Những ngày Tết trong năm ở Việt Nam
Phong tục đón tết của người Việt có từ hàng nghìn năm nay và được bảo tồn qua suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên, nhiều cái tết đến nay đã bị mất đi, nhiều cái tết chỉ còn được tổ chức tinh giản hoặc trong những vùng miền nhất định. Trong bài này, người viết chỉ muốn kể đến những cái tết vẫn được duy trì và phát triển mà ta quen gọi là những ngày tết chính trong năm: Tháng giêng có tết Nguyên Đán, tết Nguyên Tiêu (rằm tháng giêng), Mồng 3 tháng 3 là tết Hàn thực (cúng bánh trôi, bánh chay), mồng 5 tháng 5 là tết Đoan ngọ (tết giết sâu bọ). Rằm tháng 7 có tết Trung Nguyên còn có nơi gọi là tết Vu Lan hay Xá tội vong nhân. Tết Trung thu vào ngày rằm tháng 8 và cuối cùng là tết ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng chạp.
Ông đồ viết thư pháp ngày Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc, chính thức là vào thời nhà Hán khi Hán Vũ Đế (140 TCN) đã lấy ngày 1 tháng giêng năm Âm lịch làm ngày tết. Do đó hiện nay ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Ba Lan, người ta vẫn gọi ngày tết này là tết Trung Quốc và năm âm lịch là năm theo lịch Trung Quốc hay lịch mặt Trăng. Tuy nhiên, khi người Việt Nam coi ngày tết Nguyên Đán là ngày tết của mình thì cách tổ chức đón tết và vui xuân đã khác rất nhiều so với ở Trung Quốc. Thậm chí cụm từ „tết Nguyên Đán” (Tiết khởi đầu hay Xuân tiết) bây giờ cũng ít người dùng mà chỉ nói là Tết hoặc tết Ta để phân biệt với tết Tây theo dương lịch.
Tết Nguyên Đán là tết quan trọng nhất trong năm. Đây là thời điểm bất đầu cho một năm mới nên những việc lễ tết bắt đầu từ cuối năm cũ. Nhiều người cho rằng tết Nguyên Đán bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, tức là ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời. Tết là điểm giao thừa giữa năm cũ và năm mới nên người ta cố gắng hoàn tất những gì còn chưa làm được trong năm cũ và chuẩn bị để có được một năm mới an khang, thịnh vượng hơn.
Trong những ngày cuối năm người ta lo sửa sang, quét dọn sạch sẽ nhà cửa, mua tranh tết về treo. Ngày xưa các gia đình có tục dựng cây nêu để chống lại ma quỷ và những điềm gở. Cây nêu được dựng giữa sân nhà, trên đó treo những thứ được coi là để dọa ma quỷ như tỏi, xương rồng, lá dứa và các hình nộm. Ngày nay tục này chỉ còn thấy ở vùng của các dân tộc ít người. Bên trong nhà, việc sắp dọn bàn thờ được các gia đình coi là việc ưu tiên số một. Tùy theo hoàn cảnh từng nhà, bàn thờ gia tiên có thể to hay nhỏ nhưng nhất thiết phải đảm bảo đủ 5 yếu tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Yếu tố Kim trên bàn thờ thường là bộ Tam sự bao gồm Đỉnh đồng và đôi cây cắm nến. Ngoài ra là đôi hạc (cũng bằng đồng) nếu có điều kiện. Yếu tố Mộc là bàn thờ làm bằng gỗ (thông thường là gỗ mít), nhiều nhà có thêm cỗ kỷ để bên trong cùng. Trên bàn thờ có rượu, chén nước thờ là tượng trưng cho Thủy. Ngọn đèn dầu hoặc nến được đốt lên tượng trưng cho Hỏa. Còn bát hương làm từ đất sét nung hay sành, sứ có nghĩa là Thổ. Bát hương là quan trọng nhất trong bàn thờ, nó được ví như ngôi nhà để các cụ đã khuất đi về. Ngày cuối năm người ta lau chùi bàn thờ, rút bỏ chân hương trong bát hương nếu đã quá đầy. Nén hương thơm được thắp lên và cắm vào bát hương có ý gia chủ đã có lời chân thành mời các cụ về nhà. Theo phong tục thì số bát hương trên bàn thờ thường ứng với các số lẻ, thông thường là 1 hoặc 3. Trên bàn thờ người ta cũng thường đặt thêm lọ lộc bình để cắm hoa, miền Bắc thường cắm hoa đào còn miền Nam thì cắm hoa mai. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu. Giữa bàn thờ là chiếc mâm bồng để bày ngũ quả. Mâm ngũ quả được hiểu đơn giản là mâm bày 5 loại quả với màu sắc khác nhau tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: Giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh và bình yên.
Ở Miền Bắc người ta bày ngũ quả theo quan niệm ngũ hành (Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ). Những quả thường bày là chuối xanh, bưởi, Phật thủ, cam. quýt, táo, dưa hấu hoặc dưa lê và cũng có khi là quả trứng gà, quả lựu. Mỗi loại quả đều có ý nghĩa thí dụ như nải chuối xanh (có số quả lẻ) tượng trưng cho con cháu xum vầy, đầm ấm. Phật thủ mang bàn tay Phật che chở cho cả gia đình, quả bưởi là biểu tượng cho an khang, thịnh vượng, quả đào cho sự thăng tiến, quả táo cho sự phú quý giàu sang vv và vv. Hiện nay, các loại trái cây khá nhiều, nhiều loại quả được nhập từ các nước khác về nên người ta cũng không quá cứng nhắc. Trên mâm có thể có đến bẩy tám, chín hoặc nhiều quả hơn nhưng người ta vẫn gọi đó là mâm ngũ quả.
Người dân miền Trung không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả bày trong ngày Tết, thường là có gì cúng nấy miễn là tươi ngon để thành tâm dâng kính tổ tiên. Các loại quả thường có trong mâm ngũ quả miền Trung là: thanh long, chuối, dứa, dừa, mãng cầu, cam, dưa hấu,…
Ở miền Nam Các loại hoa quả khá phong phú nhưng người dân lại hay chọn 5 loại quả có ý nghĩa để bày mâm ngũ quả: Mãng Cầu, Sung, Dừa, Đu đủ, Xoài với mong muốn „Cầu sung vừa đủ sài”. Ngoài mâm ngũ quả trên bàn thờ người ta còn bày thêm 3 trái Dứa (trái Thơm) với mong muốn con cháu đầy nhà và cặp Dưa hấu xanh vỏ, đỏ lòng tượng trưng cho lòng trung nghĩa và trinh tiết của người phương Nam.
Cũng chính vì quan niệm nặng nề về ý nghĩa nên dân miền Nam thường kiêng kị bày một số loại quả như:
– Chuối, phát âm giống chúi thể hiện sự nguy khó.
– Lê, táo (lê lết, làm ăn đổ bể, dễ thất bại).
– Cam, quýt (quýt làm, cam chịu)
Cúng tất niên là lễ cúng bắt đầu cho một loạt các lễ cúng trong dịp tết Nguyên Đán. Ngày tất niên là ngày 30 tháng chạp hoặc ngày 29 tháng chạp nếu là năm thiếu. Lễ cúng này thường tổ chức vào buổi tối, có ý nghĩa tiễn chân năm cũ và sau đó ăn uống với đầy đủ các thành viên trong gia đình. Mâm cúng tất niên đặt trên bàn thờ gia tiên trong nhà với các món ăn mặn ngày tết gồm bánh chưng, giò, chả, xôi gấc,thịt gà (chân giò lợn), rượu, mứt tết và một vài thứ khác tùy theo khả năng của từng gia đình. Có nhà còn có thêm bàn thờ cúng Phật thì đặt lên đó cỗ ngọt và chay cùng với hương hoa. Cúng tất niên có ý nghĩa mời các bậc tiền nhân về ăn tết cùng với con cháu và phù hộ cho con cháu. Bên cạnh mâm cỗ cúng bao giờ cũng có chiếc đĩa đặt lá trầu và quả cau, cốc nhỏ đựng nước lã, ngoài ra không thể thiếu chiếc đèn dầu hoặc nến đã được thắp sáng. Thông thường là ông chủ nhà làm lễ cúng, một số nơi thì thêm cả các thành viên trong gia đình. Khi cúng bao giờ cũng phải ăn mặc nghiêm chỉnh để tỏ lòng thành kính. Trước đây chủ tế thường phải mặc áo the, khăn đống.
Tiếp theo là lễ cúng giao thừa, thường bắt đầu ít phút trước khi giao thừa và kết thúc khi năm mới đã bắt đầu. Người xưa quan niệm cúng giao thừa là để cầu mong bỏ hết những điều xấu trong năm cũ để có được những điều tốt lành cho năm mới. Lễ cúng giao thừa được thực hiện không giống nhau ở nhiều vùng miền, có nơi cúng cả ở trong nhà và ngoài trời, có nơi chỉ cúng ở ngoài trời với mâm cúng đặt giữa sân. Mâm cúng ngoài sân có ý nghĩa cầu xin các thần Thổ công, Thổ địa phù hộ độ trì cho gia đình mình được luôn mạnh khỏe và an khang, thịnh vượng. Có nơi lại quan niệm mâm lễ cúng ngoài sân là để bày tỏ lòng thành kính tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ trở lại Thiên đình và đón người Hành khiển mới xuống làm nhiệm vụ.
Mâm cúng ngoài sân thường có gà cả con hoặc thủ lợn, ngoài ra là bánh chưng, mứt, kẹo, hoa quả, rượu và vàng mã. Những nhà nghèo không có gà hoặc thủ lợn cũng có thể cúng với những thứ gì mình có miễn là thể hiện cái tâm của mình với các thần. Có một số nơi người ta còn làm lễ Trừ tịch vào thời điểm này để đuổi ma quỷ. Đêm ba mươi và cả ngày mồng một người xưa có tục đốt pháo. Tục này xuất phát từ Trung Quốc có ý để trừ ma quỷ nhưng ở Việt nam bây giờ thì mọi người chỉ hiểu là để vui mừng đón chào năm mới.
Ba ngày đầu năm được coi là những ngày quan trọng nhất trong năm.
Sáng sớm ngày mồng một các nhà đều phải chuẩn bị mâm cỗ cúng (gia tiên và thổ công) chu đáo với đầy đủ những thứ gì mình có để mời Thổ công và các bậc tiền nhân ăn tết. Sau đó gia đình ăn uống và không ra khỏi nhà khi còn quá sớm. Trong ngày đầu năm này người ta thường tặng cho con cháu tiền gọi là tiền mừng tuổi hay tiền lì xi để được may mắn. Con cháu nhận tiền thì nói lời chúc ông bà, cha mẹ những lời chúc mừng năm mới. Những nhà có mời người đến xông đất thì chờ đợi người đó đến trước tiên và rất sợ nếu ai đó không được mời mà đến trước. Đó là vì người được mời xông đất là người phải có tuổi hợp với gia chủ, được hy vọng mang đến cho gia chủ những điều may mắn, sức khỏe và mọi sự như ý trong năm mới. Nếu không mời người ngoài đến xông đất thì gia đình cử một người nào đó đi ra cổng rồi vào nhà chúc tết cho gia đình. Người đến xông đất được gia chủ coi là khách đặc biệt và bao giờ cũng được nhận tiền lì xì của chủ nhà. Một số nơi, người xông đất được mời đến ngay sau lúc giao thừa. Vậy nên những người đi hái lộc trong đêm giao thừa khi trở về nhà đầu tiên cũng được coi là người xông đất. Ngày mồng một cũng là ngày để con cháu đến chúc tết ông bà, cha mẹ (mồng một tết cha).
Ngày mồng hai tết, các nhà cũng phải cúng cơm sáng và chuẩn bị để đón người đến chúc tết hoặc đi chúc tết nhà họ hàng. Ngày này còn được gọi là ngày tết mẹ hoặc ngày về chúc tết nhà bố mẹ vợ (nhạc gia).
Ngày mồng ba tết là ngày phải chuẩn bị cơm cúng theo lệ cúng đủ ba ngày tết. Ngày này người xưa thường đến chúc tết những người thày đã có công dạy dỗ mình nên người, nên nghiệp (mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy). Ngoài ra, ngày này cũng là ngày để chúc tết họ hàng ở xa hoặc bạn bè thân quen.
Trong ba ngày đầu năm, người ta kiêng quét nhà, đổ rác, cho lửa. Cũng chính vì vậy mà mọi người thường đi mua muối, mua diêm để lấy may (đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi – mua vôi để trong nhà nhằm trừ tịch, trừ tà). Ngày đầu năm người ta cũng kiêng vay mượn, trả nợ, kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt (sợ đen đủi, xui xẻo).
Ngày mồng bốn tháng giêng (vẫn có thể coi là ngày tết), theo lịch xưa là ngày con nước. Ngày mồng năm người ta kiêng xuất hành vì là ngày không tốt. Trong các ngày mồng ba, mồng bốn và mồng năm, tùy theo từng nơi, người ta thường làm lễ cúng hóa vàng với ý nghĩa tiễn các bậc tổ tiên trở về thế giới bên kia (sau khi đã ăn tết cùng con cháu). Những ngày này người ta cũng đốt vàng mã để các bậc tiền nhân có thêm tiền, đồ dùng khi ra đi và phù hộ độ trì cho con cháu làm ăn phát đạt. Tại một số vùng ở đồng bằng Bắc bộ còn có tục hát chèo đò đưa tổ tiên trở về thế giới bên kia.
Ảnh minh họa: Bàn thờ cúng rằm tháng giêng tại nhà
Tết Rằm tháng giêng (Tết Nguyên Tiêu) không thuộc vào chuỗi ngày tết Nguyên Đán nhưng cũng có một ý nghĩa đặc biệt trong những ngày đầu năm mới. Tết này cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc với cái tên là Nguyên Tiêu hay Thượng Nguyên và không phải là ngày lễ phật. Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam thì ngày này lại mang nhiều tính chất của Phật giáo. Người Việt Nam coi ngày rằm tháng giêng là ngày lên chùa ước nguyện điều lành, các phật tử thì đến chùa tụng kinh Dược sư (những lời nguyện của Phật Dược sư – vị Phật thầy thuốc). Thành ngữ „lễ phật quanh năm không bằng lễ rằm tháng giêng” đã nói lên tầm quan trọng của ngày này.
Thông thường, vào ngày rằm tháng giêng người ta thường sắm 3 lễ cúng: Cúng Phật, cúng gia tiên và cúng sao giải hạn. Cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết cùng hương hoa đèn nến. Cúng gia tiên là mâm lễ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn của ngày Tết. Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy. Ngoài ra còn có hương hoa, đèn nến, trầu cau, một ít vàng mã, rượu. Khi cúng „Sao giải hạn” người ta thường sắm đủ phẩm vật, đủ số lượng các đèn, nến tuỳ theo mỗi sao cần nghinh tiễn đế làm lễ cúng sao tại nhà. Bài vị cúng mỗi sao được viết trên giấy, có màu tương ứng với ngũ hành của từng sao.
Một câu hỏi được đặt ra là việc cúng „dâng sao giải hạn” vốn không có trong giáo lý của Phật vậy tại sao lại được thực hiện trong chùa và rất phát triển trong hiện tại? Trước đây việc cúng sao giải hạn thường diễn ra ở các nơi bói toán. Về sau tục này được một số chùa đưa vào và bây giờ trở nên phổ biến ở nhiều chùa trong các ngày tháng giêng và tháng hai (trong đó có rằm tháng giêng). Một số người cho rằng cúng sao giải hạn, cầu cúng các tinh quân mong ban phúc thì rơi vào tà kiến, tà mạng và không phù hợp với tinh thần của Chánh pháp nhà chùa. Cho nên có khá nhiều chùa không cúng sao giải hạn mà chủ trương tụng kinh Dược Sư trong suốt tháng Giêng (hoặc từ mùng 8 đến rằm tháng Giêng), khuyến khích Phật tử tham gia tụng niệm, phục nguyện hồi hướng công đức an lành cho Phật tử. Phật giáo có cả một kho tàng tuệ giác soi sáng cho mọi người đi đến thành công, sống hạnh phúc và an vui chứ không chỉ đơn thuần là cầu nguyện và nhất là khuynh hướng cầu cúng theo kiểu cúng sao giải hạn đang ngày càng gia tăng phổ biến hiện nay.
Sau Rằm tháng giêng, ngày tết tiếp theo là „Tết mồng 3 tháng 3”. Tết này còn có tên là tết Hàn thực, cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc, bắt nguồn từ một điển tích từ thời Xuân Thu. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam thì rất ít người biết được nguồn gốc và điển tích này, người ta chỉ biết rằng đó là ngày tết cuối mùa xuân và làm các loại bánh để cúng gia tiên. Đặc trưng của ngày lễ này là các loại bánh trôi, bánh chay, vì vậy nhiều nơi còn gọi là „Tết bánh trôi, bánh chay”. Bánh trôi và bánh chay là những loại bánh được làm từ bột gạo nếp và tẻ (tỉ lệ khoảng 8:2). Bánh trôi hình tròn (đường kính 2 cm) có nhân bằng đường phèn (màu nâu đỏ), được luộc chín trong nước sôi sau đó vớt ra đĩa ăn. Nhà thơ Hồ Xuân Hương đã có bài thơ rất hay mô tả người con gái bằng hình ảnh bánh trôi:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Bánh chay thì có nhân bằng đậu xanh đã được giã nhuyến và trộn với đường, kích thước to hơn bánh trôi (3-3,5 cm), được nấu trong nước có gừng, bột sắn dây hoặc bột đao, khi ăn múc ra bát ăn cùng với nước. Bánh trôi của người Trung Quốc được gọi là bánh trôi Tàu lại được chế biến như bánh chay của người Việt nhưng khác đôi chút. Cụ thể là nó được làm từ bột nếp và tẻ, kính thước to gần bằng bánh chay của ta, có nhân bằng đậu xanh trộn với đường trắng hoặc vừng đen, được nấu trong nước sôi có gừng và đường phên, do đó nước có màu hổ phách. Khi ăn cũng được múc ra đĩa, một bánh có nhân đường và một bánh có nhân vừng đen, ăn cùng với nước.
Bánh tro trong ngày tết Đoan Ngọ
Vào đầu mùa hè có “Tết mồng năm tháng năm”, dân gian còn gọi là tết Đoan Ngọ. Đây cũng là ngày tết có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngày lễ này ở Trung Quốc là ngày cúng Khuất Nguyên, một trung thần thời Chiến Quốc và chỉ cúng vào thời điểm từ 11 giờ đến 13 giờ (đoan ngọ). Tuy nhiên ở Việt Nam thì lại khác hẳn. Buổi sớm ngày tết này người ta ăn (uống) rượu nếp (một món làm bằng cơm nếp được ủ men rượu vừa đủ ngày để cơm “chín”, mềm và có độ rượu nhất định), sau đó ăn bánh đa kê, các loại quả như Đào, Mận, Khế vv…với ý muốn giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Nhiều nơi có tục ăn bánh Tro (một loại bánh làm từ gạo nếp được ngâm trước trong nước tro của các cây có mùi và mầu đặc trưng). Bánh tro dễ ăn, dễ tiêu và thường được ăn với đường hoặc mật mía, cũng có tác dụng “giết sâu bọ”. Buổi trưa hôm ấy người ta cúng gia tiên rồi sau đó đi hái các loại lá về phơi khô để đun nước uống cũng là để trừ diệt sâu bọ. Chính vì vậy “Tết mồng năm tháng năm” còn được gọi là “Tết giết sâu bọ”.
Thư pháp Vu Lan báo hiếu cha mẹ
Tết rằm tháng bẩy là ngày tết có nhiều tên gọi khác nhau cùng được tổ chức vào ngày này. Đó là Tết Trung Nguyên của Trung Quốc, Tết Vu Lan (hay lễ Vu Lan) của Phật Giáo và Tết “Xá tội vong nhân”. Ở đây, xin chỉ nói đến các lễ tết thịnh hành ở Việt nam là Vu Lan và “Xá tội vong nhân”.
Lễ Vu Lan xuất phát từ truyền thuyết về Bồ Tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp Ngạ quỷ. Vậy nên, Vu Lan là ngày lễ để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung). Theo lời Phật dạy, các Phật tử muốn báo hiếu cho cha mẹ cùng cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cẩu phá địa ngục cho những vong hồn. Vào ngày này khi làm lễ ở chùa mọi người được gắn các bông hoa hồng lên ngực áo, nếu mẹ vẫn còn sống thì được gắn bông màu hồng còn nếu mẹ đã chết thì được gắn bông màu trắng. Do quy ước này (có từ thập niên 60 của thế kỉ 20) mà nhiều người lầm tưởng rằng ngày Lễ Vu Lan chỉ được coi như ngày của mẹ.
Lễ “Xá tội vong nhân” thường được tổ chức như sau: Vào ngày rằm tháng bẩy, mọi gia đình thường sắp 2 mâm cúng, cúng tổ tiên tại bàn thờ trong nhà và cúng chúng sinh (hay cúng cô hồn) ở sân trước nhà. Thời gian cúng có thể là vào buổi sáng trưa hoặc chiều. Mâm cúng tổ tiên là cỗ mặn, ngoài ra có thêm vàng mã trong đó là tiền, vàng, quần, áo và các đồ dùng khác cho người cõi âm. Sau khi cúng xong thì đốt vàng mã, có ý gửi các thứ đó xuống âm phủ cho những người trong gia đình mình đã chết. Ngày nay có nhiều người lắm tiền, thích phô trương nên còn mua những đồ hàng mã cao sang như nhà cao tầng, xe hơi, xe máy, điện thoại, thậm chí máy bay hay người giúp việc để gửi xuống cho bố, mẹ, ông bà, nói rằng để người cõi âm có được cuộc sống tiện nghi giống như người trên dương thế.
Trên mâm cúng chúng sinh thì lễ vật gồm có: quần áo ( đồ vàng mã) cho chúng sinh với nhiều màu sắc, các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế. Những thứ khác thường không thể thiếu là xôi oản, cháo hoa, cốc nước lã (hoặc rượu) và cốc gạo trộn lẫn muối. Cốc gạo lẫn muối này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân, ngõ về bốn phương, tám hướng sau khi cúng xong. Các đồ cúng này là dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa. Ở nhiều vùng, mâm cúng chúng sinh thường được mang lên miếu, chùa để cúng sau đó người ta thường gọi trẻ con đến và cho chúng vào tranh cướp những vật cúng. Theo tín ngưỡng dân gian, ngày rằm tháng bẩy còn là ngày mở cửa ngục dưới âm phủ, các vong nhân được xá tội nên lễ cúng bố thí cô hồn thường vào buổi chiều. Phật tử Trung Quốc thì gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa.
Vì vậy, lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn là hai lễ cúng khác nhau nhưng vào cùng một ngày. Lễ Vu Lan là để cầu siêu cho cha mẹ và ông bà bảy đời, có tính chất báo hiếu. Lễ cúng cô hồn (trong lễ “vong nhân xá tội”) là làm phúc.
Rước đèn ông sao trong ngày tết Trung Thu
Tết Trung thu hay Tết rằm tháng tám là ngày tết bày cỗ, ngắm trăng vì ngày này mặt trăng được coi là sáng nhất trong năm (do bầu trời mùa thu thường trong xanh và ít mây?). Ngày nay người ta còn gọi tết Trung thu là ngày tết của thiếu nhi vì có nhiều trò chơi dành cho trẻ em vào ngày này. Cho đến nay vẫn chưa có những nghiên cứu xác nhận tết này bắt nguồn từ tập tục của cư dân người Việt hay du nhập từ Trung Hoa vì cách tổ chức ở Trung Quốc và ở Việt Nam có nhiều điểm khác nhau. Người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung Thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân ở những nơi vui chơi công cộng. Con Rồng tượng trưng cho sự dũng mãnh còn con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà… Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân trong dịp Tết Trung Thu.
Ngày tết Trung thu các gia đình cũng làm mâm cúng mặn giống như các ngày tết khác để cúng gia tiên. Bên cạnh đó là hai loại bánh thường không thể thiếu là bánh nướng và bánh dẻo cùng các loại hoa quả như bưởi, hồng, chuối na … và cốm. Sau khi cúng, người ta ăn uống ở ngoài sân nhà để ngắm trăng (còn gọi là phá cỗ, trông trăng).
Bánh nướng được làm với lớp vỏ bánh là bột mì và có chút dầu ăn. Đường để trộn vào vỏ bánh thường được nấu với mạch nha để chuyển thành màu hổ phách. Nhân bánh nướng thường là nhân thập cẩm, có chút lá chanh thái chỉ, thịt mỡ, mứt, hạt dưa, lạp xường. Bánh dẻo trung thu được làm với vỏ bánh là bột gạo nếp rang xay mịn, nước đường kính trắng đun sôi để nguội (không dùng mạch nha như bánh nướng), nước hoa bưởi. Nhân bánh làm từ các thực phẩm, nguyên liệu đã chín. Nếu không có nhân thì gọi là bánh chay. Bánh được nặn xong ép khuôn và có thể sử dụng ngay không cần cho vào lò nướng. Bánh nướng thường có hình vuông còn bánh dẻo thường có hình tròn nhưng nhiều khi người ta cũng làm thành các hình con cá hay con lợn.
Ngày xưa, tại một số vùng nông thôn, người ta thường tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm trung thu. Lễ hội rước đèn có thể được tổ chức bởi chính quyền địa phương hoặc những nhóm thanh niên trong làng xóm. Họ phân công nhau làm những lồng đèn ông sao thật lớn hoặc những đèn lồng thật đẹp để thi thố với nhau trong lễ rước đèn.
Vào dịp tết Trung thu phần lớn các gia đình thường tự làm lấy đồ chơi cho trẻ em như trống bỏi, đèn ông sư, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, tò he, chong chóng… Ngoài ra còn có các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, với các hình phổ biến về các nhân vật trẻ em yêu thích như: đầu sư tử, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh vv. Ngày nay các đồ chơi cho trẻ em thường được mọi người mua ở các cửa hàng. Người ta cũng hay biếu nhau bánh Trung thu, một tập tục mới không có trước đây.
Tết ông Công, ông Táo của người Việt chính thức là ngày 23 tháng chạp. Ngày đó người ta chuẩn bị lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã còn có mâm cỗ với các món chính là: Thịt lợn luộc, một đĩa rau xào, một bát canh và một đĩa muối. Ngoài ra là hai mũ giấy đàn ông, một mũ đàn bà kèm theo ba con cá chép (cá chép thật hoặc cá chép làm bằng giấy). Đó là vì lễ cúng này có ý nghĩa tiễn đưa các vị thần bếp (ông Công, ông Táo hay Đầu Rau) gồm 2 ông và 1 bà lên trời để báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề tốt, xấu của gia chủ trong năm qua. Cũng cần nói thêm là trước đây người Việt thường đun nấu bằng cách đặt nồi, chảo lên trên ba ông bà Đầu Rau, do đó các ông bà Đầu Rau được coi là những vị thần bếp luôn phù hộ cho gia chủ. Cúng cá chép là vì người ta cho rằng ông Công, ông Táo cưỡi cá chép về chầu Ngọc Hoàng.
Xuân Nguyên
Vác-sa-va, tháng 2/2019