Những quy định mới về học và thi bằng lái xe ô tô 2020
Trước thực trạng số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng không ngừng gia tăng do người dân không hiểu luật, tình trạng mua bằng, thiếu kinh nghiệm lái xe ô tô, đạo đức tài xế xuống cấp…Do vậy, để siết chặt và nâng cao chất lượng đào tạo thì quy định mới trong thi và cấp bằng lái xe sẽ có hiệu lực từ năm 2020.
Nhìn chung các chương trình sát hạch và thi sẽ khó hơn trước, lệ phí và việc cấp bằng lái xe cũng sẽ thay đổi.
Mục lục bài viết
Tăng học phí lên 30 triệu và tăng số câu hỏi lên 600 câu hỏi
Theo thông tư mới nhất của Bộ Giao thông vận tải (38/2019/TT-BGVT) về quy định đào tạo và sát hạch bằng lái xe các hạng tại Việt Nam thì mức học phí đào tạo lái xe ô tô trong năm 2020 sẽ tăng gấp đôi và kèm theo quy định thi bằng lái xe ô tô cũng có nhiều thay đổi.
Nguyên nhân cho việc tăng lệ phí gấp đôi chính là bổ sung thêm 100 giờ bao gồm các chương trình học mới về đạo đức lái xe và học sửa chữa xe cơ bản. Đối với bằng B2 sẽ có mức lệ phí tăng gấp đôi so với trước từ 15 triệu lên 30 triệu.
Thêm vào đó, từ ngày 1/6/2020 với mỗi Giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có một mã QR riêng để cơ quan chức năng có thể nhận biết được cơ sở, trung tâm cấp bằng, bên cạnh đó tránh được tình trạng mua và làm bằng lái xe giả.
Bộ đề thi lý thuyết cũng tăng số câu hỏi từ 450 câu lên 600 câu hỏi, trong đó có 100 câu điểm liệt mà học viên cần lưu ý. Chỉ cần trả lời sai 1 câu hỏi thuộc số câu điểm liệt thí sinh sẽ bị hủy thẳng tay kết quả bài thi lý thuyết, đồng nghĩa với việc bị trượt.
Thay đổi về nội dung thi tốt nghiệp, sát hạch, kiểm tra và đào tạo
Theo đó kể từ ngày 1-1-2020, theo quy định mới, sẽ thực hiện giám sát bằng camera “đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch: “Xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ và bài kết thúc”.
Dữ liệu từ các camera này sẽ được truyền trực tuyến về Tổng cục ĐBVN để “quản lý, giám sát, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu với các Sở GTVT và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Đồng thời, dữ liệu hình ảnh sát hạch cũng được hiển thị trên các màn hình đặt ở phòng chờ để công khai với người dự sát hạch.
Dự kiến, Tổng cục ĐBVN sẽ xây dựng một trung tâm quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX để thực hiện việc giám sát trực tuyến trên toàn quốc.
Đồng thời, trung tâm này cũng sẽ giám sát được thời gian học lý thuyết, số km lái xe trên đường của từng học viên qua các thiết bị theo dõi tại cơ sở đào tạo.
Giám sát về việc học lái xe của các học viên
Kể từ ngày 1/5/2020 theo Thông tư mới nhất của Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành thì các cơ sở đào tạo phải lắp camera giám sát, chấm vân tay cho học viên. Học viên phải tham dự đủ số giờ lý thuyết mới được dự kỳ thi sát hạch.
Các hình ảnh của kỳ thi sát hạch cũng được chiếu trực tiếp ở phòng chờ để công khai với người thi sát hạch.
Theo dõi học viên thông qua thiết bị giám sát
Cũng theo Thông tư, tất cả các trung tâm và cơ sở đào tạo lái xe trên cả nước triển khai lắp đặt ứng dụng công nghệ nhận dạng học viên trong thời gian học môn Pháp luật giao thông đường bộ. Như vậy đồng nghĩa với việc các học viên phải hoàn thành giáo trình Pháp luật giao thông đường bộ.
Về phần thực hành, trên các xe đều được lắp thiết bị giám sát thời gian, hành trình để quản lý và theo dõi học viên trong suốt quá trình sát hạch.
Học và sát hạch bằng lái xe thông qua thiết bị mô phỏng
Việc đào tạo và sát hạch bằng lái xe thông qua thiết bị mô phỏng dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2021. Thời gian học trên thiết bị mô phỏng dự kiến là 3 giờ. Sau khi hoàn thành khóa tập lái trên sân và trước khi tập lái trên đường.
Trình tự sát hạch mới sẽ là lý thuyết-mô phỏng-sa hình-đường trường. Như vậy, nếu không vượt qua bài thi trên thiết bị mô phỏng, bạn sẽ không được tham gia thi sát hạch trên ô tô.
Bổ sung thêm nội dung lái xe an toàn và tác hại của bia rượu
Một thay đổi đáng lưu ý so với chương trình đào tạo cũ là nội dung các môn học lý thuyết được bổ sung, dù thời lượng từng môn vẫn không đổi.
Cụ thể, môn học cấu tạo và sửa chữa thông thường sẽ có nội dung “Hệ thống an toàn chủ động” với thời lượng 1 giờ, môn kỹ thuật lái xe có “Kỹ thuật lái xe an toàn chủ động” với 2,5 giờ và môn Nghiệp vụ vận tải có “Trách nhiệm của người kinh doanh vận tải” với 3 giờ.
Môn đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông được đổi thành đạo đức, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông. Trong đó, nội dung “Phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông” chiếm 2 giờ.
Dù thời lượng còn khá ít ỏi, những nội dung được bổ sung là rất cần thiết cho việc lái xe an toàn.
Tuy nhiên, đáng tiếc là nội dung các khoa mục thực hành lái xe lại chưa có hoặc chưa thể hiện sự thay đổi tương ứng.
Thay đổi luật thi bằng lái xe ô tô 2022
Thêm nội dung thi bằng lái xe ô tô từ 1.6.2022
Khoản 12 Điều 2 Thông tư 01/2021 quy định, từ ngày 1.6.2022:
“Trung tâm sát hạch lái xe sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 01 tháng 6 năm 2022”.
Điều này có nghĩa là học viên phải thi thêm thi sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; thi sát hạch trong cabin ô tô mô phỏng.
Theo đó, người thi sát hạch sẽ phải trải qua 4 nội dung thi:
-
- Sát hạch lý thuyết
- Thi trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông
- Thực hành lái xe trong hình
- Thực hành lái xe trên đường
- Thay đổi trình tự công nhận kết quả thi bằng lái xe ô tô 2022
Căn cứ Khoản 16 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, việc công nhận kết quả đối với người thi bằng lái xe ô tô 2022 ở tất cả các hạng được đánh giá dựa trên các trường hợp như sau:
-
- Không đạt lý thuyết: không được thi lái ô tô bằng phần mềm mô phỏng.
- Không đạt nội dung lái ô tô bằng phần mềm mô phỏng: được thi thực hành trong hình.
- Không đạt nội dung thi thực hành trong hình: không được thi sát hạch lái xe trên đường.
- Đạt nội dung lý thuyết, phần mềm mô phỏng, thực hành trong hình nhưng không đạt nội dung lái xe trên đường: được bảo lưu kết quả trong vòng 1 năm.
- Đạt cả lý thuyết, lái ô tô bằng phần mềm mô phỏng và thực hành lái xe (trong hình và trên đường): được công nhận trúng tuyển và cấp bằng lái xe.
GPLX mới chứa mã số của cơ sở đào tạo
Ngoài ra, từ ngày 1-6-2020, GPLX cấp mới sẽ có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin liên kết với hệ thống thông tin quản lý, bao gồm cả mã số của cơ sở đào tạo lái xe.
Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước có thể dễ dàng thống kê được số lượng và loại lỗi vi phạm của cựu học viên theo từng cơ sở đào tạo lái xe.
Đây là một nguồn thông tin tốt để đánh giá chất lượng giáo dục và đưa ra những cảnh báo cần thiết.
Hy vọng rằng những thay đổi này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo lái xe ô tô.
Tăng mức phạt đối với người sử dụng giấy phép lái xe quá hạn
Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 8 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới và mức phạt Giấy phép lái xe hết hạn như sau:
Phạt tiền từ 5.000.000 – 7.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 3 tháng.
Phạt tiền từ 10.000.000 – 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên.
Xem thêm: Cách tra cứu thông tin xe ô tô online