (Kho tàng ca dao người Việt – Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật); đến một vùng đất “Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um” nên những người Việt phải đoàn kết với nhau để chống chọi lại khắc nghiệt của thiên nhiên, của thời tiết, chống thú dữ, chống giặc cướp. Bởi buồn như vậy, nên không may có người thân nằm xuống lại càng buồn hơn. Là lý do ở Nam bộ nhiều đám tang không khóc mà… hát. Đã buồn, đã thê lương lại có người nằm xuống càng đau buồn hơn, đến đám tang nếu khóc sẽ làm cho không khí càng thê lương nên người ta phải… hát lên một bài.
Nhà văn Sơn Nam, người được gọi với tên thân thương là “Ông già Nam bộ” đã phát hiện ra điểm rất đặc sắc của văn hóa Nam bộ, đó là dứt khoát, ngắn gọn, đơn giản, dễ tiếp thu cái mới, dễ hòa đồng. Sơn Nam cho rằng cha ông chúng ta gồng gánh vào Nam. Trên con đường thiên lý vạn vạn qua hàng bao thế kỷ, vậy nên, “cái gì rườm rà vứt bớt đi cho nhẹ”. Có lẽ vì vậy mà nếu ai đó hỏi một người vùng khác về một địa điểm nào đó, chúng ta sẽ được chỉ rằng nó ở đằng kia, chỗ nọ, chỗ kia…Người Nam bộ không nói vậy, nếu địa danh ấy ở gần, người chỉ đường sẽ nói “đẳng”, “trển”, “bển”… Phong cách giao tiếp ngắn gọn ấy của người Nam bộ được nói thành câu cửa miệng là: “Có gì nói ngay ra đi” (“nói ngay” đây là “nói thẳng”. Nói đi để rồi thôi, để không để bụng, không giận dữ.
3. Nhìn lên phía Bắc, chúng ta vướng Trung Quốc. Làm sao cha ông ta có thể đi lên khi mà các dân tộc Việt – Bách Việt – ở phía Nam dãy Ngũ Lĩnh (Lĩnh ngoại) đã bị người Hán đô hộ và đồng hóa. Nhìn sang phía Tây là dải Trường Sơn hùng vĩ. Phía Đông là “Biển Đông Hải trùng dương xanh thẳm”. Vậy nên, chỉ còn đường quẩy gánh vào Nam. Những người Việt đi vào vùng đất phương Nam không phải để mưu bá đồ vương, cũng không vì mục đích ngâm thơ vịnh nguyệt. Đa phần trong số tổ tiên chúng ta ra đi là để mưu cầu “quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tìm tự do để thoát khỏi những câu thúc rườm rà, ngặt nghèo của Tống Nho đã quàng lên đầu, lên cổ. Mưu cầu hạnh phúc với việc đầu tiên là đi… kiếm sống. Vậy nên, người Nam bộ dễ cảm thông, chia sớt với người khác, nhất là những người đến sau: “Rồng chầu ngoài Huế/ Ngựa tế Đồng Nai/ Nước sông trong chảy lộn sông ngoài/ Thương người xa xứ lạc loài tới đây/ Tới đây thì ở lại đây/ Khi nào bén rễ xanh cây thì về” (Ca dao).
Nam bộ sông không sâu, núi không cao, ruộng đồng bát ngát phì nhiêu nên ăn sâu vào tâm hồn, tính cách người Nam bộ, tạo cho họ một tính cách chân chất, giản dị, hào sảng, dễ gần. Người Nam bộ rất dễ cảm thông, chia sẻ với người yếu thế nên hình tượng anh hùng Lục Vân Tiên là hình tượng được đa số người Nam bộ yêu mến “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng” (Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu). Những người Việt đến trước đã giang rộng vòng tay, mở rộng lòng mình đón những người Việt đến sau. Họ sợ người sau không có nước ngọt để uống nên đã làm những nhà bè, lợp lá, thả nước trên sông để nay chúng ta có địa danh Nhà Bè nổi tiếng. Câu chuyện Thủ Huồng ở đất Biên Hòa – Đồng Nai là câu chuyện về lòng nhân ái, bao dung tuyệt đỉnh của văn hóa Việt Nam, văn hóa Nam bộ trong buổi đầu đặt chân lên vùng đất này.
Những nét đẹp ấy hôm nay vẫn đang được gieo trồng, chăm bón, vẫn đang nảy mầm, lớn lên, lan rộng. Rất nhiều các phong trào, các chương trình có ý nghĩa đã khởi phát và đi ra từ vùng đất nghĩa tình này: bảo trợ bệnh nhân nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng; phong trào tình nguyện của thanh niên; những quán cơm 2 ngàn đồng; những cửa hàng miễn phí cho người nghèo; những bình nước mát ven đường; những tủ bánh mì miễn phí… Dẫu cuộc sống hôm nay với biết bao bộn bề thì những nét đẹp văn hóa từ thuở ông cha truyền lại vẫn đang chảy trong mạch nguồn văn hóa phương Nam.
Vũ Trung Kiên