Nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa vùng Tây Bắc

Phần trình diễn Lễ hội “Xek pang á” của dân tộc Kháng, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Mai, tỉnh Sơn La

Diễn ra từ ngày 2 – 4/12/2022, Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV có chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc”, quy tụ sự tham gia của 7 tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Sơn La với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn.

Một trong những hoạt động nổi bật, thu hút sự quan tâm theo dõi và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân, du khách là chương trình trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc của các tỉnh Tây Bắc tham gia Ngày hội.

“Tham gia Ngày hội, đoàn nghệ thuật tỉnh Điện Biên trình diễn trích đoạn “Chư mo hờ ngọ, Khờ ro cư mạ” (tra hạt làm lễ cầu mưa) – đây là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tộc Khơ Mú vùng Tây Bắc. Tiết mục do các nghệ nhân dân tộc Khơ Mú thuộc bản Pú Tửu, huyện Điện Biên trình diễn với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và cuộc sống ấm no cho mọi gia đình” – bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh Điện Biên cho biết.

Trích đoạn “Chư mo hờ ngọ, Khờ ro cư mạ” (tra hạt làm lễ cầu mưa) do các nghệ nhân dân tộc Khơ Mú thuộc bản Pú Tửu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên trình diễn

Tham gia Ngày hội, các nghệ nhân dân gian đến từ các tỉnh Tây Bắc còn trình diễn nhiều nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính đặc trưng của địa phương như: Lễ hội “Xek pang á” của dân tộc Kháng, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Mai, tỉnh Sơn La; trích đoạn “Kin khảu máy” (Ăn cơm mới) của dân tộc Lự, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu; nghi lễ Then Cốm mới (Then Pang Mẩu) của dân tộc Tày, tỉnh Lào Cai; lễ hội mở cửa rừng của dân tộc Mường, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ; lễ hội Cầu Mùa của dân tộc Dao, tỉnh Yên Bái; lễ hội xuống đồng của người Mường, Mường Vang, Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Ông Hoàng Văn Tân (phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi được xem các nghệ nhân, nghệ sĩ trình diễn các trích đoạn lễ hội độc đáo, đậm chất miền Tây Bắc. Hiếm có một chương trình ngày hội nào lại hội tụ đầy đủ những nét văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc, tiêu biểu của vùng Tây Bắc như vậy. Tôi thực sự rất ấn tượng.

Đến với Ngày hội, người dân và du khách được hòa mình vào những điệu múa, tiếng khèn, tiếng sáo say đắm lòng người

Đến với Ngày hội, người dân và du khách còn được đắm mình vào những làn điệu dân ca hát Xoan, nghệ thuật Xòe Thái, nghệ thuật hát Then ngọt ngào; được hòa quyện cùng âm thanh say đắm của các nhạc cụ dân tộc như trống, sáo, khèn, đàn tính. Đồng thời, được tham gia trải nghiệm không gian trưng bày, triển lãm tranh, ảnh, giới thiệu sản phẩm văn hóa, ẩm thực địa phương như bánh chưng, bánh giầy, bánh sắn, trà xanh, xôi tím, thịt trâu gác bếp, lạp xưởng, thắng cố, nộm bì trâu… và không gian trình diễn trang phục truyền thống cùng các trò chơi dân gian như bắn nỏ, tu lu, tung còn, kéo co, đẩy gậy do các nghệ nhân, diễn viên – chủ thể văn hóa của vùng đất Tây Bắc thể hiện.

Không gian trưng bày, triển lãm tranh, ảnh quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của các địa phương 7 tỉnh Tây Bắc

Bà Đỗ Thị Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái cho biết: Yên Bái là vùng đất có lịch sử lâu đời với sự phong phú, đa dạng trong phong tục tập quán đa sắc màu của 30 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi tộc người, mỗi bản làng của Yên Bái đều mang những sắc thái riêng. Trong khuôn khổ Ngày hội, đoàn chúng tôi mang đến phần trình diễn trang phục của một số dân tộc sinh sống trên địa bàn như trang phục lễ cưới của dân tộc Mông, trang phục ngày thường của dân tộc Thái và trang phục lễ hội của dân tộc Dao. Cùng với đó là biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc như độc tấu sáo Mông, múa Gông… Thông qua các hoạt động này, chúng tôi mong muốn giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của Yên Bái đến với đông đảo người dân Phú Thọ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Đẩy gậy là một trong những trò chơi dân gian độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc

Xôi tím là một trong những sản vật đặc trưng của tỉnh Lai Châu

Ông Nguyễn Đắc Thủy – TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Phú Thọ, Phó Trưởng Ban tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 khẳng định: Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV thực sự là nơi hội tụ, giao lưu, tôn vinh và tỏa sáng các giá trị truyền thống trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Thông qua Ngày hội góp phần giới thiệu, quảng bá đến bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hoá, thể thao, du lịch của vùng rừng núi kỳ vĩ mà thơ mộng, hoang sơ mà thanh bình, êm ả đến đắm say lòng người. Đồng thời, khơi dậy khát vọng, niềm tin, tự hào dân tộc, phát huy tính tích cực, ý thức tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo.

Thanh Hòa