Ông Trần Đại Thắng – Giám đốc Công ty Cổ phần văn hóa Đông A: Sách phiên bản đặc biệt là cuộc chơi hơn là lợi nhuận

Quỳnh HàThứ tư, 16/12/2020

|

07:00 GMT+7

Ông Trần Đại Thắng - Giám đốc Công ty Cổ phần văn hóa Đông A: Sách phiên bản đặc biệt là cuộc chơi hơn là lợi nhuận

* Ý tưởng làm những phiên bản sách đặc biệt đến với ông như thế nào và đâu là những thử thách ông gặp phải trong những ngày đầu tiên ấy?

– Ý tưởng làm các phiên bản sách đặc biệt đã hình thành ngay từ khi Đông A mới thành lập, tức là 16 năm trước, từ năm 2004. Tên gọi S100, logo của bộ sách… đều đã định danh, định hình từ những ngày đó.

Ấn bản sách đặc biệt đầu tiên là cuốn Văn Mới 5 năm đầu thế kỷ – một hợp tuyển văn xuôi của các tác giả mới và tác giả đang được mến mộ của Việt Nam giai đoạn đó do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn. Bản đặc biệt được làm bìa cứng, ruột in trên giấy conqueror (một loại giấy mỹ thuật cao cấp), được đánh số từ 001 đến 100, mỗi cuốn đều có chữ ký tươi của 39 nhà văn góp mặt trong sách. Với cuốn sách này, tôi đã đi gần như khắp Việt Nam để trực tiếp gặp các tác giả, từ nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế ở Việt Trì, các nhà văn Hồ Anh Thái, Nguyễn Huy Thiệp… ở Hà Nội, Trần Thùy Mai ở Huế, Nguyên Hương ở Đắk Lắk, Mạc Can, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Danh Lam… ở TP.HCM, Trần Đức Tiến ở Vũng Tàu, Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau… và rất nhiều nhà văn khác, mà trong đó có nhiều người đã rời xa cõi tạm như nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Quang Thân…

Trước năm 1975, phong trào chơi sách bản đặc biệt đã có ở cả hai miền Bắc Nam, cùng một cuốn sách có thể có rất nhiều loại giấy in khác nhau. Nhưng sau đó là cả một khoảng thời gian dài gián đoạn. Có thể nói, ở thời điểm làm cuốn Văn Mới 5 năm đầu thế kỷ, chúng tôi gần như là đơn vị đầu tiên đưa sách phiên bản đặc biệt trở lại với những người sưu tập và chơi sách. Chưa có kinh nghiệm, lúc đó chúng tôi cũng không nghĩ đến khó khăn, mà chỉ cố gắng hết sức để hoàn thiện những ấn bản thật sự chất lượng, xứng đáng để được gọi là “bản đặc biệt”.

* Một tựa sách như thế nào sẽ được Đông A chọn để làm các phiên bản đặc biệt? Lợi nhuận thu về so với chi phí bỏ ra chênh lệch khoảng bao nhiêu phần trăm?

– Có hai tiêu chí để chúng tôi lựa chọn sách làm phiên bản đặc biệt. Thứ nhất, đó phải là những tác phẩm cổ điển hoặc kinh điển trong các lĩnh vực, được yêu mến và đã khẳng định được vị trí trong lòng người đọc. Hoặc những tác phẩm mới nhưng phải có nội dung thật sự xuất sắc. Thứ hai, ngoài nội dung tốt, thì cuốn sách phải có minh họa hoặc phụ bản tranh hoặc ảnh. Bởi vì chúng tôi muốn đưa đến tay người đọc những cuốn sách không những để đọc, mà còn để trưng bày, ngắm nhìn. Bạn đọc cầm một cuốn sách bản đặc biệt của Đông A phải được cảm nhận một sự thưởng thức trọn vẹn, cả về nội dung, câu chữ và hình ảnh.

Chúng tôi chưa tính toán đến lợi nhuận với các bản sách đặc biệt. Thật sự có những cuốn sách chi phí sản xuất còn lớn hơn số tiền thu về. Ví dụ, cuốn Bố già S500, nhận đặt trước với giá 500.000 đồng nhưng chi phí thực tế để làm sách còn lớn hơn. Hoặc cuốn Thiên hoàng Minh Trị phải thu hồi chỉ vì một lỗi nhỏ về hình thức. Vừa phải làm lại ấn bản khác chất lượng hơn, vừa tặng thêm một cuốn Số đỏ bản S500, rồi đổi trả… nên sự thiệt hại cũng tương đối. Cho nên với các phiên bản đặc biệt, vào thời điểm hiện tại có thể xem đây là một cuộc chơi, một sự khám phá hơn là câu chuyện kinh doanh, lợi nhuận.

S100-3-5452-1608050063.jpg

Phiên bản đặc biệt S100 một số đầu sách do Đông A thực hiện

* Qua thời gian phát triển, ông nhận thấy cộng đồng sưu tầm sách phiên bản đặc biệt và thị trường này có những biến chuyển nào so với thời điểm khởi đầu?

– Ở thời điểm chúng tôi làm cuốn Văn Mới 5 năm đầu thế kỷ, ấn bản này cũng là một hiện tượng về xuất bản. Sách được phân phối ở phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí và cho những người quen… Vào giữa năm 2015, sau hai ngày phát hành, 100 cuốn Văn Mới 5 năm đầu thế kỷ bản đặc biệt được phát hành hết. Sau đó chúng tôi có làm thêm bản đặc biệt khác với tác phẩm của các nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Hồ Anh Thái, Hòa Vang… nhưng không được thành công. Một phần có thể do chưa đúng thời điểm: sách bản đặc biệt có giá khá cao so với ấn bản thông thường, đối tượng quan tâm đến sách bản đặc biệt là những người chơi sách khắp nơi, mà khi đó chưa có mạng xã hội kết nối nên sách ra không tiếp cận được đối tượng quan tâm thật sự…

Phải đến năm 2019, khi cuốn Anh em nhà Karamazov bản đặc biệt ra đời, với sự hỗ trợ của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác, cuốn sách đã được những người yêu sách, chơi sách trên cả nước biết đến và được đặt hết chỉ trong vài phút kể từ khi công bố. Sau đó là loạt tác phẩm khác như Kiêu hãnh và định kiến, Những ngôi sao Eger, Robinson Crusoe… tất cả đều được bạn đọc đăng ký trong một thời gian rất ngắn. Điều kiện kinh tế khá hơn, Internet phát triển, người quan tâm và có cơ hội tiếp cận các ấn phẩm đặc biệt bây giờ không chỉ bó hẹp trong một phạm vi, một nhóm đối tượng, mà là tất cả mọi người. Có những bạn sưu tầm sách tuổi còn rất trẻ, là điều mà trước đây khó thấy.

* Bên cạnh những đầu sách kinh điển, vốn là thế mạnh khai thác của Đông A, trong tương lai, ông có những dự định gì để mở rộng các đầu sách khác? Bên cạnh đó, ông có ấp ủ nào để làm mới hơn về hình thức của những phiên bản đặc biệt này?

– Mở rộng các đầu sách ngoài kinh điển chưa phải là mục tiêu hàng đầu của Đông A ở thời điểm này. Có rất nhiều tác phẩm kinh điển rất nên được đầu tư tốt hơn nữa. Mỗi năm Đông A cũng chỉ có thể cho ra đời khoảng 12 bản đặc biệt, nên ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vẫn là làm cho tốt những cuốn sách cổ điển, kinh điển, bằng cách biên tập, tra cứu, hiệu đính… kỹ về nội dung và tinh tế, trang trọng về hình thức. Còn đổi mới về hình thức, như tôi đã nói, khi một ấn bản đặc biệt ra đời, chúng tôi luôn nhận thấy ngay những điểm có thể thay đổi và làm tốt hơn ở lần sau. Đó là cả một quá trình hoàn thiện, qua từng phiên bản.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ!