Ông Nguyễn Văn Mỹ: Trong thử thách tôi tìm thấy cơ hội

(SGTT) – Nhiều người bất ngờ khi ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt đi làm shipper (giao đồ) nhưng bản thân ông lại tìm thấy niềm vui trong công việc, lại có thêm nhiều trải nghiệm thực tế để chia sẻ và làm các chương trình du lịch city tour mới.

Ông Nguyễn Văn Mỹ (66 tuổi), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt có hơn 25 năm hoạt động trong ngành du lịch, từng là cán bộ Thành Ðoàn TPHCM, vào bộ đội tình nguyện sang Campuchia từ 1979-1983. Ra quân, ông tiếp tục học Ðại học Sư phạm Văn, tu nghiệp tại Cộng hòa Dân chủ Ðức.

Ông Mỹ đã dành thời gian chia sẻ cùng Sài Gòn Tiếp Thị về hoạt động du lịch cũng như những thay đổi lớn của mình khi ông không ngần ngại làm shipper để duy trì cuộc sống và cả điều hành công ty hoạt động.

SGTT: Đứng trước nhiều thách thức trong thời điểm hiện tại, Lửa Việt có những hoạt động gì để thu hút khách du lịch thưa ông?

– Chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Mỹ: Thực tế rất nhiều khó khăn, đợt dịch vừa rồi để lại rất nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Đến hiện nay, việc lưu thông di chuyển ở nhiều nơi vẫn còn nhiêu khê. Nhiều người dân vẫn rất sợ dịch bệnh lây lan. Lửa Việt đã hết sức cố gắng để duy trì hoạt động tối thiểu, làm mới sản phẩm nhưng hiệu quả vẫn hạn chế.

Du lịch nội địa tưởng dễ nhưng do các địa phương chống dịch bất nhất nên nhiều khi khó hơn du lịch quốc tế. Các quốc gia có kế hoạch thống nhất, đón khách của nhau, còn các tỉnh thành Việt Nam quy định nhận khách còn nhiều bất cập, chúng tôi đặt việc duy trì nguồn nhân lực nòng cốt, tùy thuộc tình hình thực tế và nỗ lực từng đơn vị.

Vậy bản thân ông đã có những nỗ lực như thế nào để đảm bảo sự sống còn của Lửa Việt trong thời gian qua?

Gần 2 năm dịch bệnh hoành hành, ngành nghề nào cũng bị thiệt hại, trong đó du lịch là ngành bị nặng nhất. Các doanh nghiệp du lịch điêu đứng. Sau nửa năm chịu đựng, tôi quyết định làm shipper để có thêm tiền trang trải cuộc sống.

Với tôi, shipper cũng là một cách dấn thân, làm gương cho nhân viên nỗ lực vượt khó, vượt qua bão dịch. Nhờ đó, tôi có thêm cơ hội trải nghiệm cuộc sống muôn mặt Sài Gòn. Muốn shipper giỏi cũng phải học. Bắt đầu từ việc dùng Google Map kết hợp “google mồm” hỏi đường tắt hẻm ngang, đến việc chất xếp gạo cho chuẩn, thời điểm vắng xe.

Trước khi giao phải điện thoại hẹn giờ. Lỡ khách hàng bận hay không nghe điện thoại là chờ mệt nghỉ, có khi phải chở hàng về.

Càng đi nhiều, thấy nhiều, tôi càng thương dân nghèo. Tôi sẽ làm shipper gạo không chuyên dài dài, như một cách cân bằng cuộc sống, với những trải nghiệm thú vị mới. Đó cũng là cách dấn thân, làm gương cho nhân viên, ủng hộ nông sản Việt vừa giữ mối quan hệ với khách hàng và giới thiệu tour mới.

Hiện giờ, tôi vẫn trực tiếp đi giao gạo, nước mắm, mật ong, cá, thịt… Toàn hàng Việt Nam chất lượng cao cho bạn bè và khách hàng thân thiết. Có ngày chạy xe cả trăm cây số khắp các đường phố.

Nhiều người thấy bất ngờ khi tôi làm công việc này. Tôi tìm thấy niềm vui trong công việc, không thấy vất vả, lại có thêm nhiều trải nghiệm thực tế để chia sẻ và làm các chương trình du lịch city tour mới.

Ông đánh giá thế nào về lĩnh vực kinh doanh du lịch, vị trí của Việt Nam so với khu vực và thế giới trong thời điểm hiện tại?

Lĩnh vực kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, Việt Nam còn kém xa nhiều nước trong khu vực lẫn trên thế giới. Hiệu quả việc phòng chống dịch cũng vậy. Đặc biệt khi dịch bệnh bùng phát khiến toàn bộ hệ thống du lịch Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề.

Đã cuối năm và cận Tết, thời điểm mà đáng ra những năm về trước du lịch làm thêm buổi tối vẫn không hết việc, năm nay mọi thứ vẫn im ắng. Không công ty nào dám “ôm” vé máy bay, xe lửa; giữ phòng, xe, hướng dẫn viên…. trước cả năm như trước.

Nhiều doanh nghiệp và đơn vị dịch vụ vẫn đóng cửa vì lượng khách ít, nên không dám mạo hiểm bởi không thể đoán trước được dịch bệnh diễn biến thế nào. Học sinh còn học online thì du lịch còn khó dài dài. Dịch vụ vận chuyển chưa hanh thông thì du lịch còn gian nan vượt bão.

Uyên Tâm ghi

Ảnh: NVCC