Nuôi dưỡng dòng chảy bất tận văn hóa Nga

Từ vài tháng qua, theo chỉ đạo của Tổng thống, Chính phủ Nga đang nghiên cứu triển khai dự án phát hành một triệu tấm “Thẻ Pushkin”, nhằm tạo cơ hội và cung cấp tài chính để thanh thiếu niên Nga, trong độ tuổi từ 14 đến 22, có thể tham quan bảo tàng, thư viện, các công trình văn hóa, hay dự các buổi hòa nhạc, thậm chí có thể đặt chân vào Nhà hát lớn Bolshoi ở thủ đô Moskva… Với mỗi thẻ được nạp sẵn 3.000 ruble (khoảng 40 USD), trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12-2021, thanh thiếu niên Nga có thể tiếp cận, chiêm ngưỡng và tìm hiểu những giá trị vĩ đại của nền văn hóa Nga.

Tổng thống tuyên bố trên sóng truyền hình trực tiếp: “Tôi rất mong giới trẻ có thể sử dụng Thẻ Pushkin để thỏa mãn ước mơ được chiêm ngưỡng các di sản văn hóa rất đỗi tự hào của đất nước”. Tổng thống cho rằng, thực tế có nhiều thanh thiếu niên mơ ước được một lần đặt chân đến những công trình văn hóa vĩ đại, thăm viện bảo tàng, hoặc được hòa trong âm thanh bay bổng của những buổi hòa nhạc… Và các em đã phải tiết kiệm rất lâu để có được tấm vé. Nhưng giờ đây, bằng một chút hỗ trợ của nhà nước, các em có thể thỏa ước mơ chính đáng của mình.

Là một trong những quốc gia có nền văn hóa được cả nhân loại ngưỡng mộ, trải qua nhiều thế kỷ, đến nay Nga vẫn còn lưu giữ được những nét đặc sắc của riêng mình. Trong đó, không thể không nhắc tới những công trình đồ sộ, là di sản văn hóa vô giá được tạo dựng, gìn giữ và lưu truyền qua các thế hệ. Đó chính là hệ thống các bảo tàng lớn nhỏ, từ sở hữu quốc gia cho tới tư nhân, trải dài trên khắp đất nước và làm nên niềm tự hào của các dân tộc Nga.

Nuôi dưỡng dòng chảy bất tận văn hóa Nga -0

Bất chấp đại dịch Covid-19, người dân Nga vẫn thường xuyên tham quan bảo tàng.  Ảnh | QUẾ ANH

 

Trong hệ thống các bảo tàng hiện đại của Nga, hiện có 2.027 bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa Nga, là những bảo tàng trực thuộc liên bang. Các bảo tàng này hiện lưu giữ khoảng 60 triệu đơn vị hiện vật, với trên dưới 70 triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Tuy nhiên, ngoài con số hơn hai nghìn bảo tàng cấp nhà nước kể trên, chưa từng có một con số thống kê cụ thể nào về những di tích lịch sử, văn hóa, những bảo tàng lớn nhỏ khác thuộc sở hữu cấp sở, thành phố, hay những bảo tàng được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, bảo tàng tư nhân. Theo đó, cũng không có số liệu thống kê cụ thể nào về việc hiện có bao nhiêu người vẫn ngày đêm dày công lưu giữ, bảo quản và trưng bày các hiện vật quý giá; bao nhiêu du khách nhờ họ đã được làm quen với di sản văn hóa, lịch sử của nước Nga. Chỉ chắc chắn một điều rằng bảo tàng hiện diện ở muôn nơi trên xứ sở Bạch Dương và bạn sẽ không thể tìm thấy một thành phố hay vùng thôn quê nào ở nước Nga mà lại không có bảo tàng.

Quả thật, bảo tàng đã gắn bó với đời sống của người dân Nga, với lịch sử Nga. Lần giở những trang mạng đánh giá, hướng dẫn… ta luôn bắt gặp những cái tên bảo tàng của Nga trong tốp đầu những bảo tàng vĩ đại nhất thế giới. Bảo tàng Quốc gia Hermitage của Nga, còn gọi là Bảo tàng Cung điện mùa Đông, là một trong những cái tên đó.

Tọa lạc tại một trong sáu tòa lâu đài nguy nga đã từng là cung điện Hoàng Gia bên bờ sông Neva, ở thành phố Saint Petersburg, với diện tích 66.842 m2, Bảo tàng Hermitage là một trong những bảo tàng lâu đời nhất thế giới với hơn 250 năm lịch sử tồn tại. Được thành lập năm 1764, hiện bảo tàng lưu trữ một bộ sưu tập khổng lồ gồm khoảng ba triệu tác phẩm nghệ thuật, thuộc đủ các giai đoạn lịch sử, đại diện mọi vùng miền trên thế giới. Đến với Hermitage, bạn như được du ngoạn tới bất cứ miền đất nào, ở bất cứ giai đoạn nào. Có lẽ chính vì thế mà người ta từng ví Hermitage là nơi tập trung toàn bộ vẻ đẹp thế giới. Hiện bảo tàng đang tích cực phát triển mở mang, thành lập các chi nhánh tại Nga và ở nhiều nước khác.

Văn hóa Nga còn là những vùng đất có bề dày lịch sử. Trong số đó, phải kể đến vùng đất nằm dọc theo dãy núi Kavkaz, cách thủ đô Moskva gần ba giờ bay, nơi nổi tiếng với tên gọi nước Cộng hòa (tự trị) Bắc Ossetia-Alania, trong thành phần Liên bang Nga, thủ phủ là thành phố Vladikavkaz. Nơi đó dù có thể chưa được đặt chân, song chắc hẳn bạn đã từng bắt gặp đâu đó trong những bộ phim Nga, với phong cảnh nơi dãy Kavkaz hùng vĩ. Một nhà sử học đã từng nói về Bắc Ossetia rằng: “Ở đây bạn có thể chạm tay vào lịch sử và văn hóa”. Trong những năm 60 của thế kỷ trước, Bắc Ossetia đã được chọn là trung tâm sản xuất phim tại vùng Kavkaz. Trong một phần ba thế kỷ, hàng trăm bộ phim truyện và phim tài liệu đã ra đời từ vùng đất này. Những dãy núi hùng vĩ ở Kavkaz hóa ra lại là phim trường lý tưởng của điện ảnh, nơi lịch sử tồn tại trong các tòa tháp, dưới những chiến hào… vốn còn lưu giữ được những nét hoang sơ có từ thời Trung Cổ. Những thước phim ra đời từ dãy núi Kavkaz như thổi vào nền điện ảnh Xô-viết một luồng gió mới, trong đó văn hóa, phong tục và cả sự hài hước độc đáo của người miền núi Kavkaz được hòa trộn nhuần nhuyễn, làm nên một nét văn hóa riêng có ở vùng đất này.

Nói đến văn hóa Nga, không thể không nhắc tới những giá trị văn hóa phi vật thể, luôn hiện hữu, thấm đẫm trong không gian Nga, mà những ai dù chỉ một lần đặt chân tới đất nước này cũng đều cảm nhận được. Đó là những tập tục, lễ hội, những truyền thống, phong cách… rất riêng, rất Nga. Người Nga có phong tục đón khách rất đặc biệt. Và nếu ở nơi nào trên đất Nga, bạn được các cô gái trong bộ trang phục truyền thống sặc sỡ mang tặng bánh mì và muối, thì đấy chính là vì họ đã coi bạn là khách quý. Bánh mì và muối, vốn là loại lương thực và gia vị thiết yếu trong cuộc sống. Và cứ mỗi dịp lễ hội hằng năm, phong tục tặng bánh mì và muối cho những người đáng kính lại diễn ra. Đây là một trong những nét đẹp lâu đời trong văn hóa ứng xử của người Nga.

Hiếm có quốc gia nào mà các loại hình lễ hội lại phong phú và đặc sắc như ở Nga. Từ Lễ chào đón năm mới, Lễ phục sinh, Lễ hội băng, cho đến Lễ tiễn mùa đông, rồi mùa hè đến với những Lễ hội mật ong, Lễ hội táo, Lễ hội quả hoạch, Lễ hội Ivan Kupala mùa đông, Lễ hội Ivan Kupala mùa hạ, Lễ hội chăn cừu, Lễ hội Kozak… Mỗi mùa lễ hội đều có nguồn gốc, cách thức tổ chức và mang ý nghĩa khác nhau. Nhưng tất cả những lễ hội này đều có một mẫu số chung, chúng đều bắt nguồn từ chính cuộc sống của người dân Nga, thể hiện phong tục tập quán của các vùng miền Nga và làm cho đời sống của người dân Nga, trải qua bốn mùa với nhiều ý nghĩa. Và không gian Nga, tâm hồn Nga luôn thấm đẫm những nét đẹp văn hóa, không ngừng được tôn tạo, bồi đắp từ thế hệ này qua thế hệ khác, như những dòng chảy bất tận.