Nỗ lực bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn | Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn
Lạng Sơn không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà còn là mảnh đất đa bản sắc văn hóa dân tộc với 07 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83,91% số dân của tỉnh, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa truyền thống riêng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Với sự quan tâm của tỉnh, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đời sống văn hóa cơ sở được cải thiện rõ rệt, các thiết chế văn hóa được tăng cường đầu tư, các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.
Nghệ nhân ưu tú Nông Thị Lìm, dân tộc Tày, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) biểu diễn tiết mục Then “Cầu chúc an lành” trong Lễ Cấp sắc, đây là chương trình nghệ thuật diễn ra tại Hà Nội (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản)
Từ năm 2016 đến nay các đơn vị hoạt động nghệ thuật, Hội bảo tồn dân ca đã chỉnh lý nâng cao 220 tác phẩm ca, múa nhạc và các làn điệu dân ca, dân vũ; dàn dựng trên 30 chương trình nghệ thuật/năm theo chủ đề khác nhau; tổ chức 492 biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, 50 chương trình văn hóa nghệ thuật quần chúng; 08 cuộc Liên hoan, hội thi hội diễn, ngày hội văn hóa cấp tỉnh; 17 cuộc liên hoan, hội thi hội diễn, ngày hội văn hóa do Trung ương và khu vực tổ chức; các câu lạc bộ, tổ đội văn nghệ truyền thống ở cơ sở đã tổ chức hàng ngàn chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật quần chúng; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương, địa phương thực hiện ghi âm, ghi hình phát sóng, phát hành đĩa DVD các tiết mục ca múa dân gian… và nhiều hoạt động khác phục vụ các nhiệm vụ chính trị của quê hương, đất nước, của tỉnh, biểu diễn phục vụ Nhân dân vùng sâu, vùng xa đáp ứng nhu cầu giao lưu, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của Nhân dân.
Bên cạnh đó tỉnh cũng quan tâm việc thành lập, duy trì, phát triển các câu lạc bộ, tổ, đội, văn nghệ truyền thống. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 99 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, cùng hàng trăm tổ, đội văn nghệ ở cơ sở. Nhiều câu lạc bộ không những trở thành cái nôi nuôi dưỡng, phát huy tinh thần, nhiệt huyết, niềm đam mê, đáp ứng nhu cầu giao lưu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân mà còn là điểm sáng góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, duy trì, nhân rộng và lan tỏa các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Học sinh Trường THCS bán trú Hải Yến (Cao Lộc, Lạng Sơn) tham gia giao lưu bảo tồn các làn điệu dân ca dân tộc Nùng (Nguồn ảnh: Báo Nhân dân)
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy, phổ biến các loại hình dân ca, dân vũ luôn được quan tâm, chú trọng. Các loại hình dân ca được triển khai giảng dạy trong chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng sư phạm và hoạt động ngoại khóa của các trường THPT, THCS, tiểu học và mầm non trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, công tác điền dã, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm các thông tin, tư liệu liên quan tiếng nói, chữ viết của cộng đồng các dân tộc tỉnh Lạng Sơn được tiếp tục thực hiện. Qua đó đã tiến hành biên tập, in ấn phát hành song ngữ được 02 đầu sách (Cò Lẩu và Sli người Nùng Phàn Slình Lạng Sơn, hát Ví người Tày Bắc Sơn)… để tạo điều kiện phát triển ngữ pháp, từ vựng cho tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Các lớp truyền dạy dân ca (sli, then, lượn, páo dung, sắng cọ, ví…) được tổ chức cho con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh vừa thúc đẩy, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương, vừa góp phần bảo tồn ngôn ngữ dân tộc.
Từ năm 2016 đến nay tỉnh đã nghiên cứu, lựa chọn 01 di sản văn hóa phi vật thể (thực hành Then) để đề nghị UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 05 di sản văn hóa phi vật thể để lập hồ sơ đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh lên 08 di sản, gồm: Then Tày, Nùng Lạng Sơn; lễ hội Ná Nhèm (huyện Bắc Sơn); lễ hội Bủng Kham (huyện Tràng Định); lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn); Lễ hội Trò Ngô (huyện Hữu Lũng); lễ hội Phài Lừa (huyện Bình Gia); múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn; hát Sli người Nùng Lạng Sơn. Triển khai thực hiện 03 dự án nghiên cứu di sản gồm: Nghiên cứu, bảo tồn lễ cấp sắc người Dao Lô Gang, xã Công Sơn, huyện Mẫu Sơn; nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng Lễ hội đền Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng; nghiên cứu, bảo tồn lễ cấp sắc người thầy Tào, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan; biên soạn, phát hành 06 ấn phẩm về di sản văn hóa phi vật thể. Tỉnh đã xây dựng hoàn thiện 02 đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản múa sư tử dân tộc Tày, Nùng giai đoạn 2021 – 2030; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030. Hiện nay tỉnh đang xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ thành phố Lạng Sơn.
Để tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới, bên cạnh việc quan tâm chỉ đạo và đầu tư của tỉnh rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân trong việc tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn minh; nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội; quan tâm chế độ, chính sách, kịp thời biểu dương, khen thưởng, khuyến khích các hạt nhân văn nghệ có nhiều công lao, đóng góp tích cực trong việc truyền dạy văn hóa dân tộc, tổ chức phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, nhằm ghi nhận và huy động những đóng góp tích cực của các nghệ nhân dân gian trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
QUỲNH MAI