Nợ xấu (Non-Performing Loan – NPL) là gì? Các chỉ tiêu phản ánh nợ xấu
Nợ xấu (tiếng Anh: Non-Performing Loan, viết tắt: NPL) hay còn gọi là nợ khó đòi, là các khoản nợ dưới chuẩn, có thể quá hạn và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ lẫn khả năng thu hồi vốn của chủ nợ.
Hình minh họa (Nguồn: ParaAnaliz)
Nợ xấu (Non-Performing Loan – NPL)
Nợ xấu – danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Non-Performing Loan, viết tắt là NPL. Ngoài ra còn có thể dùng bởi cụm từ Bad Debt.
Nợ xấu là tổng số tiền đã vay mà khách hàng đã không thực hiện các khoản thanh toán trong một khoảng thời gian nhất định cho phép.
Mặc dù mỗi khoản nợ khác nhau về các điều khoản cho vay, loại hình cho vay và thời hạn thanh toán. Tuy nhiên nhìn chung, khoảng thời gian này thường rơi vào khoảng 90 đến 180 ngày. (Theo Investopedia)
Mục lục bài viết
Các chỉ tiêu phản ánh nợ xấu
Để hình thành chỉ tiêu “Nợ xấu“, chúng ta phải tiến hành phân loại nợ của Ngân hàng thương mại thành các nhóm sau:
Nhóm 1 (Nợ đã đủ tiêu chuẩn)
– Các khoản nợ trong hạn và Tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng hạn;
– Các khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày và Tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ gốc và lãi bị quá hạn và thu hồi đầy đủ gốc và lãi đúng thời hạn còn lại.
Nhóm 2 (Nợ cần chú ý)
– Các khoản nợ quá hạn từ 10 ngày đến 90 ngày;
– Các khoản nợ điều chỉnh kì hạn trả nợ lần đầu.
Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn)
– Các khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày;
– Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu;
– Các khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng.
Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ)
– Các khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày;
– Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;
– Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai.
Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn)
– Các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày;
– Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;
– Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai;
– Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn;
– Các khoản nợ khoanh, nợ chờ xử lí.
“Nợ xấu” là các khoản nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5.
Tỉ lệ nợ xấu = (Nợ xấu/Tổng dư nợ) x 100%.
Tỉ lệ “nợ xấu” cho biết, trong 100 đồng tổng dư nợ thì có bao nhiêu đồng là nợ xấu, chính vì vậy, tỉ lệ nợ xấu là một chỉ tiêu cơ bản đánh giá chất lượng tín dụng của ngân hàng.
Nợ xấu phản ánh khả năng thu hồi vốn khó khăn, vốn của ngân hàng lúc này không còn ở mức độ rủi ro thông thường nữa mà là nguy cơ mất vốn. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)