Những việc làm vào ngày tết mẹ nhất định cần biết để mang lại may mắn
Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng đối với mỗi con người Việt Nam, là ngày đánh dấu 1 năm đã qua, những đứa con xa quê sẽ trở về thăm quê nhà. Trong ngày lễ này, mẹ sẽ cần chuẩn bị và làm rất nhiều việc để có một ngày Lễ Tết đủ đầy, ấm cúng. Chính vì vậy, việc bị bỏ sót là không thể tránh khỏi. Thấu hiểu được điều đó, Góc của mẹ sẽ gợi ý giúp mẹ những việc làm vào ngày Tết để mang lại may mắn cho cả gia đình. Mẹ hãy theo dõi nhé!
1. Ý nghĩa của tết cổ truyền
Theo thời gian, Tết Nguyên Đán không chỉ là biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đó còn là sự đánh dấu, tiễn đưa trang trọng năm cũ và chào đón một năm mới đã đến.
Nhưng đối với những con người Việt Nam, Tết Nguyên Đán mang một ý nghĩa rất sâu sắc. Đó là khoảnh khắc thiêng liêng hơn cả, là ngày Tết của đoàn viên của mọi gia đình. Dù ở xa tới đâu, vào dịp Lễ này, những đứa con xa quê vẫn sẽ thu xếp về đoàn tụ với người thân. Đây còn là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và con cháu sẽ được phù hộ khỏe mạnh, làm ăn ổn định và sống hạnh phúc. Vậy nên, vào dịp tết này, nếu mẹ đang xa quê, hãy cố gắng thu xếp cùng gia đình nhỏ về thăm quê và đừng quên ghi nhớ những việc làm vào ngày Tết mẹ nhé!
2. Những việc làm vào ngày tết – 15 điều mẹ nhất định phải làm
2.1. Đi lễ chùa cầu bình an
Để đi lễ chùa đầu năm cầu bình an, mẹ sẽ phải chuẩn bị bài cúng kèm bánh kẹo, hoa quả, trầu cau, hương vàng, rượu,…Đây là việc đầu tiên mẹ cần ghi nhớ trong danh sách những việc làm vào ngày Tết. Khi mang đến chùa, mẹ có thể tự cúng theo bài cúng mẫu đã chuẩn bị hoặc nhờ thầy tại chùa cúng hộ cho gia đình để được trang trọng và đúng đắn nhất mẹ nhé!
Đi lễ chùa cầu bình an mang ý nghĩa to lớn, thể hiện lòng thành kính của mẹ và gia đình đối với đức Phật, tổ tiên phù hộ độ trì. Đó còn là một phong tục, một nét đẹp văn hóa tâm linh lớn lao trong đời sống của mỗi con người Việt Nam.
2.2. Chúc Tết đầu xuân
Vào những ngày Tết, người Việt có phong tục đi chúc Tết ông bà, cha mẹ, họ hàng và bạn bè. Theo thường lệ, vào ngày mùng 1 Tết, con cháu sẽ gửi đến ông bà những lời chúc Thọ, mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Vào ngày mùng 2, mùng 3 Tết mẹ và cả gia đình sẽ đi chúc Tết họ hàng, bạn bè, gửi những lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, phát tài phát lộc.
Không chỉ mang đến niềm hy vọng đầu xuân, thăm hỏi và gặp gỡ nhau dịp đầu năm còn là sự sẻ chia, tâm tình giữa mọi người. Đây là một trong những việc làm vào ngày tết vô cùng ý nghĩa nhắn nhủ rằng một năm mới tới, còn nhiều điều tốt đẹp sẽ mong muốn được đồng hành cùng nhau trong tương lai.
2.3. Ăn chay
Vào những ngày Tết, gia đình thường sẽ chuẩn bị rất nhiều món ăn ngon, đa dạng và chủ yếu là chứa rất nhiều đạm. Tuy nhiên, thay vì thoải mái ăn uống nhiều người sẽ lựa chọn ăn chay trong 3 ngày Tết với những món ăn thanh mát, đơn giản. Ví dụ: Chả giò tàu hũ, canh nấm thập cẩm, cơm bọc lá sen chay…
Sự lựa chọn này không chỉ giúp mẹ có thể tránh được các căn bệnh về nhiệt cơ thể và tiêu hóa mà món ăn chay cũng rất dễ chế biến và bảo quản. Những ngày Tết bận rộn, mẹ chỉ cần hâm nóng lại là có thể ăn ngay, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. Đây quả thực là một trong những việc làm ngày Tết rất cần thiết.
2.4. Tảo mộ
Trước khi bước sang năm mới, tảo mộ là một việc không thể thiếu trong danh sách những việc làm vào ngày Tết. Mẹ có thể chuẩn bị lễ chay hoặc lễ mặn tùy ý, nhưng dù là lễ chay hay mặn thì có một số lễ vật là không thể thiếu như: Đèn, chè, rượu, nước trong, tiền vàng, trầu cau, hương và quả. Khi vào lễ, bố mẹ thắp hương, thắp đèn và khấn vái theo bài cúng khi đi tảo mộ. Trong lúc đợi hương tàn, cả nhà cùng nhau dọn dẹp, tu sửa phần mộ để làm sạch phần mộ của ông bà, tổ tiên và người thân trong gia đình.
Đây là một phong tục phổ biến của người Việt, thể hiện tinh thần đạo hiếu, lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.
2.6. Cho và nhận bao lì xì
Đây có lẽ là điều mà bất cứ ai đều thấy thích thú, đặc biệt là bé yêu của mẹ. Trong dịp Tết, những người thân trong gia đình sẽ cho và nhận bao lì xì không phân biệt già trẻ, gái trai, người lớn hay trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bé yêu và người già luôn được ưu tiên hơn bởi lì xì mang một lời chúc mừng tuổi: mong cho các bé mau ăn, chóng lớn, học giỏi và mong cho ông bà sức khỏe, trường thọ bách niên.
Từ lâu cho và nhận bao lì xì đã trở thành một nét văn hóa đẹp và là một trong các việc cần làm vào ngày Tết truyền thống Việt Nam. Chính điều đó đã tạo nên nét riêng, một nét đẹp đầm ấm và ý nghĩa giữa những con người Việt Nam luôn biết yêu thương và sẻ chia.
2.7. Mua muối
Hình ảnh những người rao bán muối trên khắp các con đường vào ngày đầu năm mới sẽ không còn là hình ảnh xa lạ đối với con người Việt Nam. Theo quan niệm xưa, vị mặn và mùi hương của muối có thể tiêu trừ tà ma và đem lại cuộc sống bình an, sung túc cho gia đình. Chính vì vậy, mua muối được xem là việc cần làm vào dịp Tết. Muối sẽ được bỏ vào những túi gấm hoặc các vỏ bao bì bắt mắt sinh động tựa như món quà từ đất trời gửi tặng cho mọi người. Đó là món quà của niềm vui, một năm mới bình an, phát tài, phát lộc.
2.8. Hái lộc
Hái lộc là một trong những việc làm vào ngày Tết, thường được người Việt thực hiện vào đầu năm mới. Mẹ sẽ đi lên chùa và hài một cành lộc đem về nhà sau thời điểm giao thừa. Đây là một nét đẹp truyền thống được lưu truyền từ rất lâu đời với ý nghĩa tượng trưng mang lộc chồi, sự sinh sôi nảy nở để cầu mong một năm mới bình an, may mắn và viên mãn.
2.9. Xuất hành ngày Tết
Để xuất hành ngày Tết, mẹ sẽ phải đi xem thầy để chọn ngày, giờ, hướng xuất hành tốt theo tuổi của gia chủ sẽ giúp cho năm mới hanh thông, thuận lợi hơn. Bởi vậy, xem hướng xuất hành là một trong những việc làm vào ngày Tết rất quan trọng, nó sẽ giúp mẹ chủ động hơn trong công việc, đặc biệt là những ngày đầu năm. Ngày nay thì việc xem hướng xuất hành không được coi trọng như xưa, tiện hướng nào đi hướng đó nhưng đó vẫn là tục lệ được nhiều người gìn giữ.
2.10. Xông đất
Từ xa xưa, tục lệ “xông đất” được tính bắt đầu từ 00h trở đi, tức là sau giao thừa – đây là một trong những việc làm vào ngày Tết rất cần thiết. Người xông đất cho gia đình chính là người khách đầu tiên bước vào cửa nhà từ giao thừa cho đến sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. Tuổi của người xông đất mang ý nghĩa rất quan trọng, nó sẽ có ảnh hưởng đến may mắn, hạnh phúc, công danh, tài lộc của cả gia đình trong năm mới. Vì vậy, thông thường mẹ sẽ phải đi xem tuổi và chọn người xông đất phù hợp cho gia đình.
2.11. Đi chợ Tết, chợ hoa
Đi chợ Tết, chợ hoa là một trong những việc mẹ cần làm vào ngày Tết. Mẹ sẽ đi chợ và chọn mua những cây đào, cây mai, cây quất, cây cam… mang không khí Tết về với gia đình. Để chọn được hoa mai, hoa đào đẹp không phải là điều dễ dàng: Mẹ nên chọn cây cành to, nhỏ tùy theo không gian nhà mình, điều quan trọng nhất đó là tán đào, mai phải tròn, các nhánh phân bố đều và không nên chọn cây hoa đã nở quá nhiều, hãy chọn cây hoa có nhiều lộc mẹ nhé. Ông cha ta đã từng quan niệm rằng, nếu đêm giao thừa nếu hoa trổ bông có nhiều cánh kép, ba lớp trên đài và mang hình dáng như bông hồng thì sẽ có nhiều phúc lộc.
2.12. Mặc quần áo mới, đồ màu đỏ
Dịp Tết đến, xuân về, mua sắm những bộ quần áo mới luôn nằm trong danh sách những việc làm vào ngày Tết. Vậy mẹ nên chọn đồ cho bé như thế nào là phù hợp? Đối với bé trai, mẹ nên lựa chọn những bộ trang phục có chất liệu thoải mái, thấm hút mồ hôi kết hợp với kiểu dáng năng động đúng với cá tính của những bé trai hiếu động, mạnh mẽ. Chọn đồ Tết cho bé gái, mẹ hãy ưu tiên những bộ trang phục mang màu sắc nhẹ nhàng, những chiếc áo dài thướt tha hay những bộ váy công chúa sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo. Mặc quần áo mới vào dịp Tết mang ý nghĩa tượng trưng cho những điều mới mẻ, tươi vui, bỏ qua những nỗi buồn và đánh dấu cho một cuộc sống tươi đẹp ở năm mới bắt đầu.
Xem thêm:
Hướng dẫn cách phối hợp quần áo Tết cho bé trai
Đồ Tết cho bé trai: Top 5 bộ đồ cực yêu cho bé trai
Các việc làm vào ngày tết – Mẹ đừng quên mua quần áo mới cho bé
2.13. Chọn mua cây, hoa cảnh nở trong nhà
Một trong những việc cần làm ngày Tết không thể thiếu đó là sắm sửa, chọn mua cây, hoa làm đẹp cho nhà mình. Tuy nhiên, người Việt có xu hướng chọn mua cây hoa nhiều lộc: như cây quất, hoa mai, hoa đào, cây cam… mang ý nghĩa đón lộc xuân, vừa cải thiện được luồng vượng khí, giúp gia đình thuận lợi, nhiều tài lộc, tăng tiền tài và vận may trong năm mới.
2.14. Viết điều ước đầu năm
Vào ngày đầu năm mới, mẹ đi chùa thường có những cây điều ước. Người người sẽ lấy bút và viết những mong muốn, ước ao của mình lên những tấm thiệp được treo trên cây. Mới đầu nghe có thể hơi mê tín, tuy nhiên mẹ có thể xem đó là mục tiêu, giúp mẹ có thêm động lực để hoàn thành mục tiêu đó trong năm mới. Đó là cách lấy may, giãi bày tâm tư của mình để hoàn thành công việc cũng như các vấn đề trong cuộc sống tốt hơn. Đối với bé yêu còn nhỏ, mẹ có thể tâm sự để bé chia sẻ mong ước của mình và viết điều ước hộ bé mẹ nhé! Đây thực sự là một trong những việc làm vào ngày Tết rất ý nghĩa.
2.15. Mua diêm, mua lửa
Chợ vào những ngày sát Tết, ai ai cũng sẽ mua diêm, mua lửa bởi theo quan niệm từ xa xưa đây là việc cần làm vào ngày Tết để có thể rước được nhiều may mắn về nhà. Mua diêm, mua lửa dịp đầu năm mới sẽ mang đến nhiều điềm lành, nhiều may mắn và nhiều tài, lộc, có lửa thì đầu xuân năm mới sáng sủa. Đầu năm rước lửa đỏ vào nhà thì cả năm cũng sẽ phát tài, phát lộc, gặp nhiều may mắn. Vì thế, khi tết cận kề, mẹ nhớ sắm diêm và lửa cho gia đình để năm mới bình an, may mắn nhé!
2.16. Uống nước cam
Những việc cần làm vào ngày Tết, mẹ không thể bỏ qua việc bổ sung nước cam cho gia đình. Mẹ nên uống nước cam thường xuyên để bổ sung vitamin C và giải phóng năng lượng, lưu ý chỉ nên uống khi bụng mẹ không cảm thấy đói. Theo phương Đông, uống nước cam vào ngày đầu năm mới sẽ mang lại nhiều năng lượng và tài lộc. Màu vàng và cam là hai sắc màu tượng trưng cho sự phú quý và giàu có, vì vậy uống nước cam đồng nghĩa với việc một năm mới luôn suôn sẻ, ngọt ngào.
3. Những điều không nên làm vào ngày tết để cả năm gặp may mắn
3.1. Kiêng quét nhà, đổ rác vào ngày mùng 1 Tết
Kiêng quét nhà, đổ rác là một trong những việc không nên làm vào ngày mùng 1 Tết. Bởi lẽ, quét nhà không khác gì đang vứt bỏ những tài lộc, may mắn mới vào nhà sau giao thừa và đổ rác chính là đuổi Thần tài đi đó mẹ ạ. Điều này sẽ khiến cả năm làm ăn thất bại, rơi vào hoàn cảnh nghèo tùng.
3.2. Không cho lửa, nước đầu năm
Ở trên, mẹ đã biết mua lửa là một trong những việc cần làm vào dịp Tết. Điều đó đồng nghĩa với việc cho lửa, nước đầu năm sẽ là một điều cấm kỵ. Bởi lẽ, lửa đỏ tượng trưng cho ấm no, hạnh phúc. Còn nước chính là tiền “tiền vào như nước, cho đi nước có khác gì dự báo cho một năm làm ăn khó khăn, thất bát.
3.3. Không vay mượn, trả nợ
Người Việt rất kiêng kỵ việc vay mượn, trả nợ trong ngày đầu tháng, đầu năm mới. Do quan niệm nếu cho vay mượn vào đầu năm mới sẽ đánh dấu một năm rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần, không thuận lợi trong công việc, làm ăn, kinh doanh thua lỗ. Mẹ nhớ lưu ý điều này để tránh gặp điều không may trong năm mới sắp tới nhé!
3.4. Kiêng nói tục, cãi vã
Không chỉ ngày Tết, thường ngày tại sao chúng ta không thể nói những lời nho nhã, tử tế và lịch sự với nhau? Ngày Tết là ngày cần được vui vẻ và trao gửi yêu thương, vì vậy hãy tránh nói tục, cãi vã để tránh những điều xui xẻo cho cả năm mới nhé. Nếu năm mới nói những lời khó nghe, tồi tệ sẽ ảnh hưởng đến công việc trong cả năm.
3.5. Kiêng làm vỡ đồ
Sự đổ vỡ luôn được xem là dấu hiệu của một điềm báo xấu, chính vì vậy vào dịp Tết, khi đang cầu mong những điều tốt lành cho một năm mới thì đổ vỡ sẽ là điều cấm kỵ. Đặc biệt, vào ngày mùng 1 Tết, mẹ và mọi người trong gia đình nên cẩn thận để không làm vỡ đồ như ly, chén, gương…Đặc biệt, bé nhỏ thường rất hiếu động, vì thế mẹ nên lưu ý đặt các vật dụng dễ vỡ tránh xa tầm tay bé để tránh làm đổ vỡ mẹ nhé.
3.6. Ăn thịt vịt và trứng vịt lộn
Thịt vịt và trứng vịt lộn thường được người Việt ăn vào đầu tháng với mong muốn giải đen. Tuy nhiên, vào dịp đầu năm mới, điều đó được xếp vào một trong những việc không nên làm vào dịp Tết. Bởi theo quan niệm, nó sẽ khiến gia đình phải rước thêm nhiều điều xui xẻo về nhà.
3.7. Xông nhà khi đang có tang
Xông đất là một phong tục lâu đời trong ngày Tết cổ truyền. Người xông đất “tốt vía” và có tuổi hợp với tuổi chủ nhà sẽ giúp cho gia đình một năm suôn sẻ, an khang, thịnh vượng. Ngược lại, người “nặng vía” hay có tang có thể mang tới nhiều điều xấu, rủi ro, bất trắc trong tương lai.
4. Có nhất thiết phải kiêng kỵ vào dịp tết không?
Dân gian ta thường có câu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vì vậy điều đó đã hằn sâu trong tiềm thức của mỗi con người Việt Nam. Mặc dù những điều kiêng kị không mang tính bắt buộc theo khoa học, nhưng mỗi người đều cảm thấy nếu không làm vậy sẽ cảm thấy ăn năn, khó chịu và lo sợ về những điều xấu có thể xảy đến trong năm mới. Chính vì vậy, việc có phải kiêng kỵ vào dịp Tết hay không phụ thuộc vào suy nghĩ và lối sống của từng gia đình, mẹ nhé.
Hy vọng bài viết có thể giúp mẹ biết những việc làm vào ngày Tết để có một cái Tết ấm no, đủ đầy và mang lại may mắn cả năm cho gia đình. Mẹ hãy nhớ theo dõi Góc của mẹ để có thêm thật nhiều kiến thức hay, bổ ích chào đón một năm mới trọn vẹn mẹ nhé!
Tham khảo thêm:
Gợi ý đồ Tết cho bé du xuân
Bảo vệ sức khỏe bé ngày Tết, bố mẹ cần lưu ý điều gì?