Những ứng dụng rút gọn dần hết thời

Các ứng dụng dạng rút gọn có kích thước nhỏ hơn rất nhiều lần so với app gốc. Ảnh: OneTech.

Đã có mặt trên các app store từ lâu nhưng phiên bản rút gọn của các ứng dụng (Lite) chỉ mới thực sự phổ biến kể từ khi Google ra mắt hệ điều hành Android Go, được tối ưu hóa riêng cho các dòng điện thoại cấu hình thấp.

Các ứng dụng Lite sẽ rút gọn các tính năng rườm rà sao cho vẫn hoạt động tốt dù chỉ có dung lượng RAM thấp hoặc vi xử lý yếu. Tuy nhiên, các nhà phát triển ứng dụng lại không mấy hưởng ứng những app rút gọn này.

Theo Android Authority, đa số ứng dụng Lite chỉ còn xuất hiện ở một vài quốc gia nhất định hoặc chỉ có thể hoạt động được ở những thiết bị giá rẻ. Nhưng tác giả nhận định các app này rất hữu dụng, do đó cần được phát triển nhiều hơn và phổ biến đến mọi người.

Phiên bản rút gọn của những ứng dụng nặng nề

Càng ngày các công ty lại càng tích hợp nhiều tính năng vào các ứng dụng của mình. Trong đó, mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube là những ứng dụng tốn nhiều tài nguyên nhất trên Android.

Điều này sẽ khiến các app sử dụng nhiều dữ liệu trên thiết bị hơn. Thậm chí, những ứng dụng này còn yêu cầu người dùng cấp hàng loạt quyền bảo mật khác nhau để thu thập thông tin của họ.

Khi đó, việc chi tiền cho những thiết bị mới có RAM “khủng” hay vi xử lý mạnh mẽ cũng trở nên vô ích vì các nhà phát triển liên tục thêm thắt những tính năng thừa thãi vào phần mềm của mình, khiến thiết bị dễ giật, lag, đầy RAM.

Phien ban Lite can thiet anh 1

Các phiên bản rút gọn thường ít tốn dung lượng hơn so với app gốc. Ảnh: Android Authority.

Đơn cử như Facebook, ứng dụng này sẽ chạy trước phần bảng tin dưới nền với mục đích đem lại phản hồi nhanh chóng khi người dùng cần. Nhưng trên thực tế, app này lại sử dụng nhiều dữ liệu và sức mạnh CPU hơn.

Đó chính là lý do mặc dù kích thước khi cài đặt ban đầu chỉ 150 MB, ứng dụng này lại nặng lên đến 1 GB chỉ sau một thời gian sử dụng với hàng loạt những bài đăng được tải trước và các tính năng bổ sung.

Trong khi đó, Facebook Lite chỉ chiếm chưa đến 5 MB trong bộ nhớ, không tải trước trang tin hay tự phát video. Ứng dụng này chỉ sử dụng 25% số quyền so với app Facebook truyền thống.

Đổi lại, người dùng sẽ mất một vài tính năng và trải nghiệm lướt Facebook cũng sẽ chậm hơn bình thường. Phiên bản rút gọn của Facebook sẽ sử dụng ít dữ liệu hơn khi người dùng không sử dụng, giúp tiết kiệm pin, không chạy nền và thực hiện các tác vụ không cần thiết.

“Nhỏ mà có võ”

Bên cạnh đó, không chỉ ít tốn dung lượng các ứng dụng rút gọn còn tinh giản, gọn nhẹ và dễ sử dụng hơn hẳn. Cụ thể, với Facebook thông thường, người dùng sẽ phải mất rất nhiều thời gian để tìm cách thay đổi những cài đặt trong ứng dụng. Họ sẽ phải đi qua rất 5 menu khác nhau từ Cài đặt, Quyền riêng tư đến File phương tiện và danh bạ… chỉ để tắt tính năng tự phát video trong app.

Còn với Facebook Lite, tất cả những gì người dùng cần làm là vào mục Cài đặt để tắt mục “Tự động phát”. Có thể thấy, càng tùy biến để ít tốn dung lượng, các ứng dụng càng trực quan, dễ sử dụng đối với người dùng, Android Authority đánh giá.

Theo trang tin, phiên bản Lite thường sẽ chỉ bao gồm những tính năng chính nên sẽ tập trung vào nội dung cốt lõi của ứng dụng. Đơn cử như Facebook Lite đã loại bỏ hầu hết tính năng dư thừa để mang lại một ứng dụng sạch sẽ, ít “rác” và tiêu tốn tài nguyên thiết bị.

Có thiết kế đơn giản nhưng ứng dụng này vẫn đầy đủ chức năng như cập nhật trạng thái, xem và bình luận, hiển thị tốt các nội dung hình ảnh, video và tích hợp cả tính năng chat mà không buộc người dùng phải tải thêm Messenger.

Phien ban Lite can thiet anh 2

Facebook đã ra mắt phiên bản Facebook Lite từ năm 2015 nhưng đã bị khai tử ở Việt Nam. Ảnh: PhoneArena.

Theo Android Authority, không chỉ phiên bản rút gọn của Facebook, hầu hết ứng dụng Lite hiện nay đều khá tương đồng với app gốc và người dùng có thể thoải mái sử dụng mà không gặp bất cứ trở ngại gì. Điều này cho thấy các nhà phát triển đã đánh vào tâm lý thích những thứ mới của người dùng thay vì ưu tiên tính tiện dụng. Họ cố gắng bổ sung các tính năng nghe có vẻ tân tiến để lôi kéo người dùng và lấy dữ liệu cá nhân của họ.

Các công ty công nghệ cũng không thích phát triển hay phổ biến những phiên bản rút gọn như Facebook Lite. Trên thực tế, các app này sẽ không mang lại nguồn lợi lớn cho họ vì bị giới hạn về tính năng và không gian hiển thị. Trong khi đó, các hãng công nghệ lại muốn xây dựng một ứng dụng có tất cả mọi thứ để lôi kéo người dùng, cùng với đó là hàng loạt quảng cáo nhằm kiếm tiền.

(Theo Zing)