“Nông dân” Việt “nhảy dây” với tiền ảo

Năm 2021 là một năm trồi sụt cực kỳ khó lường của đồng tiền điện tử hiện đang có giá trị nhất là Bitcoin (BTC) nói riêng và nhiều loại tiền kỹ thuật số khác nói chung. Và với rất nhiều “nông dân thời 4.0” (những người đào tiền ảo, tiền kỹ thuật số) ở Việt Nam, họ cũng không ít lần khóc cười khi tham gia vào thị trường đầy cám dỗ này…

Buôn “trâu cày” sắm xế xịn

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, trong khi rất nhiều bạn bè đồng lứa phải chắt bóp, tằn tiện hết sức có thể mới tạm lo cho gia đình được một cái Tết tươm tươm thì Phan Anh – một 9x đời đầu lại hết sức rủng rỉnh. “Đại thắng” sau khi đầu tư vào “trâu cày” cũng như mua bán các loại tiền ảo (buôn coin, bán card) Phan Anh không những đổi được con “Mẹc lão” để lên đời dòng S mới nhất mà còn dư tiền để tậu một trăm mét đất vùng ven lận lưng làm vốn.

“Nông dân” Việt “nhảy dây” với tiền ảo -0
Năm 2021 nhiều “nông dân” 4.0 ở Việt Nam cũng như trên thế giới giàu lên nhờ buôn coin, bán card

Khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và lan rộng ở Việt Nam, Phan Anh cũng như nhiều đồng nghiệp đang hoạt động trong ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề. Vốn tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Phan Anh nhanh chóng xoay sang nghề tay trái là làm “nông dân thời 4.0”. Vay mượn thêm người thân bạn bè, Phan Anh biến tum tầng 4 của gia đình thành một “xưởng” chuyên đào coin. Cậu tập trung vào đào loại tiền Ethereum (ETH) rồi rao bán trên mạng Internet.

Nhờ tham gia sớm, Phan Anh đã nhanh chóng đạt đến điểm hòa vốn và có lãi. Sang đầu năm 2021, giá trị của đồng ETH đã đạt đến mốc gần 2.000 USD/ETH. Có tiền, Phan Anh tiếp tục đầu tư tiền mua thêm card màn hình mở rộng sản xuất. Ngoài ra, Phan Anh còn bỏ tiền ôm một số đồng coin “rác”. Khi các đồng tiền kỹ thuật số như BTC, ETH tăng mạnh, đỉnh điểm là vào đầu tháng 11-2021 (giá BTC lên gần 70.000 USD và giá ETH là hơn 4.000 USD) thì lập tức các đồng tiền số khác của cậu ta cũng tăng khủng khiếp. Chỉ từ vài ba tỷ đầu tư ban đầu, sau chưa đầy hai năm Phan Anh đã “nhân 5” tài khoản.

Mạnh Hùng – một kiến trúc sư của một công ty xây dựng năm qua cũng kiếm được món lợi khủng từ việc tham gia vào thị trường mua bán card VGA (card đồ họa) dùng làm “trâu cày” tiền ảo.

“Nông dân” Việt “nhảy dây” với tiền ảo -0
Hai năm nay, nhiều “nông dân” chuyển từ đào BTC sang ETH

Theo Hùng, vài năm trở lại đây nhiều “nông dân” Việt đã không còn mặn mà với việc đào BTC bởi phải đầu tư quá nhiều, lợi nhuận sau khi đào được một Bitcoin không bù đắp nổi. Do đó các “nông dân” đều đã chuyển sang đào các loại tiền kỹ thuật số khác như ETH, ETC, ZEC… Muốn vậy, họ phải đầu tư card VGA chuyên dụng.

Là người hoạt động lâu năm trong ngành IT, Hùng thường xuyên có nhu cầu mua những card đồ họa mạnh để nâng cấp máy, tối ưu hóa việc xử lý công việc. Nắm bắt được việc rất nhiều người muốn đầu tư dàn “trâu cày” để đào tiền kỹ thuật số, Hùng thế chấp cả nhà vay tiền hùn vốn với một “tay to” chuyên nghề xuất nhập khẩu để nhập các loại card VGA về bán.

Thời điểm đồng Bitcoin lên đỉnh thì các đồng tiền số cũng theo đó mà lên theo. Nhu cầu lắp dàn “trâu cày” tăng đột biến, kéo theo sự khan hàng khủng khiếp. Khách mua máy để khai thác phải đặt trước 1-2 tháng nếu muốn giá tốt. Còn muốn mua ngay thì phải trả giá rất “chát”. “Có những thời điểm vừa chốt giá xong với đối tác, card chưa ship về Việt Nam thì đã có những khách trả chênh từ 50-100% giá mà cũng không có mà bán”, Hùng kể lại.

Một số mẫu card VGA được giới “đào” tiền số Việt Nam săn lùng nhiều là RTX 3060 với giá trung bình 17 triệu đồng, RTX3070 giá từ 22,5 triệu đồng, bản cao cấp hơn là RTX 3080 giá gần 34 triệu đồng. Một dàn “trâu cày” vào loại “thường” từ 10-20 card. Chỉ cách nhau 1-2 tuần thì mỗi model này đã tăng giá 30-40%.

Khi mà hàng mới trở nên vô cùng khan hiếm (do nhu cầu “đào” tiền ảo rất lớn từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Kazakhstan…), Hùng nghĩ ra một cách là thu mua card VGA cũ về để lắp đặt máy đào. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, có không ít quán Games Internet phải đóng cửa, chủ thanh lý cả dàn máy với giá rất rẻ. Hùng sau khi mua máy về thì tháo riêng card VGA về hiệu chỉnh lại, mua thêm một số “lòng mề” như bộ chân cắm, dây nguồn… là có thể dựng được một dàn “trâu cày” bán lại cho những “nông dân” khác.

Tổng kết năm 2021, Hùng cũng đủ tiền để sắm một chiếc xế hộp đời mới nhất mà cậu đã mơ ước ngắm nghía từ lâu.

“Nông dân” vỡ mộng

Sự thật là tiền ảo đã làm giàu cho không ít “nông dân 4.0”, song với nhiều người khác thì tiền kỹ thuật số lại trở thành cơn ác mộng, khiến cho không những mất Tết mà còn mất hết cả sản nghiệp.

Lê Quang – chủ một diễn đàn về tiền kỹ thuật số nhớ lại thời điểm ngày cúng ông  Công, ông Táo vừa qua, anh nhận được một cú phone nhờ “giải tán” dàn “trâu cày” của một thợ “đào” tiền ảo. “Thợ đào” tên Nam cho biết, ba tháng trước cậu ta đã mua một dàn “trâu cày” từ một chủ tài khoản trên mạng xã hội Facebook với giá hơn năm trăm triệu đồng – cùng lời quảng cáo sẽ nhanh chóng hoàn vốn. Do thiếu kiến thức, sau khi dàn máy chủ yếu là card đồ họa được đưa vào sử dụng thì liên tục lỗi. Kiểm tra lại, Nam mới phát hiện dàn “trâu cày” chủ yếu là hàng cũ tân trang.

“Nông dân” Việt “nhảy dây” với tiền ảo -0
Thời điểm sốt, giá card VGA đã tăng khủng khiếp.

Nhiều tháng vật vã với dàn “trâu cày” rởm, số tiền thu về không đủ bù chi phí Nam đành phải đăng lên mạng rao bán. Song cả tháng trời cũng chỉ có một vài người hỏi – sau khi biết được tình trạng thực của máy. Đã vậy, đồng tiền số BTC lại liên tục lao dốc khiến cho nhiều “nông dân” không còn mặn mà với việc mua “trâu cày” nữa.

Cũng với mộng ước làm giàu nhanh từ tiền kỹ thuật số, Hoàng Phương đã đầu tư “tất tay” để tậu một dàn “trâu cày” thuộc loại khủng, với chi phí bỏ ra cả tỷ đồng. Tuy nhiên, việc “đào” không dễ như Phương nghĩ. Cả tháng gần như không ăn không ngủ, chăm chút cho dàn “trâu cày” mà số lượng coin thu về hết sức khiêm tốn. Đã thế lại mất tiền điện, tiền Internet… Lúc mua thì bỏ ra một đống tiền, nhưng khi không gồng được nữa, đem rao bán thì đa phần chỉ trả 1/2 số vốn đã đầu tư.

Thời gian qua, nhiều bà mẹ bỉm sữa cũng sôi sùng sục trước sự của đồng tiền ảo Pi. Mấy năm trước, Pi Network, đơn vị phát hành tiền ảo Pi, thông báo chỉ một thời gian ngắn nữa là đồng tiền này sẽ chạy chính thức và lên sàn giao dịch. Giới “đào” tiền Pi kỳ vọng tiền thật sẽ đổ về tài khoản. Thậm chí, nhiều người dự đoán đồng tiền ảo này sẽ tăng giá hàng trăm USD một khi đi vào giao dịch chính thức.

Nhưng giấc mơ làm giàu sau một đêm biến mất khi chủ dự án tiền Pi không có động thái nào cho thấy sẽ đưa tiền Pi vào giao dịch chính thức. Điều này đồng nghĩa sau ba năm xuất hiện, đồng tiền ảo này vẫn có giá trị bằng 0 và chưa thể giao dịch, đồng thời cũng không có lộ trình phát triển rõ ràng.

Có một sự thật là hiện nay Việt Nam đang là một trong những nước có lượng người tham gia “đào” Pi nhiều nhất thế giới. Theo thống kê của Similarweb, lượng truy cập vào trang Pi Network tại nước ta đứng thứ tư toàn cầu, chỉ sau Mỹ, Nga và Ấn Độ.

“Nông dân” Việt “nhảy dây” với tiền ảo -0
Một số loại card VGA dùng để đào ETH được ưa chuộng tại Việt Nam

Một chuyên gia trong lĩnh vực blockchain, cho biết: Hiện nay, tiền ảo, tiền số được đầu tư theo xu hướng (trend) và chạy theo những người nổi tiếng (KOL) đang đầu tư vào đồng tiền này hay đồng tiền kia. Một khi trend lên là dự án tiền ảo đó hút rất nhiều tiền thật từ các nhà đầu tư. Ngoài ra, do dịch bệnh, kinh doanh gián đoạn, nhiều người bỏ tiền đầu tư vào tiền ảo với kỳ vọng trong một đêm, đồng tiền đó tăng hàng ngàn USD và mình trở thành tỉ phú.

Tuy nhiên, ngay cả với những nhà đầu tư sừng sỏ thì việc kiếm tiền từ việc đào tiền kỹ thuật số cũng không hề dễ. Với một khoản đầu tư cả chục ngàn USD cho một cỗ máy chuyên dụng, thợ “đào” thường chỉ kiếm được khoảng vài USD/ ngày. Con số này cũng sẽ liên tục thay đổi tùy thuộc vào tỉ giá thị trường hiện tại. Đồng tiền có lãi ngày hôm nay có thể khiến bạn lỗ vốn vào ngày mai, nếu như giá của nó bất chợt giảm mạnh, hay gặp phải tác động xấu đến từ truyền thông. Chính vì lý do này mà “cuộc chơi tiền ảo” cũng giống như mọi cuộc đầu tư khác, luôn luôn có sự hiện diện của các yếu tố như kiến thức, kiên trì và sự may mắn trong đó.

Nữ quái lừa hàng chục tỷ đồng do thua lỗ tiền ảo

Cuối năm 2021, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã bắt Nguyễn Thị Vân (SN 1988 trú tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, sau khi đầu tư tiền ảo thua lỗ.

Cuối năm 2019, Vân vay tiền của nhiều người để tham gia chơi một số tiền ảo trên mạng Internet nhưng thua lỗ khoảng 4 tỉ đồng.

Để trả nợ và tiếp tục đầu tư vào các sàn tiền ảo, Vân xoay tiền bằng cách đi lừa. Biết chị L. nhận chuyển tiền ngân hàng cho những người cần để lấy tiền hoa hồng dịch vụ nên Vân đã tự giới thiệu với chị L. rằng mình có quen biết nhiều người làm nghề kinh doanh có nhu cầu chuyển tiền ngân hàng liên tục, thống nhất sẽ trả tiền dịch vụ là 3 triệu đồng tiền chuyển khoản và chị L. đồng ý.

Vân sử dụng 6 tài khoản ngân hàng của người thân để lừa chị L. rằng đó là các tài khoản của những người kinh doanh lớn, có nhu cầu chuyển khoản tiền liên tục và yêu cầu chị L. chuyển tiền vào 6 tài khoản của Vân. Thời gian đầu Vân vẫn trả tiền gốc cùng phí hoa hồng cho chị L. đầy đủ.

Sau khi chị L. đã tin tưởng, Vân liên tục yêu cầu chuyển tiền vào những tài khoản do Vân quản lý ở trên rồi dùng số tiền đã nhận để xoay vòng chi trả tiền hoa hồng cho những người khác đã gửi tiền cho Vân như chị L. Bên cạnh đó Vân còn dùng tiền của chị L. để tiếp tục đầu tư vào các sàn tiền ảo. Đến tháng 8-2021, tổng số tiền Vân yêu cầu chị L. chuyển khoản sau đó chiếm đoạt lên đến 4,5 tỉ đồng.

Khi biết không còn khả năng trả số tiền lãi và gốc, Vân tắt máy điện thoại, chặn số điện thoại của chị L. rồi trốn về quê tại huyện Nghĩa Đàn.

Với thủ đoạn tương tự, Vân còn lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng của nhiều bị hại khác.